- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học chủ nhật 5.5.2024
XX
Phẩm Đạo Lộ
(Maggavagga)
XX. Phẩm Đạo Lộ_Kệ số 10 (dhp 282)
Chánh văn:
10. Yogā ve jāyati bhūri
ayogā bhūrisaṅkhayo
etaṃ dvedhāpathaṃ ñatvā
bhavāya vibhavāya ca
tath’ attānaṃ niveseyya
yathā bhūvi pavaḍḍhati.
(dhp 282)
Chuyển văn:
10. Yogā ve bhūri jāyati ayogā bhūrisaṅkhayo bhavāya vibhavāya ca etaṃ dvedhā pathaṃ ñatvā yathā bhūri pavaḍḍhati tathā attānaṃ niveseyya.
Thích văn:
Yogā [xuất xứ cách, số ít, nam tính, danh từ yoga] từ sự tu luyện, do tu thiền.
Jāyati [động từ hiện tại_tiến hành cách, ngôi III, số ít, “
Bhūri [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ bhūri] trí tuệ.
Ayogā [xuất xứ cách, số ít, nam tính, danh từ ayoga (a + yoga)] từ sự không tu luyện, do không tu thiền.
Bhūrisaṅkhayo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể bhūrisaṅkhaya)] sự mất mát trí tuệ, sự tiêu hoại trí tuệ.
Etaṃ [đối cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ eta] đó, cái đó.
Dvedhāpathaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể dvedhāpatha (dvedhā + patha)] con đường hai lối, đạo lộ hai ngã.
Ñatvā [bất biến quá khứ phân từ của động từ jānāti (
Bhavāya [chỉ định cách, số ít, nam tính, danh từ bhava] đưa đến hữu, đưa đến tăng thịnh, đưa đến tiến hoá.
Vibhavāya [chỉ định cách, số ít, nam tính, danh từ vibhava] đưa đến phi hữu, đưa đến suy sụp, đưa đến thối hoá.
Tath’ attānaṃ [hợp âm tathā attānaṃ].
Tathā [trạng từ] như thế ấy.
Attānaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ atta] ta, tự mình, bản thân.
Niveseyya [động từ khả năng, ngôi III, số ít, “ni +
Yathā [trạng từ] như thế nào.
Pavaḍḍhati [động từ hiện tại_tiến hành cách, ngôi III, số í, “pa +
Việt văn:
10. Tu thiền, trí tuệ sanh
không tu, diệt trí tuệ
biết con đường hai ngã
đưa đến tiến và thối
nên huân tu bản thân
khiến trí tuệ tăng trưởng.
(pc 282)
10. Do tu thiền sanh khởi trí tuệ, do không tu thiền diệt mất trí tuệ, sau khi biết được con đường hai ngã rẽ ấy, một dẫn đến tiến hoá, một dẫn đến thối hoá, thì bằng cách nào mà trí tuệ tăng trưởng, hãy chấn chỉnh bản thân theo cách ấy.
Duyên sự:
Bài kệ này, đức Phật thuyết cho vị tỳ kheo pháp sư Poṭṭhila, lúc ấy đức Phật đang ngự tại Jetavanavihāra.
Tỳ kheo Poṭṭhila là vị pháp sư lỗi lạc, giảng dạy cho hội chúng cả 500 vị tỳ kheo, nhưng vị ấy vẫn còn là phàm nhân.
Tỳ kheo Poṭṭhila thường đến đảnh lễ đức Phật. Đức Phật quán xét căn lành của vị ấy có duyên chứng A la hán, nhưng phải khiến vị ấy bỏ tâm cao ngạo về tài năng xuất chúng của mình, thì mới tu chứng thánh quả được.
Bởi vậy, những lúc tỳ kheo Poṭṭhila đến gặp Ngài, Ngài nói chuyện với tỳ kheo ấy cứ gọi là “Poṭṭhila rổng tuếch” (tucchāpoṭṭhila).
Tỳ kheo Poṭṭhila suy nghĩ: “Ta là vị pháp sư, thông suốt kinh điển, nghĩa lý Phật ngôn, thế mà bậc Đạo sư vẫn gọi ta là_Poṭṭhila rổng tuếch_có lẽ vì ta không đắc thiền thông, đạo quả nên Ngài gọi ta như thế?” Vị ấy sanh tâm kinh cảm, quyết định: “Nay ta sẽ vào rừng hành sa môn pháp”.
Lúc sáng sớm, vị ấy tự mình thu xếp y bát ra đi. Trải qua con đường dài một trăm hai mươi do tuần, đến một khu rừng nơi có ba mươi vị tỳ kheo A la hán trú ngụ. Sau khi đến, tỳ kheo Poṭṭhila đảnh lễ Ngài trưởng lão trong chúng và nói: “Bạch Ngài, xin hãy tiếp độ con”. Vị trưởng lão bảo: “Hiền giả là vị pháp sư, thông suốt điều cần phải học hiểu, chúng tôi phải nương hiền giả chứ sao lại nói vậy?” Vị pháp sư nói: “Các Ngài đừng như vậy, xin các Ngài hãy tiếp độ con”.
Tất cả chư Tăng hội ấy đều là bậc Lậu tận. Vị đại trưởng lão nghĩ rằng: Pháp sư này ỷ lại tài học ắt sẽ có tâm ngã mạn. Nên đã giới thiệu vị phó trưỡng lão (anuthera). Vị pháp sư cũng đến vị phó và xin tiếp độ. Vị phó giới thiệu qua vị khác, cứ thế chư trưởng lão lần lượt giới thiệu pháp sư đến vị sa di bảy tuổi mới tu đang ngồi may y. Chư vị A la hán đã làm như vậy để dẹp bỏ ngã mạn của vị pháp sư.
Vị pháp sư đã dẹp bỏ ngã mạn, mới đến vị sa di và chấp tay nói: “Xin bậc hiền trí hãy tế độ cho tôi!” “Ồ, thưa Ngài, sao lại nói thế? Ngài là bậc trưởng bối đa văn, lý ra tôi muốn hiểu biết nghĩa lý gì phải nhờ Ngài mới phải!” Vị pháp sư khẩn khoản xin vị sa di tiếp độ.
Vị sa di Lậu tận ấy muốn thử xem vị pháp sư có chịu nghe lời giáo huấn không, bèn chỉ cho pháp sư thấy một hồ nước gần đó và bảo: “Bạch Ngài, Ngài hãy lội xuống hồ nước ấy vẫn mặc y như thế”. Vị pháp sư nghe lời lội xuống nước. Khi viền y của pháp sư vừa thấm ướt, vị sa di bảo: “Ngài hãy đến đây!” Pháp sư nghe lời trở lên đứng đó. Vị Sa di liền bảo: “Bạch Ngài, trong một gò mối có sáu ngách, có con kỳ đà chui vào bên trong bằng một ngách, muốn bắt nó, người bít năm ngách kia, mở ra ngách thứ sáu, sẽ bắt được con kỳ đà; Cũng vậy, trong sáu môn bắt cảnh, Ngài hãy đóng lại năm môn, chỉ tập trung đề mục qua ý môn thôi”.
Chỉ với bấy nhiêu lời, tỳ khưu Poṭṭhila, bậc đa văn, tâm bừng sáng như ngọn đèn vừa thắp lên. Pháp sư nói: “Bậc trí giả ơi! Bấy nhiêu cũng đủ rồi”.
Vị pháp sư bắt đầu hành sa môn pháp. Bậc Đạo sư đang ở cách xa 120 do tuần quán xét tỳ kheo ấy, Ngài phóng hào quang như đang nói với vị ấy, Ngài thuyết bài kệ: Yogā ve jāyati bhūri…v.v…yathā bhūri pavaḍḍhatī’ ti.
Dứt kệ ngôn, trưởng lão Poṭṭhila đã đắc quả A la hán.
Lý giải:
“Yogā ve jāyati bhūri” _ tu thiền sanh trí tuệ. Danh từ “yoga” có nhiều nghĩa, trong bài kệ này: “yoga” có nghĩa là công phu tu luyện, thu thiền, tức là tu thiền chỉ (samatha) và thiền quán (vipassanā). Thiền chỉ có cứu cánh là định (samādhi), thiền quán có cứu cánh là tuệ (paññā). Và định là nền tảng cho tuệ sanh.
Danh từ “bhūri” đồng nghĩa với paññā (trí tuệ), nhưng “bhūri” là trí tuệ rộng lớn (vitthatā paññā).
Câu nói “tu thiền sanh trí tuệ”, có nghĩa là tuệ giải thoát sanh khởi là do tu tập thiền chỉ và quán.
Câu nói “ayogā bhūrisaṅkhayo” _ không tu thiền thì trí tuệ diệt. Nghĩa là người dù đa văn, thông hiểu kinh điển, nhưng không có tu thiền thì không sanh khởi tuệ minh sát được.
Câu nói: “Biết con đường hai ngã (etaṃ dvedhāpathaṃ ñatvā), là biết rõ hai lối đi, tu thiền thì sanh trí và không tu thiền thì diệt trí tuệ.
Câu nói: “đưa đến tiến và thối” (bhavāya vibhavāya ca) nghĩa là lối tu thiền dẫn đến sự tiến hoá (vuddhiyā) và lối không tu thiền dẫn đến sự thối hoá (avuddhiyā). Trong sớ giải, giải thích “bhavāyā’ ti vuddhiyā, abhavāyā’ ti avuddhiyā.”
Câu nói: “bằng cách nào tăng trưởng trí tuệ, thì hãy chấn chỉnh bản thân theo cách ấy (Tath’ attānaṃ niveseyya yathā bhūri pavaḍḍhati), nghĩa là trí tuệ tăng trưởng bằng cách tu thiền định thì bản thân nên tu tập theo lối ấy.
Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.