- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học chủ nhật 22.9.2024
XXIV
Phẩm Ái
(Tanhāvagga)
XXIV. Phẩm Ái_Kệ số 15 (dhp 348)
Chánh văn:
15. Muñca pure muñca pacchato
majjhe muñca bhavassa pāragū
sabbattha vimuttamānaso
na puna jātijaraṃ upehisi.
(dhp 348)
Chuyển văn:
15. Pure muñca pacchato muñca majjhe muñca bhavassa pāragū sabbattha vimuttamānaso na puna jātijaraṃ na upehisi.
Thích văn:
Muñca [động từ mệnh lệnh cách, parassapada, ngôi II, số ít, “
Pure [trạng từ] trước kia, xưa kia, quá khứ.
Pacchato [trạng từ] sau này, sau đây, vị lai.
Majjhe [dùng như trạng từ. Định sở cách, số ít, nam tính, danh từ majjha] ở giữa, hiện tại (không thuộc quá khứ cũng không thuộc vị lai).
Bhavassa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, danh từ bhava] của sanh hữu, của kiếp sống.
Pāragū [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể pāragū (pāra + gū do căn
Sabbattha [trạng từ] mọi nơi, khắp tất cả.
Vimuttamānaso [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể vimuttamānasa (vimutta + mānasa)] tâm thoát khỏi, tư tưởng giải thoát.
Na [bất biến từ phủ định] không, đừng.
Puna [bất biến từ] nữa, trở lại.
Jātijaraṃ [đối cách, số ít, nữ tính , danh từ hợp thể jātijarā (jāti + jarā)] sanh và già, sanh già, sanh lão bệnh tử.
Upehisi [động từ vị lai, tương lai cách, parassapada, ngôi iI, số ít, “upa +
Việt văn:
15. Hãy buông bỏ quá khứ
vị lai và hiện tại
đến bờ kia sanh hữu
tâm giải thoát tất cả
ngươi sẽ không trở lại
đau khổ sanh, già, chết.
(pc 348)
15. Hãy buông bỏ quá khứ, hãy buông bỏ vị lai, hãy buông bỏ hiện tại, đi đến bờ kia sanh hữu, tâm giải thoát khỏi tất cả, ngươi sẽ không trở lại sanh già nữa.
Duyên sự:
Bài kệ này, đức Phật thuyết ở thành Rājagaha, khi Ngài trú tại Veḷuvana, vì câu chuyện Uggasena.
Tại thành Rājagaha, thỉnh thoảng sáu tháng hoặc một năm có đoàn xiếc đến biểu diễn nghệ thuật múa trên dây cho đức vua, quần thần và dân chúng xem. Mỗi lần đến đây đoàn biểu diễn múa nghệ thuật bảy ngày. Họ được vua ban thưởng nhiều vàng bạc và dân chúng xem cũng tặng nhiều tặng phẩm.
Trong đoàn xiếc nghệ thuật ấy, có một nữ diễn viên xinh xắn có tài múa trên dây, trên sào, rất điêu luyện. Một công tử con nhà trưởng giả tên là Uggasena cùng bạn bè đến xem biểu diễn, công từ Uggasena đã say mê nhan sắc và tài nghệ của cô nữ diễn viên múa. Khi về nhà mắc bệnh tương tư nàng, bỏ ăn bỏ uống. Cha mẹ công tử hỏi duyên cớ thì chàng cho biết đã yêu nàng nữ diễn viên múa, nếu con được nàng thì con sống, nếu không được nàng thì con sẽ chết. Cha mẹ chàng nghe vậy đã khuyên chàng hãy cưới một người con gái gia đình môn đăng hộ đối mới xứng. Nhưng chàng vẫn kiên quyết xin cha mẹ cưới cho chàng cô nữ diễn viên múa.
Cuối cùng, họ phải chiều ý con trai. Ông bà trưởng giả cho người đến đoàn xiếc gặp ông chủ đoàn xiếc là cha mẹ của cô gái, xin cưới con gái ông cho con trai họ. Nhưng người cha của cô gái nói: “con gái tôi là diễn viên chính của đoàn, nếu gả đi thì đoàn múa nghệ thuật sẽ tan rã. Do đó, nếu công tử nhà quí ông chịu đi theo đoàn xiếc thì chúng tôi mới chịu gả con gái cho”.
Và rồi chàng đã rời khỏi nhà đi theo đoàn xiếc, để cưới được nàng diễn viên trong đoàn xiếc.
Công tử Uggasena cùng đoàn xiếc đi biểu diễn khắp nơi trong quốc độ. Công tử vì là con nhà giàu có, không có tài nghệ gì nên theo đoàn xiếc chỉ phụ giúp khuân vác hành lý dụng cụ, bảo quản xe và cho ngựa ăn thôi.
Công tử và nữ diễn viên chung sống vợ chồng ít lâu sau họ sanh một đứa con trai. Cô vợ lúc đùa giỡn với con trai thường nói: “Ê con trai của người giữ xe! Ê con trai của người chất hàng hóa! Ê con trai của người không biết gì cả!”
Công tử nghe vợ nói đùa với con những lời như vậy, cảm thấy xấu hổ và tự ái nên đã quyết tâm học những tài nghệ xiếc nhào lộn. Chàng đến học nơi cha vợ và đã trở thành diễn viên xiếc điêu luyện.
Đoàn xiếc đi biểu diễn các nơi trong xứ và tuần tự về đến kinh thành Rājagaha. Lưu diễn ở đây bảy ngày, có những tiết mục do nam diễn viên Uggasena biểu diễn.
Ngày mà Uggasena biểu diễn tiết mục nhào lộn trên cao, bậc Đạo sư sáng sớm quán xét thế gian, Ngài đã thấy duyên lành đắc đạo quả của công tử Uggasena.
Buổi sáng, bậc Đạo sư cùng chúng tỳ khưu đi vào thành Rājagaha khất thực, khi Ngài đến tại nơi biểu diễn thì dân chúng chú ý đến đức Phật, không còn quan tâm đến sự biểu diễn của Uggasena nữa.
Uggasena thấy vậy bèn ngưng biểu diễn nghệ thuật, vì mọi người không xem làm anh ta mất hứng. Đức Phật truyền tôn giả Mahāmoggallāna đến gần và khuyến khích Uggasena hãy tiếp tục biểu diễn.
Uggasena khởi hứng thú trở lại vì nghĩ rằng đức Phật và chúng tỳ kheo muốn xem ta biểu diễn. Thế là, Uggasena nhún mình lên đầu cây sào rồi nhào lộn trong không trung, đáp xuống đứng trên đỉnh cây sào. Lúc ấy đức Thế Tôn đến gần nói vọng lên cho Uggasena nghe: “Này Uggasena, bậc hiền trí nên từ bỏ sự quyến luyến ngũ uẩn thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại để thoát khỏi sanh già”. Nói xong, Ngài đọc lên bài kệ: Muñca pure muñca pacchato…v.v…na puna jātijaraṃ upehisī’ ti.
Dứt pháp thoại, Uggasena con trưởng giả vẫn đứng trên đầu cây sào đã đắc quả A la hán, với tứ tuệ phân tích, rồi từ cây sào đi xuống tiến đến đảnh lễ bậc Đạo sư và xin xuất gia. Bậc Đạo sư vẩy tay bảo: “Hãy đến, này tỳ kheo!”. Tức thì công tử Uggasena có tăng tướng tỳ kheo như một vị trưởng lão sáu mươi hạ, đủ tám tư cụ.
Nói về cô vũ nữ ấy, nghĩ “Đường lối nào chồng ta đi, thì ta cũng theo đường lối ấy”, rồi nàng cũng xuất gia và chứng quả A la hán.
Lý giải:
Trong kệ ngôn này, câu nói: “Hãy buông bỏ quá khứ” (Muñca pure), nghĩa là hãy buông bỏ ái tham, quyến luyến, dính mắc, chấp trước ngũ uẩn thuộc quá khứ. “Pure” trước đây, là ám chỉ quá khứ (atīta).
Câu nói: “Hãy buông bỏ vị lai” (Muñca pacchato), nghĩa là hãy buông bỏ ái chấp ngũ uẩn thuộc vị lai. “Pacchato” sau này, là ám chỉ vị lai (anāgata).
Câu nói: “Hãy buông bỏ hiện tại” (Majjhe muñca), nghĩa là hãy buông bỏ ái chấp ngũ uẩn thuộc hiện tại. “Majjhe” ở giữa, là chỉ hiện tại (paccuppanna).
Câu nói: “đi đến bờ kia của sanh hữu” (bhavassa pāragū). Có ba thứ sanh hữu (bhava) là dục hữu (kāmabhava), sắc hữu (rūpabhava) và vô sắc hữu (arūpabhava), tức ngũ uẩn thuộc cõi dục, ngũ uẩn thuộc cõi sắc (cõi sắc vô tưởng chỉ có nhứt uẩn), tứ uẩn thuộc cõi vô sắc. Đây là ba cõi luân hồi. Đi đến bờ kia (pāragū), là đến bờ níp bàn.
Câu nói: “tâm giải thoát tất cả” (sabbattha vimuttamānaso). Tất cả là tất cả pháp hữu vi (sabbasaṅkhāra) như ngũ uẩn, thập nhị xứ, thấp bát giới. Tâm giải thoát là tâm siêu thế tác chứng níp bàn, không còn tạo ra ngũ uẩn mới.
Câu nói: “Sẽ không trở lại sanh già nữa” (Na puna jātijaraṃ upehisi). Kiếp luân hồi trải qua bốn giai đoạn sanh(jāti), già (jarā), bệnh (byādhi), chết (maraṇaṃ). Câu nói “sẽ không trở lại sanh già nữa” hàm ý là không còn luân hồi nữa; Một người đã đắc A la hán, khi vô dư y níp bàn sẽ không còn tái sanh nữa./.
Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.