Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XV. Phẩm Thân Ái (Piyavagga) - Kệ số 5 (dhp 213)

, 18/11/2023, 20:30 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật  19.11.2023

XVI

Phẩm Thân Ái

 (Piyavagga)

XVI. Phẩm Thân Ái_Kệ số 5 (dhp 213)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavana ở thành Sāvatthi, vì chuyện tín nữ Visākhā khóc cháu nội chết.

Tương truyền, bà cận sự nữ Visākhā có cô cháu nội Sudattā. Cô cháu nầy siêng năng giỏi giang và có niềm tin tam Bảo được bà nội quí yêu. Bà Visākhā đặt đứa cháu gái nầy đóng vài trò của bà lo phục vụ cúng dường chúng tỳ kheo mỗi ngày tại nhà.

Thời gian sau đó, cô cháu gái đột ngột qua đời.

Bà Visākhā thương tiếc đứa cháu gái, đau khổ khôn nguôi.

Bà đi đến Jetavana bái kiên đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên buồn bã, khóc tức tửi.

Đức Phật bèn hỏi: “Này Visākhā, có chuyện gì mà con khổ sở buồn bã, ngồi khóc nước mắt đầy mặt thế kia?”

Bà Visākhā trình bày việc đứa cháu nội yêu quí đã chết đi; “Một đứa cháu ngoan ngoãn và chu toàn trách nhiệm, con rất yêu thương nó, nay không còn thấy mặt đứa cháu yêu nữa”.

“Nầy Visākhā, trong thành Sāvatthi có khoảng bao nhiêu người?”

“Bạch Thế Tôn, con nghe nói khoảng bảy mươi triệu người”.

“Nếu chừng ấy người là cháu của ngươi, ngươi có muốn không?”

“Dạ muốn, bạch Thế Tôn”.

“Hằng ngày trong thành Sāvatthi có bao nhiêu người chết?”

“Nhiều người chết, bạch Thế Tôn!”

“Nếu như vậy thì nầy Visākhā, ngươi chắc không có thời gian nào không sầu khổ, vì ngày đêm phải khóc than ly biệt người thân!”

“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu rồi ạ”.

Bậc Đạo sư dạy: “Bởi thế, chớ có sầu muộn. Sự sầu bi hoặc lo sợ đều sanh ra do yêu thương”.

Nói xong, đức Phật thuyết lên bài kệ: Pemato jāyati soko…v.v…natthi soko kuto bhayan’ ti.

Dứt pháp thoại, có nhiều đắc thánh quả dự lưu.

Chánh văn:

5. Pemato jāyatī soko

pemato jāyatī bhayaṃ

pemato vippamuttassa

natthi soko kuto bhayaṃ.

(dhp 213)

Thích văn:

Pemato [pema + to, dùng như xuất xứ cách cho cả số ít và số nhiều] từ sự thương yêu, từ sự mến thương.

Các từ ngữ còn lại giống như bài kệ trước.

Việt văn:

5. Do thương sanh sầu muộn

do thương sanh lo sợ.

người thoát khỏi thương mến

không sầu, đâu lo sợ.

(pc 213)

Chuyển văn:

Pemato soko jāyati pemato bhayaṃ jāyati pemato vippamuttassa soko natthi bhayaṃ kuto?

Sầu muộn sanh ra từ thương yêu, lo sợ sanh ra từ thương yêu. Đối với người đã thoát khỏi sự yêu thương thì không có sự sầu muộn, từ đâu có sự lo sợ ?

Lý giải:

Bài kệ nầy cũng có ý nghĩa như bài kệ trước, nhưng ở đây dùng từ ngữ “pemato” (từ sự thương yêu) thay vì ở bài kệ trước dùng từ “piyato” (từ sự thân ái).

Một người mẹ hay người cha quá thương yêu con trai con gái, hoặc người ông hay người bà quá thương yêu cháu nội cháu ngoại. Người ấy sẽ sầu muộn lo lắng khi con cháu gặp chuyện bất trắc…Nên đức Phật mới dạy rằng do thương yêu sanh sầu muộn, do thương yêu sanh lo sợ.

Người nào dứt sự thương yêu rồi mới không có sầu muộn, không có lo lắng.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn