Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XV. Phẩm Uế Nhiễm (Malavagga) - Kệ số 10, 11 (dhp 244, 245)

Sunday, 04/02/2024, 18:26 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật   31.1.2023

XVIII

Phẩm Uế Nhiễm

 (Malavagga)

XVIII. Phẩm Uế Nhiễm_Kệ số 10, 11(dhp 244, 245)

Chánh văn:

10. Sujīvaṃ ahirikena

kākasūrena dhaṃsinā

pakkhandinā pagabbhena

saṅkiliṭṭhena jīvitaṃ.

(dhp 244)

11. Hirimatā ca dujjīvaṃ

niccaṃ sucigavesinā

alīnen’ appagabbhena

suddhājīvena passatā.

(dhp 245)

Chuyển văn:

10. Ahirikena kākasūrena dhaṃsinā pakkhandinā pagabbhena saṅkiliṭṭhena jīvitaṃ sujīvaṃ.

11. Hirimatā ca niccaṃ sucigavesinā alīnena appagabbhena suddhājīvena passatā dujjīvaṃ.

Thích văn:

Sujīvaṃ [đối cách, số ít, trung tính, hợp thể Sujīva (su + jīva). Được dùng như trạng từ] dễ sống thay! Sống dễ.

Ahirikena [sở dụng cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ ahirika (a + hiri + ka)] với sự không hổ thẹn, với sự không biết mắc cỡ, vô tàm.

Kākasūrena [sở dụng cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ kākasūra (kāka + sūra)] với sự trơ trẽn như loài quạ, với sự trân tráo như quạ.

Dhaṃsinā [sở dụng cách, số ít, nam tính, danh từ dhaṃsī] với sự kích bác, với sự bôi bác.

Pakkhandinā [sở dụng cách, số ít, nam tính, danh từ pakkhandī] với sự phô trương, với sự khoác lác, với sự khoe khoang.

Pagabbhena [sở dụng cách, số ít, nam tính, danh từ pagabbha] với sự táo bạo, với sự liều lĩnh, manh động.

Saṅkiliṭṭhena [sở dụng cách, số ít, nam tính, tính từ saṇkiliṭṭha (quá khứ phân từ của động từ saṅkilissati)] ô nhiễm, uế nhiễm.

Jīvitaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ jīvita] cuộc sống, lối sống.

Hirimatā [sở dụng cách, số ít, nam tính, tính từ hirimantu] với người có lòng tàm, với người có sự hổ thẹn.

Dujjīvaṃ [đối cách, số ít, trung tính, tính từ dujjīva (du + jīva). Được dùng như trạng từ] khó sống thay! Sống khó khăn.

Niccaṃ [trạng từ] thường, thường xuyên.

Sucigavesinā [sở dụng cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ sucigavesī (suci + gaves)] với sự hướng tìm trong sạch, tầm cầu trong sáng, tầm cầu sự tinh khiết.

Alīnen’ appagabbhena [hợp âm alīnena appagabbhena].

Alīnena [sở dụng cách, số ít, nam tính, tính từ alīna (a + līna)] với sự không tiêu cực, không thụ động.

Appagabbhena [sở dụng cách, số ít, nam tính, tính từ appagabbha (a + pagabbha)] với sự thận trọng, không liều lĩnh, không manh động.

Suddhājīvena [sở dụng cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ suddhājīva (suddha + ājīva)] bằng nuôi mạng thanh tịnh, sống thanh bạch.

Passatā [sở dụng cách, số ít, nam tính, tính từ passanta (hiện tại phân từ của động từ passati)] với người nhìn thấy, thấy biết, có tầm nhìn.

Việt văn:

10. Dễ thay! Sống không hổ,

sống trơ trẽn như quạ,

sống kích bác, phô trương,

sống táo bạo, nhiễm ô.

(pc 244)

11. Khó thay! Sống liêm sĩ,

thường hướng cầu trong sạch,

sống tích cực, thận trọng,

sống thanh bạch, hiểu biết.

(pc 245)

10. Dễ thay là đời sống không biết hổ thẹn, trơ trẽn như loài quạ, kích bác, phô trương, liều lĩnh táo bạo và ô nhiễm.

11. Khó thay là đời sống biết hổ thẹn, thường tầm cầu tịnh hạnh, không thụ động, không táo bạo, nuôi mạng thanh tịnh và biết chuyện.

Duyên sự:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết ở Jetavana, gần thành Sāvatthi, vì câu chuyện tỳ kheo  Cūḷasāri, đệ tử của Trưởng lão Sāriputta.

Tỳ kheo Cūḷasāri có biết y thuật, sau khi xuất gia vẫn làm nghề y. Một ngày kia, tỳ kheo Cūḷasāri vào thành làm thuốc trị bệnh cho một người dân, được gia đình ấy trả công bằng thực phẩm ngon quí.

Đang bưng bát thức ăn ra thành về chùa, giữa đường gặp Trưởng lão Sāriputta đang đi vào thành khất thực. Tỳ kheo Cūḷasāri bạch với trưởng lão: “Vật thực này con có được do làm thuốc trị bệnh; xin Ngài hãy thọ dụng thực phẩm này. Với nghề làm thuốc, con sẽ cúng dường đến Ngài thức ăn ngon quí thường xuyên”.

Trưởng lão Sāriputta nghe vị đệ tử nói vậy, Ngài im lặng bỏ đi luôn, không nói gì. Những vị tỳ kheo cùng đi khất thực với Trưởng lão Sāriputta sau khi về đến chùa đã trình bày chuyện này với bậc Đạo Sư.

Bậc Đạo sư phán dạy: “Này chư tỳ kheo, vị tỳ kheo làm nghề để được lợi lộc nuôi mạng thì rất dễ, nhưng đó là lối sống không biết hổ thẹn, tà mạng, nhiễm ô. Còn lối sống tàm quý, chánh mạng thì rất khó”. Rồi đức Phật đã nói lên hai bài kệ: Sujīvaṃ ahirikena…v.v…Hirimatā ca dujjīvaṃ…v.v…suddhājīvena passatā’ ti.

Dứt pháp thoại có nhiều vị tỳ kheo chứng đắc đạo quả.

Lý giải:

Có hai lối sống: Lối sống buông thả và lối sống nghiêm túc. Lối sống buông thả thì dễ sống; Lối sống nghiêm túc thì khó sống.

Lối sống buông thả, được đức Phật mô tả là sống không có liêm sĩ (không mắc cỡ với cái xấu), sống trơ trẽn (như loài quạ, đậu trên đầu tường rào nhà dân, người ta phơi thức ăn, nó làm như không biết, không thấy cái gì, khi người dân ấy tưởng lầm nên không ngó chừng, thì lúc ấy con quạ lao nhanh xuống đớp miếng thịt hay cá phơi rồi bay đi), sống kích bác (là hay phê phán chê bai vị tỳ kheo khác về giới, về thiền… để người cư sĩ nghĩ rằng, vị này biết phê phán như vậy, có thể vị này hoàn hảo rồi cúng dường cho), sống phô trương (tỏ ra mình là người siêng năng tinh tấn bằng hình thức bên ngoài, thấy có người đến thì cầm chổi quét, hoặc đắp y tề chỉnh rồi ngồi thiền hay đi kinh hành trước mặt họ), sống táo bạo (nói liều, làm liều, không có thận trọng dè dặt, không giữ ý tứ về lời nói, về hành động), sống nhiễm ô (hội đủ các khuyết điểm trong việc nuôi mạng, có những sở hành đáng bị khinh bỉ, sống với nội tâm hôi hám bẩn thỉu). Đó là lối sống buông thả mà đức Phật đã mô tả. Hạng ác tỳ kheo thích sống lối sống đó, vì dễ sống và dễ sanh lợi lộc. Nhưng đức Phật chê lối sống ô nhiễm đó.

Lối sống nghiêm túc, được đức Phật mô tả là sống liêm sĩ  (biết mắc cỡ với cái xấu, ngượng ngùng khi phải làm điều xấu), sống hướng cầu trong sạch (luôn luôn có khuynh hướng hành thân thiện hạnh, khẩu thiện hạnh, ý thiện hạnh), sống tích cực (không tiêu cực, không thụ động trong cách sống cao thượng), sống thận trọng (không liều lĩnh, táo bạo trong lời nói và hành động, cân nhắc khi nói, cân nhắc khi làm, không để mắc phải lỗi lầm), sống thanh bạch (nuôi mạng thanh tịnh, không vì sự nuôi mạng mà đánh mất giá trị phạm hạnh, đánh mất nhân phẩm), sống hiểu biết (biết nhìn và đánh giá cách sống nào là đẹp, là xấu, cách sống nào là đáng và không đáng). Đó là lối sống nghiêm túc mà đức Phật mô tả. Vị tỳ kheo hiền thiện sẽ chọn lối sống đó, mặc dù khó sống và đôi khi kham khổ. Nhưng đức Phật khen lối sống thanh tịnh đó.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.