Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XV. Phẩm Thân Ái (Piyavagga) - Kệ số 9 (dhp 217)

Monday, 04/12/2023, 05:38 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 3.12.2023

XVI

Phẩm Thân Ái

 (Piyavagga)

XVI. Phẩm Thân Ái_Kệ số 9 (dhp 217)

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Thế Tôn thuyết khi Ngài trú ở Veḷuvana, thành Rājagaha, do chuyện 500 thiếu niên Ngài gặp giữa đường lúc đi khất thực.

Một ngày nọ, đức Phật có tuỳ tùng 500 vị tỳ kheo đang đi vào thành Rājagaha để khất thực, Ngài nhìn thấy 500 thiếu niên trong ngày lễ hội, đội những mâm bánh ra khỏi thành đi đến khu vườn. Các thiếu niên ấy đảnh lễ Phật rồi đi thẳng, chứ không nghĩ đến cúng dường đức Phật hay một tỳ kheo nào. Khi những thiếu niên đã đi qua rồi, đức Phật nói với chư tỳ kheo rằng: “Này các tỳ kheo, các ngươi sẽ được ăn bánh”_ “Bánh ở đâu, bạch Thế Tôn?” _ “Các tỳ kheo, các ngươi không thấy những thiếu niên đội những mâm bánh đi qua đó sao?” _ “Bạch Thế Tôn, những thiếu niên ấy không cúng dường bánh đến một vị tỳ kheo nào cả!” _ “Này các tỳ kheo, nhưng vị tỳ kheo chủ nhân của chúng đang đi phía sau, chúng sẽ dâng bánh”. Đối với chư Phật, không có sự ganh tỵ hoặc ghét bỏ một người nào.

Sau khi nói vậy, đức Phật đã dẫn chúng tỳ kheo đến ngồi tại một táng cây.

Nói về những thiếu niên kia, sau khi nhìn thấy trưởng lão Mahākassapa đang từ phía sau đi đến, chúng sanh lòng kính mến, toàn thân tràn ngập phỉ lạc, chúng để những mâm bánh xuống rồi đảnh lễ trưởng lão và dâng lên những mâm bánh: “Bạch Ngài, xin hãy nhận bánh”. Trưởng lão đã nói với chúng: “Đó là bậc Đạo Sư, đang ngồi tại gốc cây với chúng tỳ kheo, các con hãy mang bánh này đến dâng cho Ngài và phân phát cho chúng tỳ kheo” _ “Thưa vâng, bạch Ngài”.

Các thiếu niên cùng vị trưởng lão đi đến chổ đức Phật và chúng tỳ kheo, dâng bánh và nước uống đến quí Ngài.

Chư tỳ kheo hiềm trách: “Thực phẩm mà các thiếu niên cúng dường là do nhìn mặt, ngay cả đức Chánh Đẳng Giác và chư vị trưởng lão cũng không được hỏi thăm hay cúng dường bánh, vậy mà khi thấy trưởng lão Mahākassapa thì chúng mới nghe lời đem bánh đến cúng dường”.

Bậc Đạo sư nghe được lời phàn nàn của chư tỳ kheo, Ngài phán bảo: “Này chư tỳ kheo, một vị tỳ kheo giống như Mahākassapa con trai ta, là người được chư thiên nhân loại yêu mến, thiên nhân hằng cúng dường đến vị ấy”. Nói xong, đức Phật thuyết lên bài kệ: Sīladassanasampannaṃ…v.v…taṃ jano kurute piyan’ ti.

Dứt kệ ngôn, 500 thiếu niên đó chứng quả dự lưu.

Chánh văn:

9. Sīladassanasampannaṃ

Dhammaṭṭhaṃ saccavedinaṃ

attano kamma kubbānaṃ

taṃ jano kurute piyan’ ti.

(dhp 217)

Thích văn:

Sīladassanasampannaṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ “sīla + dassana + sampanna”] vị đã thành tựu giới và tri kiến, vị có giới cụ túc và kiến cụ túc.

Dhammaṭṭhaṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ “dhamma + ṭha (hā)”] vị đã trú trong chánh pháp, trú pháp.

Saccavedinaṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ “sacca + vedī”] vị chứng nghiệm chân lý.

Attano [sở thuộc cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ atta] của mình.

Kamma (kammaṃ) [đối cách, số ít, trung tính, danh từ kamma] việc làm, sự tạo tác, phận sự.

Kubbānaṃ (kubbamānaṃ) [đối cách, số ít, nam tính, hiện tại phân từ kubbāna = kubbamāna] làm, thực hành.

Taṃ [đối cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ “ta”] vị ấy, người ấy.

Jano [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ jana] quần chúng.

Kurute [động từ tiến hành cách, loại attanopada “kar” (=karoti, kubbati)] dùng như một trợ động từ, “thể hiện, làm nên”.

Piyaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ piya] yêu mến, yêu quí.

Việt văn:

9. Cụ túc giới, tri kiến.

trú pháp, chứng chân lý,

hoàn thành phận sự của mình,

quần chúng yêu vị ấy.

(pc 217)

Chuyển văn:

Sīladassanasampannaṃ dhammaṭṭhaṃ saccavedinaṃ attano kammaṃ kubbānaṃ taṃ jano piyaṃ kurute.

Một vị cụ túc giới hạnh và tri kiến, vị trú pháp, vị chứng nghiệm chân lý, vị làm xong việc của mình, vị ấy được quần chúng yêu kính.

Lý giải:

Tôn giả Mahākassapa là vị đại đệ tử Phật, tối thắng hạnh đầu đà, tôn giả là bậc Lậu tận như bao nhiêu vị A la hán khác. Nhưng tôn giả Mahākassapa có đức độ khiến chư tăng đều kính trọng, chư thiên và loài người cũng kính yêu tôn giả… Tôn giả có phước hội chúng.

Không phải đức Phật uy lực kém hơn đệ tử, nhưng vì nhiều người đã từng là hội chúng của tôn giả nên thuận dòng.

Chư Phật hiểu rõ khuynh hướng của chúng sanh, thuận dòng sẽ kết hợp với nhau, nên chư Phật không có sự ganh tỵ với đệ tử. Các vị đệ tử dù có hội chúng lớn và lợi lộc nhiều, nhưng các vị ấy đều hướng dẫn họ theo pháp của bậc Đạo sư, cũng như các kênh rạch chảy ra sông, rồi những con sông cũng chảy vào biển cả vậy.

Trong bài kệ này, đức Phật mô tả một vị A la hán, bậc mô phạm của chư thiên và nhân loại:

Vị A la hán là vị giới hạnh cụ túc (sīlasampatti), tri kiến cụ túc (diṭṭhisampatti).

Vị A la hán là vị trú pháp (dhammaṭṭha), tức là trú trong chín pháp siêu thế (navavidhalokuttaradhamme ṭhitaṃ)

Vị A la hán là vị chứng chân lý (saccavedī), tức là chứng ngộ bốn chân lý hay tứ đế (catunnaṃ saccānaṃ sacchikatattā).

Vị A la hán là vị hoàn thành nhiệm vụ của mình (attano kammaṃ kubbānaṃ), tức là hoàn tất tam học (tisso sikkhā tā pūrayamānaṃ).

Một con người như vậy, hằng được quần chúng thiên nhân ái mộ.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.