Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XX. Phẩm Đạo Lộ (Maggavagga) _ Kệ số 5 (dhp 277)

Monday, 22/04/2024, 13:54 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 18.4.2024

XX

Phẩm Đạo Lộ

(Maggavagga)

XX. Phẩm Đạo Lộ_Kệ số 5 (dhp 277)

Chánh văn:

   5. Sabbe saṅkhārā aniccā’ ti

yadā paññāya passati

   atha nibbindati dukkhe

 esa maggo visuddhiyā.

(dhp 277)

Chuyển văn:

5. Yadā sabbe saṅkhārā aniccā iti paññāya passati, atha dukkhe nibbandati eso visuddhiyā maggo.

Thích văn:

Sabbe [chủ cách, số nhiều, nam tính, đại từ sabba] tất cả, mọi, hết thảy.

Saṅkhārā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ saṅkhāra] các hửu vi, các hành.

Aniccā [chủ cách, số nhiều, nam tính, tính từ anicca (na + nicca)] vô thường, không thường hằng.

Iti [bất biến từ] rằng là.

Yadā [trạng từ] khi nào.

Paññāya [sở dụng cách, số ít, nữ tính, danh từ paññā] với trí tuệ, bằng trí tuệ.

Passati [động từ hiện tại_tiến hành cách, ngôi III, số ít, “dis + a + ti”] thấy, tỏ ngộ.

Atha [bất biến từ] rồi thì, lúc ấy.

Nibbindati [động từ hiện tại_tiến hành cách, ngôi III, số ít, “ni + vid + ṃ_a +ti”] nhàm chán, yểm ly.

Dukkhe [định sở cách, số ít, trung tính, danh từ dukkha] trong sự khổ, đối với khổ.

Esa [cách viết trong văn kệ “eso”, chủ cách, số ít, nam tính, đại từ eta] đó, ấy.

Maggo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ magga] con đường, đạo lộ.

Visuddhiyā [chỉ định cách, số ít, nữ tính, danh từ visuddhi] để thanh tịnh, đưa đến thanh tịnh.

Việt văn:

5. “Tất cả hành vô thường”

khi thấy vậy với trí

  ắt yểm ly sự khổ

  đó là đạo thanh tịnh.

(pc 277)

5. Khi nào tỏ ngộ bằng trí tuệ rằng: “Tất cả hửu vi là vô thường”, lúc ấy sẽ yểm ly khổ đau, đó là đạo lộ đến thanh tịnh.

Duyên sự:

Bài kệ này đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, nhân vì 500 vị tỳ kheo tuỳ quán vô thường.

Thời ấy, có 500 vị tỳ kheo sống trong rừng hành thiền, dù các vị tinh tấn tu tập vẫn không đắc A la hán. Các vị ấy nghĩ rằng: “Chúng ta hãy học đề mục cho phù hợp”. Rồi trở về bái kiến bậc Đạo sư.

Khi nghe chư tỳ kheo trình bày sự việc mặc dù tinh tấn mà vẫn không đắc chứng, đức Thế Tôn quán xét: “Đề mục nào là thích hợp cho các tỳ kheo nầy?”, Ngài thấy rằng: “Các tỳ kheo nầy thời đức Phật Kassapa đã chuyên tu quán vô thường suốt hai mươi ngàn năm, bởi thế, đề tài quán vô thường là thích hợp cho các tỳ kheo nầy.

Nghĩ vậy, đức Phật đã nói với họ: “Này các tỳ kheo, mọi pháp hửu vi gồm pháp dục giới, pháp sắc giới và pháp vô sắc giới đều là không thật có, không thường hằng”. Nói xong, Ngài đã thuyết lên bài kệ: Sabbe saṅkhārā aniccā’ ti…v.v…esa maggo visuddhiyā’ ti.

Dứt pháp thoại, cả nhóm tỳ kheo ấy được chứng đắc quả vị A la hán.

Lý giải:

Sabbe saṅkhārā, tất cả hành, hay mọi pháp hửu vi. Đây chỉ cho ngũ uẩn là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn thuộc dục hửu (kāmabhava), sắc hửu (rūpabhava) và vô sắc hửu (arūpabhava). Dục hửu có cả năm uẩn; Sắc hửu có đủ năm uẩn, nhưng sắc hửu vô tưởng chỉ có sắc uẩn; Vô sắc hửu vì là cõi không có sắc uẩn nên chỉ có bốn danh uẩn thôi.

Tất cả hành là vô thưởng. Aniccā (vô thường) có 4 ý nghĩa: (1) diễn tiến sanh diệt (uppādavayavittito), (2) biến đổi (vipariṇāmato), (3) tạm thời (tāvakālikato), (4) trái nghĩa thường còn (niccapaṭikkhepato). Thân nầy (ngũ uẩn) là giả tạm, luôn biến đổi, diễn tiến sanh rồi diệt, nên gọi là vô thường.

Tỏ ngộ bằng trí tuệ (paññāya passati), nghĩa là với tuệ minh sát (vipassanāñāṇeva) thấy biết các pháp hửu vi là vô thường.

Yểm ly sự khổ (nibbindati dukkhe), nghĩa là nhàm chán khổ uẩn nầy. Khi hành giả với tuệ quán thấy ngủ uẩn vô thường biến hoại sẽ chán nản thân khổ tuẩn (dukkhakhandha).

Đó là đạo lộ dẫn đến thanh tịnh (eso maggo visuddhiyā), nghĩa là hành giả tu tập tuỳ quán vô thường đối với ngủ uẩn, đó là con đường dẫn đến chứng ngộ níp bàn.

Tỳ khoe Tuệ Siêu biên soạn.