Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG - THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHA SANGAHA) - 7. Tóm tắt tâm bất thiện

Friday, 20/05/2022, 16:28 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 20.5.2022


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHA SANGAHA)

7. Tóm tắt tâm bất thiện

Chánh văn

Aṭṭhadhā lobhamūlāni,

dosamūlāni ca dvidhā.

Mohamūlāni ca dveti,

dvādasākusalā siyuṃ.

Tám tâm có căn tham

Hai tâm có căn sân

Hai tâm chỉ căn si

Tổng cộng mười hai tâm

aṭṭhadhā > tám thứ

lobhamūlāni > căn tham

dosamūlāni > căn sân

dvidhā > hai thứ

mohamūlāni > căn si

dveti > hai

dvādasākusalā > (dvādasa+ akusalā) > 12 bất thiện

siyuṃ > gồm có

Chú Thích

Bài học nầy đúng ra nên đứng trước các bài nói về tâm tham, tâm sân, tâm si. Nhưng vì giáo trình nầy y cứ trên tác phấm “Thắng Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha sangaha)” nên phải y theo bố cục của nguyên tác. Theo một số các bản in thì câu (Iccevaṃ sabbathāpi dvādasākusalacittāni samattāni) được đánh số 7; bài kệ của bài kệ của bài học hôm nay (Aṭṭhadhā lobhamūlāni, dosamūlāni ca dvidhā. Mohamūlāni ca dveti, dvādasākusalā siyuṃ) đánh số 8…

Khi học Thắng Pháp Abhidhamma người học cần lưu ý là trong cách nói vĩ mô những từ vựng cần được hiểu ở nhiều mức độ từ sự thô thiển cho đến trạng thái rất tế nhị khác với quan điểm thường tình. Thí dụ tâm bất thiện không hẳn giống ý nghĩa “ác xấu” như chúng ta hay nói hoặc “tâm tham” không hẳn chỉ cho sự tham lam thô thiển mà có thể là một trạng thái rất khó cảm nhận như sự “dính mắc” trong thiền chứng.

Có lẽ định nghĩa chính xác nhất của thuật ngữ akusala là cái gì đối ngược với thiện. Pháp sư Giác Chánh giải thích điểm nầy như sau: Nếu thiện là những gì lành mạnh của tâm thức thì bất thiện là trạng thái suy nhược, bệnh hoạn của tâm (rogayattha); nếu thiện là cái gì tốt đẹp thì bất thiện là cái gì không tốt đẹp; nếu thiện là cái gì khôn khéo thì bất thiện là cái gì vụng về; nếu thiện là cái gì hiền thiện thì bất thiện là cái gì tội lỗi; nếu thiện là cái gì tạo quả an lạc thì bất thiện là nguyên nhân sanh khổ đau. Trong Kinh Tạng thì có một số trạng thái “dù bản thể là bất thiện” nhưng “tốt cho người tu tập” Thí dụ chúng ta thường nghe cái gì thuộc bất thiện là ác xấu nên từ bỏ. Trong Kinh Tạng, Kinh Đế Thích Vấn Đạo có Phật ngôn: có những thọ ưu nên thường có, có những thọ ưu không nên thường có. Thọ ưu trong Thắng Pháp chỉ có trong tâm sân. Như vậy tâm sân tuy là bất thiện nhưng có lúc cũng “rất tốt” như tâm kinh hãi đối với trầm luân sanh tử chẳng hạn. Một thí dụ khác là theo cái nhìn thường thức thì ăn năn hối lỗi là điều tốt đáng khuyến khích nhưng theo Thắng Pháp thì sự hối tiếc thuộc sân phần – là một thuộc tánh bất thiện. Nên học Thắng Pháp bằng cái nhìn mới mẽ bớt định kiến thì học sẽ nhanh và thú vị.

Để có cái nhìn rộng về thuật ngữ bất thiện – akusala – trong Thắng Pháp Abhidhamma nên hiểu bốn phạm trù sau:

Tâm bất thiện

Là ba thứ tâm tham, sân, si được phân định rõ ràng đối lập với các tâm tịnh hảo. Đây cũng chính là nội dung sẽ được học trong ba bài tiếp theo.

Thuộc tánh bất thiện

Thuộc tánh của tâm (thường gọi là tâm sở) cũng có nhóm thuộc tánh bất thiện nhưng cho chúng ta một số ý niệm khác về bất thiện thí dụ thuộc tánh si (và tất cả thuộc tánh thuộc si phần) có mặt trong tất cả 12 tâm bất thiện. Nói cách khác trong tâm tham và tâm sân có thuộc tánh si mặc dù trong tâm si không có thuộc tánh tham và thuộc tánh sân.

Căn bất thiện

Căn có nghĩa là cội rễ. Ba căn bất thiện là căn tham, căn sân, căn si mang ý nghĩa không giống với ba tâm bất thiện. Vai trò của các căn thiện và bất thiện trong Thắng Pháp Abhidhamma cho thấy góc nhìn đặc biệt về tâm pháp: tại sao không thể chỉ nói tâm một cách đơn thuần mà còn phải nói tới cội rễ. Thí dụ như như ngày nay khoa học nói về bacteria (vi khuẩn hay vi sinh vật) có thứ tốt, có thứ xấu. Thứ tốt có thể “ăn tiêu” những độc tố tai hại trong lúc thứ xấu có thể làm hại sức khoẻ của con người. Trong cái nhìn của các nhà khoa học thì cái nào giúp ích thì ghi nhận là giúp ích; cái nào có hại thì ghi nhận có hại. Khái niệm thiện, bất thiện trong Thắng pháp cũng tượng tự như vậy: Tâm nào đi với ba căn bất thiện thì là bất thiện, đi với ba căn thiện thì là tịnh hảo. Không nhận thức theo nghị luận thường tình.

Ảnh hưởng bất thiện

Đây là lãnh vực tương đối khó hiểu trong Phật học. Vô minh và ái ảnh hưởng toàn bộ tạo tác của nghiệp quả dù thiện hay bất thiện (nói theo duyên khởi là vô minh duyên hành; ái duyên thủ và thủ duyên hữu). Tác động nầy nhấn mạnh về hai thuộc tánh si (vô minh) và thuộc tánh tham (ái) không thể hiểu theo cách bất thiện, ác xấu bình thường mà là một ảnh hưởng sâu xa đối với tất cả tạo tác cấu thành tiến trình sanh tử.

Hai từ vựng tâm bất thiện (kusala) và phiền não (kilesa) đôi khi nghe như đồng nghĩa nhưng cách dùng có nhiều sai biệt. Trong Phật học tất cả tâm bất thiện đều chứa đựng phiền não. Nhưng nói một cách vĩ mô thì những thuộc tánh bất thiện thuộc hành uẩn trong lúc thọ uẩn, tưởng uẩn và thức uấn thì “bị nhuộm” bởi các thuộc tánh bất thiện. Trong cách nói đại loại thì bất thiện nói rộng hơn thí dụ sở hành bất thiện, khuynh hướng bất thiện … Trong lúc chữ phiền não đặc biệt chỉ cho trạng thái tâm bị nung nấu. Phải mất ít thời gian người học mới có thể phân biệt được cách dùng hai từ nầy một cách tinh xác.

Một điểm cần nói thêm về tâm bất thiện nếu nhìn vào biểu đồ chư pháp thì các tâm quả bất thiện không nhiều: chỉ có bảy tâm quả bất thiện vô nhân thoạt nhìn rất muội lược nhưng lại là “biển khổ trùng khơi”. Quả thiện tuy nhiều trên đồ biểu nhưng ít thành tựu trên thực tế đối với muôn loại chúng sanh. Quả bất thiện tuy nêu có ít trên biểu đồ nhưng so với quả thiện thì “như lông con bò so với sừng bò”

Biên soạn: Tỳ kheo Giác Đẳng