Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXVI. Phẩm Bà La Môn (Brahmaṇavagga) _ Kệ số 7, 8 (dhp 389, 390)

Sunday, 05/01/2025, 10:12 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 26.12.2024

XXVI

Phẩm Bà La Môn

(Brahmaṇavagga)

XXVI. Phẩm Bà La Môn_Kệ số 7, 8 (dhp 389, 390)

Chánh văn:

7. Na brāhmaṇassa pahareyya

n’ āssa muñcetha brāhmaṇo

dhī brāhmaṇassa hantāraṃ

tato dhī yassa muñcati.

(dhp 389)

8. Na brāhmaṇass’ etadakiñci seyyo

yadā nisedho manaso piyehi

yato yato hiṃsamano nivattati

tato tato samatimeva dukkhaṃ.

(dhp 390)

Thích văn:

Na [phân từ phủ định] không, chẳng.

Brāhmaṇassa [chỉ định cách, số ít, nam tính, danh từ brāhmaṇa] đến vị Bà la môn, đến vị Phạm chí.

Pahareyya [động từ khả năng cách, parassapada, ngôi III, số ít, “pa + har + a + eyya”] nên đánh đập.

N’assa [hợp âm na assa]

Na [phân từ phủ định] không, đừng.

Assa [chỉ định cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ima] đến người này.

Muñcetha [động từ khả năng cách, attanopada, ngôi III, số ít, “muc + ṃ_a + etha”] nên trút (giận), nên bộc lộ (cơn giận).

Dhī [bất biến từ dhi] xấu hổ thay! Mắc cỡ thay!

Hantāraṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ hantu] người đánh đập, người làm hại.

Tato [trạng từ] hơn thế. Dùng thành ngữ “tato dhī” nghĩa là “xấu hổ hơn thế”, “càng xấu hổ hơn”.

Muñcati [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapda, ngôi III, số ít, muc + ṃ_a + ti”] trút (giận), bộc lộ (sự giận).

Brāhmaṇass’etadakiñci [hợp thể brāhmaṇassa etaṃ akiñci].

Brāhmanassa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, danh từ brāhmaṇa] đối với vị bà la môn, đối với vị Phạm chí.

Etaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, đại từ eta] việc đó, điều đó.

Akiñci [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ akaci (na + kaci)] không có chi, chuyện nhỏ.

Seyyo [bất biến từ] tốt hơn.

Yadā [trạng từ] khi, khi nào.

Nisedho [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ nisedha] sự ngăn chặn, sự kềm chế.

Manaso [chỉ định cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ mana] ý, tâm ý.

Piyehi [sở dụng cách, số hiều, nam tính, tính từ piya] ưa mến, yêu thích.

Yato [trạng từ] từ khi nào. “yato yato, đến bao giờ”.

Hiṃsamano [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể hiṃsamana] ý hãm hại, tâm não hại.

Nivattati [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapda, ngôi III, số ít, “ni + vat + a + ti”] hồi đầu, quay lại, dừng lại.

Tato [trạng từ] từ đó. “Tato tato, đến chừng ấy”.

Sammatimeva [hợp âm sammati (m) eva].

Sammati [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số ít, “sam + a + ti”] lắng yên, được lắng yên, được ngưng lại.

Eva [bất biến từ] từ đệm trong câu văn.

Dukkhaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ dukkha] sự khổ, nổi đau khổ.

Việt văn:

7. Chớ đánh vị Phạm chí

phạm chí chớ trút giận,

hổ thay! Đánh phạm chí,

trút giận, càng hổ hơn.

(pc 389)

8. Đối với vị Phạm chí

điều này lợi không nhỏ

khi ngăn tâm yêu thích

khi ý hại, được chặn,

chỉ khi ấy, chừng ấy

đau khổ được lắng yên.

(pc 390)

Chuyển văn:

7. Brāhmaṇassa na pahareyya, brāhmaṇo assa na muñcetha; Brāhmaṇassa hantāraṃ dhī! Yassa muñcati tato dhī!

Ch đánh đập vị bà la môn; Bà la môn chớ trút giận hại người này. Xấu hổ thay kẻ đánh đập Phạm chí; Phạm chí trút giận thì xấu hổ hơn.

8. Etaṃ brāhmaṇassa na akiñci seyyo yadā piyehi manaso nisedho yato yato hiṃsamano nivattati tato tato dukkhaṃ sammati eva.

Chuyện đó tốt không nhỏ đối với vị bà la môn, là khi nào ngăn được tâm yêu thích; lúc nào ý não hại được chặn đứng, đến chừng ấy khổ đau mới lắng yên.

Duyên sự:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú ở Jetavanavihāra, gần thành Sāvatthi vì chuyện trưởng lão Sāriputta.

Có nhiều người dân ở tại nơi kia, đã tán thán ân đức của trưởng lão Sāriputta: “ôi! Đức Ngài của chúng ta, hội đủ sức mạnh kham nhẫn, Ngài không có mải mai sân giận khi những người khác mắng chửi hay đánh đập”.

Thế rồi, một người bà la môn tà kiến đã hỏi dân chúng: “Người đó là ai mà không sân giận vậy ?”. Dân chúng trả lời: “Đó là vị trưởng lão chúng tôi”.

Người bà la môn bảo: “Chọc giận vị ấy cũng sẽ không giận à ?”

Dân chúng nói: “sẽ không đâu, thưa bà la môn”.

Ông ta nói: “Nếu thế, tôi sẽ chọc giận vị ấy”.

Rồi người bà la môn chờ lúc thấy vị trưởng lão đi vào thành khất thực, ông ta đã đi phía sau Ngài, dùng bàn tay đánh mạnh vào giữa lưng Ngài. Trưởng lão Sāriputta vẫn đi tới không ngoái lại nhìn, chỉ nghĩ: “Việc gì thế ?”. Ngay lúc ấy, toàn thân của người bà la môn như bị thiêu đốt, ông ta biết mình đã xúc phạm bậc có đức độ, nên đã nằm mọp dưới chân vị trưởng lão và sám hối: “Bạch Ngài, xin hãy thứ lỗi cho con”. Trưởng lão nói: “Chuyện gì thế ?”_ “Vì muốn thử xem sự kham nhẫn của Ngài nên con đã đánh Ngài”.

Trưởng lão bảo: “Được rồi, ta tha thứ cho ngươi”.

Người bà la môn thưa: “Nếu Ngài chịu tha lỗi cho con, xin hãy vào nhà của con và thọ nhận thức ăn”. Ông ta cầm lấy cái bát của trưởng lão rồi đưa trưởng lão về nhà mình và cúng dường vật thực.

Trong khi ấy, mọi người phẫn nộ đứng trước cửa nhà của người bà la môn nghĩ rằng: “Đức Ngài của chúng ta không có lỗi gì mà người này đánh. Hắn không thoát khỏi sự trừng phạt. Chúng ta sẽ giết chết hắn tại đây”.

Trưởng lão đứng lên đi về sau khi nhận lại bình bát trên tay người bà la môn. Mọi người nhìn thấy hắn đang đi với vị trưởng lão, họ đã nói: “Bạch Ngài, sau khi cầm lấy bình bát của Ngài, hãy bảo ông bà la môn trở lại” _ “Chuyện gì thế, hỡi các cận sự nam” _ “Bạch Ngài, gã bà la môn này đã đánh Ngài, chúng con sẽ trừng trị gã” _ “Thế nhưng các ngươi bị đánh hay là ta bị đánh ?” _ “Thưa, Ngài bị đánh”.

Trưởng lão nói: “Ông ấy đánh ta và đã xin tha thứ rồi. Các người hãy đi về”.

Sau khi giải tán dân chúng và bảo người bà la môn trở lại, trưởng lão đã đi về tịnh xá.

Chư tỳ kheo biết chuyện đã phàn nàn: “Sao lại thế ? Trưởng lão Sāriputta bị ông bà la môn nào đó đánh, lại ngồi trong nhà của ông ta, nhận vật thực rồi đi về. Bắt đầu từ nay, hễ đánh trưởng lão được thì sẽ kiêng nể với ai nữa? Ông ta đi gặp ai cũng đánh cho coi”.

Đức Thế Tôn đi đến hỏi chư tỳ kheo đang ngồi bàn tán việc gì, chư tỳ kheo trình bày sự việc đến đức Thế Tôn. Ngài nói: “Này chư tỳ kheo, không có việc Bà la môn (A la hán) đánh bà la môn (chúng sanh). Chỉ có vị Bà la môn tịnh hạnh bị đánh bởi bà la môn cư sĩ thôi. Sự phẫn nộ đã được nhổ bỏ do thánh đạo A na hàm rồi (huống gì là thánh đạo A la hán)”.

Nói xong, đức Phật đã thuyết lên hai bài kệ này: Na brāhmaṇassa pahareyya…v.v…tato tato sammatimeva dukkhan’ ti.

Dứt pháp thoại, có nhiều vị tỳ kheo chứng được thánh quả.

Lý giải:

Ở những trường hợp khác, đức Phật dùng danh từ Brāhmaṇa (Bà la môn, phạm chí) trong ý nghĩa Khīnāsavabrāhmaṇa (vị bà la môn lậu tận, tức là vị A la hán). Nhưng ở đây trong hai kệ ngôn này, mạch văn dùng từ Brāhmaṇa với động từ khả năng cách… thì nên hiểu nghĩa là pabbajitabrāhmaṇa (vị bà la môn tu sĩ tức là vị tỳ kheo).

Câu nói: “Chớ đánh bà la môn” (na brāhmaṇassa pahareyya), nghĩa là người cư sĩ không nên đánh đập vị tu sĩ, không nên đánh đập bậc xuất gia.

Câu nói: “vị Phạm chí chớ trút giận lại người này” (na assa muñcetha brāhmaṇo) nghĩa là vị xuất gia khi bị người khác đánh đp hay mắng chửi, cũng không nên nổi giận đánh lại (appaṭipaharanaṃ), mắng chửi lại (apacccakkosanaṃ) người đã đánh mình, mắng chửi mình.

Câu nói: “Xấu hổ thay kẻ đánh phạm chí” (dhī brāhmaṇassa hantaraṃ), nghĩa là một người cư sĩ mà mắng chửi hay đánh đập một vị tu hành, thật đáng mắc cỡ; người ấy sẽ bị người đời chê trách và sau phải lãnh quả nghiệp xấu.

Câu nói: “Phạm chí trút giận thì xấu hổ hơn” (tato dhī yo assa muñcati) nghĩa là vị tu sĩ nào mà khi bị người mắng liền nổi giận mắng lại, hay khi bị người khác đánh đập liền nổi giận đánh lại, thật xấu hổ hơn người đánh mắng mình, vì mọi người sẽ nghĩ rằng một vị xuất gia phải kềm chế sân hận, không chửi người khác, không đánh người khác, mà vị này nổi sân mắng trả hay đánh trả, thật không đáng kính trọng.

Ở kệ ngôn pháp cú 390, đức Phật dạy chư tỳ kheo về hiệu năng tu tp của vị xuất gia.

Câu nói: “Đối với vị Phạm chí điều này lợi không nhỏ” (Na brāhmaṇassa etaṃ akiñci seyyo). Điều này hay điều đó (etaṃ) là điều mà một vị xuất gia, vị tu sĩ, kềm chế tâm hiềm hận khi bị người ta đánh đập hay mắng chửi. Lợi không nhỏ (na akiñci seyyo) nghĩa là sự nhiếp phục sân tâm có lợi ích lớn, không phải ít ỏi, nhỏ nhen (appamattakam giải thích cho từ akiñci).

Câu nói: “khi nào ngăn chặn được tâm yêu thích” (yadā nisedho manaso piyehi). H có thương thì có ghét, có yêu thì có hận; thương yêu là nhân sanh thù hận, do đó ngăn chặn được tâm yêu thích thì không có tâm phẫn nộ.

Câu nói: “Đến chừng nào ý não hại được chặn đứng thì đến chừng ấy khổ đau mới lắng yên” (yato yato hiṃsamano nivattati tato tato sammati eva dukkhaṃ). Hiṃsamano’ti kodhamano, gọi là ý não hại tức tâm phẫn nộ. Có hai thứ khổ: khổ thuộc về thân (kāyikadukkhaṃ) và khổ thuộc về tâm (cetasikadukkhaṃ); chúng sanh phàm phu bị hai mũi tên là khổ thân và khổ tâm, bậc thánh A na hàm và thánh A la hán chỉ có khổ thân chớ không còn khổ tâm. Tâm sân đã được đoạn trừ bởi thánh đạo A na hàm rồi nói chi đến thánh đạo A la hán!

Khi hận tâm không còn thì khổ đau chấm dứt tức là dứt khổ sầu và dứt khổ luân hồi (vaṭṭadukkhaṃ nivattati_y_eva)./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.