Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XV. Phẩm Uế Nhiễm (Malavagga) - Kệ số 8, 9 (dhp 242, 243)

Wednesday, 31/01/2024, 17:39 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 31.1.2023

XVIII

Phẩm Uế Nhiễm

 (Malavagga)

XVIII. Phẩm Uế Nhiễm_Kệ số 8, 9 (dhp 242, 243)

Chánh Văn:

8. Mal’ itthiyā duccaritaṃ

maccheraṃ dadato malaṃ

mālā ve pāpakā dhammā

asmiṃ loke paramhi ca.

(dhp 242)

9. Tato malā malataraṃ

avijjā paramaṃ malaṃ

etaṃ malaṃ pahatvāna

nimmalā hotha bhikkhavo.

(dhp 243)

Chuyển văn:

8. Duccaritaṃ itthiyā malaṃ maccheraṃ dadato malaṃ pāpakā dhammā asmiṃ loke paramhi ca ve mālā.

9. Bhikkhavo, avijjā malā tato malataraṃ paramaṃ malaṃ, Etaṃ malaṃ pahatvāna nimmalā hotha.

Thích văn:

Mal’ itthiyā [hợp âm malaṃ itthiyā]

Itthiyā [sở thuộc cách, số ít, nữ tính, danh từ itthī] của phụ nữ, của nữ nhân.

Duccaritaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, hợp thể danh từ duccarita (du + carita)] hạnh xấu, ác hạnh, tà hạnh.

Maccheraṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ macchera] sự keo kiệt, sự bỏn xẻn.

Dadato [sở thuộc cách, số ít, nam tính, tính từ dadanta [hiện tại phân từ của động từ dadāti] của người cho, đối với người bố thí.

Malā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ mala] các cấu uế, bụi bẩn.

Pāpakā [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ pāpaka] các tính xấu, các tính ác quấy.

Dhammā [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ dhamma] các pháp.

Asmiṃ [định sở cách, số ít, nam tính, đại danh từ ima] này, đời này.

Loke [định sở cách, số ít, nam tính, danh từ loka] đời, trong đời, trong thế gian.

Paramhi [định sở cách, số ít, nam tính, đại từ para] khác, sau, (đời) sau.

Tato [trạng từ] từ đó.

Malā [xuất xứ cách, số ít, trung tính, danh từ mala] từ bụi bẩn, từ cấu uế.

Malataraṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ tỷ giảo malatara (mala + tara)] cấu uế hơn, bụi bẩn hơn.

Avijjā [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ avijjā (a + vijjā)] vô minh, không sáng suốt.

Paramaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ tỷ giảo parama] nhất, đệ nhất.

Pahatvāna [bất biến quá khứ phân từ của động từ pajahati (pa + hā + tvāna)] sau khi dứt bỏ, sau khi từ bỏ.

Nimmalā [chủ cách, số nhiều, nam tính, hợp thể tính từ nimmala (ni + mala)] không cấu uế, không bụi bẩn, thanh khiết, trong sạch.

Hotha [động từ mệnh lệnh cách “hū + a”, ngôi II, số nhiều] hãy là, hãy trở thành.

Bhikkhavo [hô cách, số nhiều, nam tính, danh từ bikkhu] hởi các tỳ khưu, này chư tỳ khưu.

Việt văn:

8. Tà hạnh nhơ phụ nữ

keo kiệt nhớp kẻ thí

ác pháp là bụi bẩn

đời này và đời sau.

(pc 242)

9. Vô minh, uế trược nhất

uế hơn các uế trược.

hãy từ bỏ uế ấy

tỳ kheo, bậc vô uế.

(pc 243)

8. Tà hạnh là uế trược của người phụ nữ; Bủn xỉn là uế trược của người bố thí; Thật ra, các ác pháp là uế trược ở đời này và đời sau.

9. Hởi chư tỳ kheo, vô minh là uế trược nhất, uế trược hơn cả uế trược đó, các ngươi hãy từ bỏ uế trược ấy, hãy là bậc vô uế.

Duyên sự:

Bài kệ 242 và 243, được đức Phật thuyết ở Rājagaha, khi Ngài trú tại Veḷuvana, vì chuyện của một cận sự nam nọ.

Người cận sự nam ấy có cô vợ tính lăng loàn trắc nết, làm việc tà hạnh. Thiện nam tử ấy hổ thẹn với hành vi của cô vợ, nên không muốn gặp mặt ai, anh ta cắt đứt luôn sự hộ độ đức Phật và chư Tăng.

