Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | Bài 34. Thuộc Tánh Biến Hành (sabbacittasādhāraṇa)

Friday, 14/10/2022, 16:53 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 14.10.2022


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

34. Thuộc Tánh Biến Hành (sabbacittasādhāraṇa)

Kathaṃ? (1) Phasso, (2) vedanā, (3) saññā, (4) cetanā, (5) ekaggatā, (6) jīvitindriya, (7) manasikāro cā ti satt’ime cetasikā sabbacittasādhāraṇā nāma.

Thế nào? Xúc, thọ, tưởng, tư, nhất hành, mạng căn, tác ý. Bảy thuộc tánh này gọi là thuộc tánh biến hành.

(1) phasso = xúc

(2) vedanā = thọ

(3) saññā = tưởng

(4) cetanā = tư

(5) ekaggatā = nhất hướng

(6) jīvitindriyaṃ = mạng căn

(7) manasikāro = tác ý

satt’ime cetasikā = bảy thuộc tánh nầy

sabbacittasādhāraṇā = phổ quát trong tất cả tâm, nhất thiết tâm biến hành

Chú thích

Một trong những điều thường gây ngộ nhận khi học Thắng Pháp là lấy một định nghĩa xài cho một thuật ngữ trong mọi trường hợp. Thí dụ thuật ngữ xúc (phassa) trong thuộc tánh tâm khác với xúc trong thập nhị nhân duyên. Xúc trong duyên khởi là sự trạng gặp gỡ của căn, cảnh, thức. Xúc trong thuộc tánh tâm là thành tố của tâm đóng vai trò tiếp xúc với căn, cảnh. Thí dụ như sự khác biệt của ngành ngoại giao và tuỳ viên ngoại giao. Mặc dù chữ ngoại giao đồng nghĩa.

Trong cách phân loại dễ hiễu nhất, 52 thuộc tánh của tâm có thể chia thành 4 nhóm:

a. Nhóm biến hành (gồm 7 thuộc tánh)

b. Nhóm biệt cảnh (gồm 6 thuộc tánh)

c. Nhóm bất thiện (gồm 14 thuộc tánh)

d. Nhóm tịnh hảo (gồm 25 thuộc tánh)

Nhóm a và b gom chung là nhóm tợ tha (aññasamānacetasika). Tên gọi nầy có nghĩa là đi với bất thiện là bất thiện, đi với tịnh hảo là tịnh hảo, đi với vô ký là vô ký.

7 thuộc tánh biến hành là những thuộc tánh có mặt trong tất cả tâm. Dịch như vậy để nói gọn. Gọi đúng là những thuộc tánh “nhất thiết tâm biến hành”. Trong những bài học sau có nhóm 4 thuộc tánh bất thiện biến hành (có mặt trong tất cả tâm bất thiện) và 19 thuộc tánh tịnh hảo biến hành (có mặt trong tất cả tâm tịnh hảo).

Thuộc tánh xúc (phassa) là cơ phận môi giới để tâm tiếp xúc với cảnh. Thí dụ tâm như một công ty thì thuộc tánh xúc như người để liên hệ (contact person) hay nếu tâm như con thuyền thì xúc như những trái độn treo trên mạn thuyền là cái nhận sự va chạm giữa con thuyền và bến đậu. Không nên hiểu xúc là sự gặp gỡ giữa căn, cảnh và thức như trong lý duyên khởi. Thuộc tánh xúc ở đây là một cơ phận của tâm.

Thuộc tánh thọ (vedanā) là cơ phận cảm biến sơ bộ khi tâm tiếp xúc với cảnh. Mặc dù thọ được chia thành khổ, lạc, ưu, hỷ, nhưng không nên hiểu là phản ứng cảm xú như chữ emotion trong Anh ngữ. Thọ ở đây chỉ đơn thuần là sự cảm nhận. Thí dụ tâm như một công ty thì thuộc tánh thọ như người làm ở bàn tiếp tân (reception) với khả năng nhận diện và xử lý trong chừng mực sơ khởi. Sớ giải thường dùng thí dụ như ngự trù nếm thực phẩm khi nấu cho vua: chỉ nếm để biết hương vị chứ không phải thưởng thức như nhà vua.

Thuộc tánh tưởng (saññā) là cơ phận đánh dấu và nhận biết cảnh qua ấn tượng. Nhận thức qua các chỉ dấu chính là tưởng. Thí dụ tâm như một công ty thì thuộc tánh tưởng như nhân viên lưu hồ sơ về khách và nhận biết nhờ lục hồ sơ. Chính thuộc tánh nầy đóng vai trò hấp thụ, ký tính của tâm thức.

Thuộc tánh tư (Cetanā) là cơ phận chủ suý tạo tác. Thí dụ tâm như một công ty thì thuộc tánh tư giống như viên chức đề xuất chính sách hay giám đốc điều hành. Chính thuộc tánh nầy được xem trọng điểm của nghiệp và cũng có thể thể như vai trò của ý chí trong cuộc sống

Thuộc tánh nhất hướng (Ekaggatā) là cơ phận “gom lùa” các pháp đồng sanh cùng hướng vào một đối tượng. Có thể thí dụ chức năng của thuộc tánh nhất hướng như vai trò của một “whip” ở trong quốc hội Hoa Kỳ là làm sao các nghị viên cùng một đảng cùng tập chú vào một chương trình hành động. Trong sự tu tập tinh luyện nhất hướng trở thành định lực, một thiền chi quan trọng.

Thuộc tánh mạng quyền (Jīvitindriya) là cơ phận duy trì sự tồn tại. Thí dụ tâm như một công ty thì thuộc tánh mạng quyền như một phó giám đốc nội vụ chịu trách nhiệm về sự sống còn của guồng máy.

Thuộc tánh tác ý (manasikāra) là cơ phận hướng tâm vào một tiêu điểm của cảnh. Chữ tác ý ở đây mặc dù dịch sát với văn tự nhưng dễ tạo ngộ nhận trong ngôn ngữ tiếng Việt (…). Dịch đúng nghĩa là chữ tiêu cự (focus) nghĩa là lấy một điểm trong toàn cảnh. Thí dụ tâm như một công ty PR thì thuộc tánh tác ý như một viên chức ngoại vụ quyết định đối tượng nào nên nhắm tới trong hoạt động.

Bảy thuộc tánh tợ tha biến hành có nhiều vai trò cốt lõi trong sự vận hành của tâm thức. Khi liệt kê thì như nhau như nói về vai trò thì thuộc tánh thọ là thọ uẩn, thuộc tánh tưởng là tưởng uẩn, những thuộc tánh còn lại là thuộc hành uẩn – mà trong đó – thuộc tánh tư là chủ đạo.

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn