Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXVI. Phẩm Bà La Môn (Brahmaṇavagga) _ Kệ số 10 (dhp 392)

Monday, 06/01/2025, 17:42 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 2.1.2025

XXVI

Phẩm Bà La Môn

(Brahmaṇavagga)

XXVI. Phẩm Bà La Môn_Kệ số 10 (dhp 392)

Chánh văn:

10. Yamhā dhammaṃ vijāneyya

sammāsambuddhadesitaṃ

sakkaccaṃ taṃ namaseyya

aggihuttaṃ’ va brāhmaṇo.

(dhp 392)

Thích văn:

Yamhā [xuất xứ cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] từ ai, từ nơi người nào.

Dhammaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ dhamma] pháp, giáo pháp.

Vijāneyya [động từ khả năng cách, parassapada, ngôi III, số ít, “vi + ñā + nā + eyya”] hiểu được, biết được.

Sammāsambuddhadesitaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể sammāsambuddhadesita] được thuyết bởi đức Chánh Đẳng Giác.

Sakkaccaṃ [trạng từ] một cách trân trọng, một cách nghiêm chỉnh.

Taṃ [đối cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] người ấy, vị ấy.

Namasseyya [động từ khả năng cách, parassapada, ngôi III, số ít, “namas + a + eyya”] lễ bái, kính lễ.

Aggihuttaṃ’ va [hợp âm aggihuttaṃ iva]

Aggihuttaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể aggihutta (aggi + hutta)] cúng tế thần lửa, ngọn lửa hiến tế.

Iva [bất biến từ tỷ giáo] ví như, như là.

Brāhmaṇo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ brāhmaṇa] người bà la môn.

Việt văn:

10. Nhờ ai, biết được pháp

do bậc Chánh giác thuyết

phải kính lễ người ấy

như phạm chí thờ lửa.

(pc 392)

Chuyển văn:

10. Yamhā sammāsambuddhadesitaṃ dhammaṃ vijāneyya aggihuttaṃ brāhmaṇo iva taṃ sakkaccaṃ namasseyya.

Nhờ ai mà mình hiểu biết được giáo pháp do bậc Chánh đẳng giác thuyết, thì mình phải trân trọng kính lễ người ấy.

Duyên sự:

Kệ ngôn này, đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, ở gần thành Sāvatthi, vì câu chuyện tôn giả Sāriputta.

Tôn giả Sāriputta lúc còn là du sĩ Upatissa được gặp trưởng lão Assaji, được trưởng lão thuyết cho nghe một bài kệ tóm tắt lời dạy của đức Phật, du sĩ Upatissa đã tỏ ngộ chân lý chứng quả dự lưu và xuất gia theo Phật giáo.

Mặc dù sau khi xuất gia đầu Phật, đắc thánh quả A la hán và trở thành vị thượng thủ Thinh văn (aggasāvaka), nhưng tôn giả Sāriputta luôn luôn thể hiện sự cung kính đối với trưởng lão Assaji, vị thầy đã khai tâm cho mình hiểu được giáo pháp. H nghe nói Trưởng lão Assaji đang ngụ tại phương nào, thì Tôn giả Sāriputta chấp tay lễ bái phương ấy và đêm nằm day đầu hướng về phương ấy.

Các vị tỳ kheo khác thấy vậy nghĩ rằng: “Trưởng lão Sāriputta là người còn tà kiến, mỗi ngày thực hành nghi thức lễ lạy các phương hướng”. Chư tỳ kheo ấy đã trình bạch sự việc ấy đến bậc Đạo sư.

Bậc Đạo sư cho gọi trưởng lão Sāriputta đến và hỏi: “Có thật chăng, này Sāriputta, nghe nói ngươi lễ bái các phương ?”

Trưởng lão đáp: “Bạch Thế Tôn, việc con có lễ bái các phương hay không có lễ bái, chính Ngài biết rõ rồi”.

Khi nghe nói vậy, đức Thế Tôn phán dạy:

“Này chư tỳ kheo, Sāriputta không có lễ bái các phương. Nhưng bởi nhờ nghe pháp nơi trưởng lão Assaji mà đắc quả Dự lưu, nên Sāriputta l bái thầy giáo thọ của mình biểu hiện sự tri ân. Vì vậy, vị tỳ kheo khi nương vị thầy nào mà mình biết giáo pháp, thì phải nên kính lễ vị thầy một cách trân trọng, ví như ngọn lửa thiên đối với người bà la môn”.

Nói xong đức Phật thuyết lên bài kệ ngôn này: Yamhā dhammaṃ vijāneyya…v.v…aggihuttaṃ’ va brāhmaṇo’ ti.

Dứt pháp thoại có nhiều vị tỳ kheo đắc được thánh quả.

Lý giải:

Trong kệ ngôn này, danh từ brāhmaṇo (bà la môn) được dùng với ý nghĩa thông thường, người thuộc giai cấp bà la môn. “Như bà la môn thờ lửa” (aggihuttaṃ’ va brāhmaṇo) đây là lời nói so sánh tỷ dụ. Thật vậy, người theo đạo Bà la môn rất tin thần lửa, họ phụng thờ lửa, cúng tế lửa, kính cẩn lễ bái ngọn lửa; Đức Phật dùng hình ảnh này để thí dụ.

Như người đạo Bà la môn thờ lửa, họ kính cẩn lễ bái ngọn lửa thiêng thế nào, thì cũng vậy, một người nhờ vị thầy nào mà mình biết được Phật pháp, phải kính cẩn lễ bái vị ấy để thể hiện lòng biết ơn.

Tôn giả Sāriputta là tấm gương sáng về lòng tri ân đối với vị thầy đã khai tâm chánh pháp. Cũng nên hiểu thêm rằng, đối với các bậc hu ân với mình như cha mẹ…v.v…cũng nên thể hiện lòng tri ân bằng cách kính trọng các vị ấy./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.