- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học ngày 27.10.2022
VI
PHẨM HIỀN TRÍ
(Paṇḍitavagga)
VI. Phẩm Hiền Trí_ Kệ số 2 (dhp 77)
Duyên sự:
Bài kệ nầy được đức Phật thuyết tại thành Sāvatthi khi Ngài trú ở Jetavana, vì câu chuyện của nhóm tỳ kheo Assaji và Punabbasuka ở thị trấn Kīṭāgiri.
Thời ấy có nhóm lục quần tỳ kheo (chabbaggiyabhikkhu), gồm sáu vị là Assaji, Punabbasuka, Mettiya, Bhummajaka, Paṇḍuka và Lohitaka. Họ chia thành ba nhóm: Nhóm do hai tỳ kheo Assaji và Punabbasuka cai quản gồm 500 tuỳ tùng trú ở thị trấn Kīṭāgiri; một nhóm do hai tỳ kheo Mettiya và Bhummajaka lãnh đạo gồm 500 tuỳ tùng trú tại thành Rājagaha; nhóm thứ ba do hai tỳ kheo Paṇḍuka và Lohitaka cầm đầu gồm 500 tuỳ tùng trú tại thành Sāvatthi. Tất cả các vị nhóm lục sư đều là đệ tử của nhị vị thượng thủ thinh văn.
Nói về nhóm tỳ kheo Assaji và Punabbasuka ở thị trấn Kīṭāgiri. Họ là những tỳ kheo quấy ác, vô liêm sĩ, có sở hành đồi bại, mất đạo đức, quấy nhiểu các gia đình cư sĩ ..v.v..
Một tỳ kheo vãng lai đi đến thị trấn ấy được một cận sự nam thỉnh về nhà cúng dường thực phẩm và hỏi thăm biết được vị tỳ khưu nầy đi đến Sāvatthi đảnh lễ đức Phật. Người cận sự nam bèn trình bày tình hình rối ren ở Kīṭāgiri cho vị khách tăng nghe và nhờ vị nầy trình bạch với Đức Thế tôn.
Vị tỳ kheo ấy tuần tự du hành và đến thành Sāvatthi. Sau khi đảnh lễ đức Phật, tỳ kheo ấy trình bày với Ngài mọi việc được nghe ở Kīṭāgiri.
Đức Thế tôn liền hội họp chư tăng để xác minh sự việc hư thực. Sau khi xác minh sự việc ấy, đức Thế Tôn bảo hai vị thượng thủ Thinh Văn đi đến đó với đoàn tuỳ tùng để giáo huấn nhóm tỳ kheo hư hỏng Assaji và Punabbasuka, nếu không nghe thì trục xuất các tỳ kheo ấy khỏi địa phương. Đức Phật còn dạy thêm: Tất nhiên, người giáo huấn dạy dỗ thì được người trí ái kính và bị kẻ ngu muội oán ghét. Rồi đức Phật nói lên bài kệ nầy: “Ovadeyyānusāseyya … asataṃ hoti appiyo’ti”.
*
Chánh văn:
Ovadeyyānusāseyya
asabbhā ca nivāraye
satañhi so piyo hoti
asataṃ hoti appiyo.
(dhp 77)
*
Thích văn:
ovadeyyānusāseyya [hợp âm ovadeyya anusāseyya]
ovadeyya [động từ khả năng cách ngôi III số ít (ava + căn vad)] giáo giới, giáo huấn.
anusāseyya [động từ khả năng cách ngôi III số ít (anu + căn sās) dạy dỗ, chỉ dạy.
asabbhā [xuất xứ cách số ít của tính từ asabbha (na + sabbha)] điều không tốt, điều xấu, điều quấy.
nivāraye [động từ khả năng cách hình thức attanopada, ngôi III số ít (ni + căn var)] ngăn chận, cản trở, cấm ngăn.
satañhi [hợp âm sataṃ hi]
sataṃ [sở thuộc cách số nhiều của hiện tại phân từ santa (căn sam) an tịnh; người an tịnh, người đức hạnh, người tốt.
asataṃ [sở thuộc cách số nhiều của hợp thể danh từ asanta (na + santa)] của những người không đức hạnh, của những người xấu.
piyo [chủ cách số ít nam tính của tính từ piya] khả ái, đáng yêu; người khả ái, người yêu thương.
appiyo [chủ cách số ít nam tính của tính từ appiya (na + piya)] không khả ái, không đáng yêu; người khả ố, người đáng ghét.
hoti [động từ hiện tại ngôi III số ít (căn hū + a)] là, trở thành.
*
Việt văn:
Người dạy dỗ giáo huấn
người khuyên can điều quấy
khả ái với người tốt
khả ố với người xấu.
(pc 77)
*
Chuyển văn:
Ovadeyya anusāseyya asabbhā ca nivāraye, so hi sataṃ piyo hoti asataṃ appiyo hoti.
Người hay dạy dỗ, hay giáo huấn, hay khuyên ngăn điều ác quấy. Người ấy, quả thật vậy, là người đáng yêu của người tốt, nhưng là người đáng ghét đối với những kẻ xấu.
*
Lý giải:
Xưa nay là vậy, cổ nhân cũng nói: “Trung ngôn nghịch nhĩ” (lời ngay trái tai). Phần đông con người do tự phụ, không thích người khác dạy đời hay khuyên can.
Chỉ có các bậc hiền trí mới vui lòng đón nhận những lời chỉ dạy khuyên răn, vì bậc trí thấy được lợi ích của lời giáo huấn.
Vì thế, đối với bậc hiền trí mới xem người khuyên nhắc, chỉ dạy mình, là người đáng yêu kính.
Trái lại, đối với những kẻ ác xấu tiểu nhân thì họ không ưa người nào dạy dỗ khuyên ngăn họ. Họ xem người khuyên dạy họ là người đáng ghét. Đúng như câu: “giáo đa thành oán” (dạy dỗ nhiều thì người ta oán ghét).
Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn