Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XV. Phẩm An Lạc (Sukhavagga) - Kệ số 8 (dhp 204)

Sunday, 29/10/2023, 18:56 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 29.10.2023

XV

Phẩm An Lạc

 (Sukhavagga)

XV. Phẩm An Lạc_Kệ số 8 (dhp 204)

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật đã thuyết khi Ngài ngự tại chùa Jetavana thành Sāvatthi, vì chuyện đức vua Pasenadi.

Đức vua Pasenadi ăn rất nhiều, mỗi bữa, vua ăn cơm một đấu gạo. Vì ăn quá nhiều nên cơ thể nặng nề và lúc nào cũng uể oải mệt mỏi.

Một ngày kia, Nhà vua ăn sáng xong, đi đến Jetavana thăm viếng đức Phật, vua đảnh lễ Phật, rồi ngồi xuống một bên, không thể ngồi thẳng lưng vì buồn ngủ, nét mặt phờ rạc. Đức Thế Tôn thấy vậy mới nói với Nhà vua: “Sao đại vương không nghỉ ngơi mà đi đến đây làm gì?”

Vua đáp: “Bạch Thế Tôn, cứ sau bữa ăn là trẫm khổ sở như vậy”.

Đức Phật dạy: “Thưa đại vương, ăn quá nhiều, khổ là như vậy!”, Ngài nói tiếp bài kệ:

“Ăn nhiều, thân dả dượi,

ngủ mê, nằm lăn lóc

như heo được nuôi lớn

kẻ ngu đầu thai mãi”.

Khuyến cáo nhà vua xong, đức Phật giáo giới thêm:

“Người luôn có chánh niệm

khi ăn biết tiết độ

cảm thọ được nhẹ nhàng,

lâu già, tuổi thọ dài”.

Đức vua không thể học thuộc bài kệ, nên đã nói với đứa cháu trai Sudassana đứng bên cạnh: “Hiền điệt hãy học bài kệ này!”

Chàng thanh niên học thuộc bài kệ liền hỏi đức Phật: “Bạc Thế Tôn, con sẽ làm gì?”

Đức Phật dạy: “Lúc vua ăn, còn vắt cơm cuối cùng, ngươi hãy nói lên bài kệ này, vua sẽ cân nhắc ý nghĩa mà bỏ ăn vắt cơm đó, đồng thời khi nấu cơm cho vua cũng bớt lại gạo”. Thanh niên vâng lời.

Thời gian sau, đức vua đã giảm thiểu được suất ăn, nhiều lắm là một lon cơm mỗi bữa ăn. Thân thể gọn gàng và đạt được an lạc.

Một ngày kia, vua Pasenadi đi đến đức Phật, sau khi đảnh lễ Phật, vua nói: “Bạch Thế Tôn, bây giờ trẫm được an lạc rồi, trẫm có khả năng đuổi bắt thú rừng hươu nai; Trẫm cũng được an lạc khi chấm dứt chiến tranh với hoàng điệt Ajātasattu; Trẫm được an vui khi viên bảo ngọc tưởng đã mất nay đã tìm thấy; Trẫm cũng được an lạc khi cưới cô gái dòng Thích Ca, hoàn thành nguyện ước làm quyến thuộc của Thế Tôn”.

Đức Phật đúc kết lời tâm sự của Nhà vua bằng bài kệ: Ārogyaparamā lābhā…v.v…nibbānaparamaṃ sukhan’ ti.

Dứt pháp thoại có nhiều người đắc thánh quả dự lưu.

Chánh văn:

8. Ārogyaparamā lābhā

santuṭṭhiparamaṃ dhanaṃ

vissāsaparamā ñātī

nibbānaparamaṃ sukhaṃ.

(dhp 204)

Thích văn:

Ārogyaparamā [chủ cách, số nhiều, nam tính, hợp thể tính từ “ārogya + parama”] tối thắng là vô bệnh, tuyệt nhất là không bệnh.

Lābhā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ lābha] lợi đắc, lợi lộc.

Santuṭṭhiparamaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, hợp thể tính từ “Santuṭṭhi + parama”] tối thắng là tri túc, tuyệt nhất là biết đủ.

Dhanaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ dhana] tài sản, của cải.

Vissāsaparamā [chủ cách, số nhiều, nam tính, hợp thể tính từ “vissāsa + parama”] tối thắng là thân tình, tuyệt nhất là thân thiện.

Ñātī [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ ñāti] thân quyến, quyến thuộc.

Nibbānaparamaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, hợp thể tính từ “nibbāna + parama”] tối thắng là níp bàn, tuyệt nhất là níp bàn.

Sukhaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ sukha] sự hạnh phúc, sự an lạc.

Việt văn:

8. Vô bệnh, lợi đắc nhất

tri túc, giàu có nhất

thân tình, quyến thuộc nhất

níp bàn, lạc tối thắng.

(pc 204)

Chuyển văn:

Lābhā ārogayaparamā, dhanaṃ santuṭṭhiparamaṃ, ñātī vissāsaparamā, sukhaṃ nibbānaparamaṃ.

Lợi đắc tối thắng là vô bệnh, tài sản tối thắng là sự tri túc, quyến thuộc tối thắng là sự thân thiện, an lạc tối thắng là níp bàn.

Lý giải:

Người đời, đa phần đều nghĩ rằng có được tiền tài vật chất là có tất cả, nhưng họ quên rằng, khi thân bệnh tật đau yếu, thì dù có tiền của cũng không thoải mái, không hưởng thụ được gì. Bởi vậy, đức Phật dạy rằng: vô bệnh, lợi đắc nhất. Nghĩa là có sức khoẻ, không bị bệnh tật, đó mới lợi đắc tuyệt nhất, bởi có sức khoẻ mới ăn thấy ngon, ngủ được yên giấc, hơn nữa, nhờ có sức khoẻ người ta mới làm được việc, kiếm được tiền.

Ở đời, người nghèo, thiếu thốn vật chất, nên họ quần quật kiếm tiền; người giàu tiền của nhưng không thoả mãn, kiếm tiền thêm. Cả hai đều là nô lệ cho tham ái (ūno loko atitto taṇhādāso). Chỉ có người sống tri túc (santuṭṭhi), biết đủ với những gì mình có được, nên họ thoả mãn với cuộc sống, không nô lệ cho tham ái. Vậy là người tri túc, là người thật sự giàu có. Do đó, đức Phật dạy rằng “Tri túc, giàu có nhất”.

Ở đời, dù là người có quan hệ họ hàng bên nội hay bên ngoại, thậm chí là anh chị em ruột với nhau, nhưng đối xử không có tình thân, không thân thiện với nhau, thì cũng thành người xa lạ, không phải là quyến thuộc. Nhưng đối với người có thân tình, thân thiện với nhau, thương yêu và giúp đở nhau lúc hữu sự, thì người ấy như là quyến thuộc vậy. Do đó, đức Phật dạy rằng “Thân tình là quyến thuộc tốt nhất, hay quyến thuộc tốt nhất là sự thân tình”.

“Níp bàn, lạc tối thắng”, quả thật, không có lạc nào sánh với níp bàn. Dục lạc ở đời như trái cây độc, có màu sắc đẹp, có vị ngọt, nhưng ăn vào bị ngộ độc khiến chết hoặc đau khổ gần chết. Thiền lạc hạnh phúc hơn dục lạc, có vị ngọt nhưng cũng có vị đắng là vô thường biến hoại. Chỉ có níp bàn tịch tịnh phiền não, chấm dứt khổ luân hồi nên gọi là lạc tuyệt đối, là cực lạc./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn