Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | VI. Phẩm Hiền Trí (Paṇḍitavagga) _ Kệ số 12, 13, 14 (dhp 87, 88, 89)

Sunday, 27/11/2022, 09:00 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 27.11.2022


VI

PHẨM HIỀN TRÍ

(Paṇḍitavagga)

VI. Phẩm Hiền Trí _ Kệ số 12, 13, 14 (dhp 87, 88, 89)

Duyên sự:

Ba bài kệ nầy đức Phật thuyết ở Sāvatthi khi Ngài ngự tại chùa Jetavana, thuyết cho 500 tỳ kheo khách tăng.

Có 500 vị tỳ kheo trong xứ Kosala sau khi đã an cư mùa mưa, mãn an cư các vị muốn yết kiến bậc đạo sư nên đi đến Jetavana.

Chư vị vào đảnh lễ đức Phật và ngồi xuống một bên. Thông lệ đức Phật thăm hỏi các vị tỳ kheo khách tăng về sự tu hành, về sự khó khăn hay dễ dàng nuôi mạng ..v.v..

Đức Thế Tôn lắng nghe những chuyện tu tập thuận duyên nghịch cảnh của các vị ấy trình bày. Đức Thế Tôn đã thuyết pháp khích lệ họ, xong Ngài nói lên ba bài kệ: “Kaṇhaṃ dhammaṃ vippahāya … te loke parinibbutā ’ti”.

Dứt pháp thoại, các vị tỳ kheo chứng đắc thánh quả, có vị đắc hữu học, có vị đắc a la hán.

*

Chánh văn:

Kaṇhaṃ dhammaṃ vippahāya

sukkaṃ bhāvetha paṇḍito

okā anokaṃ āgamma

viveke yattha dūramaṃ.

(dhp 87)

Tatrābhiratimiccheyya

hitvā kāme akiñcano

pariyodapeyya attānaṃ

cittaklesehi paṇḍito.

(dhp 88)

Yesaṃ sambodhiyaṅgesu

sammā cittaṃ subhāvitaṃ

ādānapaṭinissagge

anupādāya ye ratā

khīṇāsavā jutimanto

te loke parinibbutā.

(dhp 89)

*

Thích văn:

kaṇhaṃ [đối cách số ít nam tính của tính từ kaṇha] đen, xấu.

dhammaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính dhamma] pháp, tính chất, trạng thái.

vippahāya [bất biến quá khứ phân từ “vi + pa + căn hā + ya”] sau khi từ bỏ, đã từ bỏ rồi.

sukkaṃ [đối cách số ít nam tính của tính từ sukka] trắng, tốt.

bhāvetha [động từ khả năng cách ngôi III số ít, hình thức attanopada (căn bhū + e)] phát triển, tu tập.

paṇḍito [chủ cách số ít của danh từ nam tính paṇḍita] người trí, bậc hiền trí.

okā [xuất xứ cách số ít của danh từ trung tính oka] chỗ ở, nhà; từ nhà.

anokaṃ [đối cách số ít trung tính của tính từ anoka (an + oka)] vô gia cư, không nhà.

āgamma [bất biến quá khứ phân từ “ā + căn gam + ya”] đã đi đến, sau khi đến.

viveke [định sở cách số ít của danh từ nam tính viveka] sự vắng vẻ, sự tách biệt, sự viễn ly.

yattha [trạng từ] ở đâu, tại chỗ nào, nơi mà.

dūramaṃ [trạng từ _ hình thức trung tính đối cách số ít (du + rama)] khó thích thú, khó hoan hỷ.

tatrābhiratimiccheyya [hợp âm tatra abhiratiṃ iccheyya]

tatra [trạng từ] tại đấy, ở đấy.

abhiratiṃ [đối cách số ít của danh từ nữ tính abhirati] sự thoả thích, sự hoan hỷ.

iccheyya [động từ khả năng cách ngôi III số ít [căn is + a + eyya)] nên ước muốn.

hitvā [bất biến quá khứ phân từ “căn hā + tvā”) sau khi bỏ lại, sau khi từ bỏ.

kāme [đối cách số nhiều của danh từ nam tính kāma] các dục.

akiñcano [chủ cách số ít nam tính của tính từ akiñcana] không có gì, không sở hữu.

pariyodapeyya [động từ khả năng cách ngôi III số ít (pari + ava + căn dā + ape)] nên làm cho sạch, nên làm cho tinh khiết, nên thanh lọc.

attānaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính atta (biệt ngữ)] ta, tự mình, chính mình.

cittaklesehi [xuất xứ cách số nhiều của hợp thể danh từ nam tính cittaklesa (citta + klesa/kilesa)] khỏi các ô nhiễm của tâm.

yesaṃ [sở thuộc cách số nhiều nam tính của quan hệ đại từ “ya”] đối với những người nào, của những người mà.

sambodhiyaṅgesu [định sở cách số nhiều của hợp thể danh từ nam tính sambodhiyaṅga (sambodhi + y + aṅga)] trong các chi phần giác ngộ, các giác chi.

sammā [trạng từ] chánh, đúng đắn, chân chính.

cittaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính citta] tâm, tư tưởng.

subhāvitaṃ [chủ cách số ít trung tính của hợp thể tính từ subhāvita (su + bhāvita)] khéo tu tập, khéo phát triển.

