Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXV. Phẩm Tỳ Kheo (Bhikkhuvagga) _ Kệ số 6, 7 (dhp 365, 366)

Monday, 23/12/2024, 09:52 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 31.10.2024

XXV

Phẩm Tỳ Kheo

(Bhikkhuvagga)

XXV. Phẩm Tỳ kheo_Kệ số 6, 7 (dhp 365, 366)

Chánh văn:

6. Salābhaṃ n’ātimaññeyya

nā’ ññesaṃ pihayaṃ care

aññesaṃ pihayaṃ bhikkhu

samādhiṃ n’ ādhigacchati.

(dhp 365)

7. Appalābho pi ce bhikkhu

salābhaṃ n’ ātimaññati

taṃ ve devā pasaṃsanti

suddhājīviṃ atanditaṃ.

(dhp 366)

Chuyển văn:

6. Salābhaṃ na atimaññeyya aññesaṃ pihayaṃ na care aññesaṃ pihayaṃ bhikkhu samādhiṃ na adhigacchati.

7. Bhikkhu appalābho api ce salābhaṃ na atimaññati suddhājīviṃ atanditaṃ taṃ devā ve pasaṃsanti.

Thích văn:

Salābhaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể salābha (saka + lābha)] lợi lộc của mình, lộc mình có được.

N’ atimaññeyya [hợp âm na atimaññeyya].

Na [bất biến từ phủ định] không, chẳng.

Atimaññeyya [động từ khả năng cách, parassapada, ngôi III, số ít, “ati + man + ya + eyya”] nên khinh thường, nên coi rẻ.

Nā’ ññesaṃ [hợp âm na aññesaṃ].

Aññesaṃ [sở thuộc cách, số nhiều, nam tính, đại từ añña] của những người khác.

Pihayaṃ [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ pihayanta (hiện tại phân từ của động từ pihayati)] mong mỏi, ước muốn.

Care [động từ khả năng cách, attanopada, ngôi III, số ít, “car + a + e”] nên thực hành, nên sống.

Samādhiṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ samādhi] sự định tâm, sự gom tâm, thiền định.

N’ ādhigacchati [hợp âm na adhigacchati].

Adhigacchati [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số ít, “adhi + gam + a + ti”] đạt đến, chứng đạt.

Appalābho [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể appalābha (appa + lābha)] có lợi đắc ít ỏi, được ít lộc.

Pi ce [api ce. Hai bất biến từ dùng chung sẽ tạo ra nghĩa khác] mặc dù, cho dù, dù nếu.

N’ ātimaññati [hợp âm na atimaññati].

Atimaññati [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số ít, “ati + mam + ya + ti”] coi rẻ, khinh thường.

Taṃ [đối cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] ấy, người ấy.

Ve [bất biến từ] thật vậy.

Devā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ deva] các vị trời, chư thiên.

Pasaṃsanti [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số nhiều, “pa + saṃ + a + nti”] ca ngợi, khen ngợi, tán thán.

Suddhājīviṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể suddhājīvī (suddha + ājīvī)] người nuôi mạng trong sạch, dưỡng mạng thanh tịnh, sống thanh tịnh.

Atanditaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ atandita (a + tandita)] không lười biếng, không biếng nhác, tích cực, năng động.

Việt văn:

6. Không khinh lộc mình được

không mong lộc của người

tỳ kheo mong lộc người

không thể chứng thiền định.

(pc 365)

7. Tỳ kheo dù được ít

không khinh lộc mình được

sống thanh tịnh, tích cực

chư thiên khen vị ấy.

(pc 366)

6. Chớ chê khinh lộc thực mình có, chớ có mong muốn lộc của người khác. Vị tỳ kheo mong muốn lộc người khác, sẽ không chứng đạt thiền định.

7. Vị tỳ kheo dù có lợi lộc ít nhưng không chê khinh lộc của mình, vị ấy nuôi sống thanh tịnh, sống tích cực, chư thiên hằng tán thán.

Duyên sự:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết ở Rājagaha, khi Ngài trú tại Veḷuvana (Trúc Lâm), vì câu chuyện vị tỳ kheo thân cận phe đối lập.

Một vị tỳ kheo hội chúng của đức Phật, vị ấy có người bạn thân là tỳ kheo phe nhóm Devadatta.

