Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XVIII. Phẩm Chấp Pháp (Dhammaṭṭhavagga) _ Kệ số 5, 6 (dhp 260, 261)

Thursday, 21/03/2024, 07:42 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 21.3.2024

XIX

Phẩm Chấp Pháp

(Dhammaṭṭhavagga)

XIX. Phẩm Chấp Pháp_Kệ số 5, 6 (dhp 260, 261)

Chánh văn:

5. Nat tena thero so hoti

yen’assa palitaṃ siro

paripakko vayo tassa

moghajiṇṇo’t ti vuccati.

(dhp 260)

6. Yamhi saccañca dhammo ca

ahiṃsā saññamo damo

sa ve vantamalo dhīro

thero iti pavuccati.

(dhp 261)

Chuyển văn:

5. Yena assa siro palitaṃ tena so thero na hoti, tassa vayo paripakko moghajiṇṇo iti vuccati.

6. Yamhi saccaṃ ca dhammo ca ahiṃsā saññamo damo vantamalo so dhīro ve thero iti pavuccati.

Thích văn:

Thero [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ thera] trưởng lão, người già dặn.

Yen’ assa [hợp âm yena assa].

Yena [sở dụng cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] bởi điều mà. Dùng với chỉ thị đại từ tena, “yena tena: bởi điều mà…vì thế”.

Assa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ima] của người này.

Palitaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ palita] tóc hoa râm, tóc bạc.

Siro [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ sira] cái đầu.

Paripakko [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ paripakka (quá khứ phân từ của động từ paripaccati)] đã chín muồi, đã già.

Vayo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ vaya] tuổi tác, chạn tuổi.

Tassa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] của người ấy.

Moghajiṇṇo’ ti [hợp âm mogghajiṇṇo iti].

Moghajiṇṇo [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ moghajiṇṇa (mogha + jiṇṇa)] lão phu, bô lão, người già có tuổi.

Yamhi [định sở cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] ở người nào, nơi người nào, nơi ai đó.

Saccañca [hợp âm saccaṃ ca].

Saccaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ sacca] sự thật, chân lý.

Dhammo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ dhamma] pháp, pháp cao thượng.

Ahiṃsā [chủ cách, số ít, nữ tính, dnah từ ahiṃsā] vô hại, sự không tổn hại.

Saññamo [có chổ viết là saṃyamo. Chủ cách, số ít, nam tính, danh từ saññama/ saṃyama] sự chế ngự, sự kềm chế.

Damo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ dama] sự điều phục, sự thuần hoá.

Vantamalo [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể dnah từ vantamala (vanta + mala)] cấu uế đã tẩy trừ, sự trong sạch; bậc vô cấu.

Dhīro [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ dhīra] bậc trí tuệ, bậc sáng suốt, người minh mẫn; bậc có nghị lực.

Việt văn:

5. Không phải là trưởng lão

vì người ấy đầu bạc

người ấy tuổi tác cao

chỉ gọi là bô lão.

(pc 260)

6. Ở người có chân lý,

thượng pháp và vô hại,

tự chế ngự, điều phục,

ly uế nhiễm, nghị lực.

đáng gọi “bậc trưởng lão”.

(pc 261)

5. Một người đầu bạc, không phải vì thế mà người ấy là vị trưởng lão. Người chỉ có tuổi tác cao chỉ gọi là “cụ già”.

6. Nơi một người có chân lý ngộ, thượng pháp chứng, tinh thần vô hại, biết chế ngự và tự điều phục, bậc thanh tịnh nghị lực, vị ấy quả thật, đáng gọi là “bậc trưởng lão”.

Duyên sự:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi ngài trú tại Jetavanavihāra, do câu chuyện trưởng lão Lakuṇṭaka Bhaddiya.

Tôn giả Lakuṇṭaka Bhaddiya, xuất thân trong một gia đình giàu có ở thành Sāvatthi, vì có thân hình nhỏ thó nên được gọi là Lakuṇṭaka. Tôn giả xuất gia thành vị tỳ kheo trẻ và sớm chứng đắc quả vị A la hán. Tôn giả thường đến hương thất của đức Phật để hầu hạ.

Một ngày kia, có ba mươi vị tỳ kheo lâm tăng đi đến Jetavana đảnh lễ đức Phật, khi các vị bước vào hương thất thì tôn giả Lakuṇṭaka Bhaddiya cũng vừa bước ra. Chư tỳ kheo ấy đảnh lễ bậc Đạo sư.

Đức Phật quán thấy duyên lành đắc A la hán của nhóm tỳ kheo tâm tăng này, nên Ngài hỏi họ:

_ “Các ngươi có gặp một trưởng lão từ đây đi ra không?”

_ “Bạch Thế Tôn, chúng con không thấy!”.

_ “Các ngươi không thấy vị nào sao?”.

_ “Bạch Ngài, chúng con có thấy một vị sa di”.

_ “Này các tỳ kheo, vị ấy là vị trưởng lão chứ không phải là vị sa di đâu!”.

_ “Bạch Ngài, vị ấy còn quá trẻ nhỏ mà!”.

_ “Này các tỳ kheo, ta không gọi là trưởng lão bởi chỉ vì già cả, chỉ vì được ngồi trên chổ ngồi bậc trưởng lão. Ai thấu triệt chân lý, trú không não hại chúng sanh, người này xứng danh trưởng lão”.

Nói xong, đức Thế Tôn thuyết lên hai bài kệ: Na tena thero so hoti…v.v…thero iti pavuccati.

Dứt pháp thoại, nhóm tỳ kheo lâm tăng ấy đã trú quả vị A la hán.

Lý giải:

Trong Phật giáo, danh từ Thera (trưởng lão) để chỉ cho một vị tỳ kheo già dặn kinh nghiệm, có phạm hạnh vững chắc. Theo Luật, thì vị tỳ kheo có tuổi hạ từ mười năm trở lên được gọi là trưởng lão (Thera); dưới mười hạ gọi anuthera (phó trưởng lão), trên hai mươi hạ gọi là Mahāthera (đại trưởng lão). Năm năm đầu thọ đại giới chỉ gọi là Navabhikkhu (Tân tỳ kheo). Theo pháp, thì một vị tỳ kheo hay sa di nào hội đủ thập pháp trưởng lão (Therakaradhamma) đều được danh xưng là trưởng lão (Thera).

Thập pháp trưởng lão, là:

1. Già dặn kinh nghiệm (Rattaññū)

2. Có giới (sīlavā)

3. Đa văn (bahussuto)

4. Giới bổn thuộc làu (svāgatapaṭimkho)

5. Rành rẽ việc mà hoà giải tranh tụng (adhikaraṇasamauppādavū_ pasamakusalo)

6. Có cầu tiến giáo pháp (dhammakāmo)

7. Sống tri túc (santuṭṭho)

8. Tế nhị lịch sự (pāsādiko)

9. Đắc thiền định (jhānalābhi)

10. Chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát (Anāsavaṃ Cetovimuttiṃ paññāvimuttiṃ upasampajja viharati)

Trong bài kệ pháp cú 261 này, thì đức Phật dạy tóm tắt về bảy đức tính đáng được gọi là trưởng lão:

“Yamhi saccaṃ ca”, ở người nào tức là bất cứ ai, có chân lý ngộ, tức là thấu triệt bốn thánh đế: khổ, tập, diệt, đạo.

“Dhammo ca”, có thượng pháp, tức là với trí đã đắc chín siêu thế pháp (sacchikatattā navavidho lokuttaradhammo atthi).

“Ahiṃsā”, có tinh thần vô hại, tức là có tư tưởng không làm hại chúng sanh (ahiṃsanabhāvo atthi).

“Saññamo”, biết chế ngự, tức là thu thúc giới (sīlasaṃvaro).

“Damo”, tự điều phục, tức là thu thúc lục căn (indriyasaṃvara).

“Vantamalo”, bậc thanh tịnh vô cấu, tức là vị mà phiền não, cấu uế đã được tẩy trừ bằng trí đạo (maggañāṇena nīhatamalo).

“Dhīro”, bậc nghị lực, tức là thành tựu tính kiên cường bất khuất (dhitisampanno).

Một vị có đầy đủ mười pháp hoặc bảy đức tính như thế, mới xứng gọi là vị trưởng lão (Thera) nói theo pháp.

Một vị tỳ kheo chỉ đầu bạc, tuổi tác già nua, chưa xứng gọi là vị trưởng lão, nếu bên trong không có những đức tính tác thành vị trưởng lão. Đó chỉ là một vị sư già rổng không (moghajiṇṇo hay tucchajiṇṇo).

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.