Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXIV. Phẩm Ái (Tanhāvagga) _ Kệ số 21 (dhp 354)

Wednesday, 11/12/2024, 08:25 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 6.10.2024

XXIV

Phẩm Ái

(Tanhāvagga)

XXIV. Phẩm Ái_Kệ số 21 (dhp 354)

Chánh văn:

21. Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti

Sabbarasaṃ dhammaraso jināti

Sabbaratiṃ dhammaratī jināti

Taṇhakkhayo sabbadukkhaṃ jināti.

(dhp 354)

Chuyển văn:

21. Dhammadānaṃ sabbadānaṃ jināti, dhammaraso sabbarasaṃ jināti, dhammaratī sabbaratiṃ jināti, taṇhakkhayo sabbadukkhaṃ jināti.

Thích văn:

Sabbadānaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể sabbadāna (sabba + dāna)] tất cả sự thí.

Dhammadānaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể dhammadāna (dhamma + dāna)] sự bố thí pháp, pháp thí.

Jināti [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số ít, “ji + nā + ti”] thắng, chiến thắng, chinh phục.

Sabbarasaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể sabbarasa (sabba + rasa)] mọi vị, tất cả hương vị.

Dhammaraso [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể dhammarasa (dhamma + rasa)] hương vị của giáo pháp, pháp vị.

Sabbaratiṃ [đối cách, số ít, nữ tính, danh từ hợp thể sabbarati (sabba + rati)] mọi hỷ, tất cả niềm vui.

Dhammaratī (dhammarati) [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ hợp thể dhammarati (dhamma + rati)] sự vui trong pháp, pháp hỷ.

Taṇhakkhayo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể taṇhakkhaya (taṇhā + khaya)] sự đoạn tận ái, ái tận.

Sabbadukkhaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể sabbadukkha (sabba + dukkha)] tất cả sự khổ, mọi khổ.

Việt văn:

21. Pháp thí thắng mọi thí

pháp vị thắng mọi vị

pháp hỷ thắng mọi hỷ

ái tận thắng mọi khổ.

(pc 354)

21. Sự ban bố giáo pháp là thù thắng hơn tất cả sự bố thí, hương bị giáo pháp thù thắng hơn tất cả hương vị, hoan hỷ giáo pháp thù thắng hơn tất cả niềm hoan hỷ, sự tận diệt ái là chinh phục tất cả khổ đau.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú ở Jetavana, vì chuyện thiên chủ Đế Thích vấn đạo.

Có một thời chư thiên cõi trời Đạo lợi tụ hội đưa lên bốn vấn đề: “Sự bố thí nào là cao cả trong các sự bố thí; Mùi vị nào là cao cả trong các mùi vị; Hỷ lạc nào là cao cả trong các hỷ lạc; Tại sao ái tận được gọi là cao cả?” Không có một vị thiên nào có thể trả lời được các câu hỏi ấy.

Vị thiên này hỏi vị thiên kia, vị thiên kia lại đi hỏi vị thiên khác. Họ hỏi lẫn nhau như vậy trong khắp mười ngàn vũ trụ, quanh quẩn suốt mười hai năm.

Chừng ấy thời gian vẫn chưa tìm thấy ý nghĩa của những câu hỏi. Chư thiên trong mười ngàn vũ trụ đã tụ hội lại và đi đến tứ Đại Thiên vương để mong được trả lời bốn câu hỏi ấy, nhưng tứ Đại Thiên Vương cũng không biết ý nghĩa, bèn dẫn tất cả chư thiên đến diện kiến thiên chủ Đế Thích để hỏi ý nghĩa của bốn câu hỏi ấy.

Sau khi nghe thiên chúng trình bày, Thiên chủ Đế Thích bảo: “Không có ai khác ngoài đức Phật, có thể hiểu ý nghĩa của các câu hỏi này. Bậc Đạo sư hiện đang trú tại Jetavana, chúng ta hãy đi đến Ngài”.

Rồi Thiên chủ Đế Thích cùng với thiên chúng đi đến bái kiến đức Thế Tôn vào giữa đêm làm sáng rực toàn vùng Jetavana, sau khi đảnh lễ Ngài, đã đứng qua một bên. Đức Thế Tôn hỏi: “Đại vương đến với đại chúng thiên có việc gì?”_ “Bạch Thế Tôn, có những câu hỏi này khởi lên với thiên chúng, không ai hiểu ý nghĩa các câu hỏi này, kính thnh Ngài giải nghĩa cho chúng con”.

_ “Lành thay, thưa đại vương, ta đã bổ túc ba la mật, xã các pháp đại thí, đã thể nhập trí toàn tri, mục đích đoạn nghi cho những người như đại vương. Các vấn đề được đại vương hỏi thì pháp thí là tối thượng trong tất cả sự thí, pháp vị là tối thưng trong tất cả mùi vị, pháp hỷ là tối thượng trong tất cả hỷ, nhưng ái tận là tối thắng vì là thành tựu quả vị A la hán”. Nói xong, đức Thế Tôn đã thuyết lên bài kệ này: Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti…v.v…Taṇhakkhayo sabba dukkhaṃ jinātī’ ti.

Khi bậc Đạo sư thuyết ý nghĩa của bài kệ này như vậy, đã có 84.000 chúng sanh giác ngộ chánh pháp. Nói về Thiên chủ Đế Thích sau khi nghe pháp thoại của bậc Đạo Sư, đã đảnh lễ bậc Đạo sư và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, khi mà pháp thí cao quí như vậy, sao Ngài không bảo hồi hướng cho chúng con? Bắt đầu từ nay, sau khi thuyết giảng đến chúng tỳ kheo, xin hãy hồi hướng công đức cho chúng con”. Bậc Đạo sư nghe lời thỉnh cầu của thiên chủ Đế Thích, đã tập họp chúng tỳ kheo và dạy: “Này chư tỳ kheo, bắt đầu từ hôm nay trở đi, khi thuyết pháp, hay dạy pháp, hoặc luận pháp, thậm chí là nói lời tùy hỷ pháp, các ngươi nên hồi hướng công đức đến tất cả chúng sanh”.

Lý giải:

Bài kệ này, đức Phật thuyết để giải đáp bốn vấn đề nghi nan của hội chúng chư thiên.

Câu hỏi thứ nhất: kataraṃ dānaṃ nu kho dānesu jeṭṭhakaṃ? Sự thí nào là tối thắng trong các sự thí?

Đức Phật trả lời: Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti, pháp thí thắng tất cả sự thí.

Pháp thí là bố thí pháp, thuyết pháp cho người khác nghe. Nhờ nghe được giáo pháp mà người ta mới phát tâm làm phước như bố thí, trì giới, tu tiến được. Lại nữa, nhờ nghe pháp mà người ta có chánh kiến bỏ tà kiến, bỏ tà đạo thực hành theo chánh đạo, thoát khỏi bốn đường khổ cảnh. Lại nữa, nhờ nghe pháp mà người ta giác ngộ chân lý, trú trong quả vị tu đà huờn, tư đà hàm, a na hàm, a la hán, chấm dứt khổ luân hồi. Bố thí vật chất như cho y phục, vật thực, chổ ở, thuốc men… người nhận chỉ được lợi lạc một ngày, một buổi, hay chỉ lợi lạc trong kiếp sống này thôi; trong khi đó, ban bố cho nghe một bài pháp, hay một kệ ngôn, hoặc một câu khuyên bảo, có thể giúp người nghe chuyển hóa nội tâm, thành tựu chánh kiến, có lợi lạc đời này, đời sau và giải thoát luân hồi. Bởi thế mới nói pháp thí thắng mọi thí.

Câu hỏi thứ hai: Kataro raso rasesu jeṭṭhako? Hương vị nào là tối thắng trong các hương vị?

Đức Phật trả lời: Sabbarasaṃ dhammaraso jināti, Pháp vị thắng tất cả vị.

Nghĩa là, tất cả hương vị thế gian, những vị ngon của vật thực, trái cây, hoặc thực phẩm của chư thiên có hương vị đặc biệt, nhưng các hương vị ấy làm chúng sanh say đắm để rồi chịu khổ đau chìm đắm trong luần hi sanh tử, bởi là nguyên nhân tăng trưởng lòng tham. Chỉ có hương vị của giáo pháp, tức là ba mươi bảy pháp giác phần, hoặc chín pháp siêu thế, những ai nếm được pháp vị này sẽ thoát khỏi khổ đau, chứng ngộ níp bàn. Do đó, mới nói pháp vị thắng mọi vị.

Câu hỏi thứ ba: Katarā rati ratīsu jeṭṭhakā? Hỷ lạc nào là tối thắng trong các hỷ lạc?

Đức Phật trả lời: Sabbaratiṃ dhammaratī jināti, Pháp hỷ thắng mọi hỷ.

Nghĩa là, sự vui trong pháp là thù thắng hơn tất cả niềm vui trong cuộc sống. Thật vậy, người đời có nhiều niềm vui: vui có vợ chồng con cái, vui có tài sản, vui với những thú tiêu khiển ca vũ nhạc kịch… những sự vui thích như thế khiến chúng sanh hệ lụy khổ đau và bị cuốn trôi vào dòng sanh tử luân hồi. Còn niềm vui trong pháp như hoan hỷ khi nghe pháp, học pháp, thẩm nghiệm giáo pháp, khi chứng trú thiền định, khi đắc chứng quả giải thoát… người ấy an trú với lạc trú, pháp hỷ ấy đưa đến chấm dứt khổ luân hồi. Nên mới nói: Pháp hỷ thắng mọi hỷ.

Câu hỏi thứ tư: Taṇhakkhayo’ va kasmā jeṭṭhako’ ti vuccati? Tại sao ái tận được gọi là thù thắng nhất?

Đức Phật đáp: Taṇhakkhayo sabbadukkhaṃ jināti, ái tận thắng mọi khổ.

Nghĩa là, sự đoạn tận ái là quả A la hán sẽ thắng phục tất cả khổ đau luân hồi. Thật vậy, trong bốn điều thù thắng thì sự đoạn tận ái là thù thắng nhất, bởi ái tận là đỉnh điểm giải thoát, ái tận là quả vị A la hán, ái tận là chấm dứt mọi khổ đau. Do đó mới nói: Ái tận thắng mọi khổ./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.