Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | VII. Phẩm Alahán (arahantavagga) _ Kệ số 8 (dhp 97)

Sunday, 25/12/2022, 08:18 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 25.12.2022


VII

PHẨM A LA HÁN

(arahantavagga)

VII. Phẩm Alahán _ Kệ số 8 (dhp 97)

Duyên sự:

Bài kệ nầy được đức Phật thuyết khi Ngài trú ở Jetavana Sāvatthi, đề cập đến trưởng lão Sāriputta.

Một thời có khoảng ba mươi vị tỳ kheo lâm tăng đi về Sāvatthi yết kiến bậc Đạo sư. Sau khi đảnh lễ đức Thế Tôn, đã ngồi lại nghe Ngài thuyết pháp. Đức Thế tôn thấy các tỳ kheo ấy có duyên lành chứng quả A la hán với tuệ đạt thông, Ngài gọi trưởng lão Sāriputta và hỏi:

“-Này Sāriputta, Ngươi có tin điều ta thuyết tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền có mục đích bất tử, có cứu cánh bất tử chăng?”

Trưởng lão Sāriputta trả lời đức Thế Tôn:

“-Bạch đức Thế Tôn, chỉ với những ai chưa biết, chưa thấy, chưa hiểu, chưa chứng, chưa đắc, thì những người ấy mới tin vào người khác nói ngũ quyền có mục đích bất tử, có cứu cánh bất tử. Riêng con đạt đến cứu cánh không phải do niềm tin nơi đức Thế Tôn nói ngũ quyền có mục đích bất tử, có cứu cánh bất tử”.

Ba mươi vị tỳ kheo ấy ngồi nghe trưởng lão nói không tin vào đức Phật, họ không hiểu ý nghĩa lời nói ấy nên chê trách trưởng lão là một vị thượng thủ thinh văn mà còn không có niềm tin nơi bậc Đạo Sư tệ thật ! Đức Phật nghe được mấy lời trách cứ của các tỳ kheo, Ngài phán dạy rằng: “Sāriputta đã trả lời như vậy là đúng ý ta hỏi. Thật vậy, một người chỉ đặt niềm tin suông mà không tu tập ngũ quyền, không phát triển Chỉ Quán thì không có khả năng chứng đắc đạo quả. Nên khi ta hỏi có tin điều ta thuyết chăng? Sāriputta lấy kinh nghiệm thực chứng mới trả lời là không phải do tin đức Thế tôn mà chứng ngộ. Nầy các tỳ kheo, Sāriputta không đáng bị khiển trách”.

Đức Thế Tôn thuyết pháp cho các tỳ kheo và nói lên bài kệ để kết luận: “Assaddho akataññū ca ..v.v..”.

Khi dứt bài kệ, ba mươi vị tỳ kheo ẩn lâm ấy đã đắc A la hán với bốn tuệ đạt thông.

*

Chánh văn:

Assaddho akataññū ca

sandhicchedo ca yo naro

hatāvakāso vantāso

sa ve uttamaporiso.

(dhp 97)

*

Thích văn:

assaddho [chủ cách số ít nam tính của hợp thể danh từ chuyển hoá (na + saddhā + a)] người không cả tin, không có niềm tin suông.

akataññū [chủ cách số ít nam tính của hợp thể danh từ chuyển hoá akata (vô vi, không bị tạo tác, níp bàn) + ñū (người hiểu biết, người giác ngộ)] người hiểu pháp vô vi, người chứng ngộ níp bàn.

sandhicchedo [chủ cách số ít nam tính của hợp thể tính từ (sandhi + cheda)] người đã cắt đứt sự tục sinh luân hồi.

yo [chủ cách số ít nam tính của phiếm chỉ đại từ ya] ai, người nào.

naro [chủ cách số ít của danh từ nam tính nara] con người.

hatāvakāso [chủ cách số ít nam tính của hợp thể tính từ (hata + avakāsa + ṇa)] người đã huỷ hoại cơ hội, huỷ bỏ điều kiện tái sanh.

vantāso [chủ cách số ít nam tính của hợp thể tính từ (vanta + āsā + ṇa)] người đã chối bỏ ước vọng, đã hết mong muốn.

sa [hình thức chuyển đổi so. Chủ cách số ít của chỉ thị đại từ ta] vị ấy, người ấy.

ve [bất biến từ] quả là, thật là.

uttamaporiso [chủ cách số ít nam tính của hợp thể danh từ (uttama + porisa)] bậc thượng nhân, mẩu người cao thượng.

*

Việt văn:

Không tin, hiểu vô vi

cắt đứt dòng tục sinh

huỷ cơ hội, tuyệt vọng

đúng là bậc thượng nhân.

(pc 97)

*

Chuyển văn:

Yo naro assaddho akataññū ca sandhicchedo hatāvakāso vantāso ca so ve uttamaporiso.

Người mà không cả tin, thấu hiểu pháp vô vi, cắt đứt dòng tương tục, huỷ bỏ cơ hội, ước vọng tiêu tan, người ấy thật sự là bậc thượng nhân.

*

Lý giải:

Bài kệ nầy đức Phật cũng mô tả trạng thái của bậc A la hán. Ở đây, đức Phật dùng từ Uttamaporisa bậc thượng nhân, con người cao quí, cao thượng, chỉ cho bậc Lậu tận A la hán.

Trong bài kệ nầy, vị A la hán được mô tả với năm đức tính:

Không cả tin (assaddho) tất cả bậc thánh tự chứng nghiệm chân lý, chứ không phải đắc đạo quả do niềm tin ở đức Phật hay dựa vào người khác ban cho. Khi chưa giác ngộ thì tin vào lời nói của người khác để đi theo con đường tu tập, nhưng khi giác ngộ rồi thì sự thành tựu ấy do nỗ lực cá nhân, ví như người thợ khéo lúc mới học nghề thì nghe và tin lý thuyết của thầy dạy nghề, đến khi anh ta với tay nghề khéo là do kinh nghiệm bản thân.

Thấu hiểu pháp vô vi (akataññū). Chú giải: Akataṃ nibbānaṃ jānātī ’ti akataññū hiểu rõ níp bàn gọi là thấu hiểu pháp vô vi (vì níp bàn không bị tạo bởi duyên). Thấu hiểu pháp vô vi nghĩa là chứng ngộ níp bàn (Akataññū sacchikatanibbāno’ ti attho).

Cắt đứt dòng tương tục (sandhicchedo), theo chú giải: “vaṭṭasandhiṃ saṃsārasandhiṃ chinditvā ṭhito ’ti sandhicchedo” đoạn tuyệt tục sinh luân hồi, gọi là cắt đứt dòng tương tục.

Huỷ bỏ cơ hội (hatāvakāso), theo chú giải: “kusalākusalakammabījassa khīṇattā nibbattanāvakāso hato assā ’ti hatāvakāso” trạng thái tiêu hoại chủng tử nghiệp thiện và bất thiện là cơ hội tái sanh, gọi là huỷ bỏ cơ hội.

Hy vọng tiêu tan (vantāso), theo chú giải: “catūhi maggehi kattabbakiccassa katattā sabbā āsā iminā vantā ’ti vantāso” việc cần làm đã làm xong (tức phiền não được đoạn tận) bằng bốn thánh đạo, mọi hy vọng tu tiến đã dứt, gọi là hy vọng tiêu tan, cũng như vị thái tử đã làm lễ quán đảnh (lên ngôi vua) thì mọi hy vọng được làm vua đã chấm dứt.

Vị A la hán có năm đức tính như vậy, vị ấy được gọi là bậc cao thượng.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn