Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXIV. Phẩm Ái (Tanhāvagga) _ Kệ số 18 & 19 (dhp 351 & 352)

Sunday, 08/12/2024, 00:52 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 29.9.2024

XXIV

Phẩm Ái

(Tanhāvagga)

XXIV. Phẩm Ái_Kệ số 18, 19 (dhp 351 & 352)

Chánh văn:

18. Niṭṭhaṅgato asantāsī

vītataṇho anaṅgaṇo

acchindi bhavasallāni

antimoyaṃ samussayo.

(dhp 351)

19. Vītataṇho anādāno

niruttipadakovido

akkharānaṃ sannipātaṃ

jaññā pubbāparāni ca

sa ve antimasarīro

mahāpañño mahāpuriso’ ti vuccati.

(dhp 352)

Chuyển văn:

18. Niṭṭhaṅgato asantāsī vītataṇho anaṅgaṇo bhavasallāni acchindi ayaṃ antimo samussayo.

19. Vītataṇho anādāno niruttipadakovido akkharānaṃ sannipātaṃ pubbāparāni ca jaññā antimasarīro sa ve mahāpañño mahāpuriso iti vuccati.

Thích văn:

Niṭṭhaṅgato [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể niṭṭhaṅgata (niṭṭhaṃ + gata)] người đã đến đích, người đã kết thúc.

Asantāsī [chủ cách, số ít, nam tính, danh tính từ asantāsī (a + santāsī)] người không sợ hãi; người không hốt hoảng, người không kinh sợ.

Vītataṇho [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể vītataṇha (vīta + taṇhā + a)] người có ái đã lìa bỏ, người đã ly ái.

Anaṅgano [chủ cách, số ít, nam tính, danh tính từ anaṅgama (an + aṅgama + a)] không nhơ bẩn, không cấu uế, bậc vô uế.

Acchindi [động từ quá khứ, hiện khứ cách, parassapada, ngôi III, số ít, “ā + chid + m_a + i”] đã bẻ gãy, đã đoạn lìa.

Antimoyaṃ [hợp âm antimo ayaṃ].

Antimo [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ antima] chót, cuối cùng.

Ayaṃ [chủ cách, số ít, nam tính, đại từ ima] cái này.

Samussayo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ samussaya] một khối tích tập; thân thể.

Bhavasallāni [đối cách, số nhiều, trung tính, danh từ hợp thể bhavasalla (bhava + salla)] những mũi tên sanh hữu.

Anādāno [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ anādāna (an + ādāna)] không nắm giữ, không chấp thủ.

Niruttipadakovido [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể niruttipadakovida (“nirutti + pada” + kovida)] người rành r cú pháp ngôn ngữ.

Akkharānaṃ [sở thuộc cách, số nhiều, trung tính, danh từ akkhara] của các mẫu tự, của những chữ cái.

Sannipātaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ sannipātā] sự cấu trúc, sự kết hợp, sự tập hợp.

Jaññā [động từ khả năng cách, parassapada, ngôi III, số ít, “ñā + nā = jānā  jāneyya, jaññā…] có thể hiểu biết.

Pubbāparāni [đối cách, số nhiều, trung tính, hợp thể tính từ pubbāpara (pubba + apara), dùng như trạng từ] có trước có sau, thứ lớp trước sau.

Sa (so) [chủ cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] vị ấy, người ấy.

Ve [trạng từ] thật vậy, quả thật.

Antimasarīro [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể antimasarīra (antima + sarīra)] có thân tối hậu, có thân cuối cùng.

Mahāpañño [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ_tính từ hợp thể mahāpañña (mahā + paññā + a)] có trí tuệ lớn; bậc đại trí.

Mahāpuriso [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể mahapurisa (mahā + purisa)] bậc đại nhân, bậc vĩ nhân.

Vuccati [động từ hiện tại, thụ động thể, parassapada, “vac + ya + ti”] được nói, được gọi.

Việt văn:

18. Đến đích, không còn sợ,

đã ly ái, vô cấu,

đã bẻ tên sanh hữu

đây là thân cuối cùng.

(pc 351)

19. Ly ái, vô thủ trước,

thông ngôn ngữ cú pháp

biết cấu trúc ngôn từ

có thứ lớp trước sau,

vị ấy, thân tối hậu

bậc đại trí, vĩ nhân.

(pc 352)

16. Người đã đến đích điểm, không còn sợ hãi, đã ly tham ái, không uế nhiễm, đã đoạn gai chướng sanh hữu, đây là thân cuối cùng.

17. Người đã ly tham ái, không còn chấp thủ, thông thạo cú pháp ngôn ngữ, hiểu biết cấu trúc từ thứ lớp trước sau. Người ấy, quả thật vậy, được gọi là người mang thân tối hậu, là bậc đại trí, là bậc vĩ nhân.

Duyên sự:

Hai kệ ngôn này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, do chuyện Ác ma hù dọa Ngài Rāhula.

Tôn giả Rāhula là con trai duy nhất của thái tử Siddhattha, chào đời vào ngày Thái tử bỏ hoàng cung xuất gia. Sau khi đắc quả Phật, bậc Đạo sư trở về Kapilavatthu tiếp độ quyến thuộc; Rāhula được đức Phật dẫn đi tu.

Tôn giả Rāhula có hai lần ngủ chỗ ngủ tạm bợ. Một lần, lúc còn Sadi, khi ấy đức Thế Tôn chế định học giới, cấm vị tỳ kheo ngủ chung tịnh thất với Sa di. Bấy giờ, Sa di Rāhula phải nhường liêu cốc cho vị tỳ kheo khách và mình ngủ qua đêm nơi nhà xí của đức Thế Tôn. Nhân đó, đức Thế Tôn chế thêm điều khoản học giới tỳ kheo không ngủ chung qua đêm với sa di quá ba đêm. Một lần khác, chính là duyên sự đức Thế Tôn thuyết hai kệ ngôn pháp cú này.