Qua vài ngày, anh ta mới đến viếng thăm bậc Đạo sư. Sau khi đảnh lễ Ngài đã ngồi xuống một bên. Đức Phật hỏi:

“Này cận sự nam, có việc gì mà không thấy ngươi đến?”

Được hỏi, cận sự nam ấy trình bày cho đức Phật nghe sự việc. Đức Phật nói với anh cận sự nam: “Này cận sự nam, kiếp xưa ta đã từng nói, nữ nhân giống như sông rạch, đường xá … là chổ công cộng. Người trí hiểu vậy, nên không cần phẫn nộ với họ. Nhưng vì sanh hữu che lấp, nên ngươi đã không nhớ biết đó thôi”.

Rồi theo lời thỉnh cầu của anh cận sự nam, đức Phật đã thuyết bổn sanh Anabhirati (Jāt. số 65).

Dứt chuyện bổn sanh, cận sự nam nọ đã đắc quả dự lưu.

Nhân cơ hội này, đức Phật thuyết hai bài kệ pháp cú để dạy chúng tỳ kheo: Mal’ itthiyā duccaritaṃ…v.v…nimmalā hotha bhikkhavo’ ti.

Kết thúc kệ ngôn có nhiều vị tỳ kheo chứng đắc thành quả.

Lý giải:

Hai bài kệ này, nhân sự việc người vợ của anh cận sự nam có hành vi ngoại tình, đức Phật thuyết câu đầu: Mal’ itthiyā duccaritaṃ (tà hạnh nhơ phụ nữ); Rồi để dạy bảo chư tỳ kheo, Ngài thuyết thêm ba pháp nhơ khác: Maccheraṃ dadato malaṃ (keo kiết nhớp kẻ thí), mālā ve pāpakā dhammā asmiṃ loke paramhi ca (ác pháp là bụi bẩn đời này và đời sau), tato malā malataraṃ avijjā paramaṃ malaṃ (vô minh, uế trược nhất, uế hơn các uế trược.

Chữ mala (nhơ bẩn, bụi bẩn) ở đây cần được hiểu là “điều làm cho hư hỏng, điều làm cho xấu đi”.

Câu “Mal’ itthiyā duccaritaṃ_tà hạnh nhơ phụ nữ”. Tà hạnh (duccaritaṃ) nghĩa là ngoại tình (aticāro). Người nữ có chồng mà ngoại tình với người đàn ông khác, ắt bị chồng đuổi khỏi nhà, cha mẹ chồng và ba con láng giềng khinh bỉ rẻ rúng, có khi bị làng nước bắt bỏ vào rọ ném xuống sông…chịu nhục nhã, đau khổ. Nên mới nói “Tà hạnh nhơ phụ nữ”.

Câu “Maccheraṃ dadato malaṃ_keo kiết nhớp kẻ thí”. Quả thật vậy, đã cho rồi tiếc rẻ sẽ làm xấu đi hạnh bố thí; Hoặc như người có ý định bố thí cúng dường, nhưng do tâm bỏn xẻn nổi lên chặn lại, không thực hiện việc bố thí cúng dường, tâm bỏn xẻn keo kiết khiến người ấy đánh mất cơ hội tạo phước. Vì thế mới nói “keo kiết nhớp kẻ thí”.

Câu “Mālā ve pāpakā dhammā asmiṃ loke paramhi ca_ác pháp là bụi bẩn đời này và đời sau”. Có nghĩa là các bất thiện nghiệp như ba thân ác hạnh, bốn khẩu ác hạnh, ba ý ác hạnh tạo quả khổ trong kiếp hiện tại và kiếp tương lai, nên mới nói “ác pháp là bụi bẩn đời này và đời sau”.

Câu “tato malā malataraṃ avijjā paramaṃ malaṃ_vô minh uế trược nhất, uế hơn các uế trược đó”. Các uế trược đó (tato malā) là ám chỉ các ác pháp nói trong kệ trước. Những ác pháp này có căn nguyên vô minh (sự mê muội, không biết pháp đáng biết sự bất tri khổ_tập_diệt_đạo…), chính do vô minh duyên phi phúc hành, do vô minh khiến hành động ác. Bởi thế mới nói “vô minh uế trược nhất, uế trược hơn các uế trược”.

Hai câu cuối trong kệ ngôn, đức Phật kêu gọi: Etaṃ malaṃ pahatvāna nimmalā hotha bhikkhavo_Hởi các tỳ kheo, hãy từ bỏ uế trược ấy và trở thành bậc vô uế”. Ý nghĩa là đức Phật bảo các tỳ kheo hãy dứt trừ vô minh và đắc chứng quả vị A la hán thanh tịnh, không còn phiền não.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.