- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học thứ năm 27.10.2024
XXV
Phẩm Tỳ Kheo
(Bhikkhuvagga)
XXV. Phẩm Tỳ kheo_Kệ số 5 (dhp 364)
Chánh văn:
5. Dhammārāmo dhammarato
dhammaṃ anuvicintayaṃ
dhammaṃ anussaraṃ bhikkhu
saddhammā na parihāyati.
(dhp 364)
Chuyển văn:
5. Dhammārāmo bhikkhu dhammarato dhammaṃ anuvicintayaṃ dhammaṃ anussaraṃ saddhmmā na parihāyati.
Thích văn:
Dhammārāmo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể dhammārāma (dhamma + ārāma)] (người) vui trong giáo pháp.
Dhammarato [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể dhammarata (dhamma + rata)] (người) thích giáo pháp, ưa thích pháp.
Anuvicintayaṃ [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ anuvicintayanta (hiện tại phân từ của động từ anuvicintayati)] đang suy tư, đang suy nghiệm.
Anussaraṃ [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ anussaranta (hiện tại phân từ của động từ anussarati)] đang nhớ tưởng, đang niệm tưởng, đang tùy niệm.
Saddhammā [xuất xứ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể saddhamma (sammā + dhamma)] khỏi chánh pháp.
Parihāyati [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số ít, “pari +
Việt văn:
5. Vị tỳ kheo vui pháp,
thích pháp, suy tư pháp,
thường niệm tưởng giáo pháp
sẽ không rời chánh pháp.
(pc 364)
5. Tỳ kheo vui với pháp, ưa thích pháp, suy tư giáo pháp, tùy niệm giáo pháp, sẽ không rời khỏi chánh pháp.
Duyên sự:
Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavana, vì chuyện trưởng lão Dhammārāma.
Sau khi nghe bậc Đạo sư thông báo: “Sau bốn tháng kể từ đây ta sẽ viên tịch”, hàng ngàn vị tỳ kheo vây quanh bậc Đạo sư và du hành cùng với Ngài. Trong hội chúng ấy, những vị tỳ kheo phàm nhân thì than khóc; còn đối với những bậc Lậu tận thì sanh tâm kinh cảm pháp hữu vi. Tất cả các vị đi thành từng nhóm và hỏi nhau: “Chúng ta sẽ làm gì đây ?”. Nhưng có một vị tỳ kheo tên Dhammārāmo không đi đến chư tỳ kheo. Vị ấy tự nhủ: “Bậc Đạo sư sau bốn tháng nữa sẽ viên tịch, ta thì chưa ly tham; Vậy ta tinh tấn chứng đắc quả vị A la hán trong lúc bậc Đạo sư còn hiện tiền”. Khi các tỳ kheo hỏi: “Hiền giả, sao vậy ?” Vị ấy không trả lời.
Vị ấy sống một mình thẩm nghiệm, suy tư giáo pháp được bậc Đạo sư thuyết giảng.
Chư tỳ kheo liền trình bày lên đức Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, tỳ kheo Dhammārāma không thương kính Ngài, cũng không liên lạc với chúng con để hỏi thăm đức Đạo sư sắp viên tịch chúng ta sẽ làm gì ?”.
Đức Phật cho gọi tỳ kheo Dhammārāma đến hỏi: “Có đúng không, ngươi đã làm như vậy ?” _ “Đúng vậy, bạch Thế Tôn” _ “Lý do gì” _ “Nghe Ngài sẽ viên tịch sau bốn tháng nữa, con thì chưa ly tham, nên con quyết tâm chứng đạt quả vị a la hán trong khi Ngài còn hiện tiền; Con thẩm nghiệm, suy tư, tùy niệm giáo pháp mà Ngài đã thuyết giảng”.
Bậc Đạo sư đã tán thán vị ấy: “Sādhu sādhu, lành thay! Lành thay!” Rồi Thế Tôn nói với các tỳ kheo: “Vị tỳ kheo thương kính ta thì cũng nên làm giống như tỳ kheo Dhammārāma. Thật sự, những tỳ kheo cúng dường ta bằng hương hoa, đó không gọi là cúng dường ta đâu! Chỉ có những vị thực hành giáo pháp chuyên cần mới gọi là cúng dường ta”. Sau khi dạy xong, Ngài đã thuyết lên bài kệ này: Dhammārāmo dhammarato…v.v…saddhammā na parihāyatī’ ti.
Dứt pháp thoại, vị tỳ kheo ấy đã trú trong quả A la hán; Pháp thoại cũng đem lại lợi ích cho những vị có mặt.
Lý giải:
Danh từ Pháp (dhamma) trong câu vui với pháp (dhammārāmo), ưa thích pháp (dhammarato), suy tư pháp (dhammaṃ anuvicintayaṃ), tùy niệm pháp (dhmmaṃ anussaraṃ), pháp ấy có nghĩa là giáo pháp do đức Phật thuyết giảng, toàn bộ Phật ngôn trong tam tạng.
Vị tỳ kheo vui với Pháp (dhammārāmo bhikkhu), có nghĩa là vị tỳ kheo lấy pháp học làm niềm vui (pariyattidhammo ārāmo), lấy pháp hành làm niềm vui (paṭipattidhammo ārāmo), vị ấy vui sống trong pháp như vậy.
Gọi là ưa thích Pháp (dhammarato) nghĩa là vị tỳ kheo hoan hỷ với pháp học và pháp hành.
Gọi là suy tư Pháp (dhammaṃ anuvicintayaṃ), nghĩa là suy ngẫm mãi các pháp cho thấu đáo tường tận; hoặc suy nghiệm đặc tính vô thường, khổ, vô ngả đối với ngũ uẩn.
Gọi là tùy niệm Giáo Pháp (dhammaṃ anussaraṃ) nghĩa là vị tỳ kheo hằng niệm tưởng sáu ân đức Giáo Pháp: Pháp được đức Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để thấy, hiệu năng hướng thượng, được bậc trí tự mình chứng nghiệm.
Gọi là sẽ không rời chánh pháp (saddhammā na parihāyati) nghĩa là vị tỳ kheo sống lấy pháp làm niềm vui, ưa thích pháp như vậy sẽ không thối thất tinh tấn, không rời bỏ giáo pháp, ba mươi bảy pháp giác phần và không đánh mất chín pháp siêu thế./.
Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.