- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học thứ năm 12.10.2023
XV
Phẩm An Lạc
(Sukhavagga)
Gồm 12 bài kệ với 8 duyên sự
XV. Phẩm An Lạc_Kệ số 1, 2, 3 (dhp 197, 198, 199)
Duyên sự:
Ba bài kệ này, được đức Phật thuyết khi Ngài đang trú giữa những dân xứ Sakka, để hoà giải cuộc tranh chấp trong quyến thuộc.
Hoàng tộc Sakya, là họ hàng bên nội của đức Phật và hoàng tộc Koliya là họ hàng bên ngoại của đức Phật. Hoàng tộc Sakya cai trị xứ Sakka, kinh đô là Kapilavatthunagara; Hoàng tộc Koliya cai trị xứ Devadaha, kinh đô là Koliyanagara.
Có một con sông tên Rohinī chạy dài giữa hai xứ. Dân chúng hai xứ, đào kênh rạch dẫn nước từ sông Rohinī vào ruộng vường để làm mùa, trồng trọt.
Đến tháng mùa khô thì nước sông Rohinī cạn kiệt, không đủ để dân chúng hai bên tưới vào ruộng vườn. Họ họp lại bàn kế sách, dân chúng Sakka kêu gọi dân Devadaha nhường nước sông Rohinī cho họ sử dụng làm mùa trước, dân chúng Devadaha thì bảo dân Sakka nhường nước sông cho họ sử dụng trước. Không bên nào chịu nhường cho bên nào.
Không thể thoả hiệp, bắt đầu nặng lời với nhau và xảy ra xung đột gay gắt, dân chúng hai bên báo lên vua của họ. Tộc Sakya đem quân dàn trận bên bờ sông này; Tộc Koliya cũng cử binh dàn trận ở bờ bên kia, thách thức đánh nhau.
Sáng hôm ấy, đức Phật quán xét thế gian theo thông lệ, Ngài thấy được hai bên quyến thuộc của Ngài đang tranh chấp nước sông Rohinī và sắp có trận chiến. Đức Phật nghĩ rằng Ngài phải đến đó để hoà giải quyến thuộc.
Đức Thế Tôn dùng thần thông ngự đến chổ hai bên dàn trận, Ngài ngồi kiết già trên hư không giữa dòng sông Rohinī. Các quyến thuộc nhìn thấy bậc Đạo sư, bèn quăng bỏ khí giới xuống và đảnh lễ Ngài.
Đức Phật hỏi các quyến thuộc nguyên nhân xảy ra cuộc tranh chấp này. Hai vua Sakya và Koliya đáp do tranh giành nước sông Rohini.
Đức Phật bèn phán hỏi hai vua Sát đế lỵ: “Thưa các đại vương, nước sông và các chiến sĩ Sát đế lỵ, cái gì giá trị hơn?”
“Bạch Thế Tôn, chiến sĩ sát đế lỵ thật cao quí, có giá trị hơn nước sông!”
“Thế thì, các đại vương đem những chiến sĩ sát đế lỵ để đánh đổi nước sông vậy có đáng không?”
Hai vua im lặng không trả lời được. Đức Phật bèn dạy: “Nếu hôm nay Như Lai không đến đây, thì các vị đã có cuộc đổ máu nhuộm dòng sông này rồi. Các bà con đã làm điều không đáng làm! Các người sống trong thù hận, ta sống không hận thù; Các ngươi sống bệnh hoạn phiền não, ta sống không bệnh hoạn; Các ngươi sống rộn ràng tầm cầu dục lạc, ta sống không rộn ràng”. Nói xong, đức Thế Tôn thuyết lên các bài kệ này: Susukhaṃ vata jīvāma…v.v…
Dứt pháp thoại có nhiều bà con đã đắc quả dự lưu. Hai bên giải trừ chiến tranh.
Chánh văn:
1. Susukhaṃ vata jīvāma
verinesu averino
verinesu manussesu
viharāma averino
(dhp 197)
2. Susukhaṃ vata jīvāma
āturesu anāturā
āturesu manussesu
viharāma anāturā.
(dhp 198)
3. Susukhaṃ vata jīvāma
ussukesu anussukā
ussukesu manussesu
viharāma anussukā.
(dhp 199)
Thích văn:
Susukhaṃ [trạng từ (Suṭṭhu + sukhaṃ, trung tính, số ít)] thật hạnh phúc, vui thay, tốt lành thay.
Vata [bất biến từ] ôi! quả là! thật là!
