Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XVIII. Phẩm Chấp Pháp (Dhammaṭṭhavagga) _ Kệ số 11, 12 (dhp 266, 267)

Sunday, 31/03/2024, 08:04 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 31.3.2024

XIX

Phẩm Chấp Pháp

(Dhammaṭṭhavagga)

XIX. Phẩm Chấp Pháp_Kệ số 11, 12 (dhp 266, 267)

Chánh văn:

11. Na tena bhikkhu hoti

yāvatā bhikkhate pare

vissaṃ dhammaṃ samādāya

bhikkhu hoti na tāvatā.

(dhp 266)

12. Yo’ dha puññañca pāpañca

bāhetvā brahmacariyavā

saṅkhāya loke carati

sa ve bhikkhū’ ti vuccati.

(dhp 267)

Chuyển văn:

11. Yāvatā pare bhikkhate tena bhikkhu na hoti vissaṃ dhammaṃ samādāya tāvatā bhikkhu na hoti.

12. Idha yo puññaṃ ca pāpaṃ ca bāhetvā brahmacariyavā loke saṅkhāya carati so ve bhikkhu iti vuccati.

Thích văn:

Bhikkhu [chủ cách, chủ cách, số ít, nam tính, danh từ bhikkhu] vị tỳ khưu, vị tỳ kheo.

Bhikkhate [động từ khả năng cách, attanopadabhikkhu + a + te”, ngôi III, số ít] khất thực, xin ăn.

Vissaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ vissa] mọi hình thức, đủ loại, hôi hám

Samādāya [bất biến quá khứ phân từ của động từ samādāti] sau khi thọ trì

Yo’ dha [hợp âm yo idha]

Yo [chủ cách, số ít, nam tính, đại từ ya] ai, người nào.

Idha [trạng từ] ở đây, trong giáo pháp này.

Puññañca [hợp âm puññaṃ ca].

Puññaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ puñña] phước, phước thiện.

Pāpañca [hợp âm pāpaṃ ca]

Pāpaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ pāpa] tội ác, ác xấu.

Bāhetvā [bất biến quá khứ phân từ của động từ bāheti] sau khi bỏ qua, loại trừ.

Brahmacariyavā [chủ cách, số ít, nam tính, danh tính từ brahmacariyavantu (brahmacariya + vantu)] có phạm hạnh; người có phạm hạnh.

Saṅkhāya [sở dụng cách, số ít, nữ tính, danh từ saṅkhā] bằng sự nhận xét, bằng sự thẩm sát.

Loke [định sở cách, số ít, nam tính, danh từ loka] ở đời.

Carati [động từ hiện tại_tiến hành cách “car + a + ti”, ngôi III, số ít] thực hành, sống.

Bhikkhū’ ti [hợp âm bhikkhu ti].

Việt văn:

11. Không phải là tỳ kheo

vì ăn xin người khác;

chấp trì pháp hôi hám

cũng chẳng là tỳ kheo.

(pc 266)

12. Ai bỏ qua thiện ác

là người sống phạm hạnh

ở đời, sống thẩm sát

mới được gọi tỷ kheo.

(pc 267)

11. Chỉ khất thực nơi người khác, không phải vì thế mà thành tỳ kheo; cho đến thọ trì đủ thứ pháp cũng không là tỳ kheo.

12. Trong giáo pháp này, ai vượt qua thiện pháp và ác pháp, hành phạm hạnh. Sống hiểu thấu thế gian, người ấy thật sự được gọi tỷ kheo.

Duyên sự:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, do câu chuyện người bà la môn nọ.

Có người bà la môn nọ xuất gia trong ngoại giáo, hằng ngày cũng trì bình khất thực mà sống. Ông ta suy nghĩ: “Sa môn Gotama gọi các đệ tử của mình là tỳ kheo do hạnh khất thực. Ta cũng là tỳ kheo nhỉ!”.

Ông ta đi đến thăm đức Phật và nói: “Thưa Ngài Gotama, tôi cũng sống bằng hạnh khất thực. Ngài hãy gọi tôi là tỳ kheo”.

Đức Phật nói với người bà la môn ấy: “Này bà la môn, ta không gọi là tỳ kheo chỉ vì hạnh khất thực; cũng chẳng phải chấp trì pháp đủ kiểu mà thành tỳ kheo. Người nào sống thẩm sát tất cả hành (sabbasaṅkhāresu saṅkhāya carati), người ấy xứng danh tỳ kheo”. Nói xong, đức Phật thuyết hai bài kệ: Na tena bhikkhu hoti…v.v…Sa ve bhikkhū’ ti vuccatī’ ti.

Dứt pháp thoại có nhiều vị đắc được thánh quả.

Lý giải:

Danh từ “bhikkhu”, đọc âm là bí sô, tỳ khưu, tỳ kheo…

Trong Phật giáo, danh từ “bhikkhu” dùng để gọi một người đã thọ cụ túc giới (upasampanno).

Trước khi Phật giáo xuất hiện, danh từ “bhikkhu” cũng có trong ngôn ngữ quần chúng ở Ấn Độ, dùng với ý nghĩa là người tu hạnh khất thực, người có hạnh ăn xin, gọi vị khất sĩ.

Trong Luật tạng, giải thích từ ngữ “bhikkhu”, cũng có nói đến ý nghĩa “tỳ khưu là người có hạnh khất thực” và nhiều ý nghĩa khác nữa …

“Tỳ kheo là người khất thực”, nhưng người khất thực không phải là tỳ kheo, vì những kẻ hành khất thực ăn xin trên đường đâu phải là tỳ kheo.

Lại nữa, trong kệ ngôn pháp cú này, dhp 266, câu “vissaṃ dhammaṃ samādāya bhikkhu hoti na tāvatā” có hai nghĩa:

 Người chấp trì đủ thứ pháp, cho đến thế cũng không là tỳ kheo. Nghĩa là dù có thọ trì pháp, nhưng hành mọi hình thức khổ hạnh, ép xác thì không phải là tỳ kheo.

Nghĩa thứ hai, người chấp trì pháp thối tha (vissagandha) cũng không là tỳ kheo. Nghĩa là hành thân nghiệp bất thiện, khẩu nghiệp bất thiện, ý nghiệp bất thiện thì không là tỳ kheo.

Kệ pháp cú 267, có ý nghĩa đặc biệt, một vị A la hán mới đích thực là vị tỳ kheo.

Bởi là vị đã dẹp bỏ cả hai pháp dẫn đi luân hồi, tức thiện và ác, bằng tứ đạo (maggabrahmacariyena); Và vị đã chứng được thánh đạo cao quí ấy là vị có phạm hạnh (brahmacariyavā).

Bởi là vị sống hiểu thấu thế gian (saṅkhāya loke carati), nghĩa là vị ấy hiểu biết thế gian ngũ uẩn (khandhloke) bằng trí tuệ rằng: “các uẩn này thuộc nội phần, các uẩn này thuộc ngoại phần”…v.v…

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.