Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXIII. Phẩm Voi (Nāgavagga) _ Kệ số 4 (dhp 323)

Sunday, 04/08/2024, 08:44 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 4.8.2024

XXIII

Phẩm Voi

(Nāgavagga)

XXIII. Phẩm Voi_Kệ số 4 (dhp 323)

Chánh văn:

4. Na hi etehi yānehi

gaccheyya agataṃ disaṃ

yathā’ ttanā sudantena

danto dantena gacchati.

(dhp 323)

Chuyển văn:

4. Na hi etehi yānehi agataṃ disaṃ gaccheyya yathā attanā sudantena, danto dantena gacchati.

Thích văn:

Na [phủ định từ] không, chẳng phải.

Hi [bất biến từ] quả thật, thật vậy.

Etehi [sở dụng cách, số nhiều, trung tính, đại từ eta] do, bởi những thứ đó.

Yānehi [sở dụng cách, số nhiều, trung tính, danh từ yāna] do những phương tiện, bởi xe cộ.

Gaccheyya [động từ khả năng cách, ba thì parassapada ngôi III, số ít, “gam + a + eyya”] có thể đi đến, có thể đạt đến.

Agataṃ [đối cách, số ít, nữ tính, tính từ agata (a + gata quá khứ phân từ của động từ gacchati)] chỗ chưa từng đến.

Disaṃ [đối cách, số ít, nữ tính, danh từ disā] hướng đi, phương hướng.

Yathā’ ttanā [hợp âm yathā attanā]

Yathā [trạng từ] theo như, như thể là.

Attanā [sở dụng cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ atta] do ta, bởi tự mình.

Sudantena [sở dụng cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể sudanta (su + danta quá khứ phân từ của động từ dameti)] bởi, do khéo điều phục.

Dantena [sở dụng cách, số ít, nam tính, tính từ danta (quá khứ phân từ của động từ dameti)] bởi, do điều phục.

Gacchati [động từ tiến hành cách, thì hiện tại, parassapada ngôi III, số ít, “gam + a + ti”] đi đến, đạt đến.

Việt văn:

4. Không thể đến níp bàn

bằng phương tiện voi, ngựa

mà do khéo điều phục.

người điều phục, chứng đạt.

(pc 323)

4. Thật vậy, không phải do các phương tiện voi bò đó mà người có thể đi đến chỗ “chưa từng đến”, mà chính nhờ tự mình khéo điều phục. Người tự điều sẽ chứng đạt bằng cách điều phục.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, vì chuyện vị tỳ kheo trước là tượng sự.

Có vị tỳ kheo trước kia là người huấn luyện voi. Một ngày nọ, vị ấy đứng trên bờ sông Aciravatī với các tỳ kheo khác, khi thấy một người huấn luyện voi đang cố gắng dạy con voi, nhưng không thể dạy nó được.

Thấy vậy, vị tỳ khưu tượng s nói lớn với các tỳ kheo đứng gần đó, cố ý cho người huấn luyện voi kia nghe: “Các hiền giả, loài voi có chỗ nhược, nếu đâm chọt vào chỗ nhược ấy thì nó sẽ thuần phục dễ dàng”.

Người huấn luyện voi trộm nghe lời nói của vị tỳ kheo ấy, liền làm theo như thế, đúng là hiệu quả, con voi bị đau nó ngoan ngoãn làm theo động tác của người huấn luyện. Nên dễ dàng thuần hóa con voi.

Các vị tỳ kheo đã trình bạch chuyện đó lên đức Thế Tôn, Ngài cho gọi vị tỳ kheo ấy đến và hỏi chuyện hư thật thế nào? Tỳ kheo ấy nhận là có thật đã gợi ý cho người huấn luyện voi cách thuần phục con voi.

Nghe xong đức Phật quở trách tỳ kheo ấy: “Này tỳ kheo, lợi ích gì cho ngươi với việc thuần hóa một con voi hay loài khác để làm phương tiện? Hãy điều phục chính bản thân, bằng sự tự điều phục có thể đạt đến chỗ “chưa từng đi”. Thật vậy, không phải do phương tiện voi ngựa mà có thể đi đến chỗ “chưa từng đến”. Nói xong, đức Phật đã thuyết bài kệ này: Na hi etehi yānehi…v.v…danto dantena gacchatī ti.

Dứt pháp thoại, có nhiều vị tỳ kheo đắc được thánh quả.

Lý giải:

Người ta huấn luyện voi hay ngựa để cưỡi, làm phương tiện di chuyển bằng voi gọi là hatthiyāna, phương tiện di chuyển bằng ngựa gọi là assayāna. Dùng phương tiện di chuyển bằng voi hay ngựa được thuần hóa để đi đến chỗ kia chỗ nọ, nhưng không thể dùng những phương tiện ấy đi đến chỗ chưa từng đến.

Chỗ chưa từng đến (agataṃ disaṃ hay agatapubbaṃ ṭhānaṃ), ở đây ám chỉ níp bàn (nibbānaṃ). Níp bàn dù là cứu cánh nhưng níp bàn không phải là nơi chốn, là vị trí nào trong cõi đời để đặt chân đến. Thế nên gọi níp bàn là “chỗ chưa từng đến” hay “chỗ không đi đến được”.

Mà do tự mình khéo điều phục (yathā attanā sudantena), nghĩa là theo trình tự, trước hết thuần hóa các căn quyền (pubbabhāge indriyadamena) tức là thu thúc nhãn quyền, nhĩ quyền…v.v…Sau đó, tu tiến thánh đạo (aparabhāge ariyamaggabhāvanāya) tức minh sát chứng sơ đạo, nhị đạo…v.v…

Người điều phục chứng đạt (danto dantena gacchati) nghĩa là đạt đến níp bàn chỉ là người có trí, tự đào luyện, không chấp thủ mới chứng đắc được./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.