- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học thứ năm 22.8.2024
XXIII
Phẩm Voi
(Nāgavagga)
XXIII. Phẩm Voi_Kệ số 9, 10, 11 (dhp 328, 329, 330)
Chánh văn:
9. Sace labhetha nipakaṃ sahāyaṃ
saddhiṃcaraṃ sādhuvihāridhīraṃ
abhibhuyya sabbāni parissayāni
careyya tena’ ttamano satīmā.
(dhp 328)
10. No ce labhetha nipakaṃ sahāyaṃ
saddhiṃcaraṃ sādhuvihāridhīraṃ
rājā’ va raṭṭhaṃ vijitaṃ pahāya
eko care mātaṅgaraññe’ va nāgo.
(dhp 329)
11. Ekassa caritaṃ seyyo
natthi bāle sahāyatā
eko care na ca pāpāni kayirā
appossukko mātaṅgaraññe’ va nāgo.
(dhp 330)
Chuyển văn:
9. Nipakaṃ saddhiṃcaraṃ sādhuvihāridhīraṃ sahāyaṃ sace labhetha sabbāni parissayāni abhibhuyya tena attamano satīmā careyya.
10. Nipakaṃ saddhiṃcaraṃ sādhuvihāridhīraṃ sahāyaṃ sace no labhetha vijitaṃ raṭṭhaṃ pahāya rājā iva mātaṅgaraññe nāgo iva eko care.
11. Ekassa caritaṃ seyyo bāle sahāyatā natthi mātaṅgaraññe nāgo iva appossukko eko care pāpāni na ca kayirā.
Thích văn:
Sace [giới từ] nếu, nếu như.
Labhetha [động từ khả năng cách, attanopada, ngôi III, số ít, “
Nipakaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ nipaka] sáng suốt, khôn khéo.
Sahāyaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ sahāya] bạn bè, bằng hữu.
Saddhiṃcaraṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể saddhiṃcara (saddhiṃ + cara)] đồng hành, cùng đi.
Sādhuvihāridhīraṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể sādhuvihāridhīra (sādhu + vihāri + dhīra)] nghị lực sống tốt, nếp sống hiền thiện.
Abhibhuyya [bất biến quá khứ phân từ “abhi +
Sabbāni [đối cách, số nhiều, trung tính, đại từ sabba] tất cả, mọi.
Parissayāni [đối cách, số nhiều, trung tính, danh từ parissaya] những sự nguy hiểm, những điều phiền phức.
Careyya [động từ khả năng cách, parassapada, ngôi III, số ít, “
Ten’ attamano [hợp âm tena attamano]
Tena [sở dụng cách, số ít, nam tính, đại từ ta] với người ấy.
Attamano [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ attamana] hoan hỷ, vui mừng.
Satīmā [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ chuyển hóa satimantu [đúng ra chủ cách là satīmā, nhưng viết trong thi kệ là satimā)] có ghi nhớ, có tỉnh táo.
No [bất biến từ phủ định] không, chẳng.
Ce [giới từ, hình thức giản lược của sace] nếu, nếu như.
Rājā’ va [hợp âm rajā iva]
Rājā [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ rāja] vua, nhà vua.
Iva [bất biến từ tỷ giáo] ví như, như là.
Raṭṭhaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ raṭṭha] xứ sở, quốc độ.
Vijitaṃ [đối cách, số ít, trung tính, tính từ vijita (quá khứ phân từ của động từ vijināti)] đã bị chinh phục, đã chiến bại.
Pahāya [bất biến quá khứ phân từ “pa +
Eko [chủ cách, số ít, nam tính, số mục từ eka] một, đơn độc.
Care [động từ khả năng cách, attanopada, ngôi III, số ít, “
Mātaṅgaraññe’ va [hợp âm mātaṅgaraññe iva].
Mātaṅgaraññe [định sở cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể mātaṅgarañña (mātaṅga + arañña)] khu rừng voi.
Ekassa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, số mục tính từ eka] của một mình, đơn độc.
Caritaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ carita] sự sinh hoạt, đời sống, tánh hạnh.
Seyyo [bất biến từ] tốt hơn là.
Natthi [động từ phủ định cách, ngôi III, số ít (na + atthi)] không, chẳng có.
Bāle [định sở cách, số ít, nam tính, danh từ bāla] ở kẻ ngu, đối với người cuồng dại.
Sahāyatā [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ sahāyatā] tình bạn, tình thân hữu; sự kết thân.
Na [phủ định từ] không, chẳng.
Pāpāni [đối cách, số nhiều, trung tính, danh từ pāpa] các điều ác, các việc xấu.
Kayirā [động từ khả năng cách, parassapada, ngôi III, số ít, “
Appossukko [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể appossukka (appa + ussukka)] ít bận tâm, không bận rộn, vô tư lự.
Việt văn:
9. Nếu được bạn đồng hành,
khôn ngoan, sống hiền thiện,
nên cùng họ vượt khó
sống hoan hỷ niệm tỉnh.
(pc 328)
10. Không được bạn đồng hành,
khôn ngoan, sống hiền thiện
(hãy rời xa người ấy)
như vua bỏ nước bại
hãy sống riêng cô độc
như voi bỏ rừng voi.
(pc 329)
11. Sống một mình tốt hơn!
không kết bạn kẻ ngu
độc hành, vô tư lự
như voi bỏ rừng voi
không tạo điều ác xấu.
(pc 330)
9. Nếu có được người bạn đồng hành sáng suốt, nghị lực sống hiền thiện, thì nên cùng với bạn ấy sau khi vượt qua mọi khốn khó hãy sống hoan hỷ và niệm tỉnh.
10. Nếu không có được người bạn đồng hành sáng suốt, nghị lực sống hiền thiện, thì nên bỏ đi như vua bỏ lại xứ sở đã bị chinh phục, hãy sống một mình như voi chúa bỏ rừng voi.
11. Sống một mình tốt hơn, không cần kết bạn với kẻ ngu. Sống độc hành ít phiền toái, như voi chúa bỏ rừng voi và không thể làm các điều xấu.
Duyên sự:
Ba bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú trong khu rừng Rakkhita có voi chúa Pālileyyaka phục dịch.
Hạ thứ chín, đức Phật an cư tại Kosambi, trong thời gian này các vị tỳ kheo ở Kosambi có sự bất hòa chia rẽ. Đức Phật truyền dạy tôn giả Ānanda hòa giải không xong, đức Thế Tôn đích thân hòa giải các tỳ kheo ấy cũng không hòa hợp.
Đức Thế Tôn sau mùa an cư đó, Ngài đã độc hành đi đến khu rừng Rakkhita (vì trong khu rừng ấy đức Thế Tôn được voi chúa Pālileyyaka hộ trì, nên khu rừng mới có tên Rakkhitavana). Hạ thứ mười, đức Thế Tôn an cư tại khu rừng Rakkhita ấy.
Mãn mùa an cư, có năm trăm vị tỳ kheo tứ phương đi đến tôn giải Ānanda tại Kosambi và nói: “Thưa hiền giả Ānanda, đã lâu rồi chúng tôi không được nghe đức Thế Tôn thuyết pháp. Lành thay, thưa hiền giả Ānanda, có thể nào chúng tôi được tận mặt nghe Thế Tôn thuyết pháp”.
Trưởng lão Ānanda bèn dẫn các tỳ kheo ấy đi đến khu rừng đó. Khi đến nơi, trưởng lão suy nghĩ: “Đức Thế Tôn trú một mình suốt ba tháng, sự xuất hiện với bấy nhiêu tỳ kheo là không thích hợp”. Rồi Trưởng lão đã để chư tỳ kheo ở ngoài bìa rừng và một mình đi vào khu rừng. Tượng chúa Pālileyyaka thấy có người lạ tiến vào chỗ đức Phật thì xông ra ngăn cản. Đức Thế Tôn biết mới bảo voi chúa: “Pālileyya, hãy tránh qua! Đừng ngăn cản người ấy! Đó là thị giả của ta”. Nó liền dừng lại và để cho trưởng lão đi vào.
Trưởng lão Ānanda đi đến nơi đức Thế Tôn đặt y tăng già_lê và bát dưới đất, đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Đức Phật hỏi: “Này Ānanda, ngươi đến một mình à?”.
_ “Bạch Thế Tôn, con đến với năm trăm vị tỳ kheo. Chư tỳ kheo đang ở ngoài bìa rừng chờ đợi”.
_ “Hãy gọi các tỳ kheo ấy!”.
Trưởng lão vâng lời đi trở ra gọi chư tỳ kheo vào. Bậc Đạo sư tiếp đón ân cần chư tỳ kheo. Các vị tỳ kheo đảnh lễ bậc Đạo sư và bạch hỏi: “Bạch Thế Tôn, Ngài là vị Phật thanh nhã vừa là vị Sát đế lỵ thanh tú, suốt ba tháng Ngài sinh hoạt một mình không ai phục dịch, có lẽ Ngài khổ sở lắm”.
_ “Này chư tỳ kheo, đã có voi Pālileyyaka làm mọi việc cho ta. Quả thật, nếu không được bạn đồng hành sáng suốt, sống hiền thiện thì tốt hơn thà sống một mình”. Nói xong, đức Phật thuyết lên ba bài kệ: Sace labhetha nipakaṃ sahāyaṃ…v.v…appossukko mātaṅgaraññe’ va nāgo’ ti.
Dứt pháp thoại, năm trăm tỳ kheo ấy chứng đắc quả vị A la hán.
Lý giải:
Ba bài kệ này, đức Phật thuyết cho đối tượng nghe pháp là năm trăm vị tỳ kheo khách tăng, để an trú các vị vào quả A la hán. Do đó, cần phải hiểu theo ý nghĩa đặc biệt như trong chú giải đã giải thích.
Đời sống vị xuất gia cũng có những người bạn đồng phạm hạnh tốt để hổ trợ nhau tiến hóa. Nếu được người bạn đồng hành sáng suốt, nghị lực sống hiền thiện thì nên cùng người bạn ấy sau khi vượt qua mọi khốn khó, hãy sống hoan hỷ và niệm tỉnh.
Gọi là sáng suốt (nipakaṃ) là người có trí tuệ cẩn trọng (nepakkapaññāya samannāgataṃ), biết suy xét cân nhắc trong hành vi và lời nói.
Gọi là nghị lực sống hiền thiện (sādhuvihāridhīraṃ) là người có bản lãnh xây dựng cuộc sống hoàn hảo (bhaddakavihāriṃ paṇḍitaṃ).
Gọi là cùng người ấy sau khi vượt qua khốn khó, hãy sống hoan hỷ và niệm tỉnh (abhibhuyya sabbāni parissayāni careyya tena attamano satimā), nghĩa là khi có được người bạn lành, hãy biết trân trọng tình bạn và cùng họ vượt qua mọi hiểm nguy bất trắc để cùng sống.
Bằng như không có được người bạn đồng hành sáng suốt, nghị lực sống hiền thiện, thì nên bỏ đi, như vua bỏ nước bại và hãy sống một mình như voi bỏ rừng voi.
Gọi là như vua bỏ nước bại (rājā’ va raṭṭhaṃ vijitaṃ pahāya) là lấy điển tích vua Mahājanaka làm thí dụ. Vị vua ấy đã chinh phục lãnh thổ lớn, vua chán nản suy nghĩ: “có lợi ích gì cho ta với việc cai trị vương quốc rộng lớn này chứ?”. Rồi nhà vua đã từ bỏ xứ sở chinh phục ấy, một mình đi vào rừng sâu xuất gia làm ẩn sĩ.
Gọi là như voi chúa bỏ rừng voi (mātaṅgaraññe’ va nāgo), cũng là điển tích làm thí dụ cho sự độc hành. Tại một khu rừng có tên là Mātaṅga, một khu rừng có đàn voi đông đúc, được dẫn dắt bởi con voi chúa bản lĩnh khôn ngoan. Nhưng thời gian sau, voi chúa suy nghĩ: “Ta sống bị quấy rối bởi những con voi tơ, bởi những voi con; Ta chỉ ăn những cỏ bị đứt đọt, chúng ăn hết những nhánh cây do ta bẻ xuống, ta chỉ uống nước bị chúng khuấy đục, khi ta lội qua sông thì những con voi cái lội xuống cọ xát vào thân ta. Có lẽ ta nên lánh xa bầy đàn và sống một mình thôi”. Voi chúa đã rời bỏ bầy đàn trong khu rừng này, sống đơn độc thoải mái.
Sống một mình tốt hơn, không cần kết bạn với kẻ ngu. Sống độc hành ít phiền toái như voi chúa bỏ rừng voi và không thể làm các điều xấu.
Gọi là sống một mình hơn (ekassa caritaṃ seyyo), bởi vì sống một mình có thể thành tựu giới hạnh, có thể hành đầu đà, có thể hành thiền minh sát, có thể chứng đắc thiền định, đạo quả.
Không cần kết bạn với kẻ ngu (natthi bāle sahāyatā), bởi vì không nương tựa kẻ ngu mà thành tựu giới hạnh, hành đầu đà, hành thiền minh sát, hay đắc chứng thiền định, đạo quả. Bởi lý do đó, không cần kết bạn với kẻ ngu.
Sống độc hành ít phiền toái (eko care appossukko), tức là khi sống chung với người bạn ngu si thiểu trí họ có những hành vi, lời nói làm cho mình phiền lòng bởi kẻ ngu không có pháp hiền trí, thà rằng sống một mình mà thoải mái an lạc, như voi chúa bỏ bầy đàn sống đơn độc không bị các con voi khác quấy rối.
Và không thể làm các điều ác (na ca pāpāni kayirā), vì sống một mình không va chạm với những người gây phiền toái, nên không có tâm sân giận để làm thân ác, khẩu ác dù chút ít.
Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.