Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXV. Phẩm Tỳ Kheo (Bhikkhuvagga) _ Kệ số 1, 2 (dhp 360, 361)

, 14/12/2024, 18:12 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 17.10.2024

XXV

Phẩm Tỳ Kheo

(Bhikkhuvagga)

Gồm 23 bài kệ 12 duyên sự

XXV. Phẩm Tỳ kheo_Kệ số 1, 2 (dhp 360, 361)

Chánh văn:

1. Cakkhunā saṃvaro sādhu

sādhu sotena saṃvaro

ghānena saṃvaro sādhu

sādhu jivhāya saṃvaro.

(dhp 360)

2. Kāyena saṃvaro sādhu

sādhu vācāya saṃvaro

manasā saṃvaro sādhu

sādhu sabbattha saṃvaro

sabbattha saṃvuto bhikkhu

sabbadukkhā pamuccati.

(dhp 361)

Chuyển văn:

1.2. Cakkhunā saṃvaro sādhu, sotena saṃvaro sādhu ghānena saṃvaro sādhu, jivhāya sādhu saṃvaro, kāyena saṃvaro sādhu, vācāya saṃvaro sādhu, manasā saṃvaro sādhu, sabbattha sādhu saṃvaro, sabbattha saṃvuto bhikkhu sabbadukkhā pamuccati.

Thích văn:

Cakkhunā [sở dụng cách, số ít, trung tính, danh từ cakkhu] với mắt, bằng mắt.

Saṃvaro [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ saṃvara] sự thu thúc, sự phòng hộ.

Sādhu [trạng từ] tốt thay, lành thay.

Sotena [sở dụng cách, số ít, trung tính, danh từ sota] với tai, bởi lỗ tai.

Ghānena [sở dụng cách, số ít, trung tính, danh từ ghāna] với mũi, bởi mũi.

Jivhāya [sở dụng cách, số ít, nữ tính, danh từ jivhā] bởi lưỡi, với lưỡi.

Kāyena [sở dụng cách, số ít, nam tính, danh từ kāya] bằng thân, bởi thân.

Vācāya [sở dụng cách, số ít, nữ tính, danh từ vācā] bằng lời, bằng ngữ, bằng khẩu.

Manasā [sở dụng cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ mana] với ý, bằng ý.

Sabbattha [trạng từ] mọi nơi, tất cả ch.

Saṃvuto [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ saṃvuta (quá khứ phân từ của động từ saṃvarati)] đã phòng hộ, đã thu thúc.

Bhikkhu [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ bhikkhu] vị tỳ kheo, vị tỳ khưu.

Sabbadukkhā [xuất xứ cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể sabbadukkha (sabba + dukkha)] tất cả khổ đau, mọi sự khổ.

Pamuccati [động từ hiện tại, thụ động thể, parassapada, ngôi III, số ít, “pa + muc + ya”] được thoát khỏi, được giải thoát.

Việt văn:

1. Lành thay, phòng hộ mắt,

lành thay, phòng hộ tai,

lành thay, phòng hộ mũi,

lành thay, phòng hộ lưỡi.

(pc 360)

2. Lành thay, phòng hộ thân,

lành thay, phòng hộ lời,

lành thay, phòng hộ ý,

lành thay, phòng hộ tất cả.

tỷ kheo, phòng tất cả

giải thoát mọi khổ đau.

(pc 361)

1.2. Thu thúc mắt là tốt, thu thúc tai là tốt, thu thúc mũi là tốt, thu thúc lưỡi là tốt, thu thúc thân là tốt, thu thúc lời nói tốt, thu thúc ý là tốt, tốt đẹp thay là sự thu thúc tất cả. Vị tỳ kheo thu thúc tất cả được giải thoát mọi khổ đau.

Duyên sự:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, vì chuyện năm vị tỳ kheo.

Có năm vị tỳ kheo, mỗi vị hành trì một cách, có vị thì canh phòng mắt, có vị canh phòng tai, có vị canh phòng mũi, có vị canh phòng lưỡi, có vị canh phòng thân, mỗi vị chỉ canh phòng một trong năm cửa như nhãn môn…v.v…

Thế rồi, khi tụ họp, họ tranh cãi: “Tôi phòng vệ cái khó phòng vệ”. “Tôi mới phòng vệ cái khó phòng vệ chứ”.

Cuối cùng, chư tỳ kheo ấy đã đi đến hỏi đức Phật: “Sự phòng hộ mắt, phòng h tai, phòng hộ mũi, phòng hộ lưỡi, phòng hộ thân, sự phòng hộ căn môn nào khó hơn?

Đức Phật dạy: “Này chư tỳ kheo, tất cả căn môn ấy đều khó phòng hộ cả. Không phải chỉ nay các ngươi không thu thúc đủ năm căn môn, mà trong thời xưa các ngươi cũng đã không thu thúc rồi; Vì không nghe lời giáo huấn của bậc hiền trí, các người không phòng hộ các căn nên đã thiệt mạng.

Thuở quá khứ, bồ tát là hoàng tử út trong số một trăm đứa con trai của vua Brahmadatta ở Bārāṇasī.

Thời ấy, các vị Phật Độc Giác được nhà vua thường xuyên thỉnh đến thọ thực trong hoàng cung và Hoàng tử út có trách nhiệm phục vụ bữa ăn cho các vị Độc Giác. Hoàng tử nhân cơ hội đã hỏi chư vị Độc Giác về tiền đồ của mình, có được làm chủ vương quốc này không, vì phụ vương có quá nhiều hoàng tử? Các vị Độc Giác cho biết “Hoàng tử út sẽ là vua xứ Gandhara có kinh thành Takkasilā. Hoàng tử hãy đi đến xứ ấy, đi đường vòng thì con đường dài 100 do tuần, nếu đi đường tắt xuyên qua khu rừng thì đường khoảng 50 do tuần thôi. Khu rừng ấy dạ xoa trú ngụ, chúng lập ra những ngôi nhà xinh xắn và hóa thành những thôn nữ duyên dáng để cám dỗ các nam nhân đi vào rừng. Sau khi hành lạc xong chúng kết liễu mạng sống của họ và ăn thịt uống máu. Những ai đam mê sắc, dạ xoa lấy sắc đẹp cám dỗ; Những ai đam mê cảnh thinh dạ xoa lấy lời ca điệu nhạc cám dỗ; Những ai đam mê hương dạ xoa lấy thiên hương cám dỗ; Những ai đam mê vị, dạ xoa lấy thức ăn chư thiên để cám dỗ; Những ai đam mê xúc, dạ xoa lấy thiên xúc cám dỗ. Nếu hoàng tử nhiếp phục được các căn, an trú chánh niệm mà đi, cương quyết không nhìn chúng đến ngày thứ bảy, hoàng tử sẽ đến Takkasilā và nhận được vương quốc này”.

Hoàng tử út đảnh lễ chư Độc Giác, lĩnh giáo lời khuyên và chuẩn bị ra đi một mình. Có năm người hầu cận xin đi theo, Hoàng tử nói cho họ biết những nguy hiểm cám dỗ trên đường.

Năm người hầu ấy hứa sẽ cẩn trọng và Hoàng tử cho họ đi theo với lời dặn dò.

Nhưng rồi khi đi ngang qua khu rừng d xoa ấy, từng người một trong nhóm năm người hầu của hoàng tử đã không kềm chế được nỗi đam mê thiên sắc, thiên thinh, thiên hương, thiên vị, thiên xúc, nên lần lượt họ đã bỏ mạng trong khu rừng. Chỉ còn một mình hoàng tử với sự cương quyết phòng hộ các căn, dù nữ chúa dạ xoa đã biến thành cô gái đẹp đi theo đến kinh thành Takkasilā, hoàng tử vẫn không bị chi phối. Hoàng tử nghỉ lại trong một nhà trọ, đóng ca và nằm ngồi bên trong, nhờ có uy lực của các vị Độc Giác chú nguyện cho hoàng tử, nên cô gái dạ xoa không vào nhà trọ được, nó đã đứng chờ ngoài cửa.

Khi ấy đức vua xứ Gandhara ở kinh thành Takkasilā đang đi đến ngự uyển, vừa thấy nàng ấy, tâm vua bị cám dỗ. Sau khi cho người đến gần dọ hỏi nàng ấy có chồng chưa? Nàng ta nói có và chồng nàng đang ở trong nhà nghỉ vì giận không cho nàng vào. Hoàng tử bên trong nghe vậy mới đính chính. Nhà vua nghĩ: cái gì không có chủ đều thuộc về vua. Vua truyền gọi nàng lại và đưa về cung, phong nàng làm hoàng hậu, có quyền hành trong nội cung.

Vua cùng hoàng hậu hưởng lạc xong, đến khuya khi vua say giấc, nữ dạ xoa đi về rừng gọi cả bọn đột nhập vào thành, nữ chúa dạ xoa tự tay đoạt mạng vua và ăn thịt uống máu, chỉ bỏ lại xương. Các nữ dạ xoa tùy tùng thì ăn thịt những người trong cung, cho đến gà chó chúng cũng giết ăn tất cả chỉ bỏ lại xương xóc.

Sáng ra thấy ca hoàng cung còn đóng im lìm, người ta đập cửa cũng không ai mở, bèn tìm cách đi vào trong thì thấy xương người rãi rác khắp nội cung. Thấy vậy họ nói: Hôm qua, người thanh niên kia nói đúng, cô gái ấy không phải vợ mình mà nữ dạ xoa. Còn nhà vua si mê đem về làm hoàng hậu nên bị hại như vầy.

Nói về hoàng tử ở trong ngôi nhà trọ, sáng ra cầm gươm cảnh giác. Dân chúng tụ họp bàn tính: “Chúng ta hãy tôn bậc đại nhân kiên cường nhiếp phục các căn ấy làm vua của chúng ta”.

Các vị đại thần và thị dân nhất trí ý kiến và đến ngôi nhà trọ rước hoàng tử về triều và tôn vinh Hoàng tử lên ngôi vua trị vì vương quốc Gandhara.

Vị hoàng tử chế ngự các căn không bị ngũ trần cám dỗ ấy chính là tiền thân của đức Phật.

Sau khi kể xong bổn sanh, đức Phật dạy chư tỳ kheo ấy: “Này các tỳ kheo, cần phải thu thúc đối với tất cả căn môn. Quả thật vậy, vị tỳ kheo thu thúc tất cả sẽ thoát mọi khổ đau”. Rồi đức Phật đã nói lên hai bài kệ này: Cakkhunā saṃvaro sādhu….v.v…sabbadukkhā pamuccatī’ ti.

Dứt kệ ngôn, năm vị tỳ kheo ấy an trú vào quả vị Dự lưu. Pháp thoại cũng mang lại lợi lạc cho những người đang có mặt.

Lý giải:

Sự thu thúc hay phòng hộ (saṃvaro) là đóng lại, bít lại, phòng vệ không cho tâm tham sanh khởi khi gặp cảnh tốt, không cho tâm sân sanh khởi khi gặp cảnh xấu, không cho tâm si sanh khởi bởi nhìn cảnh lệch lạc. Gặp cảnh tốt để tâm tham sanh khởi, gặp cảnh xấu để tâm sân sanh khởi, hoặc khởi tâm si khi nhìn cảnh lệch lạc, đó gọi là không thu thúc.

Gọi là sự thu thúc nhãn môn…v.v…không phải là nhắm mắt, bịt tai, nín thở, nhịn ăn…v.v…mà là sự nhiếp phục tâm đổng lực trong lộ tâm nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn bằng đức tin, nhẫn nại, tinh tấn, chánh niệm và trí tuệ.

Trong bài kệ đầu, đức Phật chỉ nói đến bốn sự thu thúc là thu thúc nhãn, thu thúc nhĩ, thu thúc tỷ, thu thúc thiệt; Trong bài kệ sau nói đến ba sự thu thúc nữa là thu thúc thân, thu thúc khẩu, thu thúc ý. Hai bài kệ chỉ nói có bảy môn quyền, lẽ ra phải thu thúc tám môn quyền (ettāvatā hi aṭṭha saṃvaradvārāni kathitāni). Tại sao vậy?

Ở đây, khi Ngài nói: “Kāyena saṃvaro sādhu, lành thay phòng hộ thân” đã nêu ra hai loại thân môn (Kāyadvāra). Loại thân thanh triệt hay thần kinh thân (pasādakāyopi) và loại thân hành hay thân biểu tri (copanakāyopi). Như vậy, câu “kāyena saṃvaro sādhu” nên hiểu hai cách nói: (1) thu thúc thân môn (cùng nhóm năm giác quan: Thu thúc nhãn môn, thu thúc nhĩ môn, thu thúc tỷ môn, thu thúc thiệt môn, thu thúc thân môn), (2) thu thúc thân hành (cùng nhóm ba hành: thu thúc thân hành, thu thúc khẩu hành và thu thúc ý hành). Như vậy là đủ tám sự thu thúc.

Thu thúc mắt khi thấy cảnh sắc, thu thúc tai khi nghe tiếng, thu thúc mũi khi ngửi mùi, thu thúc lưỡi khi nếm vị, thu thúc thân khi xúc chạm (không để tham sân si sanh khởi đắm nhiễm đối tượng hay bực bội đối tượng); Thu thúc thân hành động (tức là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh), thu thúc khẩu nói lời (tức là không nói dối, không nói chia rẽ, không nói độc ác, không nói vô ích), thu thúc ý suy nghĩ (tức là không tham muốn, không sân hận, không tà kiến). Đó gọi là thu thúc tất cả (sabbattha saṃvaro). Vị tỳ kheo thu thúc như vậy sẽ thoát mọi khổ đau./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.