Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXIII. Phẩm Voi (Nāgavagga) _ Kệ số 7 (dhp 326)

Thursday, 15/08/2024, 14:57 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 15.8.2024

XXIII

Phẩm Voi

(Nāgavagga)

XXIII. Phẩm Voi_Kệ số 7 (dhp 326)

Chánh văn:

7. Idaṃ pure cittamacāri cārikaṃ

yen’ icchakaṃ yatthakāmaṃ yathāsukhaṃ

tadajj’ ahaṃ niggahessāmi yosino

hatthippabhinnaṃ viya aṅkusaggaho.

(dhp 326)

Chuyển văn:

7. Pure idaṃ cittaṃ yen’ icchakaṃ yatthakāmaṃ yathāsukhaṃ cārikaṃ acāri ahaṃ ajja taṃ pabhinnaṃ hatthiṃ viya aṅkusaggaho yosino niggahessāmi.

Thích văn:

Idaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, chỉ thị đại từ ima] này, cái này.

Pure [trạng từ] lúc trước, trước kia, xưa.

Cittaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ citta] tâm.

Acāri [động từ quá khứ, hiện khứ cách, parassapada, ngôi III, số ít, “car + a + i”] đã đi.

Cārikaṃ [đối cách, số ít, nữ tính, danh từ cārikā] cuộc du hành, cuộc hành trình. “Cārikaṃ acāri”, “đã dong rui, đã du hành”.

Yen’ icchakaṃ [hợp âm yena icchakaṃ].

Yena [sở dụng cách, số ít, trung tính, quan hệ đại từ ya] theo cái nào, theo cái gì, theo cái mà.

Icchakaṃ [đối cách, số ít, trung tính, tính từ icchaka] mong muốn, ước nguyện.

Yenicchakaṃ [dùng như một trạng từ] tùy theo sở nguyện.

Yatthakāmaṃ [đối cách, số ít, trung tính, hợp thể trạng từ “yatha + kāmaṃ”] chỗ nào muốn, tùy theo sở cầu.

Yathāsukhaṃ [đối cách, số ít, trung tính, hợp thể trạng từ, “yathā + sukhaṃ”] tùy theo sở thích.

Tadajjahaṃ [hợp âm taṃ ajja ahaṃ].

Taṃ [đối cách, số ít, trung tính, chỉ thị đại từ ta] cái ấy, (tâm) ấy.

Ajja [trạng từ chỉ thời gian] hôm nay.

Ahaṃ [chủ cách, số ít, nhân xưng đại từ ngôi I] tôi, ta.

Niggahessāmi [động từ vị lai, tương lai cách, parassapada, ngôi I, số ít, “ni + gah + issāmi”] ta sẽ nhiếp phục, ta sẽ kìm hãm.

Yoniso [trạng từ] một cách khôn khéo, một cách đúng đắn.

Hatthippabhinnaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể hatthippabhinna (hatthi + pabhinna)] sự quấy phá của voi, con voi động cơn, voi phát dục.

Viya [bất biến từ tỷ giáo] ví như, như là.

Aṅkusaggaho [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể aṅkusaggaha (aṅkusa + gaha)] người cầm cây móc, người nài voi.

Việt văn:

7. Trước, tâm này dong ruổi

theo cảnh cầu, ước, thích

nay ta sẽ nhiếp tâm

như nài điều khiển voi.

(pc 326)

7. Trước kia tâm này đi dong ruổi theo cảnh tùy sở cầu, sở nguyện, sở thích, nay ta sẽ khéo nhiếp phục tâm ấy ví như nài cầm móc chế ngự sự động cơn của con voi.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, vì chuyện của Sa di Sānu.

Sa di Sānu là con trai của một người cận sự nữ giàu niềm tin tam Bảo. Sa di Sānu xuất gia khi còn rất trẻ, có trí thông minh sáng dạ, học đâu nhớ đó, đặc biệt là sa di ấy có âm giọng ngọt ngào.

Sa di Sānu có giới hạnh và dễ dạy, luôn làm tròn bổn phận đối với thầy tế độ và thầy giáo thọ.

Chư tỳ kheo thường đề nghị sa di Sānu thuyết pháp. Sa di Sānu mỗi lần thuyết pháp xong đều hồi hướng công đức đến cha mẹ hiện tại và quá khứ. Trong số những người mẹ quá khứ của sa di Sānu, có một nữ dạ xoa thường đi đến nghe sa di Sānu thuyết pháp và tùy hỷ phước báu do vị sa di hồi hướng.

Hội chúng chư thiên có sự tôn kính đối với sa di Sānu, nên cũng rất nể trọng nữ dạ xoa này, luôn dành cho nữ dạ xoa chỗ ngồi tốt nhất hoặc nhường đường cho nữ dạ xoa, chư thiên nghĩ rằng “Đây là mẹ của Sānu! Đây là mẹ của Sānu!”.

Nữ dạ xoa này rất tự hào về Sānu, đứa con trai của mình, nên luôn theo dõi và hộ trì vị sa di ấy.

Thế rồi, khi đến tuổi trưởng thành với thân thể phát triển cường tráng của một chàng trai, Sa di Sānu bị cám dỗ bởi mùi tục lụy đã sanh tâm buồn chán đời sống phạm hạnh và muốn hoàn tục.

Sa di Sānu đẻ tóc dài không cạo, móng tay dài không cắt, y áo không giặt. Một ngày kia sa di Sānu lặng lẽ trở về nhà mẹ mình.

Người cận sự nữ sau khi nhìn thấy sa di Sānu về với bộ dạng như thế, bèn hỏi sao lại như thế? Sa di Sānu đã nói với mẹ là mình buồn chán đời sống xuất gia, muốn hoàn tục. Người mẹ đã dùng nhiều lời lẽ khuyên nhắc sa di những không thuyết phục được đành phải nói: “Con hãy đợi đây, mẹ sẽ nấu cơm cho ăn, rồi mẹ sẽ đưa cho con những y phục cư sĩ”. Rồi bà chuẩn bị nấu cơm.

Nói về nữ dạ xoa, mẹ quá khứ của sa di Sānu, lúc ấy muốn biết sa di Sānu ở đâu? Có nhận được thức ăn khất thực gì chưa? Liền biết được sa di đang về ở nhà mẹ và có ý định hoàn tục thì nữ dạ xoa nghĩ rằng: “vị sa di này sẽ làm ta mất mặt, hổ thẹn giữa các vị thiên thần lực, ta hãy đi đến và sẽ cản trở việc hoàn tục của sa di Sānu”. Nữ dạ xoa liền đến nhà bà cận sự nữ và nhập vào thân sa di Sānu, vặn cổ, xô ngã xuống đất, làm cho sùi bọt mép.

Người mẹ của Sānu vừa nhìn thấy con trai trong tình trạng ấy, vội chạy tới ôm lấy con trai lên gối đầu trên bắp vế mình và kêu cứu. Những người láng giềng chạy đến giúp đỡ, họ cúng tế cầu khấn. Bà cận sự nữ mẹ của Sānu khóc than:

“Tôi được nghe từ bậc A la hán, những người hành phạm hạnh và những người thọ bát quan trai giới mỗi tháng bốn ngày, thì dạ xoa không chọc phá, nhưng hôm nay tôi thấy dạ xoa bắt Sānu!”

Nữ dạ xoa nghe vậy đã đáp lại:

“Dạ xoa không chọc phá những người hành phạm hạnh và những người thọ bát quan trai giới mỗi tháng bốn ngày, điều bà đã được nghe từ bậc A la hán là đúng. Bà hãy nói với Sānu khi vị ấy tỉnh lại, đây là lời của dạ xoa: chớ có tạo ác nghiệp, dù lộ liễu hay kín đáo, nếu sẽ làm hoặc đang làm nghiệp ác, cũng không thoát khổ đau du có cao bay xa chạy”.

 Nữ dạ xoa sau khi nói vậy đã xuất ra khỏi người của sa di Sānu.

Sa di Sānu tỉnh lại mở mắt ra thấy người mẹ đang khóc than, những người hàng xóm tụ họp đầy nhà, còn mình thì đang nằm dưới đất, mới hỏi mẹ:

“Mẹ ơi, người ta khóc sanh ly tử biệt, con vẫn đang sống và mẹ vẫn thấy mặt, c sao mẹ lại khóc?”

Người mẹ nói: “Con ơi, mẹ khóc không phải vì sanh ly tử biệt, mà mẹ khóc vì con đã dứt bỏ thế tục mà nay trở lại đời sống tục trần; dù con còn sống nhưng xem như đã chết. Này con yêu, con đã được kéo lên khỏi hố than hừng, sao lại muốn nhảy xuống hố than hừng ấy nữa; đã thoát ra khỏi địa ngục, sao lại muốn đi vào địa ngục nữa vậy?”

Người mẹ của Sānu đã dùng nhiều lời giải thích cho sa di Sānu nghe sự tai hại của đời sống cư sĩ và thuyết phục sa di Sānu phấn chấn tinh thần, tiếp tục đời sống phạm hạnh xuất gia.

Sa di Sānu suy ngẫm những lời nói của mẹ, đã nói với mẹ: “Giờ đây đối với con đời sống thế tục không có ý nghĩa gì nữa”.

Bà cận sự nữ vui mừng khôn xiết, sau khi đảnh lễ và dâng lên vị sa di thức ăn hảo hạng, bà biết con trai đã đủ tuổi thọ cục túc giới nên sắm sửa bộ tam y dâng đến sa di Sānu, để về chùa thọ cụ túc giới.

Sa di Sānu đã được thầy tế độ và tăng chúng truyền cụ túc giới thành một vị tỳ kheo.

Đức Thế Tôn muốn làm cho Sānu nổ lực tiến hóa, Ngài gọi đến và dạy rằng:

“Tâm này dong ruổi thời gian dài trong các cảnh khác nhau, người không nhiếp phục tâm thì không có sự an ổn. Do đó, cần phải nhiếp phục tâm như người nài với cây móc nhiếp phục con voi phát dục”. Nói xong, đức Phật đã thuyết lên kệ ngôn: Idaṃ pure cittamacāri cārikaṃ…v.v…hattippabhinnaṃ viya aṅkusaggaho’ ti.

Dứt pháp thoại, tôn giả Sānu chứng quả A la hán, nhiều vị thiên đến nghe pháp cũng chứng ngộ giáo pháp. Tôn giả Sānu thông thuộc Phật ngôn và trở thành vị đại pháp sư, sống đến 120 tuổi mới viên tịch.

Lý giải:

Tâm này (idaṃ cittaṃ) là tâm phàm phu chưa chứng quả thánh.

Trước đây đã dong ruổi (pure cārikaṃ acari), là từ vô thủy luân hồi đến bây giờ hoặc t khi sanh ra đến nay, tâm này đã đi theo các cảnh sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, nương theo mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

 Gọi là tâm dong ruổi tùy sở cầu (yenicchakaṃ) nghĩa là tâm phan duyên trần cảnh theo sự mong mỏi, như mong mỏi cảnh sắc thì tâm đi tìm cảnh sắc…v.v…

Gọi là tâm dong ruổi tùy sở nguyện (yatthakāmaṃ) nghĩa là tâm phan duyên trần cảnh, theo sự ước nguyện, như có nguyện ước cảnh sắc thì tâm bám theo cảnh sắc…v.v…

Gọi là tâm dong ruổi tùy sở thích (yathāsukhaṃ) nghĩa là tâm phan duyên trần cảnh theo sự hấp dẫn, như cảnh sắc hấp dẫn, cảnh thinh hấp dẫn…v.v…sẽ cuốn hút tâm vui theo cảnh ấy.

Người mà không nhiếp phục được tâm dong ruổi theo trần cảnh sẽ có sự tai hại, không có sự an bình. Do đó, vị hành giả phải quyết tâm: Hôm nay ta sẽ nhiếp phục cái tâm bằng như lý tác ý, như người nài voi khéo dùng cái câu liêm để chế ngự một con voi phát dục đang nổi cơn vậy./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.