Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XVIII. Phẩm Chấp Pháp (Dhammaṭṭhavagga) _ Kệ số 7, 8 (dhp 262, 263)

Sunday, 24/03/2024, 10:00 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 24.3.2024

XIX

Phẩm Chấp Pháp

(Dhammaṭṭhavagga)

XIX. Phẩm Chấp Pháp_Kệ số 7, 8 (dhp 262, 263)

Chánh văn:

7. Na vākkaraṇamattena

vaṇṇapokkharatāya vā

sādhurūpo naro hoti

issukī maccharī saṭho.

(dhp 262)

8. Yassa c’ etaṃ samucchinnaṃ

mūlaghaccaṃ samūhataṃ

sa vantadoso medhāvī

sādhurūpo’ ti vuccati.

(dhp 263)

Chuyển văn:

7. Issukī maccharī saṭho na sādhurūpo naro hoti vākkaraṇamattena vā vaṇṇapokkharatāya.

8. Yassa etaṃ samucchinnaṃ ca mūlaghaccaṃ samūhataṃ vantadoso medhāvī so sādhurūpo iti vuccati.

Thích văn:

Vākkaraṇamattena [sở dụng cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ vākkaraṇamatta (“vācī + karaṇa” + matta)] với tài ăn nói, với khả năng hùng biện.

Vaṇṇapokkharatāya [sở dụng cách, số ít, nữ tính, hợp thể danh từ vaṇṇapokkharatā (vaṇṇa + pokkharatā)] với dung sắc, với ngoại hình đẹp, với vẻ đẹp màu da.

Sādhurūpo [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ sādhurūpa (sādhu + rūpa)] người tốt, người hiền thiện.

Naro [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ nara] con người.

Issukī [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ tính từ issukī] ganh tỵ, đố kỵ; người ganh tỵ.

Maccharī [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ tính từ maccharī] bỏn xẻn; người keo kiệt.

Saṭho [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ saṭha] giả dối, gian xảo.

Yassa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] đối với ai, người nào.

C’ etaṃ [hợp âm ca etaṃ].

Etaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, chỉ thị đại từ eta] cái đó, điều đó.

Samucchinnaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ samucchinna (quá khứ phân từ của động từ samucchindati)] cắt tuyệt, đoạn tuyệt.

Mūlaghaccaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ mūlaghacca (mūla + ghaccā + a)] phá huỷ tận gốc.

Samūhataṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ samūhata (quá khứ phân từ của động từ samūhanati)] huỷ bỏ, dẹp đi.

Sa [so_chủ cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] người ấy, vị ấy.

Vantadoso [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ vantadoso (vanta + dosa)] người đã dứt lỗi lầm, người đã trừ thói xấu.

Medhāvī [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ medhāvī] người sáng suốt, người có trí.

Việt văn:

7. Không phải nói lưu loát

hay có diện mạo đẹp

mà thành người hiền thiện

nếu ganh, kiết, dối trá.

(pc 262)

8. Ai cắt được tật xấu

nhổ tận gốc, phá huỷ,

người trí dứt lỗi lầm,

ấy gọi người hiền thiện.

(pc 263)

7. Người ganh tỵ, keo kiết và giả dối, không phải là người hiền thiện dù có tài ăn nói hoặc có diện mạo đẹp đẽ.

8. Người nào, tật xấu đó được dứt trừ, được nhổ tận gốc, được dẹp bỏ, người ấy thành hiền trí không lỗi lầm. Đáng gọi là người hiền thiện.

Duyên sự:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết ở thành Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, vì chuyện nhiều vị tỳ kheo.

Trong một thời, có một số vị trưởng lão sau khi thấy các tỳ khưu trẻ và các sadi làm những việc phục vụ cho những vị thầy của mình như giặt y, nhuộm y…v.v…thì họ đã suy nghĩ: “chúng ta cũng thông thạo kinh văn mà chẳng có ai phục dịch chúng ta cả. Hay là chúng ta nên đến bậc Đạo sư và thưa với Ngài hãy ra lệnh cho các tỳ khưu sa di trẻ, dù học pháp với những vị khác cũng phải nhờ những vị giỏi hơn, để giải nghĩa rồi mới học thuộc. Như vậy lợi đắc cung kính sẽ tăng thịnh cho chúng ta”.

Nghĩ rồi, họ đã đi đến bậc Đạo sư và trình bày như thế.

Bậc Đạo sư sau khi nghe xong lời của họ, Ngài nghĩ: “Theo truyền thống là như vậy, nhưng các vị này chỉ vì lợi đắc cung kính thôi!” Nên đức Thế Tôn đã nói với họ: “Ta không nói các người là người hiền thiện chỉ bởi có tài hùng biện; Đối với ai, các pháp như ganh, kiết, dối trá được dứt trừ bằng A la hán đạo, người ấy chính là bậc hiền thiện”.

Nói xong, đức Phật đã thuyết lên hai bài kệ: Na vākkaraṇamattena…v.v…sādhurūpo’ ti vuccatī’ ti.

Cuối pháp thoại có nhiều vị tỳ kheo chứng đắc thánh quả.

Lý giải:

“Sādhurūpo - người hiền thiện”, là người bản tính tốt, có đức tính đẹp.

Theo phật pháp, người hiền thiện không phải do ngoại hình đẹp, cũng không phải do ăn nói lưu loát, mà chính do tâm thanh tịnh, phiền não, ác pháp đã đoạn trừ bằng thiện siêu thế, hay ít ra cũng phải bằng thiện dục giới chế ngự các ác bất thiện pháp.

Trong kệ ngôn pháp cú này, đức Phật nhắc đến chỉ ba bất thiện pháp: Ganh tỵ (issukī), keo kiết (maccharī) và giả dối (saṭho). Người có ba tính xấu ấy thì ta không gọi người ấy là hiền thiện (sādhurūpo). Sở dĩ Ngài chỉ nói bấy nhiêu tính xấu ấy, bởi các tỳ kheo trưởng lão kia có tâm ganh tỵ với các giáo thọ của chư tỳ kheo, sa di, có tâm bỏn xẻn không muốn các vị giáo thọ khác được đệ tử kính trọng phục vụ, có tâm giả dối khi tự mình muốn được lợi đắc cung kính từ các vị sa di, tỳ kheo, nhưng đến xin đức Phật ban luật theo truyền thống tốt đẹp. Chính vì lý do này, mà đức Phật dạy dỗ các tỳ kheo trưởng lão, Ngài chỉ trích ba tính bất thiện nơi họ.

Ở đây, cần phải hiểu là tất cả các ác bất thiện pháp có nơi người nào thì người ấy không phải là bậc hiền thiện. Và nơi người nào không có những ác bất thiện pháp, mới đáng được gọi là bậc hiền thiện.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.