Jīvāma [động từ tiến hành cách “
Verinesu [định sở cách, số nhiều, nam tính danh từ verī] trong những người thù hận, giữa những kẻ sống hận thù.
Averino [chủ cách, số nhiều, nam tính, hợp thể danh từ averī (na + verī)] những người sống không thù hận, những người sống hoà bình.
Manussesu [định sở cách, số nhiều, nam tính, danh từ manussa] giữa những con người.
Viharāna [động từ tiến hành cách “vi +
Āturesu [ định sở cách, số nhiều, nam tính, danh tính từ ātura] bệnh hoạn, giữa những người bệnh hoạn.
Anāturā [chủ cách, số nhiều, nam tính hợp thể tính từ anātura (na + ātura)] không bệnh hoạn, không đau bệnh.
Ussukesu [định sở cách, số nhiều, nam tính, danh tính từ ussuka] giữa những người bận rộn, giữa những người sống rộn ràng.
Anussukā [chủ cách, số nhiều, nam tính, hợp thể tính từ anussuka (na + ussuka)] không bận rộn, không rộn ràng.
Việt văn:
1. Vui thay, chúng ta sống
không hận giữa hận thù
giữa những người thù hận
ta sống không hận thù.
(pc 197)
2. Vui thay, chúng ta sống
không bệnh giữa bệnh hoạn
giữa những người bệnh hoạn
ta sống không bệnh hoạn.
(pc 198)
3. Vui thay, chúng ta sống
không rộn giữa rộn ràng
giữa những người rộn ràng
ta sống không bận rộn.
(pc 199)
Chuyển văn:
1. Susukhaṃ vata verinesu averino jāvāma, verinesu manussesu averino viharāma.
Hạnh phúc thay, ta sống không thù hận giữa hận thù, giữa những người thù hận ta sống không hận thù.
2. Susukhaṃ vata āturesu anāturā jīvāma, āturesu manussesu anāturā viharāma.
Hạnh phúc thay, ta sống không bệnh hoạn giữa những bệnh hoạn, giữa những con người bệnh hoạn ta sống không bệnh hoạn.
3. Susukhaṃ vata ussukesu anussukā jīvāma, ussukesu manussesu anussukā viharāma.
Hạnh phúc thay, ta sống không bận rộn giữa rộn ràng, giữa những người rộn ràng ta sống không bận rộn.
Lý giải:
Chữ Susukhaṃ, được giải thích là sutthu sukhaṃ, nghĩa là hạnh phúc hoàn hảo, có thứ hạnh phúc không hoàn hảo, không tốt đẹp. Như người cư sĩ sinh sống bằng nghề cướp trộm…v.v…họ cũng nói rằng họ hạnh phúc; hoặc như vị tu sĩ sinh sống bằng nghề tà mạng…v.v…họ cũng cho là hạnh phúc. Hạnh phúc ấy không phải là hạnh phúc thánh thiện, không phải là hạnh phúc hoàn hảo.
Hạnh phúc đích thực (Susukha) ở đây chỉ có bậc trí mới cảm nhận được.
Giữa những người sống thù hận, tạo oan trái bằng cách sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu say sưa! Giữa những con người oan trái thù hận, ta sống không hận thù, đó mới là hạnh phúc đích thực.
Giữa những con người sống với tâm bệnh hoạn phiền não (Kilesāturesu manussesu) mà ta sống không phiền não bệnh hoạn. Đó cũng là hạnh phúc đích thực.
Giữa những con người sống bận rộn với việc tầm cầu dục lạc sắc, thinh, hương, vị, xúc (pañcakāmaguṇapariyesanāya ussukesu manussesu) mà ta sống không bận rộn tầm cầu ấy, đó là hạnh phúc đích thực.
Ba bài kệ này đức Phật đã dạy về những hạnh phúc đích thực; Nhưng liên quan tới việc quyến thuộc tranh chấp dòng nước, Ngài nói rằng: ở giữa quyến thuộc là những người sống hận thù, Ngài sống không thù hận, nên Ngài hạnh phúc đích thực; cũng có thể hiểu hai động từ jīvāma, viharāma là lời kêu gọi, khuyên lơn (mệnh lệnh cách) “chúng ta hãy sống, chúng ta hãy an trú”. “thay vì sống thù hận, chúng ta hãy sống không thù hận, mới là hạnh phúc đích thực”.
Bài kệ hai và bài kệ ba, cũng nên hiểu như thế.
Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.