Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XIV. Phẩm Phật Đà (Buddhavagga) - Kệ Số 5, 6, 7 (dhp 183, 184, 185)

Friday, 22/09/2023, 06:09 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 21.9.2023

XIV

Phật Đà

 (Buddhavagga)

XIV. Phẩm Phật Đà_Kệ số 5, 6, 7 (dhp 183, 184, 185)

Duyên sự:

Ba bài kệ nầy đức Phật thuyết tại Jetavana thành Sāvatthi, Ngài trả lời câu hỏi của tôn giả Ānanda.

Tương truyền, Tôn giả Ānanda khi ngồi nghỉ trưa, đã suy nghĩ: “Đối với bảy vị Phật quá khứ, lai lịch như cha mẹ, hạn lượng tuổi thọ, cây ngồi giác ngộ, cuộc vân tập chư Thinh văn, nhị vị thượng thủ Thinh văn, đại thí chủ hộ độ, tất cả các sự kiện nầy đã được bậc Đạo Sư nói ra, nhưng pháp bố tát (uposatha) chưa nói đến. Pháp bố tát nầy của chư Phật có khác nhau không nhỉ?

Rồi Tôn giả Ānanda đã đi đến đức Thế Tôn và hỏi sự việc ấy.

Đức Thế Tôn trả lời tôn giả Ānanda: “Chư Phật có khác biệt nhau về thời gian lễ bố tát, nhưng giáo thuyết thì không khác biệt. Đức Chánh đẳng giác Vipassī làm bố tát bảy năm một lần; Đức Phật Sikhī và đức Phật Vessabhū thì hành bố tát sáu năm một lần; Đức Phật Kakusandha và đức Phật Koṇāgamana thì mỗi năm hành bố tát một lần; Đức Phật Kassapa thì hành bố tát sáu tháng một lần; Còn hiện tại Như Lai thuyết bố tát mỗi nữa tháng. Sự phân định thời gian bố tát của chư Phật khác nhau như vậy, nhưng đều giống nhau về về lời giáo giới trong ngày bố tát”.

Nói xong, đức Phật thuyết ba bài kệ mà chư Phật đã giáo giới ngày bố tát cho chúng đệ tử: Sabbapāpassa akaranaṃ…v.v…Etaṃ buddhāna sāsanan’ ti.

Dứt kệ ngôn, có nhiều vị tỳ kheo chứng đắc thánh quả.

Chánh văn:

5. Sabbapāpassa akaraṇaṃ

kusalassa upasampadā

sacittapariyodapanaṃ

etaṃ buddhānasāsanaṃ.

(dhp 183)

6. Khantī paramaṃ tapo titikkhā

nibbānaṃ paramaṃ vadanti buddhā

na hi pabbajito parūpaghāti

samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto.

(dhp 184)

7. Anūpavādo anūpaghāto

pātimokkhe ca saṃvaro

mattaññutā ca bhattasmiṃ

pantañca sayanāsanaṃ

adhicitte ca āyogo

etaṃ buddhāna sāsanaṃ.

(dhp 185)

Thích văn:

Sabbapāpassa [chỉ định cách, số ít, trung tính, hợp thể danh từ sabbapāpa (sabba + pāpa)] mọi điều ác, mọi điều xấu.

Akaraṇaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, hợp thể danh từ akaraṇa                   (na + karaṇa)] không làm, không tạo tác, không hành động.

Kusalassa [chỉ định cách, số ít, trung tính, danh từ kusala] điều lành, việc thiện.

Upasampadā [chỉ định cách, số ít, nữ tính, danh từ upasampadā] huân tu, sự tu tiến, sự phát triển.

Sacittapariyodapanaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, hợp thể danh từ Sacittapariyodapana (sacitta + pariyodapana/ sa + citta = sacitta/ pari + ava + da+ āpe + ana = pariyodapana)] sự thanh lọc nội tâm, sự tẩy sạch tâm mình.

Etaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, chỉ thị đại từ eta] điều đó, việc đó.

Buddhāna [viết tắt của chữ buddhānaṃ. Sở thuộc cách, số nhiều, nam tính, danh từ buddha] của chư Phật.

Sāsanaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ sāsana] lời dạy, thông điệp, giáo lý.

Khantī [Khanti. Chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ khanti] sự nhẩn nhịn, sự kham nhẩn.

Paramaṃ [đối cách, số ít, trung tính, tính từ parama. Dùng như một trạng từ] nhất hạng, tuyệt vời, cực phẩm.

Tapo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngử tapa] khổ hạnh, nghiêm khắc.

Titikkā [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ titikkhā] sự chịu đựng.

Nibbānaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ nibbāna] níp bàn, tịch diệt, sự cắt ái.

Vadanti [động từ tiến hành cách “vad + a”, ngôi III, số nhiều] nói, thuyết, tuyên bố.

Buddhā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ buddha] chư Phật, các đấng giác ngộ.

Pabbajito [chủ cách, số ít, nam tính, quá khứ phân từ pabbajita (động từ pabbajati)] dùng như danh từ “bậc xuất gia, vị tu sĩ, người đi tu”.

Parūpaghātī [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ “para + upaghātī”] sự sát hại người khác, sự hại người.

Samaṇo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ samaṇa] Sa_môn, vị tịnh tu, bậc an tịnh, tịnh giả.

Hoti [động từ tiến hành cách “hū + a”, ngôi III, số ít] là. Dùng như trợ động từ.

Paraṃ [đối cách, số ít, nam tính, phiếm chỉ đại từ para] khác, người khác.

Viheṭhayanto [chủ cách, số ít, nam tính, hiện tại phân từ viheṭhayanta (động từ viheṭhayati)] gây thương tổn, làm tổn thương.

Anūpavādo [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ anupavāda               (na + upavāda)] không phỉ báng, không công kích, không chỉ trích.

Anūpaghāto [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ anūpaghāta            (na + upaghāta)] không phá hoại, không sát hại.

Pātimokkhe [định sở cách, số ít, nam tính, danh từ pātimokkha] ba la đề mộc xoa, biệt giải thoát giới, giới bổn.

Saṃvaro [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ saṃvara] sự phòng hộ, sự thúc liểm, sự thu thúc.

Mattaññutā [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ mattaññutā] sự tiết chế, sự điều độ, sự biết chừng mực.

Bhattasmiṃ [định sở cách, số ít, trung tính, danh từ bhatta] về thức ăn, về ẩm thực.

Pantañca [hợp âm pantaṃ ca]

Pantaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ panta] thanh vắng, cô tịch, yên tĩnh.

Sayanāsanaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, hợp thể danh từ sayanāsana (sayana + āsana)] chổ nằm và chổ ngồi, sự nằm ngồi.

Adhicitte [định sở cách, số ít, trung tính, danh từ adhicitta (adhi + citta)] tăng thượng tâm, việc định tâm, thiền định.

Āyogo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ āyoga] sự gắn bó, sự đeo đuổi, sự miệt mài, sự chuyên cần.

Việt văn:

5. Không làm mọi điều ác

huân tu việc thiện lành

thanh lọc sạch nội tâm

ấy giáo lý chư phật.

(pc 183)

6. Chư Phật hằng dạy bảo

kham nhẩn, hạnh tối thượng

níp bàn đích tối thượng

tu sĩ không phá người

tịnh giả không hại người.

(pc 184)

7. Không phỉ báng phá hoại,

thu thúc trong giới bổn,

ẩm thực biết tiết độ,

ẩn cư nơi thanh vắng,

chuyên tu tăng thượng tâm

ấy giáo lý chư phật.

(pc 185)

Chuyển văn:

5. Sabbapāpassa akaranaṃ kusalassa upasampadā sacittassa pariyodapanaṃ, Etaṃ buddhānaṃ sāsanaṃ.

Không làm mọi điều ác, huân tu các hạnh lành, thanh lọc sạch nội tâm, đó là lời dạy của chư Phật.

6. Buddhā titikkhā khanti paramaṃ tapo paramaṃ nibbānaṃ vadanti, pabbajito hi na parassa upaghāti hoti, samano na paraṃ viheṭhayanto hoti.

Chư phật hằng giảng dạy: kham nhẫn là hạnh tu tối thắng, níp bàn là mục đích tối thượng, bậc xuất gia không chọc phá người khác, bậc Sa môn không làm tổn thương người khác.

7. Anūpavādo anūpaghāto pātimokkhe saṃvaro ca bhattasmiṃ mattaññutā ca pantaṃ sayanāsanaṃ ca adhicitte āyogo ca. Etaṃ buddhānaṃ sāsanaṃ.

Không thoá mạ, không phá hoại, thu thúc trong giới bổn, biết tiết độ việc ăn uống, sống trú xứ xa vắng, chuyên cần tu thiền định. Đó là lời dạy của chư Phật.

Lý giải:

Ngày bố tát (uposathadivasa) là ngày trai giới; ngày bố tát trong tháng là mùng tám, ngày rằm, ngày hai mươi ba và ngày cuối tháng (29 âl hoặc 30 âl).

Người cư sỉ vào ngày trai giới sẽ thọ trì bát quan trai (giử tám giới thu thúc lục căn).

Đối với bậc xuất gia thì đức Phật qui định ngày bồ tát nữa tháng một lần (ngày rằm và ngày cuối tháng).

 Việc làm của tỳ kheo trong ngày bố tát là tụng giới bổn (pātimokkhuddesa).

Thời gian đầu, đức Phật chưa chế giới hoặc chưa chế định học giới nhiều nên vào ngày bố tát tăng chúng tụ họp để nghe đức Thế Tôn giáo giới (ovādo).

Lời giáo giới của chư Phật trong ngày bố tát đều có nội dung giống nhau, đó là dạy những tiêu chí căn bản cho đời sống phạm hạnh.

Bài kệ đầu tiên có ba tiêu chí:

Không làm mọi điều ác ( sabbapāpassa akaranaṃ) nghĩa là vị tỳ kheo không tạo bất cứ nghiệp bất thiện nào (sabbassa akusalakammassa akaranaṃ). Đây là tu tăng thượng giới.

Huân tu việc thiện lành (kusalassa upasampadā) nghĩa là vị tỳ kheo từ khi xuất gia cho đến khi đắc tứ đạo, nên sanh khởi pháp thiện, và phát triển thiện pháp đã sanh khởi (kusalassa uppāditassa ca bhāvanā). Đây là tăng thượng tâm.

Thanh lọc sạch nội tâm (sacittapariyodapanaṃ) nghĩa là làm trong sạch tâm mình ly năm triền cái (pañcahi nīvaraṇehi attano cittassa vodāpanaṃ). Đây là tu tăng thượng tuệ.

Bài kệ thứ hai có bốn tiêu chí:

Kham nhẫn, hạnh tối thượng (khantī paramaṃ tapo titikkhā). Sự chịu đựng gọi là kham (titikkhā), sự nhẫn nại gọi là nhẩn (khanti); Sự chịu đựng đồng nghĩa với nhẩn nại, gọi chung là kham nhẩn (titikkhākhanti). Tapo_hạnh tu miên mật, hạnh tu tinh nghiêm, hạnh tu khe khắc để thiêu đốt phiền nảo, tạm hiểu là khổ hạnh trong phật giáo. Nếu hành giả không có đức tính kham nhẩn sẽ bỏ cuộc tu; nhờ đức tính kham nhẩn hành giả mới chịu đựng được khổ thọ bức xúc khi hành đạo. Nên chư Phật nói kham nhẩn là hạnh tu tối thượng.

Níp bàn, đích tối thượng (nibbānaṃ paramatthaṃ). Chư Phật đều nói lên mục đích cứu cánh của phạm hạnh nầy là chấm dứt khổ luân hồi. Như trong kinh Xà Dụ (Alaggadūpamasutta. MI,140) đức Phật thuyết: Này chư tỳ kheo, xưa nay ta chỉ trình bày sự khổ và sự diệt khổ (pubbe cā’ haṃ bikkhave etarahi ca dukkhañc’ eva paññāpemi dukkhassa ca nirodhaṃ). Níp bàn là sự vượt qua khổ (dukkhassa atikkamaṃ nibbānaṃ). Do đó, chư Phật đều giảng dạy, níp bàn đích tối thượng.

Tu sỉ không phá người (na hi pabbajito parūpaghatī). Người bỏ nhà đi tu, cạo tóc đắp y cà sa, gọi là tu sỉ (pabbajito), vẫn quen gọi là bậc xuất gia. Là một người tu thì không nên đánh phá, sát hại người khác bằng gươm, đao, gậy, trượng…v.v…

Tịnh giả không hại người (na samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto). Tịnh giả hay sa môn (samaṇo) là người không làm tổn thương người khác, không làm người khác thương tích đau đớn, mất mác thiệt hại.

Bài kệ thứ ba có sáu tiêu chí:

Không phỉ báng (anūpavādo), nghĩa là không công kích, không nói xấu, không xuyên tạc người khác. Vị tỳ kheo không tự mình phỉ báng và không xúi giục phỉ báng ( anūpavādanañceva anūpavādāpanañca).

Không phá hoại (anūpaghāto), nghĩa là không phá hoại sự sống của sinh vật, thậm chí là sự sống của loài thảo mộc, vị tỳ kheo không tự mình phá hoại cũng không xúi phá hoại (anūpaghātanañceva anūpaghātāpanañca).

Thu thúc trong giới bổn (pātimokkhe ca saṃvaro), tức là phòng hộ gìn giử học giới mà đức Phật đã cấm chế, không vượt qua, không vi phạm.

Ẩm thực biết tiết độ (mattaññutā ca bhattasmiṃ), tức là khi ăn biết độ lượng, không ăn quá no, không tham ăn.

Ẩn cư nơi thanh văng (pantañca sayanāsanaṃ). Chữ sayanāsanaṃ đồng nghĩa với chữ senāsanaṃ. Sayana hay sena (chổ nằm), āsana (chổ ngồi); senāsanaṃ hay sayanāsanaṃ nghĩa là sàng toạ, ám chỉ trú xứ, chổ ngụ của tỳ kheo. Tỳ kheo nên trú ngụ nơi thanh vắng để tịnh tu.

Chuyên tu tăng thượng tâm (adhicitte ca  āyogo). Tăng thượng tâm (adhicitta) là chỉ cho tám  thiền chứng, gồm bốn thiền sắc và bốn thiền vô sắc. Vị tỳ kheo chuyên cần tu tập thiền định, khi tâm đã an trụ, thiền định, vị ấy dễ dàng hướng tâm minh sát danh sắc để tỏ ngộ ba tướng vô thường, khổ, vô ngả và đắc chứng đạo quả.

Huấn từ của chư Phật đều dạy về tâm học (tisso sikkhā), tức giới (sīla), định (samādhi) và tuệ (paññā).

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn