Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | VIII. Phẩm Ngàn (Sahassavagga) _ Kệ số 10 (dhp 109)

Sunday, 05/02/2023, 07:30 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 5.2.2023


VIII

PHẨM NGÀN

(Sahassavagga)

VIII. Phẩm Ngàn _ Kệ số 10 (dhp 109)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết tại Jetavana gần thành Sāvatthi, nhân câu chuyện của thiếu niên Āyuvaḍḍhana ở thành Dīghalaṅghika.

Thiếu niên Āyuvaḍḍhana là đứa con một của gia đình bà la môn. Thuở mới sanh ra thiếu niên nầy được cha mẹ bồng đến đảnh lễ vị đạo sĩ bà la môn bạn củ. Vị đạo sĩ thấy đứa bé thì tiên tri rằng đứa bé sẽ chết yểu. Cha mẹ đứa bé lo sợ hỏi vị đạo sĩ có cách cứu đứa bé không? Đạo sĩ nói không biết chỉ có vị đại Sa môn Gotama là có thể biết cách cứu đứa bé, hãy đến hỏi vị sa môn ấy.

Khi ấy đức Phật đang trú tại một thảo am trong rừng lân cận thành Dīghalaṅghika. Cha mẹ đứa bé liền bế con đi đến đức Phật và hỏi số phận đứa bé. Ngài bảo đứa bé bảy ngày nữa sẽ chết. Cha mẹ nó cầu xin đức Phật giải nạn cho đứa bé.

Đức Phật xét thấy đứa bé có duyên với Phật pháp khi lớn lên, nên Ngài dạy cha mẹ đứa bé về dựng rạp trước sân nhà, sắp đặt một ghế ngồi ở giữa và chung quanh bố trí tám hoặc mười sáu chỗ ngồi rồi mời các vị thánh thinh văn ngồi trên các chỗ ngồi ấy, đặt đứa bé nằm trên ghế ở giữa.

Đức Phật truyền các vị tỳ kheo thinh văn đến nhà người bà la môn. Chư tăng ngồi quanh đứa bé và thuyết kinh paritta liên tục suốt bảy ngày. Đến ngày thứ bảy đích thân đức Thế tôn ngự đến.

Trong thời điểm ấy, chư thiên đại thần lực đều vân tập đến đảnh lễ đức Thế tôn và thánh chúng. Có một dạ xoa tên Avaruddhaka phục vụ thiên vương Vessavana hết hạn được đặc ân bắt đứa trẻ nầy chỉ nội trong bảy ngày kể từ đây.

Bảy ngày trôi qua dạ xoa không có cơ hội bắt đứa bé vì oai lực chư thiên lớn hơn, nó không dám đến gần.

Đến ngày thứ tám dạ xoa Avaruddhaka bỏ đi. Đứa bé thoát nạn, và đức Phật cho biết nó sẽ sống thọ đến một trăm hai mươi tuổi.

Thời gian sau, đến tuổi trưởng thành, thiếu niên Āyuvaḍḍhana với đoàn tuỳ tùng 500 thiếu niên khác du hành đến Sāvatthi vào chùa Jetavana đảnh lễ đức Phật và chư tăng.

Các vị tỳ kheo thấy thiếu niên nầy mới bảo nhau: “Hãy xem thiếu niên nầy đáng lẽ phải chết hồi nhỏ nhưng bây giờ cậu ta lại được tăng tuổi thọ và có quyền lực đi đâu cũng có tuỳ tùng vây quanh. Chắc phải có lý do gia tăng tuổi thọ cho các chúng sanh”.

Đức Thế tôn nghe vậy, Ngài dạy rằng: “không phải chỉ là tăng trưởng tuổi thọ, mà các chúng sanh nầy khi đảnh lễ kính lễ bậc hạnh đức thì được tăng trưởng bốn sự kiện, được thoát khỏi tai hoạ và sống đến hết tuổi thọ”. Nói xong Ngài đọc lên bài kệ: “Abhivādanasīlissa … āyu vaṇṇo sukhaṃ balan ’ti”.

Dứt pháp thoại, thiếu niên Āyuvaḍḍhana và 500 tuỳ tùng đã trú trong quả dự lưu.

*

Chánh văn:

Abhivādanasīlissa

niccaṃ vuḍḍhāpacāyino

cattāro dhammā vaḍḍhanti

āyu vaṇṇo sukhaṃ balaṃ.

(dhp 109)

*

Thích văn:

abhivādanasīlissa [chỉ định cách số ít nam tính của hợp thể tính từ abhivādanasīlī (abhivādana + sīlī)] có thói quen đảnh lễ.

niccaṃ [trạng từ] thường xuyên, thường có.

vuḍḍhāpacāyino [chỉ định cách số ít nam tính của hợp thể tính từ vuḍḍhāpacāyī (vuḍḍha + apacāyī)] có sự tôn kính, có sự kính trọng.

cattāro [chủ cách số nhiều nam tính của số mục tính từ catu] bốn, số 4.

dhammā [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính dhamma] các pháp, các sự kiện.

vaḍḍhanti [động từ hiện tại ngôi III số nhiều (căn vaḍḍh + a)] tăng trưởng, lớn mạnh, phát triển.

āyu [chủ cách số ít của danh từ trung tính āyu] tuổi, tuổi thọ, thọ mạng.

vaṇṇo [chủ cách số ít của danh từ nam tính vaṇṇa] màu da, dung sắc.

sukhaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính sukha] sự an vui, lạc.

balaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính bala] sức mạnh; thế lực.

*

Việt văn:

Người thường hay đảnh lễ

kính trọng bậc trưởng thượng

bốn pháp được tăng thịnh:

thọ, sắc, lạc, sức mạnh.

(pc 109)

*

Chuyển văn:

Āyu vanno sukhaṃ balaṃ cattāro dhammā abhivādanasīlissa niccaṃ vuḍḍhāpacāyino vaḍḍhanti.

Bốn pháp là thọ mạng, dung sắc, an lạc và thế lực hằng gia tăng cho người thường đảnh lễ và kính trọng bậc trưởng thượng.

*

Lý giải:

Kính trọng bậc trưởng thượng (vuddhāpacāyī), gọi là bậc trưởng thượng (vuḍḍha) theo quan niệm xã hội có bốn hạng:

1. Jātivuḍḍha _ trưởng thượng chủng sanh. Xã hội Ấn thời xưa quan niệm người sanh ở giai cấp Bà la môn và sát đế lỵ là hạng cao quí đáng được kính trọng. Quan niệm nầy không được Phật giáo chấp nhận.

2. Gottavuḍḍha _ trưởng thượng dòng họ. Xã hội thường có quan niệm người mang họ tộc của vua chúa, quan lại ..v.v.. là hạng đáng được kính trọng. Quan niệm nầy cũng không được chấp nhận trong Phật giáo.

3. Vayovuḍḍha _ trưởng thượng tuổi tác. Trong xã hội kể cả trong Phật giáo, người cao niên, thâm niên là những người cần được kính trọng, như anh chị là bậc trưởng thượng của em út, cha mẹ là bậc trưởng thượng của con cái, ông bà là bậc trưởng thượng của cháu chắt, người xuất gia là bậc trưởng thượng của người tại gia, tỳ kheo là bậc trưởng thượng của sa di, các tỳ kheo cao hạ là bậc trưởng thượng của tỳ kheo thấp hạ ..v.v..

4. Guṇavuḍḍha _ trưởng thượng đức hạnh. Trong Phật giáo, bậc thánh dù là sa di trẻ tuổi hay tỳ kheo mới tu, cần được kính trọng đặc biệt vì các vị ấy là bậc trưởng thượng do đức hạnh.

Người có tâm kính trọng người khác được thể hiện qua cữ chỉ cung kính, lời nói cung kính, ý nghĩ cung kính, là người hạ mình, dẹp bỏ ngạo mạn.

Pháp cung kính (apacāyana) là một trong mười việc tạo phước, gọi là phước nghiệp sự (puññakiriyavatthu), cung kính là nghiệp tạo phước đức.

Sống thọ do phước đức, có dung sắc do phước đức, có sự an vui cũng do phước đức, có thế lực cũng do phước đức.

Bốn pháp: sống lâu (āyu), sắc đẹp (vaṇṇo), an vui (sukhaṃ), sức mạnh (balaṃ) đã thành bốn pháp chúc tụng trong Phật giáo. Nhưng xét ra người được chúc tụng nếu không hành trì nguyên nhân tạo phước đức thì cũng không tăng trưởng được bốn pháp chúc mừng ấy.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn