Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XV. Phẩm An Lạc (Sukhavagga) - Kệ số 6 (dhp 202)

Sunday, 22/10/2023, 19:55 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 22.10.2023

XV

Phẩm An Lạc

 (Sukhavagga)

XV. Phẩm An Lạc_Kệ số 6 (dhp 202)

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết vì chuyện một thiếu nữ của gia đình nọ, khi Ngài trú ở Jetavana thành Sāvatthi.

Cha mẹ cô thiếu nữ tổ chức đám cưới con gái, vào ngày vui đã thỉnh đức Phật. Bậc Đạo sư có chúng đệ tử tỳ khưu tuỳ tùng, đi đến nhà và ngồi trên chổ ngồi được sắp xếp.

Cô dâu đi tới lui lo phục dịch nước giải khát dâng đến đức Phật và chư Tăng. Trong khi đó, thì chàng rễ đứng yên nhìn cô dâu với tâm ái luyến, bị phiền não dục chi phối, chàng rể không lo phục dịch đức Phật và 80 vị đại đệ tử Phật. Nhiều lúc chàng vòng tay ra muốn ôm cô dâu. Bậc Đạo sư đọc được tư tưởng của chàng rể, Ngài dùng thần thông khiến chàng rể không nhìn thấy cô dâu nữa. Bấy giờ chàng mới hướng tâm đến đức Phật; Khi chàng chăm chú nhìn bậc Đạo sư, bậc Đạo sư bảo chàng: “Này cậu trai, thật sự không có lửa nào bằng lửa ái, không có tội lỗi nào bằng sân hận, không có khổ nào bằng uẩn thân, và cũng không có lạc nào sánh với lạc níp bàn.

Nói xong, đức Thế Tôn thuyết bài kệ: Natthi rāgasamo aggi…v.v…

Dứt pháp thoại, cô dâu và chú rể đã an trú quả dự lưu. Khi ấy đức Thế Tôn thu thần thông cho họ thấy nhau.

Chánh văn:

6. Natthi rāgasamo aggi

natthi dosasamo kali

natthi khandhasamā dukkhā

natthi santiparaṃ sukhaṃ.

(dhp 202)

Thích văn:

Natthi [động từ phủ định, ngôi III, số ít “Na + atthi”]

Rāgasamo [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ “rāga + sama”] sánh bằng tham ái, sánh bằng ái tình.

Aggi [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ aggi] lửa.

Dosasamo [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ “dosa + sama”] sánh bằng sân hận.

Kali [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ Kali] tội lỗi, sự xui xẻo.

Khandhasamā [chủ cách, số nhiều, nam tính, hợp thể tính từ “khandha + sama”] sánh bằng uẩn, sánh bằng thân ngũ uẩn.

Dukkhā [chủ cách, số nhiều; danh từ dukkha lẻ là trung tính nhưng đây đảo nghịch tính thành là nam tính nên thay vì dukkhāni thì dukkhā] các sự khổ.

Santiparaṃ [chủ cách, số nhiều, trung tính, hợp thể tính từ “santi + para”] ngoài pháp tịnh ly, ngoài níp bàn.

Sukhaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ sukha] sự an lạc, sự hạnh phúc.

Việt văn:

6. Không lửa nào bằng ái,

không lỗi nào bằng sân,

không khổ nào bằng uẩn,

không lạc nào ngoài tịnh.

(pc 202)

Chuyển văn:

Rāgasamo aggi natthi, dosasamo kali natthi, khandhasamā dukkhā natthi, santiparaṃ sukhaṃ natthi.

Không có lửa nào bằng tham ái, không có lỗi nào bằng sân hận, không có khổ nào bằng thân uẩn, không có lạc nào ngoài tịnh ly (níp bàn).

Lý giải:

Đức Phật thấy rõ duyên lành đắc thánh quả dự lưu của cặp Tân Lang và Tân nương này, nhưng chú rể bị lửa tình đốt cháy tâm trí, chỉ say đắm nhìn cô dâu mà quên sự hiện diện của bậc Đạo sư và thánh chúng đệ tử Ngài, nên Ngài đã dùng thần thông khiến chú rể không thấy cô dâu mới chú ý đến Ngài và Ngài đã thuyết cho cậu ta nghe “Không có lửa nào bằng lửa tình”, rồi Ngài thuyết thêm ba pháp nữa thành một bài kệ: “Không có lỗi nào bằng sân hận, không có khổ nào bằng thân ngũ uẩn, không có lạc nào ngoài tịnh ly”.

Câu nói: “Natthi rāgasamo aggi_không có lửa nào bằng tham ái”, đây nghĩa là con người bị lửa phiền não đốt cháy nội tâm, thiêu đốt trí tuệ, thiêu huỷ thiện pháp, làm mất đi điều lợi ích, khiến cho thối đoạ…do đó mới nói là không có lửa nào bằng lửa ái. Mặc dù lửa phiền não ái không thấy khói, không thấy cháy, không thấy than như lửa thường, nhưng làm cho phiền toái hơn.

 Câu nói: “Natthi dosasamo kali_không có lỗi nào bằng sân hận”, quả thật vậy, khi người con phẩn nộ đối với cha mẹ là có lỗi; người học trò phẩn nộ đối với vị thầy là có lỗi; người tín đồ phẩn nộ đối với tam Bảo là có lỗi. Hơn nữa, trong kinh Phật dạy rằng: một người có sân tâm, bị sân chi phối, khiến nó có thể làm thân ác, khẩu ác và ý ác, tạo ác nghiệp bị quả khổ đau. Do đó, mới nói không có lỗi nào bằng sân.

Câu nói: “Natthi khandhasamā dukkhā_không có khổ nào bằng ngũ uẩn”, điều này có nghĩa là thân ngũ uẩn bị khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ do vô thường. Dù một người có phước do tạo thiện nghiệp, tránh được nghèo đói, bệnh nan y…nhưng không thoát khỏi tứ khổ khi có thân ngũ uẩn này. Do đó mới nói, không có khổ nào bằng ngũ uẩn.

Câu nói: “Natthi santiparaṃ sukhaṃ_ngoài tịnh ly không có lạc”. Santi có nghĩa là sự an tịnh, vắng lặng phiền não, ám chỉ níp bàn. Níp bàn là cực lạc (nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ); quả thật vậy, hạnh phúc thế gian thuộc thọ lạc (Sukhavedanā), là thọ uẩn (vedanākhandha) nên uẩn bị khổ do vô thường, chỉ có níp bàn là tịch tịnh ngũ uẩn, không bị vô thường khổ chi phối, nên nói là ngoài níp bàn không có lạc nào khác sánh bằng.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.