Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXII. Phẩm Khổ Cảnh (Nirayavagga) _ Kệ số 6, 7, 8 (dhp 311, 312, 313)

Tuesday, 16/07/2024, 16:23 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 14.7.2024

XXII

Phẩm Khổ Cảnh

(Nirayavagga)

XXII. Phẩm Khổ Cảnh_Kệ số 6, 7, 8 (dhp 311, 312, 313)

Chánh văn:

6. Kuso yathā duggahito

hatthamevānukantati

sāmañña dupparāmaṭṭhaṃ

nirayāyūpakaḍḍhati.

(dhp 311)

7. Yaṃ kiñci sithilaṃ kammaṃ

saṅkiliṭṭhañca yaṃ vataṃ

saṅkassaraṃ brahmacariyaṃ

na taṃ hoti mahapphalaṃ.

(dhp 312)

8. Kayirā ce kayirāthenaṃ

dalhamenaṃ parakkame

sithilo hi paribbājo

bhiyyo ākirate rajaṃ.

(dhp 313)

Chuyển văn:

6. Yathā kuso duggahito hatthaeva anukantati dupparāmaṭṭhaṃ sāmañña nirayāya upakaḍḍhati.

7. Sithilaṃ yaṃ kiñci kammaṃ saṅkiliṭṭhañ ca yaṃ vataṃ saṅkassaraṃ brahmacariyaṃ taṃ mahapphalaṃ na hoti.

8. Kayirā ce enaṃ kayirātha dalhaṃ parakkame hi sithilo paribbājo bhiyyo rajaṃ ākirate.

Thích văn:

Kuso [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ kusa] cỏ cu sa, loại cỏ sắc cạnh.

Yathā [trạng từ] như là.

Duggahito [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể duggahita (du + gahita quá khứ phân từ của động từ gaṇhāti)] vụng nắm, cầm lấy vụng về, nắm lấy sai cách.

Hatthamevānukantati [hợp âm hatthaṃ eva anukantati].

Hatthaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ hattha] tay, bàn tay.

Eva [bất biến từ chỉ nghĩa nhấn mạnh].

Anukantati [động từ tiến hành cách thì hiện tại, ngôi III, số ít, “anu + kant + a + ti”] cắt, khứa đứt.

Sāmaññaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ chuyển hóa sāmañña (samaṇa + ṇya)] tư cách sa_môn, sa_môn hạnh.

Dupparāmaṭṭhaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ hợp thể dupparāmaṭṭha (du + parāmaṭṭha)] vụng tu trì, chấp trì sai lệch.

Nirayāyūpakaḍḍhati [hợp âm nirayāya upakaḍḍhati].

Nirayāya [chỉ định cách, số ít, nam tính, danh từ niraya] đến khổ cảnh, đến địa ngục.

Upakaḍḍhati [động từ tiến hành cách thì hiện tại, ngôi III, số ít, “upa + kaḍḍh + a + ti”] lôi kéo, kéo đến, lôi đi.

Yaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, quan hệ đại từ ya] cái nào, cái gì.

Kiñci [chủ cách, số ít, trung tính, phiếm chỉ đại từ kaci] bất luận cái gì, bất cứ cái nào.

Sithilaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ sithila] lỏng lẻo, hời hợt, cẩu thả.

Kammaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ kamma] hành động, việc làm.

Saṅkiliṭṭhaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ saṅkiliṭṭha (quá khứ phân từ của động từ saṅkilissati)] bị ô nhiễm.

Vataṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ vata] hạnh tu, sự thọ trì.

Saṅkassaraṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ saṅkassara] khả nghi, đáng nghi ngờ.

Brahmacariyaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể brahmacariya (brahma + cariyā + a)] sống phạm hạnh.

Taṃ [chủ cách, số ít, trung tính, chỉ thị đại từ ta] cái ấy, điều ấy.

Hoti [động từ tiến hành cách thì hiện tại, ngôi III, số ít, “hū + a + ti”] là, trở thành.

Mahapphalaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể mahapphala (mahā + phala)] quả lớn, thành quả to tát.

Kayirā [động từ khả năng cách ba thì, ngôi III, số ít, hình thức parassapada, “kar + yira + ā”] nên làm, phải làm.

Ce [giới từ. Hình thức giản lược của sace] nếu, nếu như.

Kayirāthenaṃ [hợp âm kayirātha enaṃ].

Kayirātha [động từ khả năng cách ba thì, ngôi III, số ít, hình thức attanopada, “kar + yira + ātha”] nên làm, phải làm, = kayirā.

Enaṃ [đối cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ eta (đối cách: etaṃ, enaṃ…)] điều đó, việc đó.

Daḷhamenaṃ [hợp âm dalhaṃ enaṃ].

Daḷhaṃ [trạng từ. Hình thức đối cách, số ít, trung tính] vững chắc, kiên trì.

Parakkame [động từ khả năng cách ba thì, ngôi III, số ít, hình thức attanopada, “para + kam + a + e”] nên cố gắng, nên tiến hành.

Sithilo [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ sithila] lỏng lẻo, hời hợt, cẩu thả, lêu lỏng.

Hi [bất biến từ] thật vậy, quả thật.

Paribbājo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ paribbāja] du sĩ, tu sĩ đi ta bà.

Bhiyyo [trạng từ] càng nhiều, nhiều hơn.

Ākirate [động từ tiến hành cách thì hiện tại, ngôi III, số ít, hình thức attanopada, “a + kir + a + te”] dấy lên, tung lên, tung vãi.

Rajaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ raja] bụi, bụi bặm, bụi mù.

Việt văn:

6. Như cỏ tranh vụng nắm

sẽ cắt đứt tay người

sa_môn vụng tu trì

sẽ kéo vào khổ cảnh.

(pc 311)

7. Có hành vi phóng túng,

có hạnh kiểm ô nhiễm

có phạm hạnh khả nghi

không đạt thành quả lớn.

(pc 312)

8. Điều nên làm phải làm,

kiên trì làm việc đó,

vì tu sĩ buông thả

càng dấy tung bụi trần.

(pc 313)

6. Như loại cỏ kusa nắm lấy vụng về sẽ cắt đứt bàn tay, cũng thế, hạnh sa môn nếu tu trì vụng về sẽ kéo vào khổ cảnh.

7. Hành động buông thả, hạnh tu ô nhiễm, phạm hạnh đáng nghi ngờ, điều ấy không có kết quả to lớn được.

8. Điều gì cần làm thì nên làm điều đó, phải cố gắng kiên trì làm điều đó. Bởi vì người xuất gia mà buông thả sẽ càng làm dấy tung bụi trần.

Duyên sự:

Ba bài kệ này, được đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, vì chuyện vị tỳ kheo khó khuyên bảo.

Một vị tỳ kheo nọ vô tình làm đứt một cọng cỏ, khởi lên ray rức bèn đi đến vị tỳ kheo khác, kể lại chuyện mình đã làm và hỏi: “Này hiền giả, vị tỳ kheo nào cắt đứt thảo mộc, vị ấy có tội gì?”

Vị tỳ kheo kia bảo: “Ông nghĩ là có tội gì do nhân làm đứt thảo mộc? Điều này không có tội gì! Mà nếu có chỉ cần sám hối là thoát tội thôi”. Nói rồi, vị tỳ kheo kia cũng tự mình nhổ cỏ với cả hai tay.

Chư tỳ kheo bạch trình sự việc này lên đức Phật. Đức Phật cho gọi vị tỳ kheo kia đến, Ngài dùng nhiều lời lẽ khiển trách vị tỳ kheo ấy, rồi Ngài thuyết pháp cho chư tăng và nói lên ba bài kệ này.

Dứt pháp thoại có nhiều vị tỳ kheo chứng quả thánh. Về phần tỳ kheo ấy đã trú trong sự thu thúc, sau đó phát triển thiền quán và đắc chứng A la hán.

Lý giải:

Trong ba bài kệ này, đức Phật thuyết lên để răn dạy vị tỳ kheo quá xem thường giới luật, cho rằng chuyện bứt đứt cọng cỏ không có tội gì lớn lao, rồi tự mình với hai tay nhổ bụi cỏ lên trước mặt các tỳ kheo khác. Đức Phật đã quở trách vị ấy.

Như cỏ Kusa vụng nắm sẽ cắt đứt bàn tay (kuso yathā duggahito hatthaṃ eva anukantati). Cỏ kusa là một loại cỏ có cạnh lá sắc bén như răng cưa, đây chỉ cho bất cứ loại cỏ gì có cạnh lá như vậy, thậm chí là lá thốt nốt. Thứ cỏ cạnh lá bén phải biết cách nắm nếu không sẽ bị cắt đứt tay.

Cũng vậy, hạnh sa môn (sāmañña), tức sa môn pháp (samaṇadhammasaṅkhātaṃ) nếu không khéo tu trì, do giới bị hư hỏng …v.v… khiến cho sanh vào khổ cảnh (niraye nibbattāpeti). Đó là ý nghĩa câu nói: Sa môn vụng tu trì, sẽ kéo vào khổ cảnh ( sāmaññaṃ dupparāmaṭṭhaṃ nirayāya upakaḍdhati).

Ở bài kệ 312, đức Phật chỉ rõ cuộc tu không có thành quả, đó là một đời sống:

Với hành vi phóng túng (yaṅkiñci sithilaṃ kammaṃ), nghĩa là bất cứ việc làm gì, pháp học hay pháp hành cũng bỏ bê, vịn lý do để lười biếng, làm hời hợt.

Với hạnh kiểm ô nhiễm (saṅkiliṭṭhaṃ yaṃ vataṃ), nghĩa là hạnh kiểm bị ô nhiễm bởi thường vảng lai đến những chổ không đáng lui tới như chổ gái điếm, chổ đàn bà đơn thân

Với phạm hạnh khả nghi (saṅkassaraṃ brahmacariyaṃ), nghĩa là khi nhớ đến phạm hạnh thì tâm hoang mang, không tự tin được, luôn sợ chư tăng tụ họp lại để xử lý mình, vì phạm hạnh có khuyết điểm.

Ở bài kệ 313, đức Phật khuyên dạy:

Việc nên là cần phải làm (kayirā ce kayirātha enaṃ) nghĩa là đối với vị tỳ kheo việc gì nên làm thì cần phải làm việc ấy, dù việc ấy không phải là hạnh tu tập. Việc nên làm (yaṃ kammaṃ kareyya) ở đây là tu giới, tu thiền định, tu tuệ quán… cần phải làm việc ấy một cách kiên trì; Có những việc nên làm dù không phải hạnh tu như nhuộm y, quét sân chùa, sửa chửa tịnh thất hư hỏng… cũng cần phải làm một cách tích cực.

Vì người tu mà buông thả sẽ càng làm dấy tung bụi trần (sithilo hi paribbājo bhiyyo ākirate rajaṃ). Bụi trần (rajaṃ) ở đây là phiền não tham, sân, si… người tu mà phóng túng lêu lỏng ắt sẽ làm tăng trưởng phiền não thôi./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.