ādānapaṭinissagge [định sở cách số ít của hợp thể danh từ nam tính ādānapaṭinissagga (ādāna + paṭinissagga)] trong sự xã bỏ chấp thủ.

anupādāya [bất biến quá khứ phân từ “na + upādāya = upa + ā + căn dā + ya”] sau khi không còn chấp thủ, vô thủ trước.

ye [chủ cách số nhiều nam tính của quan hệ đại từ “ya”] những người nào, những vị mà.

ratā [chủ cách số nhiều nam tính của quá khứ phân từ rata (căn ram + ta)] đã vui thích, đã hoan hỷ.

khīṇāsavā [chủ cách số nhiều của hợp thể danh từ nam tính khīṇāsava (khīṇa + āsava)] những bậc lậu tận, những người có lậu hoặc được đoạn trừ.

jutimanto [chủ cách số nhiều nam tính của danh tính từ jutimantu (juti + mantu)] có ánh sáng; những người toả sáng, những người rực rỡ.

te [chủ cách số nhiều nam tính của chỉ thị đại từ “ta”] những người ấy, các vị ấy.

loke [định sở cách số ít của danh từ nam tính loka] trong đời, trong thế gian.

parinibbutā [chủ cách số nhiều nam tính của quá khứ phân từ parinibbuta (pari + i + căn vā] tịch diệt, viên tịch.

*

Việt văn:

Người trí bỏ pháp đen

tu tập theo pháp trắng

bỏ nhà, sống không nhà

sống viễn ly khó lạc.

(pc 87)

Hãy cầu vui ẩn dật

bỏ dục, không sở hữu

bậc trí tự thanh lọc

các cấu uế nội tâm.

(pc 88)

Những ai tâm chân chánh

khéo tu tập giác phần

dứt bỏ mọi ái chấp

hoan hỷ không thủ trước

vị ấy chói sáng đời

bậc Lậu tận, tịch diệt.

(pc 89)

*

Chuyển văn:

Paṇḍito kaṇhaṃ dhammaṃ vippahāya sukkaṃ bhāvetha okā anokaṃ āgamma yattha viveke dūramaṃ tatra abhiratiṃ iccheyya. Akiñcano paṇḍito kāme hitvā cittaklesehi attānaṃ pariyodapeyya.

Yesaṃ cittaṃ sambodhiyaṅgesu sammā subhāvitaṃ ye anupādāya ādānapaṭinissagge ratā te loke jutimanto khīṇāsavā parinibbutā.

Bậc trí phải từ bỏ pháp đen, tu tập pháp trắng. Bỏ nhà sống không nhà. Nên mong cầu vui trong sạch viễn ly nơi mà khó thích thú. Bậc trí vô sở hữu sau khi từ bỏ các dục nên tự mình thanh lọc các cấu uế nội tâm.

Đối với ai có tâm chân chánh khéo tu tập các chi phần giác ngộ, ai không chấp thủ, thoả thích trong sự từ bỏ chấp thủ, những vị ấy là những vị chói sáng ở đời, là những vị lậu tận, hoàn toàn tịch diệt.

*

Lý giải:

Ba bài kệ nầy đức Phật thuyết sách tấn các vị tỳ kheo khách tăng, Ngài dạy từ thấp lên cao.

Trước hết, đức Phật dạy một vị có trí nên từ bỏ hắc pháp (kaṇhaṃ dhammaṃ) và tu tập bạch pháp (sukkaṃ dhammaṃ).

Hắc pháp hay pháp đen tức là pháp bất thiện như thân ác hạnh, khẩu ác hạnh, ý ác hạnh.

Bạch pháp hay pháp trắng tức là thân thiện hạnh, khẩu thiện hạnh, ý thiện hạnh.

Kế đến, đức Phật dạy nên bỏ nhà sống không nhà, cầu vui hạnh viễn ly vốn khó thích thú.

Điều nầy có hai ý nghĩa:

- Vị tỳ kheo nên vui với đời sống viễn ly chốn rừng núi thanh vắng, không quyến luyến trú xứ nào. Núi rừng là nơi vắng vẻ chỉ khả ái đối với người thích sống viễn ly nhưng người đời khó thích thú.

- Một ý nghĩa khác, okaṃ đồng nghĩa với ālayo (sở trụ, tham luyến) anokaṃ đồng nghĩa với anālayo (vô sở trụ, không tham luyến). Anālayo ám chỉ nibbānaṃ (níp bàn). Do đó, câu okā anokaṃ āgamma viveke yattha dūramaṃ tatra abhiratiṃ iccheyya theo chú giải, vị tỳ kheo tu tập nên tha thiết với cứu cánh níp bàn vô ái trước, viễn ly sanh y, một trạng thái mà chúng sanh thường tình khó hoan hỷ.

Rồi đức Phật dạy thêm, sau khi từ bỏ các dục [như vật dục (vatthukāma), phiền não dục (kilesakāma)], không sở hữu cái gì nữa, bậc trí nên thanh lọc, gội rửa sạch các cấu uế của tâm [tức là thanh lọc năm cấu uế triền cái (pañcahi nīvaranehi)].

Sau cùng đức Phật khẳng định, người mà có tâm khéo tu tập bảy giác chi (sambodhiyaṅga = sambojjhaṅga) theo đúng phương pháp; không còn chấp thủ với dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ, hoan hỷ trong sự buông bỏ chấp thủ, thì người ấy thấp sáng trí tuệ a la hán đạo, chứng được a la hán quả tận diệt mọi lậu hoặc thành bậc lậu tận (khīṇāsava); Những vị A la hán tịch diệt phiền não luân hồi và uẩn luân hồi, khi tận diệt phiền não thì gọi là hữu dư y níp bàn (sa_upādisesanibbānaṃ), khi tận diệt uẩn tái sanh thì gọi là vô dư y níp bàn (anupādisesanibbānaṃ).

Dứt phẩm thứ sáu

Phẩm hiền trí

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn