Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XX. Phẩm Đạo Lộ (Maggavagga) _ Kệ số 1, 2, 3, 4 (dhp 273, 274, 275, 276)

Monday, 15/04/2024, 06:00 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 14.4.2024

XX

Phẩm Đạo Lộ

(Maggavagga)

Gồm 17 bài kệ với 12 duyên sự

XX. Phẩm Đạo Lộ_Kệ số 1, 2, 3, 4 (dhp 273, 274, 275, 276)

Chánh văn:

1. Maggān’ aṭṭhaṅgiko seṭṭho

saccānaṃ caturo padā

virāgo seṭṭho dhammānaṃ

dvipadānañca cakkhumā.

(dhp 273)

2. Eso’ va maggo natth’ añño

dassanassa visuddhiyā

etañhi tumhe paṭipajjatha

mārass’ etaṃ pamohanaṃ.

(dhp 274)

3. Etañhi tumhe paṭipannā

dukkhass’ antaṃ karissatha

akkhāto vo mayā maggo

aññāya sallasanthanaṃ.

(dhp 275)

4. Tumhehi kiccaṃ ātappaṃ

akkhātāro tathāgatā

paṭipannā pamokkhanti

jhāyino mārabandhanā.

(dhp 276)

Chuyển văn:

1. Maggānaṃ aṭṭhaṅgiko seṭṭho saccānaṃ caturo padā dhammānaṃ virāgo seṭṭho dvipadānaṃ ca cakkhumā.

2. Dassanassa visuddhiyā eso eva maggo natthi añño tumhe etaṃ hi paṭipajjatha etaṃ mārassa pamohanaṃ.

3. Etaṃ hi paṭipannā tumhe dukkhassa antaṃ karissatha maggo vo mayā akkhāto aññāya sallasanthanaṃ.

4. Ātappaṃ tumhehi kiccaṃ Tathāgatā akkhātāro paṭipannā jhāyino mārabandhanā pamokkhanti.

Thích văn:

Maggān’ aṭṭhaṅgiko [hợp âm maggānaṃ aṭṭhaṅgiko]

Maggānaṃ [sở thuộc cách, số nhiều, nam tính, danh từ magga] đối với các đạo lộ, trong số các con đường.

Aṭṭhaṅgiko [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể aṭṭhaṅgika (aṭṭha + aṅga + ṇika)] bát chi phần, tám chi, tám ngành.

Seṭṭho [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ seṭṭha] thù thắng, cao cả, tuyệt vời.

Saccānaṃ [sở thuộc cách, số nhiều, trung tính, danh từ sacca] đối với các sự thật, đối với các chân lý.

Caturo [chủ cách, số nhiều, nam tính, số mục tính từ catu] bốn (4).

Padā [chủ cách, số nhiều, trung tính (ā, āni), danh từ pada] câu cú, từ ngữ, lời nói; nền tảng, chân lý, đế.

Virāgo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ virāga] ly tham, vô nhiễm.

Dhammānaṃ [sở thuộc cách, số nhiều, nam tính, danh từ dhamma] đối với các pháp.

Dvipadānaṃ [sở thuộc cách, số nhiều, nam tính, danh từ dvipada (cũng viết là dipada)] của loài hai chân, đối với loài hai chân.

Cakkhumā [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ cakkhumantu] người có mắt, bậc hữu nhãn (nói đức Phật).

Eso’ va [hợp âm eso eva]

Eso [chủ cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ eta] đó, cái đó.

Maggo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ magga] con đường, đạo lộ.

Natth’ añño [hợp âm natthi añño].

Natthi [động từ phủ định, ngôi III, số ít, “Na + atthi (as + a)”] không có, chẳng có.

Añño [chủ cách, số ít, nam tính, phiếm chỉ đại từ añña] khác, cái khác.

Dassanassa [chỉ định cách, số ít, trung tính, danh từ dassana] sự thấy, sự nhận thức, tri kiến.

