Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XVIII. Phẩm Uế Nhiễm_Kệ số 20, 21 (dhp 254, 255)

Sunday, 03/03/2024, 20:21 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 4.3.2024

XVIII

Phẩm Uế Nhiễm

 (Malavagga)

XVIII. Phẩm Uế Nhiễm_Kệ số 20, 21 (dhp 254 và 255)

Chánh văn:

20. Ākāse padaṃ natthi

 samaṇo natthi bāhire

 papañcābhiratā pajā

 nippapañcā tathāgatā.

(dhp 254)

21. Ākāse padaṃ natthi

 samaṇo natthi bāhire

 saṅkhārā sassatā natthi

 natthi buddhānam_iñjitaṃ.

(dhp 255)

Chuyển văn:

20. Ākāse padaṃ natthi bāhire samaṇo natthi pajā papañcābhiratā tathāgatā nippapañcā.

21. Ākāse padaṃ natthi bāhire samaṇo natthi sassatā saṅkhārā natthi buddhānaṃ iñjitaṃ natthi.

Thích văn:

Ākāse [định sở cách, số ít, nam tính, danh từ ākāsa] trên hư không, trên bầu trời, trong không trung.

Padaṃ [chủ cáh, số ít, trung tính, danh từ pada] dấu chân, dấu vết.

Natthi [động từ hiện tại, ngôi III, số ít, “as”_Na + atthi] không có.

Samaṇo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ samaṇa] bậc an tịnh, bậc tịnh giả, sa môn (đọc âm).

Bāhire [trạng từ] ở ngoài, nơi ngoại đạo.

Papañcābhiratā [chủ cách, số ít, nữ tính, hợp thể tính từ papañcābhirata (papañca + abhirata)] vui với pháp chướng, thoả thích theo pháp chướng.

Pajā [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ pajā] loài người, nhân gian, chúng sanh.

Nippapañcā [chủ cách, số nhiều, nam tính, hợp thể tính từ nippapañca (ni + papañca)] không còn chướng ngại, không có pháp chướng.

Tathāgatā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danht ừ tathāgata] các đấng Như Lai.

Saṅkhārā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ saṅkhāra] các hành, các pháp hửu vi.

Sassatā [chủ cách, số nhiều, nam tính, tính từ sassata] trường tồn, thường còn.

Buddhānam_iñjitaṃ [hợp âm buddhānaṃ iñjitaṃ].

Buddhānaṃ [sở thuộc cách, số nhiều, nam tính, danh từ buddha] của chư Phật, trong chư Phật, đối với chư Phật.

Iñjitaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ iñjita (quá khứ phân từ của động từ iñjati)] sự dao động, sự rúng động.

Việt văn:

20. Hư không không dấu chân

 ngoại đạo không sa môn,

chúng sanh vui hệ luỵ,

 như Lai không pháp chướng.

(pc 254)

21. Hư không không dấu chân

 ngoại đạo không sa môn,

 không có hành thường còn,

 chư Phật không dao động.

(pc 255)

20. Trong hư không không có dấu chân, trong ngoại đạo không có thánh sa môn, chúng sanh thoả thích trong pháp chướng, các đấng Như Lai không còn sự hệ luỵ.

21. Trong hư không không có dấu chân, trong ngoại đạo không có thánh sa môn, không có các hành trường tồn, không có sự dao động nơi chư Phật.

Duyên sự:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết cho du sĩ Subhadda, khi Ngài ngự trong rừng cây sāla của dân chúng Malla, gần kinh thành Kusiṇārā, để viên tịch.

Du sĩ Subhadda nghe tin đức Phật sắp viên tịch tại Kusiṇārā, đã suy nghĩ “Ta có điều nghi vấn mà chưa hỏi được Sa môn Gotama lúc còn trẻ, đến bây giờ thì Sa môn Gotama sắp viên tịch rồi, nếu ta không đến hỏi những điều nghi vấn thì sau này ta sẽ phải hối tiếc”.

Du sĩ Subhadda đi đến Upavattana, rừng cây sāla nơi đức Phật ngự để viên tịch.

Du sĩ Subhadda đến nơi thì gặp trưởng lão Ānanda ngăn cản: “Đức Thế Tôn đang mệt, ông đừng phiền nhiễu Ngài”. Du sĩ Subhadda khẩn khoản xin ba lần.

Đức Thế Tôn đang nằm trên phiến đá để viên tịch, Ngài nghe thị giả Ānanda nói chuyện với du sĩ Subhadda, bèn bảo Thị giả Ānanda: “Này Ānanda, đừng ngăn cản Subhadda. Hãy để Subhadda vào hỏi pháp Như Lai; Ông ta không phiền nhiễu Như Lai đâu!”.

Tôn giả Ānanda nghe đức Thế Tôn dạy, bèn nói với du sĩ Subhadda: “Đức Thế Tôn đã cho phép ông, ông hãy vào đi”.

Du sĩ Subhadda đến chổ đức Thế Tôn nằm, nói lên lời chúc tụng, thăm hỏi xả giao rồi ngồi xuống một bên. Sau đó du sĩ Subhadda đã hỏi đức Thế Tôn:

“Thưa Sa môn Gotama, các vị giáo chủ như Purānakassapa, Makkhaligosāla, Ajita_kesakambalī, Rakudhakaccāyana, Sañjayabelaṭṭhiputta, Nigaṇṭhanātaputta, các vị ấy có phải đã chứng tri như đã tự nhận, hoặc các vị chưa chứng tri, hoặc một số đã chứng tri và một số chưa chứng tri?”

Đức Thế Tôn phán: “Subhadda, vấn đề các vị giáo chủ đã chứng tri hay chưa chứng tri, hãy dừng lại. Ta sẽ thuyết pháp cho người, hãy sáng suốt suy nghĩ”.

“Thưa vâng, bạch Ngài”.

“Này Subhadda, trong pháp luật nào không có bát thánh đạo, thời ở đấy không có đệ nhất sa môn, cũng không có đệ nhị sa môn, cũng không có đệ tam sa môn, cũng không có đệ tứ sa môn; Trong pháp luật nào có thánh đạo bát chi phần thì nơi đó có bốn hạng sa môn. Trong pháp luật này có thánh đạo tám chi phần, nên ở đây có bốn hạng sa môn; còn các hệ ngoại giáo không có bốn hạng sa môn. Này Subhadda, nếu các tỳ kheo sống đúng theo bát thánh đạo thì thế gian không vắng các vị A la hán.” Rồi đức Thế Tôn thuyết hai bài kệ: Ākāse padaṃ natthi…v.v…natthi buddhānamiñjitaṃ’ ti.

Dứt pháp thoại, du sĩ Subhadda chứng quả Bất lai. Vị ấy xin xuất gia thọ đại giới với đức Thế Tôn và đắc quả A la hán. Tôn giả Subhadda là vị đệ tử cuối cùng của đức Phật.

Lý giải:

Hai bài kệ này gom chung lại có năm ý:

“Không có dấu vết trong hư không” (Ākāse padaṃ natthi). Quả thực vậy, trong không khí làm sao in dấu chân, hay vẽ màu sắc, hoặc để lại dấu tích gì.

“Không có hạng sa môn đích thực ở ngoại giáo” (Samaṇo natthi bāhire). Ngoại giáo (bāhire) là hệ thống giáo thuyết ngoài giáo pháp của bậc Chánh đẳng giác. Ở ngoại giáo không có dạy bát thánh đạo (con đường tám ngành, là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định). Vì ngoại giáo không có bát thánh đạo (ariyo aṭṭhaṅgiko maggo) nên không có chứng đạt quả vị Sa môn (sāmaññaphala). Bốn quả vị sa môn là, đệ nhất sa môn_tức quả vị Tu đà huờn, đệ nhị sa môn_tức quả vị Tư đà hàm, đệ tam sa môn_tức quả vị A na hàm, đệ tứ sa môn_tức quả vị A la hán.

“Chúng sanh vui hệ luỵ, các đấng Như Lai không còn pháp chướng” (Papañcābhiratā pajā nippapañcā tathāgatā). Gọi là hệ luỵ hay pháp chướng ngại (papañca) tức là ái (taṇhā), kiến (diṭṭhi) và mạn (māna). Chúng sanh mãi mê trong tham ái trong tà kiến, trong kiêu mạn mà không biết đó là những nghiệt chướng, những chướng ngại tinh thần. Các đấng Như Lai đã tiêu diệt mọi chướng ngại ấy, các Ngài không còn pháp chướng ngại.

“Không có các hành trường tồn” (Saṅkhārā sassatā natthi). Các hành (saṅkhārā) hay các pháp hửu vi, chính là năm uẩn; Năm uẩn là vô thường, các pháp hửu vi là pháp bị tạo tác, luôn sanh diệt, không thể có pháp hửu vi mà thường hằng, trường tồn.

“Không có dao động đối với chư Phật” (Natthi buddhānaṃ iñjitaṃ). Các bậc đã giác ngộ, tiêu trừ mọi phiền não nên tâm không còn dao động bởi bất cứ phiền não nào.

Dứt phẩm thứ mười tám

Phẩm uế nhiễm

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.