Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXV. Phẩm Tỳ Kheo (Bhikkhuvagga) _ Kệ số 8 (dhp 367)

Monday, 23/12/2024, 10:16 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 3.11.2024

XXV

Phẩm Tỳ Kheo

(Bhikkhuvagga)

XXV. Phẩm Tỳ kheo_Kệ số 8 (dhp 367)

Chánh văn:

8. Sabbato nāmarūpasmiṃ

yassa natthi mamāyitaṃ

asatā ca na socati

sa ve bhikkhū’ ti vuccati.

(dhp 367)

Chuyển văn:

Yassa nāmarūpasmiṃ sabbaso mamāyitaṃ natthi asatā ca na socati so ve bhikkhu iti vuccati.

Thích văn:

Sabbaso [trạng từ] toàn thể, toàn bộ, tất cả.

Nāmarūpasmiṃ [định sở cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể nāmarū (nāma + rūpa)] đối với danh sắc, đối với thân và tâm.

Yassa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] đối với ai, nơi người nào.

Natthi [động từ phủ định, ngôi III, số ít, “na + atthi as + a +ti”) không có.

Mamāyitaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh động từ mamāyita (từ động từ mamāyati)] sự chấp ngã, “là ta, là của ta”.

Asatā [sở dụng cách, số ít, trung tính, tính từ asanta (a + santa hiện tại phân từ của động từ atthi)] không có, không tồn tại, không hiện hữu.

Socati [động từ hiện tại, tiền hành cách, parassapada, ngôi III, số ít, “suc + a + ti”] sầu muộn.

Sa (so) [chủ cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] người ấy, vị ấy.

Ve [bất biến từ] thật vậy, quả thật là.

Bhikkhū’ ti [hợp âm bhikkhu iti].

Bhikkhu [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ bhikkhu] vị tỳ khưu, vị tỳ kheo.

Iti [bất biến từ] rằng, là.

Vuccati [động từ hiện tại, thụ động thể, parassapada, ngôi III, số ít, “vuc + ya + ti”] được gọi.

Việt văn:

8. Hoàn toàn, đối danh sắc

Không chấp ta, của ta

Không sầu bởi vô hữu

Thật xứng gọi tỳ kheo.

(pc 367)

8. Với ai hoàn toàn không có chấp danh và sắc “là ta” và “của ta”, không sầu, muộn bởi không có (bản ngã). Người ấy, thật vậy, được gọi là tỳ kheo.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, để tiếp độ hai vợ chồng người Bà la môn Pañcaggadāyaka.

Trong thành Sāvatthi, có người bà la môn tên Pañcaggadāyaka, ông tên như vậy vì ông bố thí trong năm trường hợp: Lúc gặt lúa trên cánh đồng, lúc mang lúa về sân, lúc đập lúa, lúc cất lúa vào kho, lúc xới cơm ra bát. Nếu trong năm trường hợp ấy, ông ta chưa bố thí cho người đến, thì không chịu ăn.

Một ngày kia, đức Phật quán xét chúng sanh, thấy duyên lành Bất lai quả của hai vợ chồng người bà la môn ấy, nên Ngài đi khất thực vào giờ ăn trưa của họ.

Ngài đến nhà hai vợ chồng người bà la môn và đứng trước cửa nhà. Người bà la môn đang ngồi ăn xoay mặt vào trong nên không thấy Ngài. Ngài phóng hào quang vào trong nhà, người bà la môn thấy ánh sáng kỳ lạ mới xoay mặt ra và trông thấy đức Phật, ông ta quở người vợ sao không nói với ông ta lúc chưa ăn. Ông ta liền đứng dậy mang bát cơm ăn dở dang, đi đến đức Phật và nói: “Thưa sa môn, con có thói quen bố thí xong mới ăn, nhưng vì không biết có Ngài đến nên con đã ăn; và đây là phần vật thực con ăn dở dang, xin Ngài vui lòng thọ nhận”.

Đức Thế Tôn bảo: “Này bà la môn, tất cả thức ăn bố thí đều thích hợp với ta, thức ăn mới nguyên cũng vậy, thức ăn dở dang cũng vậy, thức ăn thừa mứa cũng vậy. Vì rằng ta sống nhờ vào sự bố thí của người khác”. Thế Tôn nói lên bài kệ:

 Người sống nhờ sự bố thí của người

 dù được miếng ăn mới nguyên hay thừa mứa

 cũng không khen ngon, chê dở.

bậc trí gọi người ấy là hiền sĩ.

Nghe xong, người bà la môn phát tâm tịnh tín với đức Phật. Sau đó người bà la môn hỏi đức Phật:

“Thưa sa môn Gotama, Ngài gọi đệ tử Ngài là tỳ kheo. Vậy có lý do gì gọi là tỳ kheo”.

Đức Phật quán xét thấy căn cơ của hai người này trong thời đức Thế Tôn Kassapa, họ từng nghe giảng giải về Danh sắc, đã có ấn tượng về pháp Danh sắc. Vì vậy, Ngài dạy: “Này Bà la môn, người không dính mắc đối Danh và Sắc, không quyến luyến, không sầu muộn, gọi là tỳ kheo”. Rồi Ngài nói lên bài kệ: Sabbaso nāmarūpasmiṃ…v.v…sa ve bhikkhū’ ti vuccatī’ ti.

Khi kết thúc pháp thoại, cả hai vợ chồng người bà la môn đã trú và quả Bất Lai.

Lý giải:

Bài kệ này, đức Phật cũng thuyết theo ngữ cảnh, thích hợp căn cơ của người nghe để an trú họ vào đạo quả.

Gọi là tỳ kheo (bhikkhu) có nhiều điều kiện, có nhiều nguyên nhân, không phải chỉ một.

Ở đây, đức Phật chỉ thuyết: một vị được gọi là tỳ kheo là vị mà không có sự chấp “là ta, là của ta”, không sầu muộn bởi sự không tồn tại danh sắc.

Câu nói: “Hoàn toàn đối với danh sắc” (sabbaso nāmarūpasmiṃ), nghĩa là đối với tất cả năm uẩn, gồm sắc uẩn và bốn danh uẩn như thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.

Câu nói: “Không có chấp thủ” (mamāyitaṃ), nghĩa là đối với người nào không có chấp ngũ uẩn “là ta” hoặc “của ta” (yassa ahan’ ti vā maman’ ti gāho natthi).

Câu nói: “Không sầu bởi vô hữu” (asatā ca na socati), tức là khi danh sắc ấy đến sự biến hoại, người ấy không sầu muộn, không ưu não: “Ôi! Sắc của ta bị tàn tạ, thọ của ta bị biến diệt, tưởng của ta bị biến diệt, hành của ta bị biến diệt, thức của ta bị biến diệt; mà chỉ thấy là “Danh sắc này tất nhiên phải bị hoại diệt, biến diệt”.

Câu nói: “Người ấy, quả thật vậy, được gọi là tỳ kheo” (sa ve bhikkhū’ ti vuccati) người ấy, tức là người không chấp thủ, không sầu muộn như vậy. Người ấy thật sự được gọi là vị tỳ kheo./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.