- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học ngày 9.2.2023
VIII
PHẨM NGÀN
(sahassavagga)
VIII. Phẩm Ngàn _ Kệ số 11 (dhp 110)
Duyên sự:
Bài kệ nầy đức Phật đã thuyết cho năm trăm vị tỳ kheo xuất thân đảng cướp do sa di lậu tận Saṅkicca dẫn dắt.
Trương truyền có ba mươi vị tỳ kheo sau khi xin thọ giáo đề mục với đức Phật để đi hành thiền trong rừng. Đức Phật nhìn thấy mối hiểm nguy cho các tỳ kheo ấy, Ngài bảo các vị tỳ kheo hãy dẫn theo vị sa di lậu tận Saṅkicca đệ tử của trưởng lão Sāriputta.
Trong khu rừng đó có một đảng cướp trú ngụ, chúng muốn bắt một tỳ kheo để giết tế thần. Từ vị trưởng lão đầu đàn đến vị tỳ kheo nhỏ hạ ai cũng tình nguyện đi thay nhóm. Cuối cùng sa di Saṅkicca trình bày lý do mình được cho đi theo chư tăng là để cứu nguy chư tăng, nên chư tỳ kheo đành để sa di theo bọn cướp.
Bọn cướp dẫn vị sa di về tới sào huyệt trong tận rừng sâu, bắt ngồi xuống tại vị trí tế thần, lúc ấy sa di Saṅkicca nhập thiền diệt (nirodhasamāpatti). Đến giờ tế lễ, tên chánh đảng rút gươm chém đầu vị sa di. Lưỡi gươm chạm vào cổ vị sa di A la hán đang nhập đại định, không đứt da thịt mà trái lại dội ngược ra và cong lại như lá thốt nốt đập vào tảng đá. Tên chúa đảng đổi gươm chém ba lần đều thất bại.
Hiện tượng kỳ diệu xảy ra khiến tên chúa đảng kinh cảm quỳ mọp xuống trước mặt vị sa di xin sám hối và xin xuất gia theo vị thánh tăng cùng với 500 lâu la.
Ngài Saṅkicca bảo họ cạo tóc và nhuộm vải làm y ca sa mặc. Xong Ngài truyền qui giới cho họ rồi dẫn đến chỗ ngụ của nhóm tỳ kheo tăng làm lễ thọ cụ túc giới.
Chư tăng bảo Ngài Saṅkicca dẫn 500 vị tân tỳ kheo về Sāvatthi đảnh lễ bậc Đạo Sư.
Ngài Saṅkicca và đoàn tuỳ tùng vào chùa Jetavana đảnh lễ đức Phật và trình bày đầu đuôi sự việc. Đức Phật hỏi các vị tân tỳ kheo có đúng là các ngươi từ những kẻ trộm cướp đã cải thiện hoàn lương? Thưa đúng vậy, bạch Thế tôn. Đức Thế tôn thuyết pháp dạy họ: Nầy các tỳ kheo, các ngươi đã hành nghề trộm cướp dù có sống cả trăm năm cũng không bằng bây giờ dù chỉ sống một ngày mà có giới hạnh.
Rồi đức Thế Tôn kết luận bằng bài kệ: “Yo ca vassasataṃ jīve … sīlavantassa jhāyino ’ti”.
Cuối thời pháp, năm trăm vị tỳ kheo ấy đắc quả A la hán với tứ tuệ đạt thông.
*
Chánh văn:
Yo ca vassasataṃ jīve
dussīlo asamāhito
ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo
sīlavantassa jhāyino.
(dhp 110)
*
Thích văn:
yo [chủ cách số ít nam tính của quan hệ đại từ ya] ai, người nào.
ca [liên từ] và
vassasataṃ [đối cách số ít trung tính của hợp thể vassasata (vassa + sata); Đây dùng như trạng từ] cả trăm năm, suốt trăm năm.
jīve [động từ khả năng cách attanopada, ngôi III số ít (căn jīv + a)] có thể sống, nếu sống.
dussīlo [chủ cách số ít nam tính của hợp thể tính từ dussīla (du + sīla + a) có hạnh kiểm xấu, không giới hạnh, ác giới.
asamāhito [chủ cách số ít nam tính của hợp thể tính từ asamāhita (na + samāhita)] không định tĩnh, không thiền định.
ekāhaṃ [chủ cách số ít trung tính của hợp thể danh từ ekāha (eka + āha)] một ngày.
jīvitaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính jīvita] sự sống, đời sống.
seyyo [trạng từ] tốt hơn
sīlavantassa [sở thuộc cách số ít nam tính của danh tính từ sīlavantu (sīla + vantu)] có giới hạnh, của người có giới.
jhāyino [sở thuộc cách số ít nam tính của danh từ jhāyī] của người có thiền định, có hành thiền.
*
Việt văn:
Người sống cả trăm năm
không giới, không thiền định
sống một ngày tốt hơn
nếu có giới, có thiền.
(pc 110)
*
Chuyển văn:
Yo ca dussīlo asamāhito vassasataṃ jīve sīlavantassa jhāyino ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo.
Người mà không giới, không thiền định dù sống cả trăm năm, một ngày sống có giới có thiền định vẫn tốt hơn.
*
Lý giải:
Dussīlo (ác giới) nghĩa là nissīlo (không giới). Người mà sống không có giới hạnh là sống theo ác pháp thân sát sanh, trộm cắp, tà dâm, khẩu nói dối, nói ly gián, nói độc ác, nói vô ích, ý nghĩ tham lam, sân hận và tà kiến.
Asamāhito (không thiền định) là sống không nhiếp phục tâm, tâm không định tỉnh.
Sīlavantassa (có giới) là người sống lương thiện không làm ác, hoặc sống thu thúc thân hành và khẩu hành.
Jhāyino (có thiền định) là người có thúc liễm nội tâm, tu tập thiền chỉ và thiền quán.
Người không giới, không thiền định dù sống đến một trăm năm cũng chẳng ích gì bởi sống buông lung theo ác pháp sau khi mạng chung phải chịu khổ trong địa ngục.
Còn người sống trú giới, tu thiền định, dù chỉ sống một ngày thôi cũng tốt đẹp cao quí hơn, vì người ấy làm lợi ích cho mình, đem lại an vui cho mình đời nầy và đời sau; Nếu đủ duyên có thể ngay kiếp hiện tại đoạn trừ phiền não, chấm dứt luân hồi.
Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn