Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXV. Phẩm Tỳ Kheo (Bhikkhuvagga) _ Kệ số 20, 21 (dhp 379, 380)

Wednesday, 01/01/2025, 23:56 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 24.11.2024

XXV

Phẩm Tỳ Kheo

(Bhikkhuvagga)

XXV. Phẩm Tỳ kheo_Kệ số 20, 21 (dhp 379, 380)

Chánh văn:

20. Attanā coday’ attānaṃ

paṭimaṃsetha attanā

so attagutto satimā

sukhaṃ bhikkhu vihāhisi.

(dhp 379)

21. Attā hi attano nātho

attā hi attano gati

tasmā saññamay’ attānaṃ

assaṃ bhadraṃ’ va vāṇijo.

(dhp 380)

Chuyển văn:

20. Attanā attānaṃ codaye attanā paṭimaṃsetha bhikkhu so attagutto satimā sukhaṃ vihāhisi.

21. Attā hi attano nātho attā hi attano gati tasmā bhadraṃ assaṃ vāṇijo iva attānaṃ saññamaye.

Thích văn:

Attanā [sở dụng cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ atta] bởi tự mình, do chính ta.

Coday’ attānaṃ [hợp âm codaye attānaṃ]

Codaye [động từ khả năng cách, attanopada, ngôi III, số ít, “cud + ṇaya + e”] nên khiển trách, phải quở trách.

Attānaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ atta] bản thân mình.

Patimaṃsetha [động từ khả năng cách, attanopada, ngôi III, số ít, “paṭi + maṃs + a + etha”] nên kiểm điểm, nên dò xét.

So [chủ cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] vị ấy, người ấy.

Attagutto [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể attagutta (atta + gutta)] người tự bảo vệ, người đã bảo vệ chính mình.

Satimā [chủ cách, số ít, nam tính, danh tính từ satimantu] có niệm; người có ức niệm.

Sukhaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ sukha. Đây dùng như trạng từ] một cách an lạc, một cách thoải mái.

Vihāhisi [động từ vị lai, tương lai cách, parassapada, ngôi II, số ít, “vi + har, biến thể bất qui tắc] ngươi sẽ trú, ngươi sẽ sống.

Attā [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ atta] bản thân, tự ta, tự mình.

Hi [bất biến từ] thật vậy, bởi lẽ.

Attano [sở thuộc cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ atta] của chính ta, của mình.

Nātho [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ nātha] người bảo hộ, người bảo kê.

Gati [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ gati] chỗ ẩn náu, chỗ dung thân.

Tasmā [xuất xứ cách, số ít, nam tính, đạt từ ta. Dùng như trạng từ] do đó, bởi thế.

Saññamay’ attānaṃ [hợp âm saññamaye attānaṃ]

Saññamaye [động từ khả năng cách, attanopada, ngôi III, số ít, “saṃ + yam + aya + e”] cần phải chế ngự, phải kềm chế.

Attānaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ atta] ta, mình, tự mình.

Assaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ assa] con ngựa.

Bhadraṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ bhadra] hiền thiện, tốt.

‘va (iva) [bất biến từ tỷ giảo] như, ví như.

Vāṇijo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ vāṇija] người thương buôn, thương buôn.

Việt văn:

20. Nên tự quở trách mình

nên tự mình kiểm điểm

tỳ kheo, tự bảo vệ,

chánh niệm, trú an lạc.

(pc 379)

21. Tự mình bảo hộ mình,

tự mình là chỗ trú,

vậy phải nhiếp phục mình

như thương nhân luyện ngựa.

(pc 380)

20. Phải tự quở trách mình, phải tự kiểm điểm bản thân; Tự canh phòng và niệm tnh, này tỳ kheo, ngươi sẽ sống an lạc.

21. Thật vậy, chính mình bảo hộ mình, chính mình là chỗ trú ẩn của mình. Do đó, phải tự kềm chế mình, như thương nhân kềm chế con ngựa quí.

Duyên sự:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, gần thành Sāvatthi, do câu chuyện trưởng lão Naṅgalakula.

Có một người nghèo khổ sống bằng cách làm thuê cho người khác.

Một vị trưởng lão lúc khất thực nhìn thấy một người đang đi ra đồng, trên vai vác cây cày mặc áo rách vá víu, trưởng lão nói: “Tội gì ông sống như vậy? Hãy xuất gia có phải tốt không” _ “Bạch Ngài, ai sẽ cho một người sống nghèo khó như vầy xuất gia chứ?”

“Nếu ông muốn xuất gia, ta sẽ cho ông xuất gia”.

“Tốt quá, bạch Ngài, nếu Ngài cho con xuất gia, con sẽ xuất gia”.

Rồi vị trưởng lão đã dẫn người ấy về chùa Jetavana. Sau khi bảo tắm rửa và cho vào khuôn viên sīmā mà cho xuất gia. Sau khi thọ cụ túc giới được chư tỳ kheo gọi danh là Naṅgalakula.

Vị thầy tế độ bảo đệ tử máng cái cày cùng với bộ y phục rách rưới lên cành cây trong phạm vi sīmā.

