- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học chủ nhật 1.12.2024
XXV
Phẩm Tỳ Kheo
(Bhikkhuvagga)
XXV. Phẩm Tỳ kheo_Kệ số 23 (dhp 382)
Chánh văn:
23. Yo have daharo bhikkhu
yuñjati buddhasāsane
so imaṃ lokaṃ pabhāseti
abbhā mutto’ va candimā.
(dhp 382)
Chuyển văn:
23. Daharo yo bhikkhu buddhasāsane yuñjati so abbhā mutto iva imaṃ lokaṃ have pabhāseti.
Thích văn:
Yo [chủ cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] ai, người nào.
Have [bất biến từ] quả thật, thật vậy.
Daharo [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ dahara] trẻ, non trẻ, trẻ tuổi.
Yuñjati [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số ít, “
Buddhasāsane [định sở cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể buddhasāsane (buddha + sāsane)] trong giáo lý Phật đà, trong lời dạy của đức Phật.
So [chủ cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] người ấy, vị ấy, nó.
Imaṃ [đối cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ima] này, cái này.
Lokaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ loka] đời, thế gian, thế giới.
Pabhāseti [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số ít, “pa +
Abbhā [xuất xứ cách, số ít, trung tính, danh từ abbha] từ đám mây, khỏi vầng mây.
Mutto’ va [hợp âm mutto iva].
Mutto [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ mutta (quá khứ phân từ của động từ muccati]
Iva [bất biến từ tỷ giảo] như, ví như.
Candimā [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ candimā] mặt trăng.
Việt văn:
23. Tỳ kheo dù trẻ tuổi
chuyên tu giáo pháp Phật
chói sáng thế gian này
như trăng thoát khỏi mây.
(pc 382)
23. Vị tỳ kheo nào, dù trẻ tuổi, chuyên cần trong giáo pháp Phật đà, vị ấy quả thật vậy, sẽ chói sáng thế gian này như mặt trăng thoát khỏi đám mây.
Duyên sự:
Bài kệ này, đức Phật thuyết ở thành Sāvatthi, khi Ngài trú tại Pubbārāma (Đông Phương tự), do chuyện sa di Sumana.
Sa di Sumana, ở nhà có tên là Cūlasumana, vì có người anh tên là Mahāsumana. Cả hai anh em Sumana là con của cận sự nam Mahāmuṇḍa sống tại ngôi làng dưới chân núi trong cánh rừng Viñjha.
Trưởng lão Anuruddha là bậc Lậu tận có thiên nhãn đặt biệt, Ngài thấy được duyên lành của cậu bé Cūlasumana với Ngài nên Ngài đi đến ngôi làng xa xôi ấy. Thiện nam cha của cậu bé Cūlasumana vừa thấy trưởng lão Anuruddha đã khởi niềm tịnh tín, bảo hai con ra đảnh lễ trưởng lão, rước bát của Ngài và cúng dường vật thực.
Sau đó, cận sự nam đã thỉnh cầu trưởng lão an cư mùa mưa nơi ấy. Trưởng lão nhận lời.
Cận sự nam Mahāmuṇḍa đã hộ độ trưởng lão Anuruddha suốt ba tháng an cư mùa mưa. Thắm thoát đã mãn an cư. Đến ngày tự tứ, cận sự nam cúng dường tam y và những lễ phẩm thiết yếu khác đến vị trưởng lão, Ngài từ chối không thọ lãnh với lý do không có sa di thị giả. Ông Mahāmuṇḍa đề nghị trưởng lão làm lễ xuất gia cho Mahāsumana, con trai lớn của mình để nó làm sa di thị giả. Ngài trưởng lão cũng từ chối. Ông Mahāmuṇḍa đề nghị tiếp: “Nếu thế xin Ngài hãy tế độ cho Cūlasumana xuất gia sa di”.
Trưởng lão chấp nhận và cạo tóc cho Cūlasumana. Ngay trong khi cạo tóc, được dạy quán thể trược “tóc”, Cūlasumana chứng đắc quả vị A la hán. Lúc đó sa di Sumana mới bảy tuổi.
Trưởng lão Anuruddha lưu lại ở đó thêm nửa tháng nữa mới dẫn Sa di Sumana đi về Sāvatthi, để bái kiến đức Thế Tôn.
Hai thầy trò hành trình đi ngang qua khu rừng vùng Himavantu, vùng núi tuyết rộng lớn, trên núi có hồ nước tên Anotatta. Khi đi ngang qua nơi ấy đã dừng chân nghỉ trong một chòi tranh. Ban đêm, trưởng lão Anuruddha kinh hành ngoài trời suốt đêm; Đến canh ba thì Ngài phát bệnh đau bụng gió. Sa di thấy thầy vật vả oằn oại mới hỏi: “Bạch Ngài, Ngài bị bệnh sao thế?”
_ “Ta bị đau bụng gió”.
_ “Bạch Ngài, Ngài có thường bị chứng bệnh này không?”
_ “Ta thường bị chứng bệnh này”.
_ “Bạch Ngài, khi Ngài đau bụng như thế, Ngài uống gì sẽ hết?”
_ “Ta uống nước hồ Anotatta thì hết”.
_ “Bạch Ngài, con sẽ đi lấy nước hồ Anotatta cho Ngài dùng”.
_ “Con đi lấy nước được không?”
_ “Dạ được, bạch Ngài”.
_ “Này Sa di, trong hồ ấy có long vương Pannaga rất hung dữ, con hãy cẩn thận khi lấy nước”.
_ “Thưa vâng, bạch Ngài !”
Sa di Sumana đảnh lễ thầy, rồi dùng thần thông đi đến hồ Anotatta cách đó khoảng 500 do tuần. Đến nơi, sa di Sumana lên tiếng xin nước, long vương bảo hãy đến sông hằng mà lấy nước. Vị sa di nói rõ thầy mình cần lấy nước hồ Anotatta để làm thuốc. Long vương Pannaga thách thức nếu ngươi có thần lực hãy lấy nước trong hồ này đi.
Sa di Sumana kêu gọi tất cả chư thiên từ tứ đại thiên vương, đến thiên chủ Đế Thích…v.v…tụ họp để chứng kiến. Khi toàn thể thiên chúng đã tụ họp, sa di Sumana lập lại lời xin nước hồ Anotatta, long vương cũng nói thách thức “hãy lấy nước hồ nếu ngươi có đủ thần lực”. Long vương dùng mang che kín mặt hồ. Sa di Sumana khiến long vương xác nhận ba lần lời hứa cho lấy nước nếu có đủ thần lực, có thiên chúng làm chứng.
Sa di Sumana hóa thân cao lớn từ trên hư không bước xuống mặt hồ, đạp lên chiếc mang của long vương khiến nó thu mình lại, nước từ hồ bắn vọt lên, sa di đưa bình bát ra hứng đầy nước. Chư thiên đồng thốt lên lời tán thán. Sa di đem bát nước về dâng lên thầy mình.
Long vương thẹn với thiên chúng nên đi theo sa di đến chỗ ngụ của trưởng lão Anuruddha và nói với trưởng lão đừng uống nước vì sa di ấy lấy trộm nước.
Vị sa di nói: “Bạch Ngài, xin Ngài hãy dùng nước, nước Long vương đã cho nên con mới lấy, có thiên chúng làm chứng”.
Trưởng lão biết: “Bậc vô lậu như sa di không bao giờ nói dối”. Và Ngài đã uống nước ấy trị bệnh.
Khi bệnh đau bụng đã hết. Long vương bạch với trưởng lão: “Vị sa di này đã mời thiên chúng tụ hội nơi hồ Anotatta để chứng kiến. Vị sa di đã làm tôi hỗ thẹn nên bây giờ tôi sẽ bóp nát trái tim của nó”.
_ “Này long vương, sa di này là bậc đại uy lực, ngươi không thể thắng được đâu. Hãy sám hối vị ấy rồi trở về hồ Anottata đi”.
Long vương tỉnh ngộ bình tâm lại, liền sám hối sa di Sumana, kết thân với vị ấy: “Thưa Ngài, kể từ nay trở đi khi nào Ngài cần nước hồ Anotatta, hãy nhắn tin, tôi sẽ tự thân mang nước đến cho Ngài. Ngài khỏi nhọc sức đi lấy”.
Sau khi lành bệnh, trưởng lão Anuruddha cùng sa di tiếp tục lên đường về kinh thành Sāvatthi. Lúc bấy giờ bậc Đạo sư biết trưởng lão Anuruddha đang trở về, Ngài ngự tại Lộc mẫu giảng đường chờ đợi.
Khi trưởng lão về tới, chư tỳ kheo ra đón tiếp. Một vài tỳ kheo thấy sa di Sumana nhỏ xíu dễ thương nên vò đầu, bẹo má, nắm tay… đức Phật nhìn thấy hành động của các tỳ kheo ấy, Ngài nghĩ: Hành động của các tỳ kheo này thật tai hại, họ không biết uy lực của sa di này là bậc lậu tận. Ta sẽ làm sáng tỏ uy lực của sa di Sumana.
Trưởng lão Anuruddha đi vào đảnh lễ bậc Đạo sư. Đức Thế Tôn ân cần thăm hỏi. Đức Thế Tôn gọi trưởng lão Ānanda hãy bảo các sa di vị nào đi lấy nước từ hồ Anotatta về, Như Lai cần nước hồ để rửa chân.
Trưởng lão Ānanda tập họp 500 vị sa di lại, có cả sa di Sumana là sa di trẻ tuổi nhất, truyền ý chỉ của đức Thế Tôn.
Trong số các vị sa di, những sa di lậu tận thì biết rõ tôn ý của bậc Đạo sư muốn xiển dương uy lực của sa di Sumana, nên đã từ chối đi lấy nước hồ Anotatta. Còn những sa di phàm nhân thì từ chối vì biết mình không có khả năng lãnh nhiệm vụ ấy.
Cuối cùng, chỉ còn sa di Sumana, tôn giả Ānanda bảo: “Này sa di, bậc Đạo sư đang cần nước hồ Anotatta để rửa chân. Hiền giả hãy cầm bình bát lớn đi lấy nước về”.
Sa di Sumana đáp: “Nếu bậc Đạo sư bảo con đi lấy nước, con sẽ đi lấy về”.
Rồi sa di Sumana đến đảnh lễ đức Thế Tôn và thưa: “Bạch Thế Tôn, con nghe rằng đức Thế Tôn bảo con mang nước hồ Anotatta về cho Thế Tôn rửa chân ?”
Đức Thế Tôn phán: “Đúng vậy, này Sumana”.
Sa di Sumana cầm lấy cái vại lớn mà bà Visākhā thiết kế đặt bên ngoài tịnh thất của đức Phật để chứa nước, bay lên hư không và đi đến hồ Anotatta.
Long vương Pannaga thấy sa di Sumana đến lấy nước thì nói: “Sao Ngài cần nước mà không báo cho kẻ nô lệ này đem đến lại phải đích thân đi lấy ?”
Sa di đáp: “Đức Thế Tôn bảo ta đi lấy nước”.
Long vương xin mang vại nước về dùm sa di Sumana. Sa di Sumana bảo không cần và tự mình xách vại nước về theo hư không. Đức Thế Tôn thấy sa di Sumana đi trên hư không tay xách vại nước, Ngài bảo chư tỳ kheo: “Này chư tỳ kheo, hãy nhìn sa di Sumnana tỏa sáng như loài thiên nga bay giữa bầu trời vậy”.
Sa di Sumana đến nơi đặt vại nước xuống, đảnh lễ đức Thế Tôn. Bậc Đạo sư phán hỏi: “Này Sumana, con được mấy tuổi ?”
_ “Bạch Thế Tôn, con vừa được bảy tuổi”.
_ “Này Sumana, vậy thì bắt đầu từ hôm nay, ngươi là tỳ kheo”. Sau khi nói xong, đức Phật đã cho sa di Sumana thọ cụ túc giới đặc cách kế thừa (Dāyajja_upasampadā).
Được biết chỉ có hai vị sa di được đặc cách thọ cụ túc giới bảy tuổi, đó là Sumana và Sopāka.
Khi Sa di Sumana được thọ cụ túc giới đặc cách như vậy, tại giảng đường các tỳ kheo tụ hội đã khởi lên đề tài luận bàn “Thật là phi thường, này chư hiền, là uy lực của vị sa di trẻ, từ trước đến nay chúng ta chưa từng thấy”.
Đức Phật ngự đến và hỏi các tỳ kheo đang bàn luận việc gì; Các tỳ kheo trả lời đức Thế Tôn câu chuyện đang bàn luận.
Ngài phán: “Này chư tỳ kheo, trong giáo Pháp của ta, dù là người trẻ tuổi nhưng thực hành chân chánh sẽ đạt được thành tựu như vậy”. Nói xong, đức Phật thuyết lên bài kệ: Yo have daharo bhikkhu…v.v…abbhā mutto’ va candimā’ ti.
Dứt pháp thoại có nhiều vị tỳ kheo đắc thánh quả.
Lý giải:
Trong giáo pháp này bất cứ vị tỳ kheo nào dù lão niên, trung niên, hay thiếu niên, cũng có thể chứng đạt quả vị cứu cánh giải thoát; Thậm chí là vị sa di nhỏ tuổi, nếu đủ duyên lành cũng đắc chứng được.
Gọi là chuyên tu (yuñjati) nghĩa là chuyên cần, tinh tấn tu tập theo lời dạy của đức Phật. Sa di Sumana lúc được thầy tế độ cạo tóc và nhắc đề tài quán niệm thể trược của thân, như tóc (kesā), lông (lomā), móng (nakhā), răng (dantā), da (taco)… là một trong sáu đề mục thân quán niệm xứ (kāyānupassanāsatipaṭṭhāna); Sa di chú tâm quán xét đề mục thể trược ấy và chứng đắc A la hán khi cạo tóc xong. Vậy cũng gọi là chuyên tu Giáo pháp Phật (buddhasāsane yuñjati). Nhưng thời gian tu tập dài hay ngắn còn tùy thuộc vào căn cơ của mỗi người.
Gọi là vị ấy làm sáng chói đời này như trăng thoát khỏi mây (so’ maṃ lokaṃ pabhāseti). Theo chú giải, đời này (imaṃ lokaṃ) là ám chỉ tự thân, thân ngũ uẩn này. Một cận sự nam lúc còn là cư sĩ, râu tóc, trang phục, giày dép, tâm tánh chưa thuần thiện thì có thân tướng như vậy, khi vừa xuất gia cạo bỏ râu tóc, đắp y ca sa sẽ có tăng tướng, mặt sáng ra; Nói chi là một vị tỳ kheo phàm nhân, khi đã đắc chứng quả vị A la hán thì thân tướng khác hẳn, các căn thanh tịnh, uy nghi tế hạnh, khiến vị ấy trở nên chói sáng. Đức Thế Tôn khi nhìn hình ảnh vị sa di bảy tuổi, bậc lậu tận, đang phi hành trên hư không, Ngài bảo chư tăng: “Hãy nhìn xem, này các tỳ kheo dáng kháu khỉnh của vị sa di tỏa sáng như chim thiên nga trên bầu trời” (passatha bhikkhave sāmaṇerassa līlaṃ ākāse haṃsarājā viya sobhati).
Ở đây, trong bài kệ ngôn đức Phật dùng ví dụ mặt trăng thoát khỏi mây che để chỉ sự tỏa sáng của vị ấy./.
Dứt phẩm hai mươi lăm
Phẩm tỳ kheo
Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.