Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XV. Phẩm Thân Ái (Piyavagga) - Kệ số 7 (dhp 215)

, 25/11/2023, 20:17 GMT+7

 

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật  26.11.2023

XVI

Phẩm Thân Ái

 (Piyavagga)

XVI. Phẩm Thân Ái_Kệ số 7 (dhp 215)

Dục vọng sanh sầu muộn
Dục vọng sanh lo sợ
Người thoát khỏi dục vọng
Không sầu. Sao lo sợ?

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài trú ở Jetavana thành Sāvatthi, do chuyện công tử Anitthigandha.

Tương truyền, trong thành Sāvatthi có cậu công tử con nhà trưởng giả. Công tử nầy từ nhỏ đã không thích mùi nữ nhân nên công tử mang tên Anitthigandhakumāra.

Lớn lên công tử Anitthigandha không muốn cưới vợ. Cha mẹ chàng năn nỉ chàng lấy vợ để có con nối dõi tông đường.

Chàng miển cưởng nghe theo nhưng với một yêu cầu là tìm được nữ nhân đúng theo ý chàng, thì chàng mới lấy.

Công tử liền thuê những nghệ nhân đúc tượng về nhà, chàng bỏ ra một ngàn lượng vàng cho họ đúc một tượng mỹ nhân có nét đẹp tuyệt trần như vị thiên nữ.

Cha mẹ chàng mời các vị bà la môn thông thái, hoạt bát, nhờ họ mang pho tượng mỹ nhân đi tìm người con gái đẹp như pho tượng nầy.

Các vị bà la môn lảnh sứ mệnh ra đi. Họ vân du từ xứ nầy đến xứ khác để tìm mỹ nhân. Nơi nào mà người ta trầm trò khen ngợi pho tượng thì các bà la môn biết rằng nơi đó không có mỹ nhân, họ lại tiếp tục đi.

Khi họ đến kinh thành Sāgala xứ Madda, trong thành có nhà trưởng giả có cô con gái tuổi mười sáu, nhan sắc tuyệt trần. Bà vú của tiểu thơ từ bến nước đi vào thành trong thấy pho tượng từ xa ngỡ là tiểu thư nhà mình đi chơi, bà bèn chạy đến pho tượng thấy không phải nên lằm bằm. Các vị bà la môn biết rằng ở đây có mỹ nhân như pho tượng, họ hỏi bà vú và xin được về nhà bá hộ để xem mắt vị tiểu thơ.

Quả nhiên, tiểu thơ nhà nầy có nhan sắc như vị tiên nữ, có phần trội hơn cả pho tượng. Các bà la môn ngỏ lời cầu hôn cho công tử của họ. Cha mẹ tiểu thơ đồng ý gả con gái.

Các vị bà la môn đưa tin về nhà bá hộ Sāvatthi, nói là đã tìm thấy người con gái đúng ý công tử. Cha mẹ chàng sai người mang sính lễ đến nhà tiểu thử và kiệu vàng rước nàng về.

Ở Sāvatthi, công tử Anitthigandha sau khi nghe tin báo đã tìm được người phụ nữ có nhan sắc mỹ lệ, xinh đẹp như pho tượng vàng của chàng, bổng nhiên trong lòng chàng trổi dậy tình cảm đối với cô gái ấy. Chàng trông đợi nàng đến.

Nàng tiểu thư được rước đi bằng xe. Đường xa ngồi xe, tiểu thư mệt mỏi vì trải qua cuộc hành trình nên đã không chịu nổi, mệnh chung nữa đường.

Công tử Anitthigandha sốt ruột chờ mong giai nhân. Thế rồi người ta đã báo tin xấu cho chàng: “Cô dâu đã chết!”.

Chàng công tử cỏi lòng tan nát, mối sầu tương tư tuyệt vọng đè nặng lên người chàng.

Sáng hôm đó, đức Phật quán xét thế gian, thấy được duyên lành đạo quả của vị công tử nầy. Ngài đi vào thành Sāvatthi khất thực đến đứng trước của nhà của công tử Anitthigandha. Cha mẹ  của công tử đã thỉnh đức Phật vào nhà và cúng dường thực phẩm. Sau khi thọ thực, Ngài hỏi:

_Công tử Anitthigandha đâu rồi?

_Bạch Ngài, nó đã bỏ ăn và nằm liệt giường trong phòng.

_Hãy gọi cậu ấy ra đây!

Công tử Anitthigandha được gọi đã bước ra đảnh lễ đức Phật và ngồi xuống một bên. Đức Phật hỏi:

_Này công tử, sao lại âu sầu thế?

_Bạch Ngài, người phụ nữ con yêu, nàng đã đột ngột qua đời nên con đau khổ.

_Công tử có biết vì đâu mà công tử sầu khổ không?

_Con không biết!

_Nầy công tử, vì ái dục mà sanh sầu khổ, vì ái dục mà sanh sợ hãi.

Nói rồi, đức Phật thuyết lên bài kệ: Kāmato jāyatī soko…v.v…natthi soko kuto bhayan’ ti.

Dứt kệ ngôn, công tử Anitthigandha chứng đắc quả dự lưu.

Chánh văn:

7. Kāmato jāyatī soko

kāmato jāyatī bhayaṃ

kāmato vippamuttassa

natthi soko kuto bhayaṃ.

(dhp 215)

Thích văn:

Kāmato [kāma + to. Dùng như xuất xứ cách cho cả số ít và số nhiều] từ dục vọng, từ ái dục.

Những từ ngữ còn lại cũng giống như các bài kệ trước (dhp 212, 213, 214)

Chuyển văn:

Kāmato soko jāyati, kāmato bhayaṃ jāyati, kamato vippamuttassa soko natthi bhayaṃ kuto?

Sầu muộn sanh ra do dục vọng, lo sợ sanh ra do dục vọng. Đối với người đã thoát khỏi dục vọng thì không có sầu muộn, từ đâu có lo sợ?

Lý giải:

Có hai thứ dục (kāma) là vật dục (vatthukāma) như sắc dục, thinh dục, hương dục, vị dục và xúc dục; Phiền não dục (kīlesakāma) như sắc ái, thinh ái, hương ái, vị ái và xúc ái.

Có trường hợp chúng sanh sầu muộn sợ hãi do nhiễm đắm sắc, thinh, hương, vị, xúc, như công tử Anitthigandha. Do đó đức Phật mới thuyết: Kāmato jāyati soko kāmato jāyati bhayaṃ…

Người biết rõ điều đó nên phòng họ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân khi thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng.

Có chánh niệm tỉnh giác khi thấy…v.v…nghĩ rằng: “do ái sắc, ái thinh…mà phát sanh sự sầu muộn, sự sợ hãi”.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn