Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXVI. Phẩm Bà La Môn (Brahmaṇavagga) _ Kệ số 20 (dhp 402)

Friday, 14/02/2025, 23:04 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 10.2.2025

XXVI

Phẩm Bà La Môn

(Brāhmaṇavagga)

XXVI. Phẩm Bà La Môn_Kệ số 20 (dhp 402)

Chánh văn:

20. Yo dukkhassa pajānāti

idh’ eva khayamattano

pannabhāraṃ visaṃyuttaṃ

tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ.

(dhp 402)

Thích văn:

Dukkhassa [chỉ định cách, số ít, trung tính, danh từ dukkha] sự khổ, sự khổ đau.

Pajānāti [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số ít, “pa + ñā + nā + ti”] hiểu biết, biết rõ, thấu triệt.

Idh’ eva [hợp âm idha eva].

Idha [trạng từ] ở đây, trong đời này. Idh’ eva ngay trong kiếp này.

Khayamattano [hợp âm khayaṃ attano].

Khayaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ khaya] sự đoạn tận.

Attano [sở thuộc cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ atta] của mình.

Pannabhāraṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể pannabhāra (panna + bhāra)] có gánh nặng đã đặt xuống.

Visaṃyuttaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ visaṃyutta (quá khứ phân từ của động từ visaṃyuñjati)] đã ly ách, không bị buộc ràng.

Việt văn:

20. Người nào ở đời này

tự biết khổ đoạn tận

bỏ gánh nặng, ly ách

ta gọi ấy phạm chí.

(pc 402)

Chuyển văn:

20. Yo idha eva attano dukkhassa khayaṃ pajānāti pannabhāraṃ visaṃyuttaṃ taṃ ahaṃ brāmaṇaṃ brūmi.

Ở đời, ai rõ biết sự đoạn tận khổ đau của mình, gánh nặng đã đặt xuống, không bị buộc ràng, người ấy ta gọi là Bà la môn.

Duyên sự:

Khi đức Thế Tôn trú tại Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, Ngài đã thuyết bài kệ này, vì chuyện một vị bà la môn nọ.

Thời gian đó, luật về “Người tự do (bhujissa) mới cho tu tỳ kheo” chưa được qui định.

Có một tên nô lệ của vị bà la môn nọ đã bỏ trốn và xuất gia thành tỳ kheo, rồi đắc quả A la hán.

Vị bà la môn nọ tìm kiếm người nô lệ ấy mãi không thấy. Một ngày kia, vị bà la môn nhìn thấy người ấy là vị tỳ kheo đang đi cùng với bậc Đạo sư vào cổng thành để khất thực, ông ta chạy lại nắm chặt y của vị tỳ kheo ấy. Đức Thế Tôn xoay lại hỏi: “Có chuyện gì vậy, bà la môn?” _ “Thưa ngài Gotama, đây là người nô lệ của tôi” _ “Này bà la môn, người đó đã đặt gánh nặng xuống rồi”. Được nghe “đã đặt gánh nng” vị bà la môn suy nghĩ: “người đã đặt gánh nặng xuống là bậc A la hán”. Do đó, ông ta hỏi gặng lại: “Thưa Ngài Gotama, đúng như vậy không?” _ “Đúng vậy, này bà la môn, vị ấy là người đã đặt gánh nặng xuống”.

Nói xong, đức Phật đã thuyết lên bài kệ này: Yo dukkhassa pajānāti…v.v…tamahaṃ brūmi brāhmaṇan’ ti.

Dứt kệ ngôn, người bà la môn ấy đã trú trong quả vị dự lưu.

Lý giải:

Bài kệ này, cũng nói về trạng thái của bậc A la hán, mà đức Phật gọi là vị Bà la môn.

Người nào ở đời này (yo idh’ eva) tức là bất luận là người ở giai cấp nào trong xã hội này.

Tự biết khổ đoạn tận (attano dukkhassa khayaṃ pajānāti) nghĩa là người mà tự biết rõ bản thân đã đoạn tận khổ luân hồi (vaṭṭadukkhassa khayaṃ), sau đời này không còn đời sống khác.

Gánh nặng đã đặt xuống (pannabhāraṃ) nghĩa là vị A la hán đã bỏ xuống gánh nặng ngũ uẩn (khandhabhāraṃ) khi hu dư y níp bàn, thì không còn chấp thủ (ái chấp, mạn chấp, kiến chấp) đối với ngũ uẩn; khi vô dư y níp bàn thì hoàn toàn không có tái tạo ngũ uẩn khác trong tương lai.

Không bị buộc ràng (visaṃyuttaṃ) nghĩa là thoát ly bốn ách phược (catūhi yogehi visaṃyuttaṃ) hay thoát ly tất cả phiền não (sabbakilesehi visaṃyuttaṃ)./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.