Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XV. Phẩm Uế Nhiễm (Malavagga) - Kệ số 12, 13, 14 (dhp 246, 247, 248)

Monday, 19/02/2024, 09:57 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 15.2.2024

XVIII

Phẩm Uế Nhiễm

 (Malavagga)

XVIII. Phẩm Uế Nhiễm_Kệ số 12, 13, 14 (dhp 246, 247, 248)

Chánh văn:

12. Yo pāṇaṃ atipāteti

musāvādañca bhāsati

loke adinnaṃ ādiyati

paradārañca gacchati.

(dhp 246)

13. Surāmerayapānañca

yo naro anuyuñjati

idh’ evameso lokasmiṃ

mūlaṃ khaṇati attano.

(dhp 247)

13. Evaṃ bho purisa jānāhi

pāpadhammā asaññatā

mā taṃ lobho adhammo ca

ciraṃ dukkhāya randhayuṃ.

(dhp 248)

Chuyển văn:

12. Loke yo pāṇaṃ atipāteti adinnaṃ ādiyati paradāraṃ ca gacchati musāvādaṃ ca bhāsati.

 

13. yo naro surāmerayapānaṃ ca anuyuñjati eso idha lokasmiṃ eva attano mūlaṃ khaṇati.

14. Bho purisa pāpadhammā asaññatā evaṃ jānāhi lobho ca adhammo ca taṃ ciraṃ dukkhāya mā randhayuṃ.

Thích văn:

Yo [chủ cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] ai, người nào.

Pāṇaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ pāṇa] hơi thở, sự sống, sinh vật.

Atipāteti [động từ hiện tại_tiến hành cách “ati + pat + ṇe”, ngôi III, số ít] huỷ hoại, tàn sát, giết hại.

Musāvādañca [hợp âm musāvādaṃ ca]

Musāvādaṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ musāvāda (musā + vāda)] vọng ngôn, lời nói dối.

Bhāsati [động từ hiện tại_tiến hành cách “bhās + a” ngôi III, số ít] nói, phát ngôn.

Loke [định sở cách, số ít, nam tính, danh từ loka] ở đời, trong đời, trong thế gian.

Adinnaṃ [đối cách, số ít, trung tính, tính từ, danh từ adinna (a + dinna)] vật không được cho, vật chưa cho.

Ādiyati [động từ hiện tại_tiến hành cách “ā + dā + iya”, ngôi III, số ít] lấy đi, cầm đi.

Paradārañca [hợp âm paradāraṃ ca]

Paradāraṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ paradāra [para + dāra] vợ của người khác, vợ người.

Gacchati [động từ hiện tại_tiến hành cách “gam + a”, ngôi III, số ít] đi đến, đến với.

Surāmerayapānañca [hợp âm surāmerayapānaṃ ca]

Surāmerayapānaṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ surāmerayapāna (surā + meraya + pāna)] sự uống rượu và chất say, sự uống rượu ngâm và rượu nấu.

Naro [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ nara] người, con người; người nam.

Anuyuñjati [động từ hiện tại_tiến hành cách “anu + yuj + ṃ_a”, ngôi III, số ít] chạy theo, bắt tay vào, lâm vào.

Idh’ evameso [hợp âm idha eva eso]

Idha [trạng từ] ở đây, đời này.

Eva [bất biến từ] (tiếng đệm có ý nhấn mạnh)

Eso [chủ cách, số ít, nam tính, đại từ eta] đó, người đó.

Lokasmiṃ như chữ loke đã thích từ.

Mūlaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ mūla] gốc, rễ, căn cội.

Khaṇati [động từ hiện tại_tiến hành cách “khaṇ + a”, ngôi III, số ít] đào bứng, đào bới.

Attano [sở thuộc cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ atta] của mình, của chính ta, tự mình.

Evaṃ [trạng từ] như vậy, như vầy.

Bho purisa [hô cách, số ít, nam tính, danh từ purisa. Có bất biến từ “bho” đi cặp] hỡi người kia!

Jānāhi [động từ mệnh lệnh cách “ñā + a”, ngôi II, số ít] hãy biết, hãy hiểu.

Pāpadhammā [chủ cách, số nhiều, nam tính, hợp thể danh từ pāpadhamma (pāpa + dhamma)] các pháp xấu, các ác pháp.

Asaññatā [chủ cách, số nhiều, nam tính, hợp thể tính từ asaññata (a + saññata) quá khứ phân từ saññameti. Cũng viết là saṃyata)] không chế ngự, không kềm chế.

[bất biến từ] chớ, đừng.

Taṃ [đối cách, số ít, nhân xưng đại từ tumha] ngươi, mi, anh.

Lobho [chủ cách, số ít, nam tính, danh tình lobha] sự tham muốn, lòng tham.

Adhammo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể adhamma (a + dhamma)] điều phi pháp, điều sai trái.

Ciraṃ [trạng từ] lâu, lâu dài.

Dukkhāya [chỉ định cách, số ít, trung tính, danh từ dukkha] đến sự khổ.

Randhayuṃ [động từ thì quá khứ_hiện khứ cách “randh + aya + uṃ”, ngôi III, số nhiều] đã nung nấu.

Việt văn:

12. Ở đời, ai sát sanh,

nói ra điều vọng ngôn,

lấy vật chưa được cho,

đi đến vợ người khác.

(pc 246)

13. Người nào dấn thân vào

uống rượu men, rượu nấu

chính ngay trong đời này

nó tự đào bứng gốc.

(pc 247)

14. Hỡi người, hãy nên biết,

ác pháp khó kềm chế

đừng để tham, phi pháp

nung nấu người khổ dài.

(pc 248)

12.13. Trong thế gian, người nào sát sanh, lấy của người chưa cho, đi đến với vợ người, nói vọng ngữ, dấn thân vào rượu chè say xỉn. Người đó tự đào bới gốc rễ ngay trong đời này.

14. Hỡi người hiền, các ác pháp là khó chế ngự, hãy biết như vậy, đừng để lòng tham và điều phi pháp nung nấu người đau khổ lâu dài.

Duyên sự:

Ba bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavana, gần thành Sāvatthi, do chuyện của năm người cận sự nam tranh luận về giới.

Trong thành Sāvatthi, có năm cận sự nam là bạn của nhau, họ thường hội hợp cùng nhau bàn luận về pháp.

Một hôm, họ luận bàn về giới nào trong ngũ giới là khó giữ nhất. Một người thì cho rằng: “Giới tránh sát sanh là khó giữ nhất”. Người thì bảo: “Giới tránh trộm cướp là khó giữ nhất”. Người nọ thì nói: “Giới kiêng tà dâm” mới khó làm nhất. Người khác đưa ý kiến: “Giới kiêng nói dối mới thật là khó hành trì”. Người sau cùng lại cho rằng: “Giới khó giữ nhất, là giới kiêng uống rượu và chất say”. Cả năm người cận sự nam tranh luận sôi nổi, ai cũng bảo thủ ý kiến của mình.

Cuối cùng họ dẫn nhau đi đến đức Thế Tôn và trình bày tất cả ý kiến tranh luận của mọi người cho đức Thế Tôn nghe.

Bậc Đạo sư nghe xong câu chuyện của họ, Ngài dạy: “Dù là giới nào cũng không dễ hành trì, bởi tất cả ác pháp như sát sanh, trộm cắp…v.v…đều khó chế ngự”. Nói xong, đức Thế Tôn thuyết ba bài kệ: Yo pāṇaṃ atipāteti…v.v…ciraṃ dukkhāya randhayun’ ti.

Dứt pháp thoại, cả năm người cận sự nam ấy đã chứng đắc quả dự lưu.

Lý giải:

Hai bài kệ 246 và 247, đức Phật dạy rằng: kẻ phàm phu trong đời hành động xấu như sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu. Kẻ đó ngay trong đời này bứng gốc chính mình.

Gọi là sát sanh (pāpaṃ atipāteti), tức là phá huỷ mạng sống chúng sanh có thức tánh, cắt đứt mạng quyền của chúng sanh.

Gọi là trộm cướp (adinnaṃ ādiyati), tức là đoạt lấy vật có sở hữu chủ mà chưa được cho. Lấy trộm hoặc lấy cướp.

Gọi là tà dâm (micchācāraṃ carati), tức là quan hệ bất chính với vợ hoặc chồng người khác. Trong bài kệ, đức Phật thuyết “paradārañca gacchati, đi đến với vợ người”, vì Ngài đang thuyết cho những cận sự nam.

Gọi là nói dối (musāvādañca bhāsati), tức là nói lời nói sai sự thật, nói láo để che giấu sự thật.

Gọi là uống rượu và chất say (surāmerayapānañca anuyuñjati), là uống bất cứ nước gì lên men làm cho say, mất sự kiểm soát hành vi; Say sưa nghiện ngập.

Gọi là ngay trong đời này bứng gốc chính mình (Idh’ evameso lokasmiṃ mūlaṃ khaṇati attano), nghĩa là người mà sống vô đạo đức với sở hành sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nghiện rượu … đừng nói chi là đến đời sau, chỉ ngay trong đời sống này là đã tự bứng gốc mình rồi, tức là do dễ duôi, phóng túng họ không giữ được những tài sản ruộng đất, nhà cửa, vật dụng đã có, họ không tạo ra được những tài sản chưa có, họ trở thành nghèo khổ sống lang thang, không có nơi nương tựa. Đó là tự bứng gốc của mình.

Bài kệ 248:

Câu Evaṃ bho purisa jānāhi (hỡi người hiền, hãy hiểu như vầy). “Bho purisa” là cách gọi thân thiện, tức là Ngài đang gọi “Hỡi các cận sự nam”.

“Evaṃ jānāhi” (hãy hiểu như vầy), tức là hãy biết rằng “các ác pháp đều khó chế ngự” (pāpadhammā asaññatā), nghĩa là các pháp ác như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, uống rượu, phạm do thân, do tâm nên phải chế ngự cả thân và ý; ác pháp như nói dối, phạm do khẩu, do tâm nên phải chế ngự cả lời nói và ý. Không chế ngự tâm thì thân sẽ hành động ác và miệng sẽ nói lời ác.

Câu “mā taṃ lobho adhammo ca”. Lobho là tham; Adhammo là sân si. Tham sân si là gốc rễ của ác bất thiện. Đừng để tham_sân_si nung nấu người đau khổ lâu dài, nghĩa là đừng để mãnh lực phiền não dẫn dắt người hành theo ác pháp sát sanh…v.v…rồi phải chịu quả báo khổ, bị nung nấu trong địa ngục.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.