- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học thứ năm 16.1.2025
XXVI
Phẩm Bà La Môn
(Brahmaṇavagga)
XXVI. Phẩm Bà La Môn_Kệ số 14 (dhp 396)
Chánh văn:
14. Na c’ahaṃ brāhmaṇaṃ brūmi
yonijaṃ mattisaṃbhavaṃ
bhovādi nāma so hoti
sace hoti sakiñcano
akiñcanaṃ anādānaṃ
tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ.
(dhp 396)
Thích văn:
C’ āhaṃ [hợp âm ca ahaṃ].
Yonijaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể yonija (yoni + ja từ jan)] sanh loại, sanh từ thai tạng (dòng bà la môn).
Mattisaṃbhavaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể mattisaṃbhava (matti + saṃbhava)] mẫu hệ, xuất thân từ mẹ (là bà la môn).
Bhovādi [Bhovādī. Chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể bhovādi (bho + vādi)] tiếng xưng hô, từ gọi đối thoại, tiếng gọi thoại.
Nāma [trạng từ] chỉ là, hẳn là.
So [chủ cách, số ít, nam tính, đại từ ta] người ấy.
Sace [giới từ] nếu.
Sakiñcano [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể sakiñcana (sa + kiñcana)] còn pháp chướng, còn bám víu, còn vướng lụy.
Akiñcanaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể akiñcana (na + kiñcana)] không có pháp chướng, không bám víu, không vướng lụy.
Anādānaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể anādāna (na + ādāna)] không chấp thủ, không nắm giữ.
Việt văn:
14. Ta không gọi Phạm chí
vì sanh loại, mẫu hệ,
người ấy chỉ danh gọi,
nếu còn phiền não chướng.
người không chướng, không chấp
ta gọi ấy Phạm chí.
(pc 396)
Chuyển văn:
14. Ahaṃ yonijaṃ mattisambhavaṃ ca brāhmaṇaṃ. Sace so sakiñcano hoti bhovādī nāma hoti. Ahaṃ akiñcanaṃ adānaṃ taṃ ahaṃ brāhaṇaṃ brūmi.
Ta không vị Phạm chí là người sanh loại (bà la môn) và mẫu hệ (bà la môn); Nếu người ấy còn phiền não chướng thì (bà la môn) chỉ là tiếng gọi thoại thôi. Ta gọi người ấy là phạm chí, người không còn phiền não chướng, không có chấp thủ.
Duyên sự:
Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, do duyên một người bà la môn.
Người bà la môn ấy nghĩ rằng: “Sa môn Gotama gọi các đệ tử của mình là bà la môn, ta sanh trong chủng tộc bà la môn, nên cũng phải lẽ để gọi ta như vậy”. Rồi người bà la môn đi đến đức Phật và nói với Ngài về suy nghĩ của ông ta.
Đức Phật phán: “Này Bà la môn, ta không gọi như vậy chỉ vì sanh trong chủng tộc bà la môn; Mà người nào không còn phiền não chướng, không còn chấp thủ, ta gọi người ấy là bà la môn”. Nói xong đức Phật thuyết lên bài kệ này: Na ca’ āhaṃ brāmaṇaṃ brūmi…v.v…tamahaṃ brūmi brāhmanan’ ti.
Dứt pháp thoại, người bà la môn ấy đã trú vào quả vị dự lưu. Pháp thoại cũng có lợi lạc cho những người hiện diện.
Lý giải:
Xã hội Ấn Độ thời bấy giờ chế độ mẫu hệ (Mattisambhava), nếu một người sanh ra từ thai tạng nữ bà la môn (brāhmaṇayoni), hình thành trong bụng mẹ là nữ Bà la môn (brāhamaṇiyā mātu santake udarasmiṃ sambhūtaṃ), thì đứa con sanh ra sẽ là người bà la môn. Người ta có quan niệm như vậy, gọi như vậy.
Khi một người bà la môn nghĩ rằng: Sa môn Gotama gọi đệ tử Ngài là bà la môn; Ta đây thọ sanh từ thai tạng bà la môn, ta là bà la môn chính thống. Người ấy đến và trình bày với đức Phật với sự việc này. Đức Phật đã nói với ông ta rằng: “Ta không gọi một người bà la môn chỉ vì người đó sanh từ mẹ là bà la môn; Nếu người ấy tâm vẫn còn phiền não chướng thì tiếng gọi bà la môn chỉ là từ dùng xưng gọi thôi. Mà ta gọi người ấy là bà la môn, là người không còn phiền não chướng và không có chấp thủ”.
Trong bài kệ, danh từ Kiñcana, nghĩa là pháp chướng ngại, phiền não, tức là tham (rāga), sân (dosa) và si (moha). Người còn tham, sân, si, gọi là người còn phiền não chướng (sakiñcano); Người hết tham, sân, si, gọi là người không còn phiền não chướng (akiñcano).
Danh từ upādāna, nghĩa là chấp thủ; có bốn chấp thủ: Dục thủ (kāmupādāna), kiến thủ (diṭṭhupādāna), giới cấm thủ (sīlabbatupādāna), ngã luận thủ (attavādupādāna). Người đã dứt bỏ bốn chấp thủ ấy gọi bậc không còn chấp thủ (anādāno).
Người không còn phiền não chướng và không còn chấp, người ấy, đức Phật gọi là bà la môn, ám chỉ bậc A la hán./.
Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.