Lúc tôn giả Rāhula đắc A la hán chưa đến tuổi thọ tỳ kheo. Một ngày kia, vào chiều tối có nhiều vị trưởng lão khách tăng đến Jetavanavihāra, tôn giả Rāhula phải nhường tịnh thất cho các tỳ kheo ấy và đi tìm chỗ ngụ khác. Khi không tìm thấy chỗ ngụ nào nên đã nằm nơi mái hiên hương thất của đức Thế Tôn.

Ác ma đứng tại thiên cung Vasavattī nhìn thấy tôn giả Rāhula nằm dưới mái hiên hương thất của đức Phật, hắn suy nghĩ: “Đứa con đáng thương của Sa môn Gotama thì nằm bên ngoài hương thất, Sa môn Gotama lại nằm bên trong. Nếu đứa con cưng bị hành hạ thì như chính Sa môn Gotama bị hành hạ vậy!”. Ác ma bèn hóa hiện thành con voi khổng lồ dùng vòi quấn quanh đầu của tôn giả Rāhula và rống lên. Đức Thế Tôn ngồi trong hương thất, Ngài biết rõ con voi ấy là hóa thân của Ác ma nên Ngài phán: “Hởi Ác ma, dù với trăm hay ngàn người như ngươi cũng không thể làm kinh sợ con trai của ta đâu! Bởi vì con trai ta là người đã ly ái, tinh cần dũng mãnh, đại trí, nên không có sự sợ hãi”. Nói xong, đức Phật đã thuyết hai kệ ngôn: Niṭṭhaṅgato asantāsī…v.v…mahāpañño mahāpuriso’ ti vuccatī’ ti.

Dứt kệ ngôn, Ác ma nghĩ rằng “Sa môn Gotama biết ra rồi!” nên đã biết mất khỏi chỗ ấy.

Lý giải:

Đến đích (niṭṭhaṅgato), nghĩa là đã đạt đến cứu cánh phạm hạnh, tức là đã chứng đắc vị quả vị A la hán.

Không còn sợ (asantāsī), nghĩa là người không có phiền não trong nội tâm như tham, sân, si…v.v…là nhân sanh sợ hãi, nên người diệt phiền não gọi là người không còn sợ.

Ly ái (vītaṇho), là người mà ái đã được lìa bỏ. Hai bài kệ đều có từ này.

Vô cấu (anaṅgano), là người mà không còn cấu uế phiền não, người thanh tịnh, người trong sạch hoàn toàn.

Đã bẻ tên sanh hữu (acchindi bhavasallāni), nghĩa là bậc A la hán đã bẻ gãy những mũi tên, hay là đã nhổ bỏ những gai nhọn, là nhân dẫn đến sự tái sanh luân hồi trong ba sanh hữu: dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu.

Đây là thân cuối cùng (antimo’ yaṃ samussayo), có ý nghĩa thân này là thân cuối cùng của vị A la hán, sẽ không còn thân sau nữa. Vị A la hán vô dư y níp bàn sẽ không còn tái sanh. Trong bài kệ thứ hai, có từ “thân tối hậu” (antimasarīro) cũng đồng nghĩa với câu này.

Vô thủ trước (anādāno) là không còn ái chấp, mạn chấp, kiến chấp đối với các uẩn nữa.

Thông ngôn ngữ cú pháp (nīruttipadakovido) nghĩa là thông thạo về ngôn ngữ và câu văn (niruttiyañca sesapadehu ca cheko), cũng có nghĩa là thông thạo về tứ vô ngại giải (catūsupi paṭisambhidāsu cheko), tứ vô ngại giải là bốn tuệ đạt thông: nghĩa đạt thông (atthapatisambhidā), pháp đạt thông (dhammapaṭisambhidā), ngữ đạt thông (niruttipaṭisambhidā) và biện đạt thông (paṭibhānapatisambhidā).

Biết cấu trúc văn tự có trước và có sau (akkharānaṃ sannipātaṃ jaññā pubbāparāni ca) nghĩa là biết rõ sự kết hợp các mẫu tự tạo thành từ, nhiều từ tạo thành câu, nhiều câu tạo thành mệnh đề, mệnh đề nào nên đặt trước, nên đặt sau để biểu đạt ý nghĩa. Mẫu tự (akkhara) rất quan trọng: “(Sabbavacanānaṃ attho akkhareh’ eva saññāyate. Akkharavipattiyaṃ hi atthassa dunnayatā hoti tasmā akkharakosallaṃ bahūpakāraṃ suttantesu) ý nghĩa của mọi lời nói được hiểu biết do nhờ văn tự. Khi văn tự sai lệch thì khó dẫn giải ý nghĩa, do đó, sự thiện xảo văn tự giúp ích nhiều trong việc hiểu kinh điển”.

Vị ấy thân tối hậu (sa ve antimasarīro) nghĩa là vị A la hán là vị mang thân cuối cùng, kiếp sống này là kiếp chót, không tạo thân mới nữa.

Gọi là bậc đại trí (mahāpañño’ ti vuccati) nghĩa là người thành tựu trí tuệ đạt thông: Nghĩa, pháp, ngữ, biện và tuệ nhiếp giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn.

Gọi là bậc vĩ nhân (mahāpuriso’ ti vuccati), hay bậc đại nhân, bởi trạng thái tâm giải thoát (vimuttacittatāya) mà người ấy đạt được./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.