Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXI. Phẩm Tạp Lục (Pakiṇṇakavagga) _ Kệ số 16 (dhp 305)

Sunday, 30/06/2024, 09:04 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 27.6.2024

XXI

Phẩm Tạp Lục

(Pakiṇṇakavagga)

XXI. Phẩm Tạp Lục_Kệ số 16 (dhp 305)

 

Chán văn:

16. Ekāsanaṃ ekaseyyaṃ

eko caram_atandito

eko damayam_attānaṃ

vanante ramito siyā.

(dhp 305)

Chuyển văn:

16. Ekāsanaṃ ekaseyyaṃ eko caraṃ eko attānaṃ damayaṃ atandito vanante ramito siyā.

Thích văn:

Ekāsanaṃ [ chủ cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể ekāsana (eka + āsana)] một chổ ngồi, sự ngồi một mình.

Ekaseyyaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể ekaseyyā (eka + seyyā). Đây là hình thức đảo nghịch tính, lẽ ra ekaseyyā nữ tính, nhưng nói ekaseyyaṃ trung tính cho đồng dạng với ekāsanaṃ] một chổ nằm, sự nằm một mình.

Eko [chủ cách, số ít, nam tính, số mục tính từ eka] một; một mình, đơn lẻ, cô độc.

Caram_atandito [hợp âm caraṃ atandito]

Caraṃ [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ caranta (hiện tại phân từ của động từ carati)] khi đi, khi bộ hành.

Atandito [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể atandita (na + tandita)] không biếng nhác, không lười, không buồn chán.

Damayam_attānaṃ [hợp âm damayaṃ attānaṃ]

Damayaṃ [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ damayanta (hiện tại phân từ của động từ damayati hay dameti)] thuần hóa, điều phục…

Attānaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ atta] bản thân, tự mình.

Vanante [định sở cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể vananta (vana + anta)] trong rừng thẳm, nơi rừng sâu.

Ramito [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ ramita (quá khứ phân từ của động từ ramati)] thỏa thích, vui thích, hoan hỷ.

Việt văn:

16. Ai ngồi nằm một mình

độc hành không buồn chán

một mình tự điều phục

sẽ thoải mái rừng sâu.

(pc 305)

16. Người độc hành, ngồi một mình, nằm một mình, một mình tự điều phục không biếng nhác, người ấy sẽ thỏa thích rừng thẳm.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, nhân câu chuyện vị Trưởng lão trú độc cư.

Vị trưởng lão ấy có thói quen dù ở giữa hàng tứ chúng vẫn nằm một mình, vẫn ngồi một mình, vẫn kinh hành một mình, vẫn đứng một mình.

Rồi chư tỳ kheo đem việc này trình bạch với bậc Đạo sư: “Bạch Thế Tôn, vị trưởng lão này có cách sống như vậy”.

Đức Thế Tôn khen ngợi vị ấy: “Tốt thay! Tốt thay! Là vị tỳ kheo thì phải nên viễn ly”. Sau khi giảng về lợi ích trong sự viễn ly, Ngài đã thuyết lên bài kệ: Ekāsanaṃ ekaseyyaṃ…v.v…vanante ramito siyā’ ti.

Dứt pháp thoại có nhiều vị tỳ kheo đắc chứng thánh quả. Kể từ đó đại chúng đã ước vọng trú độc cư.

Lý giải:

Bài kệ này nói đến một người có thói quen sống viễn ly độc hành, sẽ thích nghi chốn hiu quạnh rừng sâu núi thẳm.

Sống độc hành (ekacaraṃ) là sự sinh hoạt bốn oai nghi đơn độc: ngồi một mình, nằm một mình, đi kinh hành một mình, đứng một mình, không bè bạn với ai, tách biệt hội chúng.

Nhưng đó chỉ là sống độc hành với thân viễn ly (kāyaviveka).

Độc hành với thân viễn ly chưa đủ, mà phải độc hành với tâm viễn ly (cittaviveka) nữa.

Dù ngồi giữa chúng ngàn vị tỳ kheo, vị ấy cũng tác ý đến đề mục thiền. Đó gọi là ngồi một mình (ekāsanaṃ).

Dù nằm trong tòa lâu đài giữa ngàn vị tỳ kheo, vị ấy sau khi trải ngọa cụ chổ thích hợp rồi nằm xuống, an trú niệm, tác ý đến đề mục thiền. Đó gọi là nằm một mình (ekaseyyaṃ). Đi kinh hành hay đứng yên cũng vậy. Đó gọi là sống độc hành, vì sao? Vì tâm vị ấy viễn ly năm triền cái (nīvaraṇa).

Một vị sống độc hành với tâm viễn ly trong tất cả oai nghi, gọi là không biếng nhác (atandito).

Một vị tu hành, chú tâm vào đề mục thiền tự chứng đắc đạo quả, gọi là một mình tự điều phục (eko damayaṃ attānaṃ).

Một vị sống độc hành với tâm viễn ly có thể thoải mái thích nghi trong rừng sâu, nơi tách biệt hội chúng ồn ào./.

Dứt phẩm hai mươi mốt

Phẩm tạp lục

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.