Vị tỳ kheo phe nhóm Devadatta thấy bạn mình sau khi đi khất thực cùng với các tỳ kheo, trở về ăn xong, liền hỏi: “Bạn đã đi đâu?”. Vị ấy đáp: “Tôi đã đi khất thực chỗ này, chỗ này”. Y hỏi nữa: “Thế bạn có nhận được đồ ăn khất thực gì không?” _ “Vâng, có nhận được”. Y bèn hỏi: “Tại nơi của Ngài Devadatta, chúng tôi khỏi đi khất thực mà vẫn phát sanh nhiều lợi lộc. Vậy bạn hãy ở lại đây vài ngày nhé!”.

Vị tỳ kheo hội chúng Phật đã nhận lời mời của tỳ kheo phe Devadatta và ở lại trú xứ của Devadatta vài ngày hưởng lộc thực khỏi đi khất thực. Rồi vị ấy trở về trú xứ của mình.

Chư Tăng biết chuyện tỳ kheo ấy thân cận hội chúng Devadatta để hưởng lộc thực, bèn trình lên đức Thế Tôn. Ngài cho gọi tỳ kheo ấy đến và hỏi chuyện hư thực thế nào. Vị ấy đã thừa nhận có ở đó vài ngày nhưng không có xu hướng giáo thuyết của Devadatta. Đức Thế Tôn đã bảo tỳ kheo ấy: “Cho dù ngươi không xu hướng theo giáo thuyết, nhưng ngươi đi đến hội ngộ gặp g cũng như là xu hướng giáo thuyết rồi”. Nói xong, đức Thế Tôn dạy chư tỳ kheo: “Này chư tỳ kheo, là vị tỳ kheo thì phải tri túc với lộc thực của mình, không nên mong mỏi lợi lộc của người ban cho, sẽ không sanh khởi thiền định, thiền tuệ, đạo quả đâu, dù chỉ một pháp; thiền định tuệ, đạo quả chỉ sanh khởi cho người tri túc với lợi lộc của mình”. Rồi đức Thế Tôn nói lên hai bài kệ này: “Salābhaṃ nātimaññeyya…v.v…suddhājīviṃ atanditan’ ti.

Dứt pháp thoại, có nhiều vị tỳ kheo đắc quả thánh.

Lý giải:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết theo ngữ cảnh, một vị tỳ kheo vì mong mỏi hưởng lộc của phe đối lập với Phật pháp, mà chê chán hạnh khất thực chánh mạng. Để dạy các tỳ kheo, đức Phật đã thuyết ý nghĩa này.

Ở đây, câu nói “Chớ chê khinh lộc thực của mình” (salābhaṃ na atimaññeyya) nghĩa là đừng xem thường, đừng chê chán hạnh khất thực nuôi mạng của mình, vì đó là hạnh chánh mạng.

Câu nói “chớ có mong muốn lợi lộc của người khác” (na aññesaṃ pihayaṃ care), người khác ở đây là nói đến những kẻ sống tà mạng, tạo thế lực để phát sanh lợi lộc dồi dào như phe nhóm của Devadatta. Chớ có ham muốn hưởng lợi lộc của những người ấy cho để lôi kéo mình.

Câu nói “vị tỳ kheo ham muốn lợi lộc của người khác sẽ không chứng đạt thiền định” (aññesaṃ pihayaṃ bhikkhu samādhiṃ na adhigacchati). Vì rằng vị tỳ kheo khi ham muốn lợi lộc do tà mạng mà người khác dụ dỗ, vị ấy sẽ không tinh tấn khất thực nuôi mạng, không bằng lòng với lợi lộc ít ỏi do khất thực, cứ mãi chạy theo lợi lộc thì không có nổ lực tu tập để hành thiền chỉ quán và do đó không chứng đắc được thiền định, đạo quả, dù chỉ là lạc trú trong việc tu tập.

Ở bài kệ sau, đức Phật kết luận: Một vị tỳ kheo cho dù có lợi lộc ít ỏi do hạnh khất thực chánh mạng, nhưng vị ấy biết bằng lòng với lộc thực phát sanh, không chán chê lộc thực ấy. Vị tỳ kheo đó là người nuôi mạng thanh tịnh, không sống biếng nhác tiêu cực và chư thiên hằng tán thán, ca tụng một người như vậy.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.