Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXII. Phẩm Khổ Cảnh (Nirayavagga) _ Kệ số 11, 12 (dhp 316, 317)

Friday, 26/07/2024, 05:58 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 25.7.2024

XXII

Phẩm Khổ Cảnh

(Nirayavagga)

XXII. Phẩm Khổ Cảnh_Kệ số 11 & 12 (dhp 316 & 317)

Chánh văn:

11. Alajjitāye lajjanti

lajjitāye na lajjare

micchādiṭṭhisamādānā

sattā gacchanti duggatiṃ.

(dhp 316)

12. Abhaye bhayadassino

bhaye c’ ābhayadassino

micchādiṭṭhisamādānā

sattā gacchanti duggatiṃ.

(dhp 317)

Chuyển văn:

11. Alajjitāye lajjanti lajjitāye na lajjare micchādiṭṭhisamādānā sattā duggatiṃ gacchanti.

12. Abhaye bhayadassino bhaye ca abhayadassino micchādiṭṭhisamādānā sattā duggatiṃ gacchanti.

Thích văn:

Alajjitāye [định sở cách, số ít, nam tính, danh từ tính từ alajjitāya (a + lajjitāya)] việc không đáng xấu hổ, việc không đáng mắc c.

Lajjanti [động từ tiến hành cách, thì hiện tại, hình thức parassapada, ngôi III, số nhiều, “lajj + a + nti”] mắc cỡ, xấu hổ, thẹn thùng.

Lajjitāye [định sở cách, số ít, nam tính, danh từ tính từ lajjitāya] việc đáng xấu hổ, việc đáng mắc cỡ.

Lajjare [động từ tiến hành cách thì hiện tại, hình thức attanopada, ngôi III, số nhiều, “lajj + a + re”] xấu hổ, mắc cỡ, thẹn thùng.

Micchādiṭṭhisamādānā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ hợp thể micchādiṭṭhisamādāna (“micchā + diṭṭhi” + samādāna)] chấp trì tà kiến, chấp nhận quan điểm sai lạc.

Sattā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ satta] chúng sanh, loài hu tình.

Gacchanti [động từ tiến hành cách, thì hiện tại, ngôi III, số nhiều, “gam + a + nti”] đi đến, tái sanh.

Duggatiṃ [đối cách, số ít, nữ tính, danh từ duggati (du + gati)] sanh thú xấu, cảnh tái sanh xấu, khổ thú, khổ cảnh.

Abhaye [định sở cách, số ít, trung tính, danh từ abhaya (a + bhaya)] việc không đáng sợ hãi.

Bhayadassino [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ hợp thể bhayadassī (bhaya + dassī)] những người thấy sợ hãi.

Bhaye [định sở cách, số ít, trung tính, danh từ bhaya] việc đáng sợ, đáng kinh.

C’ ābhayadassino [hợp âm ca abhayadassino).

Ca [liên từ] và.

Abhayadassino [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ hợp thể abhayadassī (abhaya + dassī) những người thấy không sợ hãi.

Việt văn:

11. Không đáng thẹn, lại thẹn.

việc đáng thẹn, không thẹn

chấp nhận quan điểm sai

chúng sanh đi ác thú.

(pc 316)

12. Không đáng sợ, thấy sợ

đáng sợ, không thấy sợ

chấp nhận quan điểm sai

chúng sanh đi ác thú.

(pc 317)

11. Xấu hổ đối với việc không đáng xấu hổ, việc đáng xấu hổ thì không thẹn thùng. Chúng sanh chấp nhận quan kiến sai lạc sẽ đi đến khổ cảnh.

12. Thấy sợ đối với việc không đáng sợ, việc đáng sợ thì không thấy sợ, chúng sanh chấp nhận quan kiến sai lạc sẽ đi đến khổ cảnh.

Duyên sự:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, do chuyện các du sĩ Nigaṇṭha.

Vào một ngày nọ, chư tỳ kheo khi nhìn thấy các du sĩ Nigaṇṭha, đã bình luận rằng: “Các hiền gi, những du sĩ Nigaṇṭha này còn tốt hơn so với các tu sĩ Acelaka; hầu hết các tu sĩ Acelaka khỏa thân không che đậy, các du sĩ Nigaṇṭha còn biết mắc cỡ dù chỉ che đậy một phần phía trước”.

Khi nghe lời bình luận ấy, các du sĩ Nigaṇṭha đối đáp với chư tỳ kheo rằng: “Chúng tôi che đậy không phải vì lý do đó, mà vì các hạt bụi cũng là chúng sinh có mạng quyền, nên chúng tôi che đậy để các bụi trần đừng rơi vào bát thức ăn của chúng tôi”.

Chư tỳ kheo bèn đi đến bậc Đạo sư và thuật lại câu chuyện ấy với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nhân đó đã phán dạy: “Này chư tỳ kheo, chúng sanh xấu hổ với điều không đáng xấu hổ, lại không xấu hổ với điều đáng xấu hổ, chúng hướng đến khổ cảnh”. Nói xong, Ngài thuyết lên hai bài kệ này: Alajjitāye lajjanti…v.v…sattā gacchanti duggatin’ ti.

Dứt pháp thoại, nhiều vị du sĩ Nigaṇṭha tâm tư kích động đã xin xuất gia theo Phật.

Lý giải:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết có ý nghĩa đặc biệt, Ngài chỉ dựa vào duyên sự các tỳ kheo bình luận về những du sĩ Nigaṇṭha biết xấu hổ hơn các ngoại đạo lõa thể, vì có che đậy hạ bộ, Ngài thuyết bài kệ đầu (dhp 316); Đức Phật dựa vào duyên sự các tu sĩ Nigaṇṭha nói họ mặc kín đáo hạ bộ, vì sợ bụi bẩn rớt vào bát đựng thức ăn, Ngài thuyết bài kệ sau (dhp 317).

Người đời thường chấp quan niệm sai lạc như cảm thấy xấu hổ khi nghèo khó ăn mặc rách rưới…v.v… Đó là thẹn với điều không đáng thẹn; và không cảm thấy xấu hổ khi ăn diện lố lăng trơ trẻn…v.v… Đó là không thẹn với điều đáng thẹn. Nhưng ở đây, điều mà đức Phật dạy rằng, chúng sanh chấp quan niệm sai lạc dẫn đến khổ cảnh: “Thẹn với điều không đáng thẹn, điều đáng thẹn lại không thẹn”, có nghĩa là làm thiện pháp không đáng xấu hổ mà lại xấu hổ, còn sống theo ác pháp là điều đáng xấu hổ mà không xấu hổ. Đó là nhân dẫn đến khổ cảnh.

Người đời thường chấp quan niệm sai lạc là cảm thấy sợ với việc không đáng sợ, như sợ ma quỉ, sợ sâu bọ, sợ bóng đêm…v.v… Và không cảm thấy sợ với những việc đáng sợ, như thân làm ác, khẩu nói lời ác, ý suy nghĩ ác. Chính vì quan niệm trái nghịch như thế nên chúng sanh sẽ đi đến khổ cảnh.

Là người có chánh kiến thì nên xấu hổ với điều đáng xấu hổ, là xấu hổ với ác bất thiện pháp; nên sợ hãi với điều đáng sợ hãi, là sợ hãi với ác bất thiện pháp. Người trí như vậy sẽ đi đến cõi vui sau khi mệnh chung./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.