Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXII. Phẩm Khổ Cảnh (Nirayavagga) _ Kệ số 3 (dhp 308)

Sunday, 07/07/2024, 15:52 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 7.7.2024

XXII

Phẩm Khổ Cảnh

(Nirayavagga)

XXII. Phẩm Khổ Cảnh_Kệ số 3 (dhp 308)

Chánh văn:

3. Seyyo ayoguḷo bhutto

tatto aggisikhūpamo

yañce bhuñjeyya dussīlo

raṭṭhapiṇḍaṃ asaññato.

(dhp 308)

Chuyển văn:

3. Asaññato dussīlo ce yaṃ raṭṭhapiṇḍaṃ bhuñjeyya tatto aggisikhūpamo ayogulo bhutto seyyo.

Thích văn:

Seyyo [bất biến từ] tốt hơn hết, tốt hơn là.

Ayoguḷo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể ayoguḷa (ayo + guḷa)] hòn sắt, cục sắt, viên sắt.

Bhutto [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ bhutta (quá khứ phân từ của động từ bhuñjati)] được ăn, đã ăn.

Tatto [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ tatta (quá khứ phân từ của động từ tapati)] bị đốt nóng, bị thiêu đốt.

Aggisikhūpamo [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể aggisikhūpama (“aggi + sikhā + upama)] ví dụ như ngọn lửa, ví như than hồng.

Yañce [hợp âm yaṃ ce]

Yaṃ [đối cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] nào, bất cứ thứ gì.

Ce [hình thức rút gọn của giới từ sace] nếu, nếu như.

Bhuñjeyya [động từ khả năng cách, ngôi III, số ít, “bhuj + ṃ_a + eyya”] phải ăn, phải thọ dụng.

Dussīlo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể dussīla (du + sīla + a)] kẻ ác giới, kẻ không giới hạnh.

Raṭṭhapiṇḍaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể raṭṭhapiṇḍa (raṭṭha + piṇḍa)] vật thực của dân chúng, đồ ăn quốc độ.

Asaññato [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ asaññata (a + saññata hay saṃyata quá khứ phân từ của động từ saññameti hay saṃyameti)] không kềm chế, không chế ngự.

Việt văn:

3. Thà ăn nuốt hòn sắt

nung đỏ như than hồng

tốt hơn sống ác giới

ăn đồ ăn quốc độ.

(pc 308)

3. Kẻ ác giới không chế ngự, nếu ăn đồ ăn tín thí thì thà nuốt ăn hòn sắt được nung đỏ như lửa hừng còn tốt hơn.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Vesalī, tại Trùng Các Giảng Đường khu Đại Lâm, vì chuyện các tỳ kheo an cư trên bờ sông Vaggumudā, thuộc xứ Vajjī.

Lúc bấy giờ, xứ Vajjī bị khan hiếm vật thực, dân chúng khó nuôi sống bản thân nên không thể hộ độ cúng dường đến chư tỳ kheo, dù khất thực cũng khó khăn.

Thế rồi, các tỳ kheo ở Vaggumudā cùng nhau bàn bạc giải pháp mưu sinh.

Một số vị đưa ý kiến chúng ta đi làm công cho các cư sĩ; Một số vị khác có ý kiến là chúng ta đi đưa tin cho các cư sĩ; Một số vị lại nói: “Chúng ta là những vị xuất gia đi làm công cũng kỳ, đi đưa tin cho người cư sĩ cũng kỳ, chúng ta hãy ca tụng lẫn nhau về pháp thượng nhân, nói cho các cư sĩ biết: Vị tỳ kheo này đã đắc sơ thiền… đắc nhị thiền… đắc tam thiền… đắc tứ thiền… đắc tu đà huờn… đắc tư đà hàm… đắc A na hàm… đắc A la hán tam minh… đắc A la hán lục thông. Các cư sĩ sẽ khởi niềm tin nơi chúng ta, họ sẽ cúng dường cho chúng ta, chúng ta không phải khó nhọc, đi khất thực”.

Tất cả các tỳ kheo đều tán đồng ý kiến này. Sau đó các tỳ kheo ấy thực hiện việc ca ngợi lẫn nhau về pháp thượng nhân cho những cư sĩ nghe.

Những người cư sĩ nghe vậy đã phát sanh lòng tịnh tín đối với các tỳ kheo, họ đem những thức ăn thượng vị mà bản thân họ không ăn, không nuôi dưỡng cha mẹ, không cho đến vợ con, không cho đến thân hữu, không cho đến quyến thuộc, mà chỉ cúng dường đến chư tỳ kheo.

Các vị tỳ kheo ấy có được vật thực dồi dào, ăn đầy đủ nên sắc tướng sung mãn, hồng hào, mập khỏe.

Các tỳ kheo ở Vaggumudā, cũng như chư tỳ kheo ở những địa phương khác, theo lệ thường sau khi mãn hạ an cư mùa mưa đã trở về đảnh lễ bậc Đạo sư. Họ du hành tuần tự đến thành Vesāli, vào khu Đại Lâm, Trùng Các Giảng Đường, đảnh lễ đức Thế Tôn và ngồi xuống.

Đức Thế Tôn nhìn thấy các tỳ kheo ở Vaggumudā sắc tướng sung mãn, hồng hào, mập khỏe, trong khi các tỳ kheo ở những địa phương khác thì gầy ốm, xanh xao, thân thể nổi gân. Ngài biết nhưng vẫn gạn hỏi các tỳ kheo Vaggumudā: “Này các tỳ kheo, các ngươi có khỏe không? Ổn không? Trải qua mùa an cư thoải mái không? Có mệt mỏi về việc khất thực không?”

Các tỳ kheo Vaggumudā đã trả lời đức Thế Tôn: “Chúng con khỏe, mọi việc ổn, trải qua mùa an cư thoải mái và không khó nhọc về việc vật thực”.

Đức Thế Tôn hỏi thêm: “Làm sao các người không khó nhọc về việc khất thực khi mà xứ Vajjī này đang bị nạn đói?”

Các tỳ kheo ấy trình bày sự việc ca tụng pháp thượng nhân lẫn nhau. Đức Phật hỏi: “Các ngươi có thực chứng pháp thượng nhân chăng?”_ “Thưa không có, bạch Thế Tôn”.

Rồi đức Phật đã khiển trách các tỳ kheo ở Vaggumudā và thuyết pháp cho chúng tỳ kheo. Xong, Ngài thuyết lên bài kệ này: Seyyo ayoguḷo bhutto…v.v…raṭṭhapiṇḍaṃ asaññto’ ti.

Dứt kệ ngôn có nhiều vị tỳ kheo chứng thánh quả. Sau đó, đức Phật do nhân này đã chế giới cho chúng tỳ kheo.

Lý giải:

Ăn đồ ăn quốc độ (yaṃ raṭṭhapiṇḍaṃ bhuñjeyya), nghĩa là nuôi sống bằng vật thực dân chúng với niềm tin dâng cúng để tạo phước.

Ác giới không chế ngự (dussīlo asaññato) là vị tỳ kheo phá giới, không thu thúc trong giới bổn, không chế ngự thân khẩu ý; Không phải tỳ kheo tự nhận là tỳ kheo, không phải sa môn tự nhận là sa môn, không phải là thánh nhân tự nhận là bậc thánh.

Một người như vậy ẩn núp trong hàng ngũ Tăng chúng, lừa dối đàn na tín thí để nuôi sống, đức Phật dạy rằng hạng tỳ kheo ấy như bọn cướp xuất hiện trong đời.

Đức Phật răn dạy: Nếu là hạng xấu xa như vậy mà ăn đồ quốc độ, thì thà rằng nuốt hòn sắt nung đỏ còn tốt hơn. Vì sao? Vì rằng nuốt hòn sắt nung đỏ chỉ khổ thân một kiếp hiện tại, chết hoặc đau đến gần chết. Chứ nếu sống ác giới mà thọ nhận của tín thí cúng dường, sẽ bị thọ khổ trong cảnh địa ngục nhiều trăm ngàn kiếp sống./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.