Visuddhiyā [chỉ định cách, số ít, nữ tính, danh từ visuddhi] để thanh tịnh, đưa đến thanh tịnh.

Etañhi [hợp âm etaṃ hi]

Etaṃ [đối cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ eta] đó, cái đó, (đạo lộ) đó.

Tumhe [chủ cách, số nhiều, nhân xưng đại từ ngôi II tumha] các ngươi, các ông, các anh.

Paṭipajjatha [động từ mệnh lệnh cách, ngôi II, số nhiều, “paṭi + pad + ya + tha”] (các ngươi) hãy thực hành, hãy ứng dụng, hãy đi theo.

Mārass’ etaṃ [hợp âm mārassa etaṃ]

Mārassa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, danh từ māra] của ma vương, đối với ác ma.

Etaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, chỉ thị đại từ eta] đó, cái đó.

Pamohanaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ pamohana] sự mê loạn, sự hoang mang.

Paṭipannā [chủ cách, số nhiều, nam tính, quá khứ phân từ paṭipanna (của động từ paṭipajjati)] đã thực hành, đã ứng dụng.

Dukkhass’ antaṃ [hợp âm dukkhassa antaṃ]

Dukkhassa [chỉ định cách, số ít, trung tính, danh từ dukkha] sự khổ.

Antaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ anta] tận cùng, chấm dứt, điểm kết thúc.

Karissatha [động từ vị lai_tương lai cách, ngôi II, số nhiều, “kar + o + issatha”] sẽ làm. Mệnh đề động từ: “antaṃ karissatha” nghĩa là “các ngươi sẽ chấm dứt”.

Akkhāto [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ akkhāta (quá khứ phân từ của động từ akkhāti)] đã được tuyên bố, đã được nói.

Vo [đối cách, số nhiều, nhân xưng đại từ tumha] đến các ngươi, cho các ngươi.

Mayā [sở dụng cách, số ít, nhân xưng đại từ amha] bởi ta, do tôi.

Aññāya [bất biến quá khứ phân từ “ā + ña + ya”] sau khi biết, sau khi hiểu.

Sallasanthanaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể sallasanthana (salla + santhana)] sự nhổ lên mũi tên, sự nhổ cây gai.

Tumhehi [sở dụng cách, số nhiều, nhân xưng đại từ tumha] do các ngươi, bởi các ngươi.

Kiccaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ trung tính kicca] việc cần được làm, việc phải làm.

Ātappaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ ātappa] sự nhiệt tâm, sự nhiệt tình.

Akkhātāro [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ akkhātu] những vị thuyết, những người nói, những người chỉ dạy.

Tathāgatā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ tathāgata] các đấng Như Lai.

Pamokkhanti [động từ hiện tại_tiến hành cách, ngôi III, số nhiều, “pa + muc”] giải thoát, thoát khỏi.

Jhāyino [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ jhāyī] những người thiền định.

Mārabandhanā [xuất xứ cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể mārabandhana (māra + bandhana)] khỏi ngục tù của ác ma, khỏi sự trói buộc của ác ma.

Việt văn:

1. Bát chánh, đường thù thắng

tứ đế, lý thù thắng

ly tham, pháp thù thắng

hữu nhãn, người thù thắng.

(pc 273)

2. Đường này, không đường khác

đưa đến thanh tịnh kiến,

các ngươi theo đường này

làm mê loạn ác ma.

(pc 274)

3. Các ngươi theo đường này

sẽ chấm dứt khổ đau,

con đường ta chỉ dạy

với trí, nhổ gai chướng.

(pc 275)

4. Nổ lực, do các ngươi,

Như Lai chỉ thuyết dạy.

người hành trì thiền định

sẽ thoát khỏi ma dược.

(pc 276)

1. Bát chánh đạo là thù thắng trong các đường; Tứ đế là thù thắng trong các chân lý; Ly tham là thù thắng trong các pháp; Bậc hữu nhãn là thù thắng trong các loài hai chân.

2. Chỉ có con đường đó là dẫn đến thanh tịnh tri kiến, không có con đường khác. Nếu các ngươi đi theo con đường đó sẽ làm mê loạn ác ma.

3. Nếu các ngươi đi theo con đường đó sẽ đoạn tận khổ đau. Con đường được ta chỉ dạy cho các ngươi là cách nhổ bỏ gai chướng sau khi đã liễu tri.

4. Sự nhiệt tâm cần được làm bởi các ngươi, các đấng Như Lai chỉ là người thuyết giảng. Những ai thực hành và thiền định sẽ thoát khỏi sự trói buộc của ác ma.

Duyên sự:

Bốn bài kệ này, đức Phật thuyết tại Sāvatthi, khi Ngài trú ở Jetavanavihāra, vì nhân 500 vị tỳ kheo du hành.

Năm trăm tỳ kheo này, sau khi vân du cùng bậc Đạo sư về tới Sāvatthi. Vào buổi chiều, các vị ngồi trong giảng đường đã bàn luận đề tài đạo lộ, con đường mình đã đi qua, như “con đường từ làng nọ đến làng kia bằng phẳng; con đường đến làng nọ không bằng phẳng; con đường có sỏi đá, con đường không có sỏi đá…v.v…”.

Bậc Đạo sư quán thấy căn duyên đắc A la hán của chư tỳ kheo ấy, nên Ngài đã ngự đến hội trường và ngồi trên chổ ngồi được soạn sẳn, Ngài hỏi các tỳ kheo ấy: “Các tỳ kheo, các ngươi đang ngồi bàn luận đề tài gì?” _ “Bạch Thế Tôn, chúng con đang nói về những con đường đã đi qua”.

Nghe vậy, Đức Phật đã nói với các tỳ kheo ấy: “Này chư tỳ kheo, đó là con đường bên ngoài. Đối với vị tỳ kheo, việc tìm hiểu con đường đạt tới quả thánh là thích hợp để bàn; Bởi vì vị tỳ kheo làm như vậy mới thoát khỏi mọi khổ đau”. Nói xong, đức Phật đã thuyết lên những vần kệ này: Maggān’ aṭṭhaṅgiko seṭṭho…v.v…jhāyino mārabandhanā’ ti.

Dứt pháp thoại, cả năm trăm tỳ kheo ấy đã chứng đắc quả vị A la hán và pháp thoại cũng đem lợi ích đến những người hiện diện.

Lý giải:

Đức Phật thuyết ra những vần kệ này, đặc biệt chú trọng đến con đường thánh tám ngành, bát chánh đạo, để khai thị tuệ giác A la hán cho năm trăm vị tỳ kheo du hành ấy.

Nhưng trong bài kệ thứ nhất (dhp 275) đức Phật đã dẫn nhập nói về bốn sự kiện thù thắng (seṭṭha) để giới thiệu con đường thánh đạo tám ngành (aṭṭhaṅgiko ariyamaggo).

Bốn sự kiện thù thắng đó là:

“Bát chánh đạo là thù thắng trong các con đường”. Những con đường bên ngoài như đường bộ, đường thuỷ …, hoặc con đường tâm linh như đường luân hồi … những con đường ấy không đưa đến giải thoát được, chỉ có con đường bát chánh (là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định) mới đưa đến níp bàn được, nên nói “bát chánh là đường thù thắng”.

“Tứ đế là thù thắng trong các chân lý, có hai thứ chân lý là chân đế (parmatthasacca) và tục đế (sammutisacca). Chân đế là sự thật về các pháp thực tính, như ngũ uẩn có đặt tính vô thường, khổ, vô ngã; níp bàn có đặc tính là tịch tịnh. Tục đế là sự thật định đặt theo thời kỳ, tuỳ theo quốc độ, tuỳ theo địa phương … Đối với các chân lý ấy, thì bốn chân lý (hay tứ diệu đế) khổ, tập, diệt, đạo là thù thắng, bởi ai giác ngộ chân lý về khổ, chân lý về nhân sanh khổ, chân lý về sự diệt khổ, chân lý về đạo lộ diệt khổ, người ấy là bậc thánh.

“Ly tham là thù thắng trong các pháp”. Pháp ly tham hay vô nhiễm (virāga) là níp bàn. Có Phật ngôn rằng: “Này chư tỳ kheo, đem so sánh giữa các pháp hữu vi hoặc pháp vô vi, thì pháp ly tham gọi là tối thượng”. (Itivuttaka 90; Tăng chi 4/34).

“Bậc hữu nhãn là thù thắng trong các loài hai chân”. Bậc hữu nhãn (cakkhumā) là bậc có năm loại mắt: nhục nhãn (maṃsacakkhu), thiên nhãn (dibbacakkhu), tuệ nhãn (paññācakkhu), Phật nhãn (buddhacakkhu) và biến nhãn (samantacakkhu), chỉ ở đức Phật mới có đủ năm thứ mắt này, nên Bậc hữu nhãn chính là đức Như Lai (pañcahi cakkhūhi cakkhumā tathāgato’ va). Đức Như Lai là thù thắng trong các loại hai chân (dvipadānaṃ), là những chúng sanh như nhân loại, chư thiên, phạm thiên sắc giới, luôn cả phạm thiên vô sắc giới (dù không có thân sắc uẩn, hai chân, nhưng cũng kể luôn. Theo chú giải).

Đến kệ ngôn thứ hai, thứ ba, thứ tư (dhp 274, 275, 276), đức Phật mới trở lại nhấn mạnh về thánh đạo tám ngành, đạo lộ tám chi phần hay bát chánh đạo.

Kệ ngôn dhp 274, đức Phật cho biết:

Chỉ có đạo lộ đó, tức là bát chánh đạo, mới đưa đến sự thanh tịnh tri kiến, tức là chứng đắc đạo quả, chứ không có con đường khác.

Các ngươi hãy đi theo con đường ấy, tức là thực hành bát chánh đạo. Theo con đường ấy sẽ làm mê loại ác ma, tức là thực hành bát chánh đạo chứng vô dư y níp bàn, thì ác ma sẽ không tìm thấy dấu vết tái sanh của vị ấy.

Kệ ngôn dhp 275, đức Phật nói về hiệu năng của việc thực hành bát chánh đạo:

“Các ngươi đi theo đạo lộ ấy, tức là thực hành bát chánh đạo, sẽ làm chấm dứt sự khổ đau, tức là đoạn tận sanh hữu, không còn sự tái sanh, không luân hồi”.

“Con đường ta chỉ dạy cho các ngươi, tức là bát chánh đạo, là cách nhổ bỏ gai chướng khi đã liễu tri”, tức là bát chánh đạo mà đức Phật đã dạy, đó là cách phá bỏ phiền não gai chướng hay mũi tên như tham, sân si.

Kệ ngôn dhp 276, đức Phật lưu ý các đệ tử:

“Sự nhiệt tâm cần được làm bởi các ngươi, tức là Ngài khuyên bảo các đệ tử phải tự nổ lực hành trì, đừng ỷ lại vào người khác”.

“Các đấng Như Lai chỉ là người thuyết giảng”, nghĩa là Ngài nói vai trò của Ngài là người chỉ ra con đường thôi, chứ Ngài không có cứu rỗi ai; Đức Phật vạch ra con đường, chúng sanh muốn thoát khổ phải tự tinh tấn đi theo con đường ấy.

“Những ai thực hành (paṭipannā)”, tức là hành theo bát đạo; “và thiền định (jhāyino)”, tức là tu thiền chỉ và thiền quán, “sẽ thoát khỏi sự trói buộc của ác ma (mārabandhanā pamokkhanti)” tức là thoát khỏi tam giới, phạm vi kiểm soát của phiền não ma và ngũ uẩn ma./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.