Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XIV. Phẩm Phật Đà (Buddhavagga) - Kệ Số 4 (dhp 182)

Tuesday, 19/09/2023, 08:22 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật  17.9.2023

XIV

Phật Đà

 (Buddhavagga)

XIV. Phẩm Phật Đà_Kệ số 4 (dhp 182)

Duyên sự:

Bài kệ này đức Phật thuyết khi Ngài ngự tại gốc cây Sattasirīsaka gần thành Bārānasī, do chuyện Long vương Erakapatta.

Tương truyền, Long vương Erakapatta thuở xưa là một vị tỳ kheo trẻ trong giáo pháp đức Phật Kassapa, có lần sơ ý làm đứt lá cỏ bên bờ sông Gaṅgā lúc bước xuống thuyền. Vì nghĩ rằng là lỗi nhẹ nên không sám hối. Tuy hành sa môn pháp qua 20 ngàn năm, nhưng khi sắp mệnh chung suy xét giới hạnh của mình, nhớ khuyết điểm nhỏ ấy tâm bứt rứt bất an: “Ôi ! Giới của ta không thanh tịnh”.

Mệnh chung với tâm bất an, vị tỳ kheo ấy tái sanh làm Long vương tại khúc sông Gaṅgā có thân hình dài như chiếc thuyền.

Khi sanh ra, Long vương Erakapatta thấy mình mang thân bàng sanh thì sanh nhiệt não ân hận: “Ta đã hành sa môn pháp suốt 20 ngàn năm, lại phải tái sanh vào hạng bàng sanh thế này ư?”

Về sau Long vương Erakapatta có đứa con gái, long vương dạy long nữ hát bốn câu hỏi lên quan đến pháp sâu kín, bằng cách này hể có ai hát hối lại trả lời đúng, thì long vương biết có đức chánh đẳng giác đã xuất hiện ở đời, và Long vương hứa sẽ nhường long cung cho người ấy.

Thế là cứ mỗi nữa tháng vào ngày uposatha, Long vương đưa con gái nổi lên mặt sông Hằng, hoá thân là một cô gái trẻ đẹp đứng trên mang của Long vương và hát để tìm người đối xướng trả lời đúng.

Nhưng trải qua thời gian dài chưa có ai hát đối giải đáp được những câu hỏi ẩn ý pháp cả.

Mãi cho đến kiếp hiện tại, khi thế gian này có đức Thế Tôn Gotama xuất hiện, Ngài ban cho chúng sanh pháp Bất tử. Một ngày kia, đức Thế Tôn theo thông lệ mỗi sáng sớm, Ngài dùng Phật nhãn quán xét căn duyên chúng sanh, tìm người hữu duyên Phật pháp để Ngài tế độ, thì Ngài thấy được duyên lành của thanh niên Uttara và Long Vương Erakapatta, nên Ngài đã ngự đến cội cây Sattasirīsaka trên bờ sông Gaṅgā gần thành Bārānasī.

Sáng hôm ấy, thanh niên Uttara cũng đi với dân chúng đến bờ sông Gaṅgā nơi Long nữ sẽ xuất hiện hát đố.

Thanh niên Uttara trông thấy đức Thế Tôn đang ngồi dưới gốc cây Sattasirīsaka, bèn đi đến đãnh lễ đức Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn hỏi thanh niên Uttara đi đâu? Uttara đáp: “Bạch Thế Tôn, con đi đến bờ sông này để hát đối với Long nữ con gái Long vương Erakapatta sắp xuất hiện”.

Đức Thế Tôn hỏi chàng thanh niên nếu long nữ hát đố những câu hỏi như vầy thì ngươi sẽ hát đáp thế nào?

Chàng thanh niên liền hát những câu đáp theo trí tuệ của mình cho đức Phật nghe, Ngài bảo đó không phải là câu trả lời đúng. Rồi đức Thế Tôn dạy cho thanh niên Uttara hai bài kệ để hát đối trả lời câu hỏi của Long nữ.

