Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXV. Phẩm Tỳ Kheo (Bhikkhuvagga) _ Kệ số 9, 10, 11 (dhp 368, 369, 370)

Friday, 27/12/2024, 06:23 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ sáu 8.11.2024

XXV

Phẩm Tỳ Kheo

(Bhikkhuvagga)

XXV. Phẩm Tỳ kheo_Kệ số 9, 10, 11 (dhp 368, 369, 370)

Duyên sự:

Đức Phật thuyết chín bài kệ này cho chín nhóm tân tỳ kheo, khi Ngài trú ở Sāvatthi, tại Jetavana.

Một băng cướp 900 người đã đột nhập vào gia trang của một bà tín nữ, thân mẫu của tôn giả Sonakoṭikaṇṇa, trong lúc bà vắng nhà để đến chùa nghe tôn giả thuyết pháp.

Gia nhân lẻn ra ngoài đi đến chùa thông báo cho nữ chủ biết. Bà gạt đi và nói: “Kệ chúng, chúng muốn đem tài sản đi thì đem. Để yên ta nghe pháp”.

Lần thứ hai, rồi lần thứ ba, gia nhân đến báo tin cho bà biết, bọn cướp lúc đầu lấy kho tiền đồng, lần hai lấy kho bạc, bây giờ đang lấy kho vàng. Bà tín nữ cũng gạt ngang: “Hãy để ta nghe pháp. Mặc kệ bọn cướp, chúng muốn lấy vàng bao nhiêu thì lấy”. Tên gia nhân trở về nhà nói với bọn cướp: “Các ông muốn lấy vàng bạc bao nhiêu thì lấy. Chủ nhân nhà này không cần tài sản ấy mà chỉ cần tài pháp”.

Đảng cướp ngơ ngác nhìn nhau, chúa đảng ngộ ra được sự nhim mầu của giáo pháp, bèn ra lệnh đồng đảng đem trả lại tất cả tiền, vàng và bạc, trả vào kho của bà nữ chủ. Rồi tất cả cùng đi đến chùa gặp bà chủ để xin lỗi, đồng thời họ xin xuất gia với tôn giả Sona.

Tôn giả Sona truyền giới cho họ và dạy đề mục hành thiền khác nhau cho chín nhóm, mỗi nhóm trăm người.

Chín nhóm tân tỳ kheo tìm nơi thanh vắng để tu niệm đề mục thiền của mình. Lúc ấy, đức Thế Tôn tại hương thất Jetavana, Ngài quán xét thấy căn lành của chín trăm tân tỳ kheo ấy, liền phóng hào quang như đang ở trước mặt họ và tuần tự thuyết lên chín bài kệ này.

Khi dứt một kệ ngôn thì có một trăm vị tỳ kheo đắc A la hán với tứ tuệ phân tích… chín kệ ngôn đức Thế Tôn thuyết xong, tất cả 900 vị đều đạt đến quả vị Lậu tận với tứ tuệ phân tích.

Chư tỳ kheo ấy sau khi đắc thánh quả, đã theo đường hư không đi đến Jetavana cách đó 120 do tuần để đảnh lễ bậc Đạo sư.

Chánh văn:

9. Mettāvihārī yo bhikkhu

pasanno buddhasāsane

adhigacche padaṃ santaṃ

saṅkhārūpasamaṃ sukhaṃ.

(dhp 368)

10. Siñca bhikkhu imaṃ nāvaṃ

sittā te lahumessati

chetvā rāgañca dosañca

tato nibbānamehisi.

(dhp 369)

11. Pañca chinde pañca jahe

pañca c’ uttari bhāvaye

pañca saṅgātigo bhikkhu

oghatiṇṇo’ ti vuccati.

(dhp 370)

Chuyển văn:

9. yo bhikkhu mettāvihārī buddhasāsane pasanno saṅkhārūpasamaṃ sukhaṃ santaṃ padaṃ adhigacche.

10. Bhikkhu imaṃ nāvaṃ siñca te sittā lahuṃ essati dosañca chetvā rāgañca tato nibbānaṃ ehisi.

11. Pañca chinde pañca jahe pañca ca uttari bhāvaye pañca saṅgātigo bhikkhu oghatiṇṇo iti vuccati.

Việt văn:

9. Tỳ kheo trú từ tâm

tín thành giáo lý Phật

đạt cảnh giới an tịnh

lạc tĩnh lặng các hành.

(pc 368)

10. Tỳ kheo, tát thuyền này

thuyền nổi sẽ đi mau

cắt đứt tham và sân

sẽ đi đến níp bàn.

(pc 369)

11. Nên đoạn năm, bỏ năm,

tu tập thêm năm pháp

tỳ kheo, trừ năm lụy

được gọi, vượt bộc lưu.

(pc 370)

9. Vị tỳ kheo nào an trú từ tâm, tin tưởng giáo lý Phật đà, có thể đạt đến cảnh giới tịch tịnh an lạc tĩnh lặng các hành.

10. Tỳ kheo, hãy tát cạn thuyền này, thuyền được tát cạn sẽ đi mau; khi đoạn lìa tham ái và sân hận, ngươi sẽ đến níp bàn.

11. Nên chặt đứt năm điều, đoạn trừ năm điều, phải tu tập thêm năm điều, vượt khỏi năm hệ lụy. Được gọi là tỳ kheo vượt bộc lưu.

Lý giải:

Trong chín kệ ngôn, kệ ngôn thứ nhất có ý nghĩa như sau:

Vị tỳ kheo trú từ tâm (mettāvihārī) tức là tỳ kheo tu tập biến mãn tâm từ đến khắp chúng sanh; hoặc cũng có ý nghĩa là vị ấy thiền với đề mục từ phạm trú, chứng sơ thiền, nhị thiền, tam thiền…

Tín thành Giáo lý Phật đà (buddhasāsanepasanno), tức là vị ấy tin tưởng vào lời dạy của đức Phật.

Đạt cảnh giới an tịnh, lạc tĩnh lặng các hành (Adhigacche padaṃ santaṃ saṅkhārupasamaṃ sukhaṃ), tức là vị ấy chứng đạt níp bàn, một trạng thái an bình (santa), tịnh chỉ các pháp hữu vi (saṅkhārānaṃ upasantatāya), an lạc tối thượng (paramasukhatāya).

Kệ ngôn thứ hai:

Tỳ kheo hãy tát cạn thuyền này, thuyền nổi sẽ đi mau (siñca bhikkhu imaṃ nāvaṃ sittā te lahumessati), như thuyền chạy trên biển, bị nước rò rỉ ngập đáy thuyền khiến thuyền nặng sẽ đi chậm, khi tát hết nước trong thuyền, thuyền sẽ nổi trên mặt nước nhẹ sẽ lướt sóng đi nhanh đến đích. Cũng vậy, thân tâm này nếu ứ đầy những phiền não, thì sẽ nặng nề khó đi đến giải thoát, vị tỳ kheo hãy đoạn lìa tham sân si ắt đạt đến quả vị A la hán, sẽ đi đến vô dư y níp bàn.

Kệ ngôn thứ ba:

Nên đoạn năm (Pañca chinde, tức là phải đoạn lìa năm hạ phần kiết sử (pañca arambhāgiyasaṃyojanāni chindeyya) là thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái và sân hận. Đoạn trừ năm hạ phần kiết sử bằng Tu đà hườn đạo, tư đà hàm đạo, a na hàm đạo.

Nên từ bỏ năm (pañca jahe), tức là phải dứt bỏ năm thượng phần kiết sử (pañca uddhaṃbhāgiya saṃyojanāni jheyya) là ái sắc, ái vô sắc, kiêu mạn, phóng dật và vô minh. Bỏ năm thượng phần kiết sử bằng A la hán đạo.

Tu tập thêm năm pháp (pañca c’uttari bhāvaye), tức là phải phát triển thêm năm quyền (pañcindriyāni uttari bhāveyya) là tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền và tuệ quyền. Tu tập năm quyền nhằm để đoạn trừ các thượng phần kiết sử.

Trừ năm hệ lụy (pañcasaṅgātigo), tức là vượt qua năm pháp bất thiện tham, sân, si, mạn và tà kiến.

Vị tỳ kheo đã trừ hệ lụy, được gọi là vị đã vượt bộc lưu (oghatiṇṇo’ ti vuccati). Có bốn bộc lưu (cattāro oghā) là dục bộc lưu (kāmogho), hữu bộc lưu (bhavogho), kiến bộc lưu (diṭṭhogho) và vô minh bộc lưu (avijjogho). Bộc lưu (ogha) là dòng nước lũ, có sức mạnh cuốn trôi vào dòng sanh tử luân hồi.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.