Vị tỳ kheo ấy mặc dù sống dựa vào lợi lộc, lễ phẩm phát sanh, nhưng vẫn bức rức và không thể giải tỏa được sự bức rức ấy nên nghĩ rằng: “Ta sẽ trở về, không thể thọ vật tín thí và mặc y ca sa”. Rồi đi đến gốc cây máng cái cày và bộ đồ rách, nhưng vị ấy tự giáo huấn mình: “Này kẻ không biết mắc cỡ, không biết thẹn, ngươi muốn mặc lại bộ đồ rách này, hoàn tục làm thuê để sống ư?” sau khi tự trách mình, tâm vị ấy nhẹ đôi chút. Sau vài ngày, vị ấy lại khởi lên bức rức, rồi đi đến gốc cây máng cày và đồ rách, cũng tự trách mình và không hoàn tục. Cứ như vậy vị ấy đi đến gốc cây và trở vào tịnh thất nhiều lần… chư tỳ kheo thấy thế mới hỏi: “Hiền giả thường xuyên đi đến gốc cây để làm gì?” _ Vị ấy đáp: “Tôi đi đến thầy giáo thọ”.

Vài ngày sau tỳ kheo ấy chứng đắc A la hán và không còn đi đến nơi đó nữa.

Các vị tỳ kheo nói đùa với vị ấy: “Con đường mà hiền giả thường lui tới, nay không có dấu vết; dường như hiền giả không còn đi đến thầy giáo thọ nữa thì phải!”.

Vị ấy nói: “Vâng, thưa các Ngài, khi tôi còn bị va chạm cuộc đời thì mới đi đến; Nay đã không còn va chạm nên không đi đến giáo thọ sư nữa”.

Nghe lời nói ấy, chư tỳ kheo nghĩ rằng vị này đã nói điều không thật, nói khoác, các vị tỳ kheo bèn đem việc ấy trình lên bậc Đạo sư. Đức Thế Tôn phán: “Này chư tỳ kheo, đúng vậy, con trai của ta đã tự khiển trách mình và đạt đến đỉnh cao của bậc xuất gia”. Nói xong, Ngài thuyết pháp và đọc lên bài kệ: Attanā coday’ attānaṃ…v.v…assaṃ bhadraṃ’ va vāṇijo’ti.

Khi pháp thoại kết thúc, có nhiều vị tỳ kheo chứng đắc thánh quả.

Lý giải:

Trong hai bài kệ này. Bài kệ đầu:

Câu nói “phải tự quở trách mình” (attanā codaye attānaṃ), nghĩa là tự mình phải nhìn lỗi của mình rồi khiển trách bản thân, răn dạy bản thân.

Câu nói “Nên tự kiểm điểm mình” (paṭimaṃsetha attanā), nghĩa là phải tự phản tnh chính bản thân đã làm gì và chưa làm gì?

Câu nói “tự canh phòng niệm tnh, này tỳ kheo, ngươi sẽ sống an lạc” (so attagutto satimā sukhaṃ bhikkhu vihāhisi). Hai câu này, nên hiểu: “So tvaṃ, bhikkhu, evaṃ sante attanāva guttatāya attagutto upaṭṭhitasatitāya satimā hutvā sabbiriyāpathesu sukhaṃ viharissasi”, nghĩa là “khi làm như vậy, này tỳ kheo, ngươi đây đã tự bảo vệ với sự bảo vệ chính mình, ngươi có niệm tnh với sự an trú niệm, thời ngươi sẽ sống an vui trong tất cả oai nghi”.

Bài kệ sau:

Câu nói: “Thật vậy, chính mình bảo hộ mình” (attā hi attano nātho). Bảo hộ (nātho) là nâng đỡ, giúp đỡ. Chỉ có chính mình làm điều thiện để sanh cõi trời, hoặc chính mình tu tiến đạo lộ để đắc chứng đạo quả níp bàn, chứ không phải nương vào thiện nghiệp hoặc tu tiến của người khác được.

Câu nói: “Thật vậy, chính mình là chỗ trú cho mình” (attā hi attano gati). Chỗ trú (gati) là chỗ nương tựa, chỗ trú ẩn an toàn. Ý nghĩa cũng giống như câu attā hi attana nātho vậy.

Câu nói: “Do đó, phải tự điều phục mình (Tasmā saññamaye attānaṃ). Ví như người thương buôn muốn có lợi nhuận nương vào con ngựa tốt, ngựa quí để chuyên chở hàng hóa, thương lái phải biết chăm sóc ngựa, tránh những chỗ gồ ghề, tắm rửa cho ngựa, cho ăn uống đầy đủ. Cũng vậy, vị tỳ kheo phải biết tự chăm sóc mình, ngăn ngừa bất thiện pháp chưa sanh không cho sanh, từ bỏ bất thiện pháp đã sanh làm cho mất đi, kềm chế bản thân, tu tập thiền định để chứng đạt mục đích.

Bài kệ đầu, đức Phật dạy cách tu tập để trú hạnh phúc; Bài kệ sau, Ngài dạy cách, tu tập để chứng đạt mục đích./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.