“Này Uttara, khi Long nữ hát đố bài kệ đầu tiên:

_Kiṃsu adhippatī rājā?

Kiṃsu rājā rajassiro

Kathaṃsu virajo hoti?

Kathaṃ bālo’ ti vuccati?

_Quản gì gọi là vua?

Sao gọi vua, đầu bụi?

Thế nào là ly trần?

Thế nào gọi kẻ ngu?

Ngươi hãy hát đáp lại như vầy:

_Chadvārādhippatī rājā

rajjamāno rajassino

arajjaṃ virajo hoti

rajjaṃ bālo’ ti vuccati.

_Quản sáu cửa, gọi vua!

đắm say, gọi đầu bụi

không nhiểm, là ly trần!

truỵ lạc,  gọi kẻ ngu!

Rồi, long nữ sẽ hát đố tiếp bài kệ nữa:

_Kenassu vuyhati bālo?

kathaṃ nudati paṇḍito?

yogakkhemī kathaṃ hoti?

taṃ me akkhāhi pucchito.

_Do gì, ngu bị cuốn?

làm sao, bậc trí ngăn?

thế nào, ách an ổn?

được hỏi, trả lời em!

Nghe vậy ngươi hãy đáp như sau:

_Oghena vuyhati bālo,

yogā nudati paṇḍito,

sabbayogavisaṃyutto

yogakkhemī’ ti vuccati.

_Kẻ ngu bị cuốn trôi

bởi bốn dòng bộc lưu,

bậc trí ngăn bộc lưu

do chuyên cần tinh tấn,

tách lìa mọi ách phược

gọi là ách an ổn.

Thanh niên Uttara chú tâm học thuộc hai bài kệ hát đối mà đức Thế Tôn dạy, tức thì chứng đắc quả vị Nhập lưu. Uttara đảnh lễ đức Thế Tôn và đi đến bờ sông nơi long nữ xuất hiện.

Long nữ hiện ra đứng trên mang rồng và múa, hát đố bài kệ thứ nhất. Thanh niên Uttara hát đáp lại bằng bài kệ đã học từ Thế Tôn.

Long nữ lại hát đố tiếp bài kệ thứ hai. Thanh niên Uttara dùng bài kệ thứ hai do đức Phật dạy mà hát đối đáp.

Long vương nghe được bài hát, giải đáp câu đố, thì biết rằng đức Phật đã xuất hiện trên thế gian, nên rất hoan hỷ. Long vương hiện thân thành một thanh niên rồi đến nói với thanh niên Uttara lời thiện cảm, và nhờ thanh niên Uttara đưa đến bài kiến đức Phật.

Long vương Erakapatta đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng khóc. Đức Phật bèn hỏi duyên cớ chi mà khóc?

Long vương bèn kể lại lai lịch của mình, là một tỳ kheo trong giáo pháp của Phật Kassapa đã hành Sa môn pháp suốt 20 ngàn năm, nhưng vì lúc cận tử ân hận một lỗi lầm nhỏ chưa sám hối thanh tịnh, nên phải sanh vào chủng loại bàng sanh làm hạng vô nhân, không có cơ hội nghe chánh pháp từ vị Phật như Ngài.

Nghe xong, đức Phật phán dạy: Quả thật vậy, được làm người là điều khó, được nghe chánh pháp là điều khó. Sau khi nói xong đức Phật đã thuyết lên bài kệ: Kiccho manussapaṭilābho…v.v…kiccho buddhānamuppādo’ ti.

Dứt pháp thoại, hội chúng có mặt đã trú vào thánh quả. Riêng Long vương Erakapatta không đắc đạo quả vì mang thân bàng sanh, long vương chỉ xin qui y tam bảo thôi.

