- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học chủ nhật 10.9.2023
XIV
Phật Đà
(Buddhavagga)
Gồm 18 bài kệ với 9 duyên sự
XIV. Phẩm Phật Đà_Kệ số 1 và 2 (dhp 179 & 180)
Duyên sự:
Hai bài kệ nầy đức Phật thuyết lên khi Ngài vừa giác ngộ dưới cội cây bồ đề, do nhân ba cô gái của ma vương đến Ngài và cám dỗ Ngài. Nhưng ở đây, đức Phật kể lại cho hai vợ chồng người bà la môn Māgandiya để tiếp độ họ đắc đạo quả.
Ông Bà la môn Māgandiya ở xứ Kuru. Bà la môn nầy có đứa con gái tên Māgandiyā nhan sắc tuyệt trần. Đã có nhiều vương tôn công tử con nhà đại phú đến dạm hỏi cưới nàng về làm vợ, nhưng Bà la môn Māgandiya từ khước tất cả vì ông ta nhận thấy không có ai xứng đáng với con gái ông ta.
Theo thông lệ, đức Thế Tôn sáng sớm dùng Phật nhãn quán sát căn duyên của chúng sanh để Ngài tê độ. Đức Thế Tôn thấy căn lành của hai vợ chồng Bà la môn Māgandiya.
Buổi sáng hôm ấy, đức Thế Tôn đắp ý cầm bát ngự đến đền thờ Thần Lửa của làng Kammāsadamma xứ Kuru, nơi mà vị Bà la môn Māgandiya sẽ đến tế thần.
Lát sau, bà la môn Māgandiya vừa đến đền thờ Thần Lửa, ông ta nhìn thấy đức Phật với tướng hảo đại nhân, ông trầm trồ và suy nghĩ: “Ta chưa từng thấy người nam nào có sắc diện thanh tú đẹp đẽ như vị sa môn nầy. Người nầy thật xứng đáng với sắc đẹp kiều diễm của con gái ta. Vậy ta hãy gả con gái cho người nầy”.
Ông Bà la môn Māgandiya đến gần đức Phật và nói lên ý nguyện của mình, bảo đức Phật đứng chờ ông ta dẫn con gái đến.
Ông ta vội trở về nhà báo tin cho vợ biết và dắt con gái đến chổ đức Phật.
Bấy giờ đức Thế Tôn không đứng tại chổ ấy mà Ngài chỉ để lại hai dấu chân nơi đó rồi tránh đi đến đằng kia gần đó.
Vợ chồng Bà la môn Māgandiya đến nơi không gặp đức Phật mà chỉ thấy dấu chân Ngài in trên mặt đất ở đấy. Nữ Bà la môn vợ ông Māgandiya rất giỏi khoa chiêm tướng, khi quán sát dấu chân Phật, bà nói với chồng: “Đây không phải là dấu chân của người hưởng dục, đây là dấu chân của người đã lìa phiền não. Việc mà ông định gả con gái cho người nầy, không được đâu!”.
Nhưng ông bà la môn Māgandiya nhất quyết không nghe.
Khi họ nhìn thấy đức Thế Tôn đứng đằng kia. Họ dắt con gái đến trước mặt đức Phật và ông bà la môn nói với Ngài: “Thưa Sa môn, đây là con gái của tôi, tên Māgandiyā, tôi xin gả con gái tôi cho Ngài”.
Đức Phật không nói chi, Ngài chỉ bảo rằng: “Nầy ba la môn, ta sẽ kể cho ông nghe chuyện nầy, ông có chịu nghe không?” _ “Tôi nghe, thưa Ngài sa môn!”.
Đức Thế Tôn liền kể lại chuyện từ khi rời hoàng cung Kapilavatthu đi tìm con đường giải thoát. Ma vương dùng mồi danh lợi, ngai vàng chuyển luân vương để chiêu dụ Ngài bỏ ý định xuất gia nhưng Ngài đã khẳng khái từ khước. Ma vương đã doạ sẽ theo dõi Ngài, nếu Ngài sống khởi tà tư duy: dục tầm, sân tầm, hai tầm…Ma vương sẽ đối phó với Ngài. Nhưng trong suốt sáu năm dài, ma vương không thể tìm được lỗi lầm nào của Ngài. Đến khi Ngài đi theo trung đạo và chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác, đã hoàn toàn giải thoát khỏi quyền lực phiền não ma.
Ma vương sầu muộn vì thua uy lực của Đấng Đại Giác, ngồi ủ dột suy tính. Kế có ba con gái Ma vương là Taṇhā, Āratī và Rāgā thấy cha sầu muộn bàn xin đi cám dổ đức Phật.
Ba thiên ma nữ ấy hoá thân thành những nữ nhân có thân thể khiêu gợi, từ thiếu nữ dậy thì, đến những sương phụ một hai con, đến các phụ nữ trung niên gợi tình…Họ nói: “Chúng em đến hầu hạ Ngài thưa bậc Đại Sĩ!” Nhưng đức Phật tâm trú bất động, chẳng màng đến lời của ba ma nữ. Thế rồi, đức Phật nói với các ma nữ:
“Các người hãy biến đi, các người cố gắng cám dổ như thế không tác dụng gì. Việc ấy chỉ có thể quyến rủ người còn ái dục thôi; Như Lai đã tận diệt gốc rể của tham ấi rồi, các người dùng cách gì mà dẫn dắt Như Lai vào quyền lực các ngươi chứ?”.
Nói xong, đức Phật thuyết lên hai bài kệ: Yassa jitaṃ n’āvajīyati…v.v…Yassa jālinī visattikā…v.v…apadaṃ kena padena nessathā’ ti.
Dứt kệ ngôn, ba Ma nữ biến mất.
Đức Phật sau khi kể lại chuyện ba Ma nữ xong, Ngài nói với vợ chồng bà la môn Māgandiya rằng:
“Nầy Māgandiya, thuở trước Như Lai đã gặp ba thiên ma nữ xinh đẹp như thế mà Như Lai còn không động tình, thì làm sao rung cảm trước cái thân xác bất tịnh của con người chất chứa ba mươi hai thể trược. Ta không muốn chạm đến thân thể ấy dù dùng chân đụng”.
Đức Phật kết thúc pháp thoại, hai vợ chồng bà la môn Māgandiya đắc quảt A na hàm. Nghe nói sau đó họ nhờ người em trai Cūlamāgandiya nuôi dạy đứa con gái; và cả hai đã xuất gia tỳ kheo, tỳ kheo ni rồi đắc A la hán.
Chánh văn:
1. Yassa jitaṃ n’āvajīyati
jitaṃ yassa noyāti koci loke
taṃ buddhaṃ anantagocaraṃ
apadaṃ kena padena nessatha.
(dhp 179)
2. Yassa jālinī visattikā
taṇhā natthi kuhiñci netave
taṃ buddhaṃ anantagocaraṃ
apadaṃ kena padena nessatha.
(dhp 180)
Thích văn:
Yassa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] đối với người nào, đối với ai.
Jitaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh động từ jita] sự chiến thắng, sự chinh phục.
N’ āvajīyati [hợp âm na avajīyati] Avajīyati [động từ tiến hành cách thể thụ động “ava +
Noyāti [hợp âm na uyyāti]
Uyyāti [động từ tiến hành cách “ū +
Koci [chủ cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ kaci (ka + ci)] người nào, ai.
Loke [định sở cách, số ít, nam tính, danh từ loka] ở đời, thế gian.
Taṃ [đối cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] ấy, người ấy.
Buddhaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ buddha] đức Phật, đấng giác ngộ.
Anantagocaraṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ ananttagocara (ananta + gocara)] cảnh giới không cùng tận, cảnh giới mênh mông.
Apadaṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ apada (a + pada)] không dấu chân, không vết tích.
Kena [sở dụng cách, số ít, trung tính, nghi vấn đại từ ka] bởi cái gì? do cái gì?
Padena [sở dụng cách, số ít, trung tính, danh từ paḍa] theo dấu chân, bởi phương cách, bằng lối đi.
Nessatha [động từ tương lai cách “
Jālinī [chủ cách, số ít, nữ tính, tính từ jālinī] như mãnh lưới, như lưới giăng.
Visattikā [chủ cách, số ít, nữ tính, tính từ visattikā] như độc dược, như trái độc…
Taṇhā [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ taṇhā] ái tham.
Natthi [động từ phủ định “na + atthi”] không có, không còn.
Kuhiñci [trạng từ chỉ nơi chốn] chổ nào, bất cứ nơi đâu.
Netave [như netuṃ. Vị biến cách nguyên mẩu “ne (
Việt văn:
1. Bậc chiến thắng bất bại
đời không ai thắng nổi,
bậc giới vức vô biên
vị Phật không dấu tích,
các ngươi sẽ dẫn dắt
vị ấy bằng cách nào?
(pc 179)
2. Ai không còn lưới tham
dẫn đi bất cứ đâu
bậc giới vức vô biên
vị Phật không dấu tích
các ngươi sẽ dẫn dắt
vị ấy bằng cách nào?
(pc 180)
Chuyển văn:
1. Yassa jitaṃ na avajīyati yassa loke na koci jitaṃ, anantagocaraṃ apadaṃ buddhaṃ taṃ kena padena nessatha.
Đối với vị chiến thắng bất bại, đối với vị mà không ai trong đời chinh phục được, một vị Phật cảnh giới vô biên, không để dấu tích; Các người lần theo dấu vết nào mà dẫn độ vị ấy?
2. Yassa kuhiñci netave jālinī visattikā taṇhā natthi anantagocaraṃ apadaṃ buddhaṃ taṃ kena padena nessatha.
Đối với vị không còn tham ái, như lưới giăng, như độc dược, để dẩn tái sanh chổ nầy chổ kia, một vị Phật có cảnh giới vô biên, không để dấu tích; các ngươi lần theo dấu vết nào mà dẫn độ vị ấy?
Lý giải:
Hai bài kệ trên đức Phật đã mô tả hành trạng của vị Chánh đẳng giác (yassa sammāsambuddhassa).
Hai câu đầu của bài kệ trước:
Câu nói “Jitaṃ n’avajīyati, chiến thắng bất bại”, nghĩa là phiền não đã được thắng phục bằng thánh đạo rồi, phiền não ấy không còn công phá tâm của vị đã đoạn trừ một cách triệt để.
Câu nói “Jitaṃ yassa noyāti koci loke, đời không ai thắng nổi”, nghĩa là trong thế gian, không một ai hay một thứ gì, thiên ma hay phiền não ma, chinh phục được một vị đã chiến thắng phiền não.
Hai câu đầu của bài kệ sau:
“Yassa jālinī visattikā taṇhā natthi kuhiñci netave, đói với vị không còn tham ái như lưới giăng như độc dược, để dẫn tái sanh mọi nơi”. Đây nói về ái (taṇha). Ái như lưới giăng (jālinī taṇhā); Ai như độc dược (visattikā taṇhā); Ái là nhân dẫn đi tái sanh bất cứ cõi nào (kuhiñci netave taṇhā). Ái ấy không còn đối với vị đã đắc thành Chánh đẳng giác.
Chánh đẳng giác là một vị Phật (buddha).
Giới vức vô biên (anantagocaraṃ), nói đến nhứt thiết chủng trí hay trí toàn tri (sabbaññutaññāna) của vị Phật. Nhứt thiết chũng trí của Phật là giới vức vô biên, là hành xứ không có giới hạn (apariyantagocaraṃ).
Không dấu tích (apadaṃ), là không có dấu vết phiền não như ái tham…v.v…(rāgapadādi).
Đức Phật nói với ba ma nữ: đối với người có dấu vết phiền não tham…v.v…thì các ngươi theo dấu vết ấy mà dẫn độ người ấy, còn như đối với vị Phật một dấu vết cũng không có thì cách ngươi lần theo dấu vết nào mà dẫn về? (Taṃ apadaṃ buddhaṃ tumhe kena padena nessatha?).
Cả hai bài kệ có câu cuối giống nhau, cần phải hiểu như vậy./.
Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.