Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XV. Phẩm Uế Nhiễm (Malavagga) - Kệ số 6 (dhp 240)

Thursday, 25/01/2024, 20:33 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 25.1.2023

XVIII

Phẩm Uế Nhiễm

 (Malavagga)

XVIII. Phẩm Uế Nhiễm_Kệ số 6 (dhp 240)

Chánh văn:

6. Ayasā’ va malaṃ samuṭṭhitaṃ

tatuṭṭhāya tam_eva khādati

evaṃ atidhonacārinaṃ

sakakammāni nayanti duggatiṃ.

(dhp 240)

Chuyển văn:

6. Ayasā iva samuṭṭhitaṃ malaṃ tato uṭṭhāya taṃ eva khādati evaṃ atidhonacārinaṃ sakakammāni duggatiṃ nayanti.

Thích văn:

Ayasā [ xuất xứ cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ aya] từ nơi sắt.

Malaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ mala] sự cấu uế, sự nhiễm uế, chất dơ bẩn, rỉ sét.

Samuṭṭhitaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ samuṭṭhita (quá khứ phân từ của động từ samuṭṭhāti)] phát sanh, sanh ra, nổi lên, khởi lên.

Tat’ uṭṭhāya [hợp âm tato uṭṭhāya].

Tato [trạng từ] từ đó, từ chổ ấy.

Uṭṭhāya [bất biến quá khứ phân từ của động từ uṭṭhahati] sau khi đứng lên, sau khi nổi lên, sau khi sanh lên.

Tam_eva [hợp âm taṃ eva]

Taṃ [đối cách, số ít, trung tính, chỉ thị đại từ ta] cái ấy, cái đó.

Khādati [động tù hiện tại_tiến hành cách “khād + a + ti”, ngôi III, số ít] ăn, nhấm nháp.

Evaṃ [trạng từ] như vậy, cũng thế ấy.

Atidhonacārinaṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ atidhonacārī (ati + dhona + cārī)]người sống quá giới hạn, người có hành vi quá đáng, người vi phạm luật lệ.

Sakakammāni [chủ cách, số nhiều, trung tính, hợp thể danh từ sakakamma (saka + kamma)] các nghiệp của tự mình.

Nayanti [động từ hiện tại_tiến hành cách “nī + ṇaya + nti”, ngôi III, số nhiều] dẫn dắt đi, dẫn đi.

Duggatiṃ [đối cách, số ít, nữ tính, hợp thể danh từ duggati (du + gati)] ác thú, khổ cảnh, cõi tái sanh khổ.

Việt văn:

6. Như sét sanh từ sắt,

sanh từ sắt, ăn sắt.

cũng vậy, người vi phạm,

tự nghiệp dẫn ác thú.

(pc 240)

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavana, vì chuyện của tỳ kheo Tissa.

Vị tỳ kheo ấy là dân thành Sāvatthi đã xuất gia, sau đó rời Jetavana đi đến an cư mùa mưa tại một ngôi tịnh xá vùng quê.

Mãn an cư, vị ấy nhận được tấm vải thô dài tám khuỷu tay. Sau khi tự tứ xong, vị ấy trở về thành Sāvatthi và mang theo tấm vải gửi cho người chị, lúc nào may y sẽ nhận lại.

Đại đức Tissa tìm đủ kim chỉ, bèn rủ thêm vài vị sa di trẻ đi đến nhà người chị để nhận tấm vải về may y.

Người chị của đại đức trao cho tấm vải mịn màng và khổ rộng dài khoảng chín khuỷu tay. Đại đức Tissa nói không phải tấm vải thô của mình gửi. Người chị mới giải thích việc dệt lại tấm vải thô ấy. Đại đức mới chịu lấy vải ấy mang về tịnh xá và bắt đầu may y.

Ngày hoàn tất, đại đức Tissa ngắm chiếc y đẹp và khởi lên sự tham luyến y ấy. Đại đức xếp y mới lại, rồi máng lên sào y nghĩ rằng ngày mai ta sẽ mặc; Nào ngờ đêm ấy, vì không thể tiêu hoá vật thực đã ăn lúc trưa nên đại đức mệnh chung. Do tâm tham luyến y mới, vị ấy tái sanh làm con rận trong chiếc y đó.

Chư tỳ kheo sau khi làm hậu sự hỏa táng nhục thể đại đức Tissa, đã lấy bộ y mới của vị ấy mà bốc thăm. Con rận trong bộ y kêu la: “Các vị này cướp tài sản của tôi”.

Đức Phật ngồi trong hương thất, với thiên nhĩ Ngài nghe được tiếng kêu ấy, bèn bảo thị giả: “Này Ānanda, ngươi hãy nói chư tăng đừng chia y của Tỳ kheo Tissa, để chờ qua bảy ngày nữa”. Trưởng lão Ānanda đã truyền đạt lời Thế Tôn.

Nói về con rận ấy, đến ngày thứ bảy chết sanh vào trời Đâu Suất. Qua ngày thứ tám, đức Thế Tôn truyền lệnh cho chư Tăng lấy y của đại đức Tissa mà chia.

Chư tỳ kheo họp bàn luận trong giảng đường: “Tại sao, đức Thế Tôn bảo giữ lại y của đại đức Tissa bảy ngày, đến ngày thứ tám mới cho phép chia y ấy?”

Bậc Đạo sư đến giảng đường, nghe câu chuyện chư tỳ kheo bàn tán, Ngài bảo: “Này các tỳ kheo, Tissa sanh làm con rận trong chiếc y của mình, khi các ngươi chia y đó, nó chạy chổ này chổ kia và gào thét: “Các người này, lấy tài sản của tôi” con rận ấy, khi các ngươi lấy y, nó khởi tâm phẫn nộ với chư Tăng, có thể sanh địa ngục, do đó, ta bảo giữ y lại không chia; nay con rận đã sanh về cõi trời Đâu Suất”.

_ “Bạch Thế Tôn, sự ái luyến thực là nghiêm trọng”.

_ “Phải, này chư tỳ kheo, đối với chúng sanh sự ái luyến quả thật nghiêm trọng. Như sét sanh từ sắt, lại ăn mòn sắt ấy, cũng vậy, ái này khởi lên nơi nội tâm chúng sanh lại khiến chúng sanh sanh vào khổ cảnh”. Nói xong, đức Phật thuyết bài kệ: Ayasā’ va malaṃ samuṭṭhitaṃ…v.v…sakakammāni nayanti duggatin’ ti.

Dứt pháp thoại có nhiều vị tỳ kheo đắc được thánh quả.

Lý giải:

Cụm từ atidhonacārī rất khó dịch. Làm gì đúng theo qui tắc, luật lệ thì gọi là dhonacārī. Sống vượt qua qui tắc ấy thì gọi là atidhonacārī (taṃ atikkamitvā caranto atidhonacārī nāma).

Trường hợp tỳ khưu Tissa, lẽ ra khi thọ dụng y phục (hay bốn vật dụng) phải quán tưởng mục đích dùng y…v.v…thọ dụng có trí tuệ, để không phạm tội và không sanh tham luyến, nhưng vị ấy thọ dụng y mới vượt qua qui tắt luật quán tưởng, nên gọi là atidhonacārī (người vi phạm, người vượt qua qui tắc).

Điều cần nói ở đây là, trong bài kệ có ý nghĩa: các ác nghiệp (do phiền não) tự mình tạo ra, tự sanh khởi trong tâm, ác nghiệp ấy dẫn đến khổ cảnh, ví như rỉ sét sanh khởi từ thanh sắt, nó ăn mòn lại thanh sắt vậy.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.