Chánh văn:

4. Kiccho manussapaṭilābho

Kicchaṃ maccāna jīvitaṃ

Kicchaṃ saddhammassavanaṃ

Kiccho buddhānam_uppādo.

(dhp 182)

Thích văn:

Kiccho [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ kiccha. Kiccho đi với danh từ nam tính] khó.

Kicchaṃ  [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ kiccha. Kicchaṃ đi với danh từ trung tính].

Manussapaṭilābho [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ manussa + paṭilābha] sự có được thân người, sự được làm người.

Maccāna [viết giản lược của chữ maccānaṃ. Sở thuộc cách, số nhiều, nam tính, danh từ macca] của chúng sanh, của các loài hửu tỉnh.

Jīvitaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ jīvita] sự sống còn, sinh mạng.

Saddhammassavanaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, hợp thể danh từ saddhamma + savana] sự nghe chánh pháp, việc nghe pháp chân chánh.

Buddhānaṃ [sở thuộc cách, số nhiều, nam tính, danh từ buddha] của chư Phật, của các vị Phật.

Uppādo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ  uppāda] sự sanh ra, sự xuất hiện.

Việt văn:

4. Khó thay, được thân người

Khó thay, giữ mạng sống

Khó thay, nghe chánh pháp

Khó thay, Phật ra đời.

(pc 182)

Chuyển văn:

Manussapaṭilābho kiccho, maccānaṃ jīvitaṃ kicchaṃ, saddhammassavanaṃ kicchaṃ, buddhānaṃ uppādo kiccho.

Sự được thân người là khó, sự sống còn của chúng sanh là khó, sự nghe được chánh pháp là khó, sự xuất hiện của chư Phật là khó.

Lý giải:

Ý nghĩa kiccha (khó) ở đây là không dể dàng, hiếm có, hiếm khi.

Điều khó thứ nhất, khó được thân nhân loại, bởi sanh làm người được là do đời trước tinh tấn hành thiện nhiều, lúc mệnh chung giữ được tâm thiện cận tử.

Điều khó thứ hai, khó giữ được mạng sống. Mạng sống của chúng sanh tuỳ thuộc nhiều yếu tố: Tuỳ thuộc thời kỳ hay chủng loại, có tuổi thọ dài hay ngắn; Tuỳ thuộc nghiệp quả, có phước thì sống lâu, bị ác quả thì sống yểu; Tuỳ thuộc thức ăn, ngoại trừ loài hoá sanh còn lại các loài như noãn sanh, thai sanh, thấp sanh phải ăn mới nuôi sống, mà khi vật thực khan hiếm hoặc không có thì chết, loài người phải làm lụng vất vả mới có miếng ăn, loài thú cũng vất vả đi tìm thức ăn mới sống còn…

Điều khó thứ ba, khó nghe được chánh pháp. Chánh pháp là pháp đúng chân lý có diệu năng hướng thượng, ly khổ đắc lạc. Trải qua nhiều kiếp mới gặp được người thuyết pháp đúng chân lý giải thoát như đức Phật; Mặc khác, người có căn trí mới nghe hiểu được chánh pháp, thực hành theo chánh pháp mới có lợi ích từ việc nghe pháp. Sự nghe pháp như thế thật là khó được.

Điều khó thứ tư, khó có sự xuất hiện của chư Phật. Sự xuất hiện của vị Chánh Đẳng Chánh Giác trên thế gian, cực kỳ khó và cực kỳ hiếm. Khó là vì một chúng sanh, từ khi lập nguyện thành Phật cho đến khi thành tựu nguyện vọng, phải tinh tấn hành thiện pháp ba la mật gian truân và trãi qua thời gian rất dài đến nhiều ngàn tỷ kiếp trái đất; Hiếm là vì một lần xuất hiện chỉ xuất hiện một vị Phật thôi, khi giáo pháp vị Phật ấy biến hoại rồi mới xuất hiện một vị Phật khác./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn