Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXVI. Phẩm Bà La Môn (Brahmaṇavagga) _ Kệ số 11 (dhp 393)

Thursday, 09/01/2025, 08:34 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 5.1.2025

XXVI

Phẩm Bà La Môn

(Brahmaṇavagga)

XXVI. Phẩm Bà La Môn_Kệ số 11 (dhp 393)

Chánh văn:

11. Na jaṭāhi na gottena

na jaccā hoti brāhmaṇo

yamhi saccañca dhammo ca

so sucī so ca brāhmaṇo.

(dhp 392)

Thích văn:

Na [bất biến từ phủ định] không, không phải.

Jaṭāhi [sở thuộc cách, số nhiều, nữ tính, danh từ jaṭā] bởi búi tóc bện.

Gottena [sở dụng cách, số ít, trung tính, danh từ gotta] dòng họ, họ tộc.

Jaccā [sở dụng cách, số ít, nữ tính, danh từ jāti (hình thức sở dụng cách số ít: Jātiyā, jātyā, jaccā)] bởi sanh chủng, bởi sự thọ mạng.

Hoti [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số ít, “hū + a + ti”] là, có.

Brāhmaṇo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ brāhmaṇa] vị phạm chí, vị bà la môn.

Yamhi [định sở cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] ở người nào, nơi người nào.

Saccañca [hợp âm saccaṃ ca]

Saccaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ sacca] sự thật, chân lý.

Dhammo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ dhamma] pháp, pháp đặc biệt, pháp siêu thế.

So [chủ cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] vị ấy, người ấy.

Sucī [hình thức trong văn thơ sucī thay vì suci. Chủ cách, số ít, nam tính, tính từ suci] trong sạch, thanh khiết.

Việt văn:

11. Không phải do tóc bện

họ tộc và chủng sanh

mà thành bà la môn,

nơi ai có chân lý,

và có được thánh pháp,

ấy, phạm chí thánh khiết.

(pc 392)

Chuyển văn:

11. Brāhmaṇo hoti jaṭāhi na gottena na jaccā na, yamhi saccaṃ ca dhammo ca so suci so brāhmaṇo.

Là vị Bà la môn không phải do tóc bện, không phải do dòng tộc, không phải do sanh chủng; mà ở người nào có chân lý và có thánh pháp, người ấy là bậc thanh khiết, người ấy là vị bà la môn.

Duyên sự:

Kệ ngôn này, được đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, ở gần thành Sāvatthi, do chuyện bà la môn tóc bện (Jaṭilabrāhmaṇa).

Ông bà la môn Jaṭila suy nghĩ như sau: “Ta sanh trong giai cấp Bà la môn, thiện sanh cả bên mẹ và bên cha. Nếu sa môn Gotama gọi các đệ tử của mình là bà la môn thì cũng hợp lý để gọi ta như thế”.

Rồi ông ta đi đến đức Phật và nói lên ý nghĩ của mình. Đức Phật phán bảo: “này bà la môn, ta không gọi vị Phạm chí chỉ bởi tóc bện hay dòng tộc chủng sanh, mà ta gọi người chứng nghiệm chân lý là bậc Phạm chí”. Nói xong, đức Phật thuyết lên bài kệ này: Na jaṭāhi na gottena…v.v…so sucī so ca brāhmaṇo’ ti.

Dứt kệ ngôn có nhiều người đắc quả thánh.

Lý giải:

Người bà la môn ngoài điểm tiêu biểu mang họ tộc (gotta) bà la môn, chủng sanh trong giai cấp (kula) bà la môn, còn đặc trưng nữa là theo đạo bà la môn_người đàn ông để tóc dài bện lại quấn trên đầu (jaṭā) được gọi là jaṭilabrāhmaṇa (bà la môn tóc bện).

Họ rất tự hào về họ tộc, giai cấp và để tóc bện. Họ luôn luôn muốn người khác biết họ là bà la môn và gọi họ là vị bà la môn.

Trong bài kệ này, đức Phật một lần nữa Ngài minh định ý nghĩa Brāhmaṇa_Bà la môn. Ngài không gọi bà la môn chỉ bởi người ấy mang họ tộc bà la môn, hay bởi người ấy sanh vào giai cấp bà la môn, hay bởi người ấy tu theo đạo bà la môn bện tóc; mà Ngài gọi một người đã chứng nghiệm chân lý và đắc thánh pháp, người ấy đích thực là bà la môn thanh tịnh.

Gọi là “Nơi ai có chân lý” (yamhi saccaṃ) nghĩa là ở người nào thấu triệt bốn thánh đế (khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế) với mười sáu thể: Bốn thể trạng của khổ đế, bốn thể trạng của tập đế, bốn thể trạng của diệt đế và bốn thể trạng của đạo đế.

[Bốn thể trạng của khổ đế là áp bức (pilana), cấu tạo (saṅkhata), nhiệt não (santāpana), biến đổi (vipariṇāma). Bốn thể trạng của tập đế là chất chứa (āyūhana), duyên khởi (nidāna), kết buộc (saṃyoga), vướng bận (palibodhana). Bốn thể trạng của diệt đế là xuất ly (nissaraṇa), viễn ly (viseka), vô vi (asaṅkhata), bất tử (amata). Bốn thể trạng của đạo đế là dẫn xuất (niyyāna), nhân tố (hetu), kiến ngộ (dassana), chủ đạo (ādhipateyya)].

Gọi là “có thánh pháp” (yamhi dhammo), nghĩa là ở người nào có chín pháp siêu thế (navavidho lokuttaradhammo atthi). Tức bốn thánh đạo (tu đà hườn đạo, tư đà hàm đạo, a na hàm đạo, a la hán đạo), bốn thánh quả (tu đà hườn quả, tư đà hàm quả, a na hàm quả, a la hán quả) và níp bàn.

Người có trí tứ đế và có pháp siêu thế như vậy, đức Phật nói vị ấy là bậc thanh khiết (so suci), là bậc phạm chí (so brāhmaṇo)./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.