Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XV. Phẩm Phẫn Nộ (Kodhavagga) - Kệ số 7, 8, 9, 10 (dhp 227, 228, 229, 230)

Thursday, 11/01/2024, 17:47 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 10 .1.2023

XVII

Phẩm Phẫn Nộ

 (Kodhavagga)

XVII. Phẩm Phẫn Nộ_Kệ số 7, 8, 9, 10 (dhp 227, 228, 229, 230)

Chánh văn:

7. Porāṇametaṃ atula

n’ etaṃ ajjatanāmiva

nindanti tuṇhimāsīnaṃ

nindanti bahubhāninaṃ

mitabhāṇinampi nindanti

natthi loke anindito.

(dhp 227)

8. Na c’ āhu na ca bhavissati

na c’ etarahi vijjati

ekantaṃ nindito poso

ekantaṃ vā pasaṃsito

(dhp 228)

9. Yañce viññū pasaṃsanti

anuvicca suve suve

acchiddavuttiṃ medhāviṃ

paññāsīlasamāhitaṃ.

(dhp 228)

10. Nekkhaṃ jambonadass’ eva

ko taṃ ninditum_arahati

devāpi taṃ pasaṃsanti

brahmunāpi pasaṃsito.

(dhp 230)

Chuyển văn:

7. Atula, etaṃ porāṇaṃ ajjatanaṃ iva na tuṇhī āsīnaṃ nindanti bahubhāṇinaṃ api nindati mitabhāṇinaṃ api nindanti loke anindito natthi.

8. Ekantaṃ nindito poso vā ekantaṃ pasaṃsito na ca āhu na ca bhavissati etarahi na ca vijjati.

9. Viññū ce acchiddavuttiṃ medhāviṃ paññāsīlasamāhitaṃ yaṃ anuvicca suve suve pasaṃsanti.

10. Taṃ jambonadassa nekkhaṃ iva ko nindituṃ arahati taṃ devā api pasaṃsanti brahmunā api pasaṃsito.

Thích văn:

Porāṇametaṃ [hợp âm porāṇaṃ etaṃ]

Porāṇaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ porāṇa] thời xưa, ngày xưa.

Etaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, đại từ eta] điều đó, sự việc đó, sự kiện đó.

Atula [hô cách, số ít, nam tính, danh từ riêng (tên người)] này Atula! Hỡi Atula.

Netaṃ [hợp âm na etaṃ]

Na [bất biến từ phủ định] không là, không có.

Ajjatanāmiva [hợp âm ajjatanaṃ eva]

Ajjatanaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ ajjatana] thời nay, ngày nay. Do âm vận thi kệ nên đọc là “ajjatanāmiva”.

Eva [bất biến từ] chỉ là. Do âm vận thi kệ nên đọc là “iva” (ajjatanāmiva).

Nindanti [động từ tiến hành cách “nind + a + nti”, ngôi III, số nhiều] chê bai.

Tuṇhimāsīnaṃ [hợp âm tuṇhī_m_āsīnaṃ (hai nguyên âm kề nhau có thể xen một phụ âm)]

Tuṇhī [trạng từ] im lặng, nín thinh.

Āsīnaṃ [đối cách, số ít, nam tính, quá khứ phân từ āsīna (của động từ āsati)] ngồi, đã ngồi.

Bahubhāṇinaṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ bahubhāṇī (bahu + bhāṇa + ī)] người nói nhiều.

Mitabhāṇinampi [hợp âm mitabhāninaṃ api]

Mitabhāṇinaṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ mitabhānī (mita + bhāna + ī)] người nói chừng mực, người nói ít.

Natthi [động từ tiến hành cách “na + as (atthi)”, ngôi III, số ít] không có, chẳng có.

Loke [định sở cách, số ít, nam tính, danh từ loka] trong thế gian, trong đời.

Anindito [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ anindita (na + nindita quá khứ phân từ của động từ nindati)] không bị chê, người không bị chê.

C’ āhu [hợp âm ca ahu]

Ahu [động từ quá khứ_hiện khứ cách “hū + u”, ngôi III, số ít] đã là, đã xảy ra.

Bhavissati [động từ vị lai_tương lai cách “bhū + a + issati”, ngôi III, số ít] sẽ là, sẽ xảy ra.

C’ etarahi [hợp âm ca etarahi]

Etarahi [trạng từ] hiện tại, hiện nay.

Vijjati [động từ hiện tại_tiến hành cách “vid + ya”, ngôi III, số ít] hiện hữu, đang tồn tại, đang diễn ra.

Ekantaṃ [trạng từ] hoàn toàn, trọn vẹn.

Nindito [chủ cách, số ít, nam tính, quá khứ phân từ nindita của động từ nindati] bị chê.

Poso [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ posa] người nam; con người, hạng người.

Posaṃsito [chủ cách, số ít, nam tính, quá khứ phân từ pasaṃsita của động từ pasaṃsati] được khen.

Yañce [hợp âm yaṃ ce]

Yaṃ [đối cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] người nào, vị nào, ai.

Ce [giới từ] nếu, nếu như, nếu có.

Viññū [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ viññū] các bậc trí, những người có trí.

 

Pasaṃsanti [động từ hiện tại_tiến hành cách “pa + sa+ a + nti”, ngôi III, số nhiều] khen, ca ngợi, tán thán.

Anuvicca [bất biến quá khứ của động từ anuvicināti] sau khi suy xét, sau khi cân nhắc, khi đã thẩm xét.

Suve [trạng từ] ngày mai. “Suve suve” thành ngữ trạng từ “ngày ngày”.

Acchiddavuttiṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ acchiddavuttī (a + chidda + vutti + ī) hạnh kiểm không tỳ vết.

Medhāviṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ medhāvī] người trí, người minh mẫn.

Paññāsīlasamāhitaṃ [đối cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ “paññā + sīla + samāhita”] có trí tuệ và giới hạnh.

Nekkhaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ nekkha] đồng tiền.

Jambonadassa’ eva [hợp âm jambonudassa iva].

Jambonadassa [sở thuộc cách, số ít, trung tính, danh từ jambonada] vàng ròng, vàng nguyên chất, vàng y.

Iva [bất biến từ tỷ giảo] như, ví như.

Ko [chủ cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] ai? người nào? Kẻ nào?

Taṃ [đối cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] người ấy, vị ấy.

Nindituṃ [vị biến cách nguyên mẫu] để chê bai.

Arahati [động từ hiện tại tiến hành cách “arah + a”] đáng, xứng.

Devāpi [hợp âm devā api]

Devā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ deva] các vị trời, các thiên tiên, chư thiên.

Api [bất biến từ] cũng, cũng thế.

Brahmunāpi [hợp âm brahmunā api]

Brahmunā [sợ dụng cách, số ít, nam tính, danh từ brahma] bởi vị phạm thiên.

Pasaṃsito [chủ cách, số ít, nam tính, quá khứ phân từ pasaṃsita của động từ pasaṃsati] được ngợi khen, được tán thán.

Việt văn:

7. Atula, điều này

xưa có, không chỉ nay:

họ chê người ngồi im,

họ chê người nói nhiều

họ chê người nói ít,

làm người không bị chê

không có trong thế gian.

(pc 227)

8. Đã không, và sẽ không

hiện tại cũng không có

người hoàn toàn bị chê,

người hoàn toàn được khen.

(pc 228)

9. Bậc trí nếu khen ai

nhận xét kỷ ngày ngày

minh triết, không tỳ vết,

có đủ giới định tuệ.

(pc 229)

10. Ai dám chê người ấy

hạnh sáng như vàng ròng?

bậc ấy, trời cũng khen

phạm thiên cũng tán thán.

(pc 230)

7. Này A_tu_la, điều này không phải chỉ có ngày nay, mà có từ ngàn xưa, là ngồi im họ cũng chê, nói nhiều họ cũng chê, kiệm lời họ cũng chê; trong đời không có người không bị chê.

8. Người toàn bị chê hoặc toàn được khen là chuyện không từng có, sẽ không có, và hiện tại không xảy ra.

9. Các bậc trí nếu khen ai thì đã ngày này qua ngày kia nhận xét, người ấy là người minh triết, sở hành không tỳ vết, có đủ Giới định tuệ (mới khen).

10. Ai lại dám chê vị ấy? Vị có hạnh sáng như vàng ròng. Chư thiên cũng khen vị ấy, đến phạm thiên cũng tán thán.

Duyên sự:

Bốn bài kệ này, đức Phật thuyết cho 500 vị thiện nam dẫn đầu là cận sự nam Atula, khi thế Tôn trú tại Jetavana, gần thành Sāvatthi.

Dân thành Sāvatthi có ông cận sự nam tên Atula, ông này dẫn đầu nhóm 500 thiện nam.

Ngày kia, cận sự nam Atula dẫn đoàn thiện nam ấy đi đến chùa để nghe pháp. Họ muốn nghe pháp nơi trưởng lão Revata, nên đến trưởng lão đảnh lễ và ngồi xuống. Nhưng trưởng lão Revata vốn thích thiền tịnh, độc hành, do đó Ngài đã không nói gì với họ. Thiện nam Atula nghĩ “vị trưởng lão này không nói gì cả!” Bực bội đứng dậy đi đến trưởng lão Sāriputta.

Trưởng lão Sāriputta hỏi họ: “Các vị đến với mục đích gì?” “Bạch Ngài, con dắt các thiện nam này đến tôn giả Revata để nghe pháp, nhưng tôn giả ấy đã không thuyết pháp cho con nghe” “Thế thì các ông hãy ngồi xuống”. Rồi tôn giả Sāriputta đã thuyết Vi Diệu Pháp với nhiều khía cạnh. Ông Atula suy nghĩ: “Đề tài Vi Diệu Pháp quá vi tế, trưởng lão này thuyết nhiều, với pháp thoại này có lợi gì cho chúng ta đâu?” Rồi bực bội dắt hội chúng đi đến tôn giả Ānanda.

Tôn giả Ānanda hỏi: “Này các cận sự nam, có việc gì?”. Họ đáp: “Bạch Ngài, chúng con muốn nghe pháp đi đến Trưởng lão Revata, thì vị ấy im lặng không thuyết câu nào; Chúng con đến Trưởng lão Sāriputta thì trưởng lão thuyết Vi Diệu Pháp dài dòng quá, chúng con chán nghe nên đi đến đây. Ngài hãy thuyết pháp cho chúng con nghe”. Trưởng lão Ānanda bảo họ ngồi xuống và Ngài thuyết pháp ngắn gọn cho họ dễ hiểu. Thế nhưng họ cũng không hoan hỷ bèn đi đến đức Phật. Sau khi đảnh lễ bậc Đạo Sư hỏi: “Này các cận sự nam, tại sao đến đây?” “Bạch Thế Tôn, chúng con đến để nghe pháp”_ “Há chẳng phải các người được nghe pháp rồi sao?”

Họ bèn thuật lại: “Bạch Thế Tôn, đầu tiên chúng con đến Trưởng lão Revata, vị ấy không nói gì với chúng con; Chúng con bực bội tìm đến Trưởng lão Sāriputta, vị ấy thuyết cho chúng con nghe nhiều về Vi Diệu Pháp; Chúng con không lãnh hội được nên chán đi đến trưởng lão Ānanda, vị ấy nói ít pháp cho chúng con, không hài lòng nên chúng con đến đây”.

Đức Thế Tôn nghe chuyện của họ, Ngài bảo: “Này Atula, thói đời từ xưa đến giờ im lặng cũng trách, nói nhiều cũng trách, nói ít cũng trách; Không có người toàn bị chê hoặc toàn được khen. Dầu là vua chúa cũng có người chê, cũng có người khen, ngay cả đại địa, mặt trời, mặt trăng, hư không hoặc như Đấng chánh đẳng giác ngồi giữa hàng tứ chúng thuyết pháp, cũng có một số người chê trách, một số người tán thán. Sự chê khen của những kẻ ngu muội thì không giới hạn; Chỉ có bậc trí, minh mẫn mới chê người đáng chê và khen người đáng khen”. Nói xong đức Phật thuyết lên bốn bài kệ này: Porāṇametaṃ Atula…v.v…brahmunāpi pasaṃsito’ ti.

Dứt pháp thoại cả năm trăm cận sự nam do Atula dẫn đầu đều được chứng quả dự lưu.

Lý giải:

Đức Phật là vị tối thượng y vương, Ngài biết cách lấy độc trị độc, Ngài biết rõ căn cơ của chúng sanh.

Khi nghe cận sự nam Atula nói mình muốn nghe pháp, nhưng đi đến ba vị đệ tử ưu tú của đức Phật, ông ta đều bực tức không hài lòng vì một vị ngồi im, một vị nói quá nhiều, một vị nói ít. Nghe vậy, đức Phật lấy sự kiện này làm đề tài pháp thoại thuyết cho nhóm thiện nam ấy chứng ngộ chân lý.

Xưa nay, thói thường cái gì cũng chê được. Im lặng cũng bị chê, nói nhiều cũng bị chê, nói ít cũng bị chê. Người sống ở đời không bị chê, là không có.

Xưa, nay và vị lai không có người hoàn toàn bị chê, cũng không có người hoàn toàn được khen.

Nhưng có khác giữa người ngu và bậc trí về việc chê khen. Kẻ ngu hể thích ai thì khen, không thích ai thì chê; hợp ý họ thì họ khen, nghịch ý họ thì họ chê. Bậc trí thì khác, đã xét kỷ về người nào mới chê điểm đáng chê, khen điểm đáng khen. Nên lời chê khen của bậc trí mới có giá trị và đáng lưu tâm.

Ở đây, đức Phật nói người mà được bậc trí khen, là người trí tuệ có sở hành không tỳ vết, thành tựu Giới định tuệ. Đức Phật khẳng định một con người hoàn hảo như vậy, giống như đồng tiền đúc từ vàng nguyên chất lấy từ sông Jambu, không khuyết điểm, thì ai xứng để chê trách chứ! Hạng thánh nhân ấy chí đến chư thiên, phạm thiên cũng ngưỡng mộ tán thán nữa mà!

Ý nghĩa các bài kệ pháp cú này nên hiểu như vậy.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.